Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
nhung-nguoi-khai-sinh-phong-trao-goi-hon Những người khai sinh phong trào “gọi hồn”
Friday, 02/01/2015 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

“Gọi hồn” là một hình thức ngoại cảm phổ biến ở nhiều nước kém phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng phong trào “gọi hồn” này lại được bắt nguồn và phát triển cực thịnh ở Mỹ, một đất nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ những năm 1840…

“Gọi hồn” là một hình thức ngoại cảm phổ biến ở nhiều nước kém phát triển trên thế giới. Đây là một nghi lễ được các nhà ngoại cảm thực hiện với niềm tin rằng họ có thể nói chuyện được với linh hồn của những người đã chết và giúp những linh hồn này giao tiếp với những người đang sống.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng phong trào “gọi hồn” này lại được bắt nguồn và phát triển cực thịnh ở Mỹ, một đất nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ những năm 1840. Phong trào này sau đó lan rộng sang các nước ở châu Âu với tốc độ chóng mặt. Theo thống kê, đến năm 1897, phong trào “gọi hồn” này đã thu hút được khoảng 8 triệu tín đồ đến từ Mỹ và các quốc gia châu Âu, trong đó phần lớn xuất thân từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội. Chỉ đến những năm đầu thập niên 1920, phong trào này mới bắt đầu lắng xuống và dần dần suy thoái.

Chị em nhà Fox, những người khai sinh phong trào “gọi hồn”.

Lại nói về khởi nguồn của phong trào “gọi hồn” này, nó bắt đầu từ một căn nhà tồi tàn ở làng Hydesville, thành phố New York, Mỹ vào ngày 31/3/1848. Ngày hôm đó, hai chị em gái Kate và Maggie Fox, sống trong ngôi nhà này, đã tuyên bố với bà mẹ mê tín và những người hàng xóm của mình rằng họ có thể nói chuyện được với linh hồn của người chủ nhà bị sát hại trước đây thông qua những tiếng gõ bí ẩn gần giống như mã Morse.

Những người hàng xóm đến nói chuyện với “linh hồn” này đều được kể những chuyện khiến họ tin sái cổ, và những người nông dân trong làng dần dần tin vào khả năng “ngoại cảm” của hai cô gái này. Tiếng đồn vang xa, hai chị em nhà Fox trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ với khả năng “ngoại cảm” kỳ diệu của mình.

Đến tháng 11/1849, cả hai chị em đều tổ chức những buổi cầu hồn công khai nhằm thể hiện khả năng ngoại cảm của mình, đánh dấu sự ra đời của phong trào “cầu hồn” nở rộ ở nước Mỹ.

Rất đông người Mỹ đã kéo đến làng quê hẻo lánh này để diện kiến hai chị em nhà Fox với mong ước được nói chuyện với những người thân đã khuất của họ. Hai chị em này tiếp tục xuất hiện tại nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ để làm lễ “cầu hồn”. Lúc đó, người chị cả của họ tên là Leah Fox vốn bị chồng bỏ và đang sống trong nghèo túng cũng đã gia nhập với 2 cô em tham gia vào phong trào cầu hồn.

Một số tờ báo và phương tiện thông tin trên nước Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ rằng đây là trò lừa đảo của chị em nhà Fox, tuy nhiên điều đó không ngăn cản được dòng người đổ về đây để gặp gỡ họ, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để được ưu tiên diện kiến các “cô đồng” này.

Một buổi “gọi hồn” ở đất Mỹ.

Chẳng bao lâu sau, bỗng nhiên nước Mỹ xuất hiện một loạt các “nhà ngoại cảm” mới cũng tuyên bố rằng họ đã khám phá ra năng lực siêu nhiên tiềm ẩn của mình, và phong trào tổ chức các buổi cầu hồn trở nên không thể kiểm soát nổi. Một nhà ngoại cảm nổi tiếng khác trong thời kỳ này là Cora L. V. Scott, một phụ nữ xinh đẹp có khả năng “nói chuyện với linh hồn” khiến các quý ông mê mẩn.

Một nhà ngoại cảm khác nổi tiếng không kém là Achsa W. Sprague, người tuyên bố rằng mình có khả năng nói chuyện với linh hồn sau một trận ốm thập tử nhất sinh và đã đi khắp nước Mỹ tổ chức các buổi thuyết giảng về cầu hồn cho đến khi mất vào năm 1861.

Tuy nhiên, các nhân vật này vẫn không thể nào sánh được về mức độ nổi tiếng với chị em nhà Fox. Ba chị em này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội Mỹ thời đó, trong đó có chủ bút Horace Greeley, người dành hẳn một phần trong tòa biệt thự của mình cho chị em nhà Fox.

Greeley rất đau lòng khi con trai ông đột ngột qua đời đúng vào thời điểm tờ báo của ông đang điều tra về chị em nhà Fox. Và ý nghĩ được nói chuyện với linh hồn của đứa con trai đã khuất khiến Greeley thay đổi thái độ từ hoài nghi sang tin tưởng tuyệt đối vào các nhà ngoại cảm này. Ông này còn đề nghị chu cấp tiền ăn học cho chị em nhà Fox, và chị cả Leah đã nhất trí để cô em út Kate đi học nhưng kiên quyết giữ lại Maggie, người tỏ ra có năng lực “cầu hồn” thuyết phục hơn cả.

Nhiều người đã nghi ngờ rằng những tiếng gõ xuất hiện trong các buổi cầu hồn của chị em nhà Fox là do tiếng kêu phát ra từ ngón tay, khớp gối và mắt cá của họ, hoặc được sự hỗ trợ của một loại máy móc nào đó. Nhiều ủy ban điều tra đã được lập ra để khám phá bí mật này, nhưng thông qua kiểm tra bằng mắt thường họ vẫn không phát hiện ra bất cứ sự gian dối nào.

Thậm chí trong một cuộc kiểm tra, người ta đã trói chặt khớp mắt cá chân của chị em nhà Fox, tuy nhiên họ vẫn tìm cách tạo ra được những tiếng gõ đầy bí ẩn. Các ủy viên kiểm tra nữ còn kiểm tra đồ lót của họ để chắc chắn rằng không có thiết bị nào được giấu bên trong, và cuối cùng các ủy ban này đều phải thừa nhận rằng họ không phát hiện ra trò lừa đảo nào.

Tuy nhiên, hành vi của chị em nhà Fox cũng khiến nhiều người tỏ ý hoài nghi. Người ta thỉnh thoảng bắt gặp chị cả Leah tìm cách moi thông tin cá nhân của những người tham gia lễ cầu hồn của hai cô em nhằm giúp “linh hồn” đưa ra câu trả lời chính xác. Họ cũng tỏ ra xuất sắc trong việc nói chuyện với linh hồn của những người đã chết, tuy nhiên những lần “cầu hồn” này không phải lúc nào cũng trơn tru như họ mong đợi.

Trong một buổi cầu hồn cựu Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin, một người tham gia thắc mắc rằng linh hồn của Franklin bỗng nhiên ăn nói sai ngữ pháp tùm lum, và Maggie Fox đã đạp mạnh vào bàn cầu hồn và trả lời cụt lủn: “Các người biết là ta không bao giờ hiểu ngữ pháp!” Thế nhưng những buổi cầu hồn đầy mập mờ này vẫn thuyết phục được rất nhiều người tin vào tài năng của các “nhà ngoại cảm” này, và việc làm ăn của họ ngày càng nở rộ.

Một thời gian sau, Maggie tuyên bố từ bỏ nghề ngoại cảm để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Cô đến chung sống với nhà thám hiểm Bắc Cực Elisha Kent Kane, nhưng họ vấp phải sự phản đối của gia đình nên không được chính thức kết hôn. Tuy nhiên, Kane đột ngột qua đời vào năm 1857, để lại Maggie đau khổ trong tình trạng không một xu dính túi. Cô bắt đầu quay trở lại với nghề gọi hồn, rồi trở nên nghiện rượu, và tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của cô ngày một suy sụp.

Về phần mình, cô em Kate cũng bắt đầu phải trả giá cho sự nổi tiếng bằng nghề ngoại cảm của mình. Kate bắt đầu uống rượu, và thói quen này đã hủy hoại những buổi cầu hồn của cô. Năm 1871, cô tới nước Anh và truyền bá nghi thức cầu hồn cho rất nhiều tín đồ người Anh, rồi sau đó kết hôn với HenryJencken và có 2 đứa con trai.

Đến năm 1885, phong trào cầu hồn bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, và những cuộc điều tra về dấu hiệu lừa đảo được tổ chức ngày càng nhiều. Đây cũng là năm khởi đầu cho nhiều bi kịch cho chị em nhà Fox. Maggie bị một ủy ban điều tra ở New York triệu tập để chứng tỏ khả năng của mình và cô đã thất bại một cách thảm hại. Còn Kate sau khi trở lại New York vào năm 1888 đã bị bắt giữ vì tội nghiện rượu và lười nhác, còn 2 đứa con của cô bị tống vào trại mồ côi.

Cũng trong năm này, một Maggie tàn tạ vì nghiện rượu, cô đơn và đau khổ đột ngột xuất hiện trước công chúng và tuyên bố rằng phong trào gọi hồn mà chị em nhà họ khởi xướng chỉ là trò lừa đảo. Cô bước lên sân khấu Học viện Âm nhạc New York và tuyên bố với mọi người rằng cô và Kate đã tự tạo ra những tiếng gõ bí ẩn trong ngôi nhà của họ ở Hydesville bằng cách tự bẻ ngón chân. Cô cũng nói rằng bà chị cả Leah đã ép họ phải thực hiện những buổi cầu hồn trước công chúng.

Maggie thú nhận: “Tôi đã chứng kiến quá nhiều sự lừa dối tồi tệ. Đó là lý do tôi sẵn sàng khẳng định rằng phong trào gọi hồn là trò lừa đảo tồi tệ nhất.” Ngồi trên khán đài nhìn xuống sân khấu, cô em Kate cũng lặng lẽ xác nhận lời thú nhận của chị mình.

Bà chị cả Leah sau đó đã kết hôn với một doanh nhân giàu có và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà các em mình kiếm được để tiêu xài riêng. Cô hoàn toàn quay lưng với Maggie và Kate, những cô em mà cô coi là nỗi xấu hổ của gia đình.

Cuộc đời tuyệt vọng của Kate chấm dứt vào tháng 7/1892 khi bà uống rượu tới chết ở tuổi 56. Thi thể của bà được một người con trai của mình phát hiện. Còn Margaret qua đời ở tuổi 59 vào tháng 3/1893 trong nhà một người bạn ở khu ổ chuột Brooklyn khi trong túi không còn một xu.

Nguồn: Sưu tầm

TAMTHUC