Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
ngoi-den-bat-ma-va-nguoi-dan-ong-co-kha-nang-chua-benh-tam-than Ngôi đền bắt ma và người đàn ông có khả năng chữa bệnh tâm thần
Sunday, 11/01/2015 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Đến thôn Tảo C, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chỉ cần hỏi đền Thó thì sẽ được người dân chỉ dẫn tận tình, họ mặc định những khách thập phương đến đây, chắc chắn là tìm nơi chữa bệnh cho người tâm thần.

Và lạ kỳ thay, có hàng trăm bệnh nhân đã khỏi bệnh, dù trước đó đã chạy chữa khắp nơi.

Bị vợ bỏ vì chữa bệnh tâm thần

Chúng tôi đã phải lưu lại đền Thó một thời gian khá lâu để quan sát cách chữa bệnh của ông Nguyễn Ngọc Tự, bởi thực tế thời gian gần đây có nhiều người lợi dụng các vấn đề tâm linh, cho rằng mình là “người giời” để chữa bệnh cho người khác kiếm tiền. Điều kỳ lạ là hơn chục người bệnh tâm thần từ nặng tới nhẹ, có người sắp khỏi nhưng có người chỉ cách đây ít hôm mới bị cùm chân cùm tay chở đến, nhưng không khí trong đền lúc nào cũng trật tự, bệnh nhân nghe lời ông chủ đền răm rắp, một câu thầy, hai câu dạ. Mọi sinh hoạt lao động và nghỉ ngơi của bệnh nhân đều được tuân thủ một thời gian biểu rõ ràng.

Điều đặc biệt là ngày ba bữa cơm thì cả ba bữa gia đình ông Tự đều ăn uống chung với bệnh nhân. Nhìn cách ông và vợ chăm bệnh nhân, cảm giác ân cần như đối xử với những đứa trẻ. Ông Tự cho biết: Bệnh nhân tâm thần mới đầu thường chán ăn, tìm cách đổ trộm cơm, vì vậy vợ chồng ông thường khá vất vả khi tìm cách cho họ ăn no. Có bệnh nhân phải “nịnh” như những đứa trẻ thì họ mới chịu ăn, phải tự tay vợ chồng ông bón cơm cho họ. Đáng ngại nhất là việc tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh cho những bệnh nhân nặng, nhưng chính tay vợ, chồng ông phải làm việc đó. “Những bệnh nhân mới đến nhiều người cả năm trời không tắm rửa, rồi việc tiểu, đại tiện không tự chủ. Việc đầu tiên là tôi hoặc vợ phải tắm gội cho họ sạch sẽ cho cơ thể người ta được sảng khoái. Còn việc bệnh nhân tiểu, đại tiện không tự chủ, việc rửa ráy, thay giặt quần áo cho họ là công việc rất ngại nhưng lại là việc thường xuyên của vợ chồng tôi”.

Ông Tự bảo, cũng chính vì những việc này mà người vợ cũ đã bỏ ông. “Bà ấy bỏ đi cũng có cái lý, vì ít người chịu được việc cho hàng chục người bệnh tâm thần ở trong nhà, hàng ngày phải giặt giũ, tắm rửa, hầu hạ họ mà hầu như chả thu được đồng tiền nào” – ông nói. Ông kể rằng từ năm 22 tuổi ông đã bỏ nhà đi bôn ba khắp nơi kiếm sống, ông cũng làm ăn buôn bán rồi mua nhà đất sống trên Hà Nội. Cuộc sống đang ổn định như thế thì bố ông đột tử, ông phải quay về gánh trọng trách trông coi đền và chữa bệnh thay cha. Có những lúc bệnh nhân trong gia đình ông lên tới ba chục người, người tâm thần nặng thì mất năng lực hành vi, ăn uống vệ sinh không tự chủ, vợ ông suốt ngày càu nhàu, bảo ông bị thần kinh, vợ con không lo được đi lo cho người tâm thần. Cuối cùng không chịu được, vợ ông đã bỏ đi.


Nhiều người khỏi bệnh kỳ lạ

Khi chúng tôi đến, nhiều bệnh nhân ở đền Thó đã tỏ ra tỉnh táo, có thể nói chuyện gần như bình thường, họ tỏ rõ vẻ vui sướng. Một số bệnh nhân mới đến vẫn chưa tỉnh nhưng đã có nhiều tiến triển. Có bệnh nhân hôm đến phải cùm tay, cùm chân, cho lên xe tải chở đến, la hét, đập phá mọi thứ nhưng được ít ngày đã có thể nghe mệnh lệnh từ người khác, tuân thủ việc ăn ngủ và tập luyện.

Em Nguyễn Văn Thắng xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hiện đang điều trị ở đây cho biết mình đã sắp khỏi và có thể ít ngày nữa sẽ được về. Vợ Thắng vừa mới xuống thăm chồng, kể rằng hai vợ chồng mới lấy nhau được ít tháng thì tự nhiên Thắng phát bệnh tâm thần, lúc nào cũng hoang tưởng, nói năng liên thiên, thậm chí đánh cả người thân. Nhờ người quen giới thiệu, gia đình đã đưa Thắng đến đền Thó chữa trị, mới đầu Thắng chống đối quyết liệt, có lần còn trốn về nhà. Ở đây được mấy tháng, bây giờ Thắng đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn ảo giác nữa, chỉ cần theo dõi thêm ít hôm là có thể về nhà.

Ông Tự cho biết đa phần bệnh nhân đến chữa tại đền Thó đều là những người bệnh nặng, có người 5-7 năm, có người bị cả vài chục năm, đi khắp nơi chữa trị, cúng bái, hầu đồng mở phủ tốn cả trăm triệu đồng mà không khỏi, đường cùng họ mới đến đây. Ấy vậy mà đến đền Thó, không cần thuốc thang gì, nhiều người đã khỏi bệnh trở lại làm ăn bình thường. Như bệnh nhân Nguyễn Thị Thu N (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) bị tâm thần đã nhiều năm, khi đến đền phải xích tay chân, người nhà cho biết chị rất hung hãn, có khi cầm gạch đá, dao kéo để tấn công người khác. Khi đến đền Thó chừng hơn nửa tháng, sự hung hãn của chị N được chế ngự, 6 tháng sau khi người nhà đến đón thì bệnh tình chị N gần như đã khỏi hoàn toàn.

Hay như bà Nguyễn Thị Tụ (xã Bạch Sam, Mỹ Hào, Hưng Yên) là người tâm thần mãn tính 5-6 năm nay, chạy chữa khắp nơi không khỏi nhưng đến đây mấy tháng thì bệnh đã đỡ rất nhiều. Ông Nguyễn Viết Quang, chồng bà Tụ cho hay bệnh bà phát từ năm 2009, mới đầu bà mất ngủ, nói nhiều, khóc lóc vô cớ, chửi bới bậy bạ. Gia đình đưa bà đi nhiều bệnh viện, nhưng cứ về nhà ít hôm bệnh lại tái phát, lúc nào cũng cho rằng có người đang muốn tìm giết mình và gia đình, tự đập đầu vào tường, bỏ ăn uống cả 20 ngày liền. Khi đến đền Thó, bà gầy yếu chỉ còn nhỉnh hơn 30kg, nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, bà như lột xác và tâm trí gần như đã bình thường hoàn toàn và gia đình đã làm lễ đón bà về từ hồi tháng 6 vừa rồi.

Ông Tự tâm sự làm công việc này có nhiều vất vả, thậm chí là nhiều chuyện buồn nhưng niềm vui thì rất nhiều. Ông Tụ giơ điện thoại, khoe mình vừa đi đám cưới ở Sóc Sơn, Hà Nội của một người bệnh đã từng được ông chữa trị. “Đó là một bệnh nhân trẻ, bị tâm thần hoang tưởng, có khi cả ngày cứ ngồi nhìn lên ngọn tre, bảo vợ mình đang ở trên ấy. Đến đền được mấy tháng thì bệnh nhân này đã khỏi hoàn toàn, cậu vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, đám cưới cả gia đình, bố mẹ đều xuống đây mời tôi”.


Làm vì cái tâm chứ đừng tham sân si

Những người bệnh đến với ông có nhiều lắm, trí thức, doanh nhân, giáo viên, bác sĩ, bộ đội, công an… nhưng nhiều nhất vẫn là người nghèo, bệnh tật làm gia cảnh tiêu tan, có nhiều gia đình hai anh em đều tâm thần, có trường hợp cả bố và con đều bị… Vì vậy, ông Tự nói mình không đặt vấn đề tiền nong là mục đích chữa bệnh. “Nếu làm vì đồng tiền thì có lẽ giờ tôi đã giàu có lắm rồi. Nhưng đa phần bệnh nhân tâm thần thì gia cảnh đều khó khăn, đến được đây thì đã kiệt quệ, vì vậy tôi phải khéo léo lấy bệnh nhân nọ nuôi bệnh nhân kia. Giờ mỗi tháng tôi thu của bệnh nhân từ 50.000-500.000 đồng và từ 5-30kg gạo. Số tiền đó, người nọ bù người kia thì cũng chỉ đủ tiền ăn uống cho bệnh nhân”.

Chỉ vào một bệnh nhân nam quê ở Hải Phòng, ông Tự bảo đây là bệnh nhân lâu năm nhất của ông, đã ở đền hơn 3 năm trời. “Bệnh nhân này trước đây từng là Trưởng thôn, có lần đánh người bị đi tù, ra tù vợ bỏ lại lừa bán hết đất đai, ôm tiền mất nên uất ức mà phát bệnh tâm thần. Ông tâm thần đã hai mươi mấy năm trời, đi đủ các bệnh viện mà không khỏi, đến đây thì gia cảnh đã rất khó khăn. Giờ ông đã đỡ rất nhiều có thể trở về sống cùng gia đình, ấy nhưng giờ về không biết sống cùng ai, vợ con thì không có, bố mẹ già yếu, đất đai đã bán hết, vì vậy suốt mấy năm nay bệnh nhân này vẫn ở nhà đền”. Hay như một bệnh nhân nữ quê ở Vĩnh Phúc, gia cảnh vô cùng khó khăn đã 7-8 tháng nay gia đình chỉ được một vài lần thăm nuôi rồi bỏ bẵng, không có để đóng góp tiền ăn cho nhà đền.

Không chữa bệnh bằng mê tín dị đoan

Ông Tự cho rằng, chữa bệnh cứu người là cái nghiệp truyền kiếp của những người trông coi đền Thó nhưng phương pháp chữa bệnh của ông thì không liên quan gì đến mê tín dị đoan. Theo ông thì các rối loạn tâm thần có thể thuyên giảm hoặc khỏi hẳn bằng tổ hợp các liệu pháp lao động, nghỉ ngơi, chơi thể thao và thư giãn giải trí. Ông Tự cho rằng, tập thể dục sẽ giúp cho bệnh nhân lưu thông khí huyết, khơi dậy sự tập trung chú ý. Việc cho bệnh nhân tụng kinh hoặc nghe tụng kinh giúp người bệnh tĩnh tâm, cảm thấy tinh thần được giải phóng.

Còn việc lao động sẽ giúp tác động tích cực lên vỏ não, tạo ra những xúc cảm, phản xạ có ý thức, không bị u mê hoang tưởng. Ông còn cho bệnh nhân thường xuyên chơi thể thao, hát hò văn nghệ… để giúp bệnh nhân nặng hòa đồng với những người tỉnh táo hơn, rất hữu ích cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt, có tư duy khép kín. Những biện pháp đó đã phát huy tác động rõ rệt, bởi đa phần bệnh nhân tâm thần trước đó thường bị sống cách biệt, lủi thủi một mình nên bệnh càng trầm trọng. Khi có những tác động tích cực, tâm lý họ được giải phóng và nhờ vậy nhiều người bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.

Hỏi về con số bệnh nhân được chữa khỏi, ông Tự bảo mình không thống kê số người đến và về, vì quan trọng là bệnh nhân có tiến triển tốt về với gia đình là ông cảm thấy vui. “Nói khỏi hoàn toàn thì chưa thật chính xác vì bệnh tâm thần có thể tái phát bất cứ khi nào. Có người khi trở về đã hoàn toàn bình thường, nhưng cũng có những người chỉ tiến triển ở mức độ tỉnh táo, nhận thức được mọi hành vi của mình và những người xung quanh, vì những bệnh nhân này đã bị quá lâu, có khi lên đến vài chục năm rồi” – ông Tự cho biết.

Với những người dân thôn Tảo C thì từ xưa, đền Thó nổi tiếng trong vùng với khả năng “bắt ma”, nhiều người được cho là bị ma nhập, khi đến đây tụng kinh niệm phật thì đều khỏi, gần đây thì số lượng bệnh nhân tâm thần kéo về rất đông, đa phần từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, có khi ở tận trong miền Trung, miền Nam… Một người hàng xóm nhà ông Tự cho biết, có lúc trong nhà ông Tự có đến gần ba chục người bệnh tâm thần, nhưng không có tiếng gào thét, không có bệnh nhân nào ra ngoài gây chuyện ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng. Thậm chí những bệnh nhân gần khỏi bệnh, ông Tự còn cho ra dọn dẹp vệ sinh đường làng hay giúp đỡ hàng xóm khi có công việc lớn.

Ông Thạch Ngọc Hinh, Trưởng thôn Tảo C cũng xác nhận thường xuyên ở đền Thó có hàng chục bệnh nhân đến chữa bệnh tâm thần, nhiều người bệnh tình khỏi hoặc thuyên giảm nên giới thiệu người khác đến chữa. Còn đại diện Ủy ban xã Lương Tài cho biết gần đây do số lượng người đến đền Thó chữa bệnh đông nên chính quyền đã yêu cầu ông Tự cung cấp đầy đủ danh sách các bệnh nhân đang lưu trú ở đây, khai báo tạm trú đầy đủ và phải có giấy cam kết tự nguyện của người nhà bệnh nhân. Ông Tự cũng phải làm bản cam kết về an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng của người bệnh và không tuyên truyền mê tín dị đoan, không làm những việc pháp luật không cho phép. Dù việc chữa bệnh tại đây đã tồn tại lâu năm nhưng chưa xảy ra sự việc gì gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Theo An ninh thủ đô

TAMTHUC