Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
ngoi-lang-trang-khan-tang-vi-co-mieu-noi-gian Ngôi làng trắng khăn tang vì Cổ miếu nổi giận?
Friday, 30/01/2015 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Bảy năm trở lại đây, làng Đại Trạch (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) xảy ra nhiều thảm án thương tâm, những vụ việc trái luân thường đạo lý.

Tháng 7 vừa qua, làng trắng khăn tang bởi liên tiếp có tới tám cái chết của người làng. Người mê tín đồn đoán sở dĩ có những tai ương như thế là do một số người “phạm thượng”, dám sinh sống trên miếu Âm Hồn khiến người “cõi âm” vất vưởng.

Bảy năm trở lại đây, làng Đại Trạch (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) xảy ra nhiều thảm án thương tâm, những vụ việc trái luân thường đạo lý. Tháng 7 vừa qua, làng trắng khăn tang bởi liên tiếp có tới tám cái chết của người làng. Người mê tín đồn đoán sở dĩ có những tai ương như thế là do một số người “phạm thượng”, dám sinh sống trên miếu Âm Hồn khiến người “cõi âm” vất vưởng.

MIẾU THẦN

Ngôi miếu thờ “âm hồn” nghĩa sĩ

Miếu Âm Hồn được bà ba Cai Vàng xây dựng vào năm 1864 để thờ chồng là thủ lĩnh Cai Vàng cùng các nghĩa sĩ tử trận trong cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn. Ngay từ lúc khánh thành, ngôi miếu đã gắn với những câu chuyện không may.

Tương truyền, bà Ba Cai Vàng đã cho thiêu sống kẻ sát hại chồng bà ngay trước cửa ngôi miếu, lúc hành quyết, kẻ này cháy như một ngọn đuốc, gào thét mà chết trong đau đớn.

Theo các cao niên trong làng, miếu Âm Hồn từ xưa đã nổi tiếng. Luật bất thành văn, người làng có việc đi qua đều phải xuống ngựa dắt bộ. Do ngôi miếu bị tàn phá bởi chiến tranh, đến những năm 1994- 1995, khu vực nền móng cũ được quy hoạch, bán cho người dân lấy đất làm gạch ngói.

Ông Nguyễn Văn Luận (42 tuổi) là người đầu tiên nhận thầu đất làm gạch cho biết: “Tôi làm nhà cách khu vực miếu Âm Hồn khi xưa một con mương nên tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện là lạ. Đầu tiên, một người bị máy gạch nghiến nát một chân khi vừa nhận thầu đất được mấy bữa.

Sau đó vài hôm, lại có một người làng bị sảy chân ngã xuống cái hố vừa đào đất lên để bán, phát hiện muộn nên chết ngạt. Mấy hôm trước ông ta đào được mấy cái hồ lô bằng sứ . Có người khuyên ông ta cúng bái rồi trả lại chỗ cũ nhưng ông ta không nghe”.

Sử cũ chép, Cai Vàng (không rõ năm sinh năm mất, quê tỉnh Bắc Giang ngày nay) tên thật là Nguyễn Văn Thịnh tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa “phù Lê”, ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh. Trúng đạn của quân triều đình, ông bị thương nặng rồi mất. Sau đó, người vợ thứ 3 của ông tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đến năm 1864. Bà Ba Cai Vàng tên thật là Lê Thị Miên (người làng Đại Trạch, Thuận Thành, Bắc Ninh) tục gọi là Yến Phi. Bà là người tài sắc vẹn toàn. Sau khi bãi binh, bà xây miếu Âm Hồn ở quê nhà rồi đi tu tại chùa làng với pháp danh Đàm Giác Linh. Hiện trong chùa vẫn còn phần mộ của bà, được người dân ngày đêm hương khói.

Còn ông Nguyễn Văn Tập, trưởng thôn Đại Trạch, khẳng định khi đào xung quanh khu vực miếu, chính mình đã gặp một chiếc quan tài được chôn theo hướng thẳng đứng. “Được các cụ cho biết ý nghĩa của Miếu Âm Hồn đã lâu, giờ gặp chuyện đó, tôi mới hiểu hóa ra đây còn là mồ mả. Ai dám đi xâm hại nơi an nghỉ người khác, vì thế, tôi không dám khai thác đất ở đó nữa, lại cho máy xúc bồi thêm đất, làm vững chắc lại nền cũ”.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng những người mê tín thì cho rằng “trần sao thì âm vậy”. Cho nên khi khu đất có ngôi miếu bị quy hoạch, đồng nghĩa các vong hồn không còn nơi trú ngụ, mới “vất vưởng” làm hại mọi người.

Hàng loạt những vụ việc kinh hoàng liên tiếp xảy ra trong khoảng bảy năm trở lại đây khiến một số người khiếp sợ. Họ luôn tin rằng “phần âm” của làng không hoàn thiện nên dẫn tới những sự việc trái với đạo lý và luân thường.

Người mê tín đổ lỗi cho ngôi miếu vô tri

Mọi chuyện bắt đầu bằng bằng vụ huyết án trong một gia đình. Nạn nhân là mẹ vợ còn hung thủ chính là anh con rể hàng ngày vẫn được tiếng hiền lành. Là người cùng làng, anh con rể luôn sống lễ phép tuy phải cái hơi nóng tính. Có lẽ vì vậy, chỉ một mâu thuẫn nhỏ đã khiến anh ta không kiềm chế được, điên loạn vung dao đâm chết mẹ vợ trước sự sững sờ của các thành viên trong gia đình.

Một người hàng xóm trực tiếp chứng kiến sự việc kể lại “Nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, tôi chạy sang thì thấy bà lão nằm sõng xoài trên sân. Thằng con rể khắp người dính máu, ngồi đờ đẫn như kẻ mất hồn. Tôi vội cùng người nhà hô hoán đưa bà cụ đi cấp cứa nhưng không kịp. Về sau mới biết nguyên nhân chẳng có gì to tát, chỉ là chuyện vợ chồng cãi vã, mẹ vợ thì bênh con gái. Cả làng không ai hiểu vì sao thằng rể hiền lành lại bỗng độc ác đến thế”.

Sau vụ án không lâu, một câu chuyện kinh hoàng khác xảy ra với hậu quả chết gần hết cả một gia đình. Đau lòng hơn, nguyên nhân lại do sự vô ý của một bà lão đã gần đất xa trời.

Hôm đó đang vào vụ gặt, thương mẹ già yếu, tất cả con cháu trong nhà xúm vào làm giúp. Bà cụ ở nhà nấu cơm chờ các con về ăn, do mắt kém, tưởng lọ thuốc diệt mối là mì chính nên bỏ vào canh. Trưa hôm đó, sau bữa cơm, cả nhà sáu người đều bị ngộ độc. Hàng xóm phát hiện quá muộn, đưa đi bệnh viện chỉ cứu được một người.

Chứng kiến sự việc, nhiều người làng bị ám ảnh đến mấy tháng trời. Bởi cứ mỗi lần chợp mắt, lại thấy hình ảnh cả nhà nạn nhân quằn quại, đau đớn, có người khuôn mặt biến dạng sưng phù.

Sau những vụ việc thương tâm, cả làng “dậy sóng” lời đồn ma ám. Người dân sợ hãi, tin rằng những âm hồn trong ngôi miếu đang báo oán, đặc biệt là sau một lời “phán” từ tận xứ người.

Nguyên có một thanh niên sinh ra trong làng, lớn lên đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc rồi định cư luôn bên đó. Sống nơi xứ người hơn chục năm, bỗng một hôm, anh ta gọi điện về nhà, hỏi trong họ hàng có ai bị làm sao không? Gia đình đành thú thật có một người thân vừa bị chết đuối, do xa xôi cách trở nên mới không kịp báo tin.

Bấy giờ, anh ta cho biết bên nước bạn có quen một “ông thầy” gốc Việt. Vừa rồi anh ta đi xem bói, “ông thầy” cho hay đất ở quê đang bị động, có người nhà vừa mất mạng, nếu không làm lễ giải hạn thì làng sẽ còn gặp nhiều tai ương nữa. Nghe thế, anh ta vội gọi điện về nhà xem thử thực hư, ai ngờ lời “phán” lại đúng răm rắp.

Câu chuyện gia đình nọ được kể ra ngoài, cả làng sợ chết khiếp. Không ai bảo ai, nhiều gia đình mời thầy bói, đồng cốt về làm lễ giải hạn, tốn kém khá nhiều tiền của. Vậy mà đen đủi dường như vẫn chưa buông tha mảnh đất này.

Sự hoang mang được đẩy lên tột độ khi tháng 7 vừa qua, cả làng có liên tiếp tám người chết vì các căn bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, còn mấy trường hợp bị bệnh ung thư, tử thần đang chực chờ trước mắt. Ngồi ngẫm lại, dân làng xì xào bàn tán rằng các gia đình gặp chuyện không may đều sinh sống trong cùng một dong đất, dẫn ra miếu Âm Hồn khi xưa.

“Miếu Âm Hồn bị phá đi, đất miếu trở thành nơi sản xuất, nơi sinh sống. Các ngài không có chỗ ở nên mới báo oán những người “chiếm đất” của mình”, một người làng thì thào sợ hãi.

Trao đổi về lời đồn đoán, ông trưởng thôn xác nhận nhiều người làng Đại Trạch đang gặp những chuyện không may. Không chỉ thế, gần đây còn xảy ra cả những chuyện như bố chồng làm bậy với con dâu hoặc thầy giáo dụ dỗ học sinh “chơi trò người lớn”.

Tuy nhiên, theo ông trưởng thôn, những chuyện đảo lộn cương thường ấy là do những kẻ phạm tội có lối sống suy đồi, đều đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Trước đó, chuyện bà lão cho nhầm thuốc độc vào thức ăn là bài học đắt giá cho những người bất cẩn, không chu đáo trong việc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật. Còn việc tám người chết vừa qua, phần lớn là những người già và những người mắc bệnh nan y.

“Tôi không tin những chuyện đen đủi có liên quan đến miếu Âm Hồn hoặc chuyện hồn ma báo oán. Có điều, cách đây không lâu, khi vị sư trụ trì chùa làng về cõi Phật, trước lúc viên tịch, nhà sư căn dặn người dân chúng tôi nên phục hồi lại miếu Âm Hồn như trước.

Theo đó, xây lại miếu để tỏ lòng kính trọng các bậc tiền nhân, hơn nữa còn ổn định được tư tưởng người dân, thiết nghĩ cũng là việc các cấp chính quyền cần lưu tâm”, ông trưởng thôn tâm sự trước lúc chia tay.

Theo Xa lộ pháp luật

TAMTHUC