Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
den-chua-nghe-su-thay-ke-ve-hai-nhi-bi-bo-roi Đến chùa nghe sư thầy kể về hài nhi bị bỏ rơi
Friday, 13/03/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Đến chùa Quán Sứ một ngày đầu tháng 7, tôi được nghe Đại đức Thích Thanh Tuấn kể về luật nhân – quả, và chuyện về những hài nhi bị chối bỏ khi chưa kịp làm người…

Đàn ông… cũng đi cầu siêu

Từ 2 năm nay, chùa Quán Sứ là nơi tổ chức lễ cầu siêu cho thai nhi bị bỏ rơi lớn nhất miền Bắc. Mỗi năm, nhà chùa tổ chức 2 đợt lễ cầu siêu vào tháng 4 và tháng 7 âm lịch. Đại đức Thích Thanh Tuấn cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên có nhiều cha mẹ đã chối bỏ những hài nhi mình chưa kịp sinh ra.

Về mặt tâm linh, điều này là tội lỗi, bởi không phải đến lúc lọt lòng mới được gọi là sinh mạng mà ngay khi một mầm sống vừa tượng hình trong cơ thể người mẹ vào giây phút đầu tiên đã được gọi là con người rồi. Và lễ cầu siêu này mang ý nghĩa nhân văn, bởi nó sẽ giúp những ông bố, bà mẹ thanh thản trước những sai lầm của cuộc đời mình.

Đại đức Thích Thanh Tuấn

Thầy Thích Thanh Tuấn kể rằng, hồi cuối tháng 4 âm lịch vừa qua, nhà chùa đã cầu siêu cho gần 1.000 trường hợp hài nhi bị chối bỏ. Đến thời điểm này, tức là gần đến lễ cầu siêu lần thứ 2 của năm vào tháng 7 âm, nhà chùa đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp “đặc biệt”. Trong đó, người trẻ chiếm đa số. Thậm chí có cả nữ sinh đang học cấp 3 đã bỏ đi 2 “giọt máu” của mình.

Lúc đến đăng ký làm lễ cầu siêu, cô nữ sinh này mắt ngân ngấn nước, và nói rằng, do thiếu hiểu biết và nông cạn, nên cô đã mang thai 2 lần. Cả 2 lần ấy, cô đều bị bạn trai bắt bỏ đi đứa con. Đến giờ thì hai người đã chia tay, nhưng cô vẫn day dứt về việc làm của mình. Cô mong mình sẽ thanh thản hơn sau lễ cầu siêu này.

Thầy Tuấn cho biết thêm, có một cô gái trẻ tầm 20 tuổi, quê ở Tuyên Quang đã làm lễ cầu siêu lần thứ 3 ở đây. Cô gái chưa lập gia đình, nhưng rất tiều tụy và mệt mỏi. Bởi hằng đêm, những đứa con lại về trong giấc mơ và trách móc. Cô tìm đến nhà chùa để mong linh hồn chúng siêu thoát, không về quấy quả nữa.

Tại phòng tiếp khách của chùa Quán Sứ, thầy Thích Thanh Tuấn kể về nhiều trường hợp người đàn ông cũng đi cầu siêu. Đó là một người đàn ông 40 tuổi, cứ ngập ngừng trước phòng khách nhà chùa. Khi được hỏi, người đàn ông này mới giãi bày tâm sự. 10 năm về trước, bạn gái anh lỡ có bầu, nhưng vì điều kiện hai người còn vất vả nên đành bỏ đi “giọt máu” ấy. Sau này lấy nhau, gần chục năm trôi qua, nhưng hai vợ chồng vẫn chưa thể có con. Anh bảo, rất ân hận vì việc làm ngày xưa của mình và muốn làm lễ cầu siêu để mong đứa trẻ bị bỏ rơi kia đỡ tủi, phù hộ cha mẹ mình để hai người có thêm “mầm sống” mới.

Đó cũng là câu chuyện về một người đàn ông đang là quan chức. Vợ mất sớm, nhưng ông không đi bước nữa, mà “gá nghĩa” với một người phụ nữ ngoài 30 tuổi. Khi người phụ nữ này thông báo đang mang trong mình “giọt máu” của ông, ông mới giật mình và nghĩ đến sự nghiệp. Bằng mọi cách, ông bắt người phụ nữ kia bỏ đứa trẻ… Nỗi day dứt ấy đã làm bao đêm ông không ngủ được. Năm nay, ông đã 60 tuổi, nhưng vẫn đăng ký cầu siêu cho hài nhi của mình để thanh thản sống tiếp quãng đời còn lại.

Nhiều người trẻ cầu siêu ở chùa Quán Sứ

Giấu tên tuổi khi đến cầu siêu

Ý nghĩa sâu xa của lễ cầu siêu này là thể hiện tình yêu thương giữa con người với nhau. Bởi một khi đã tước bỏ mầm sống là chúng ta đang phạm vào luật nhân – quả. Triết lý nhà Phật đã từng nói: Có làm điều thiện thì mới gặp được những điều tốt lành. Làm lễ cầu siêu cho những linh hồn trẻ bơ vơ cũng là sự thức tỉnh về nhân cách, đạo đức cho những người trẻ. Có rất nhiều người đã lặn lội từ Cà Mau, Ninh Thuận, Bạc Liêu… ra Hà Nội để làm lễ cầu siêu cho những hài nhi xấu số.

Đại đức Thích Thanh Tuấn cho rằng, lối sống gấp, sống vội của giới trẻ ngày nay cũng là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy của việc chối bỏ thai nhi. Đại đức vẫn còn nhớ trường hợp của người phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc. Cô cũng mang thai một đứa trẻ với người đàn ông nước ngoài. Nhưng do người chồng Tây “hờ” kia không thích ràng buộc nên cô đành bỏ “mầm sống” trong người mình. Tháng 4 vừa qua, cô đã từ Úc bay về Việt Nam để làm lễ cầu siêu cho đứa con tội nghiệp kia. Cô bảo, giờ cô mới thấu hiểu triết lý của nhà Phật, từ nay sẽ sống thiện hơn, tốt hơn để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.

Những người đến làm lễ cầu siêu tại chùa Quán Sứ thường giấu tên tuổi thật của họ. Bởi phần lớn, họ là những người trẻ chưa lập gia đình phải làm bố, làm mẹ bất đắc dĩ. Thậm chí khi đến đăng ký, họ phải dùng tên, dấu tên tuổi của mình vì họ sự rằng sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng sau này. Nhà chùa chỉ nắm được thông tin là người đến làm lễ ấy đã bỏ đi mấy lần, vào thời gian nào, và ở đâu. Thầy Thích Thanh Tuấn chia sẻ: “Ai cũng có lỗi lầm và điều quan trọng là họ nhận ra lỗi lầm ấy. Vị tha để sửa chữa những sai lầm cũng là một cách sống đẹp”.

Bước chân ra khỏi chùa Quán Sứ lòng tôi vẫn ám ảnh bởi những day dứt của Đại đức Thích Thanh Tuấn: “Mỗi đứa trẻ dù được sinh ra hay không thì nó vẫn là một “mầm sống” mãnh liệt. Mong rằng những người trẻ, đừng vì những ích kỷ cá nhân mà tước đoạt quyền được làm người ấy. Yêu thương luôn được đền đáp bởi yêu thương. Hiểu được điều đó, xã hội sẽ không còn những điều ác nữa”.

Lạc Thành – Theo Người đưa tin

TAMTHUC