Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
bi-an-mieu-tho-hai-co-gai-chet-tre-o-bai-song-hong Bí ẩn miếu thờ hai cô gái chết trẻ ở bãi sông Hồng
Saturday, 14/03/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Hai cô gái chết trẻ oan nghiệt với những chi tiết giống nhau đến lạ lùng. Họ sang thế giới bên kia với hình ảnh cuối cùng đầy ghê rợn và câu chuyện oan khuất không bao giờ thấu tỏ.

Ở bãi giữa sông Hồng có ngôi miếu hai cô mà lời đồn đại về những chuyện lạ kỳ đã tồn tại rất nhiều bấy lâu nay. Ngôi miếu vô chủ thường xuất hiện trong những câu chuyện dọa ma trẻ con của người dân xóm sông nước và rất nhiều câu chuyện “làm phép” của hai “cô” khiến nhiều người bán tín bán nghi.

Nhưng có ai biết được đằng sau gạch ngói, cát vữa kia là hai số phận đáng thương mà đầy oan ức.

Men theo con đường đất hai bên trồng đầy chuối dẫn ra bãi tắm tiên, ở góc cuối đường chúng tôi bắt gặp một ngôi miếu hoang, lạnh lẽo nằm co mình dưới tán cây trứng cá già um tùm. Ngôi miếu khá đơn sơ với hai ngôi mộ được đắp thành hình chữ nhật và một ban thờ nhỏ có hai bát hương cắm đầy chân hương.

Mỗi nơi thờ có ba chén nhỏ đựng nước, một đĩa nhỏ đựng hoa quả và một thiệp vàng nén vẫn còn tươi màu giấy. Ban thờ không có bài vị cũng không có di ảnh mà chỉ có duy nhất tấm bia màu đen chữ vàng ghi: “Miếu hai cô, Câu lạc bộ những người yêu sông Hồng công đức 2009”.

Miếu hai cô được xây kiên cố ở bãi giữ sông Hồng.
Miếu hai cô được xây kiên cố ở bãi giữ sông Hồng.

Ngay phía bên phải dưới chân miếu,cũng có một ban thờ cao khoảng 1,5m, mặt hướng ra phía sông Hồng. Trên bàn thờ này cũng có một bát nhang nhỏ và ba chén nước, một đĩa đựng trái cây.

Hỏi thăm những người dân gần đấy cũng không một ai biết rõ lai lịch về ngôi mộ hay người nằm dưới mộ. Người ta chỉ biết rằng trước đây hai ngôi mộ này nằm tách rời nhau, lẩn khuất trong những khóm cây dại ven bờ sông.

Lang thang tìm câu trả lời về ngôi miếu, chúng tôi tình cờ vào một quán nước mà chủ nhân là ông Nguyễn Đăng Được – người “hiệp sĩ” già được biết đến với hơn 20 năm tìm vớt xác người chết trôi sông. Được nói chuyện và tìm hiểu về ông, sự thật về ngôi miếu vô chủ mới dần dần được sáng tỏ.

Ông Được hay còn gọi là Được “đen” vốn nổi tiếng là người “cướp cơm hà bá” không chỉ vớt xác trôi sông mà còn nhiều lần giành giật với tử thần cứu người tự tử. Cuộc nói chuyện ban đầu còn rụt rè dần dà đã trở nên thân mật với người đàn ông tuổi tác đã làm nên mái tóc màu muối tiêu.

Nhắc đến miếu hai cô, gương mặt già nhăn nheo trở nên thâm trầm. “Hai cô” chính là hai xác chết ông đã từng vớt được, bản thân câu chuyện đã mang nhiều nét lạ lùng đến giờ ông Được vẫn còn nhớ như in.

Hai cô gái chung một số phận

Năm 2004, trong một buổi chiều hè gió lồng lộng thổi, ông tình cờ phát hiện một xác chết nữ trôi dạt vào chân cầu Long Biên. Cái xác vẫn còn “tươi”, hai ngón tay cái bị trói vào nhau trong một tư thế lạ lùng. Sau khi tắm rửa, lau mặt mũi sạch sẽ, cái xác hiện lên là một cô gái trẻ tầm 17 tuổi xinh đẹp.

Công an vào cuộc, xác nhận cô gái bị hiếp trước khi chết trôi sông, rồi trao trả lại cho ông Được. Cảm thương số phận oan nghiệt của cô bé, ông Được, lúc bấy giờ rất khó khăn, chôn cất cô bằng những tấm ván gỗ sẵn có trong nhà.

Từ đó đến nay, ngày ngày ông Được vẫn trông ngóng có người nhà đến tìm mang cô về nhưng tuyệt nhiên không thấy một ai. Cái chết kì lạ của cô gái trẻ trở thành bí mật trong ngôi mộ vô chủ nằm lạnh lẽo giữa bạt ngàn gốc chuối phủ xanh không gian bãi giữa sông Hồng.

Câu chuyện về cái chết đầy oan ức của cô gái trên ngỡ như đã bị lãng quên trong kí ức những người từng chứng kiến lại bất ngờ được nhắc nhớ hai năm sau đó (2006) khi một câu chuyện khác được mở ra.

Một ngày bình thường trong năm, hôm đó trời lặng gió và nắng heo hắt, ông Được phát hiện một xác chết nhấp nhô trước đoạn sông gần nhà mình. Đến gần ông phát hiện ra đó là một thi thể nữ đang phân hủy, trên người mặc bộ quần áo ngủ họa tiết hoa.

Lạ lùng thay, lần này cái xác mà ông vớt được cũng là một cô gái tầm 17 tuổi, có hai ngón chân cái bị cột chặt vào nhau. Chi tiết này nhiều lần ám ảnh ông Được, vừa hãi hùng vừa rùng rợn. Mang xác lên bờ, ông Được vội báo cho chính quyền và công an. Sau khi kiểm tra, xác chết được xác định bị hiếp trước khi bị dìm chết.

Một lần nữa, hình ảnh cô gái chết trôi sông với hai ngón tay cái bị cột vào nhau hai năm về trước lại hiện về dằn vặt tâm trí ông. Hai cô gái trẻ – hai cái chết đầy oan nghiệt với những chi tiết giống y hệt nhau đến lạ lùng. Họ bước sang thế giới bên kia với hình ảnh cuối cùng đầy ghê rợn và câu chuyện oan khuất không bao giờ được thấu tỏ.

Để bày tỏ lòng thương cảm với người đã khuất, ông Được cho xây mộ cẩn thận giữa đám cỏ dại của bãi đất được sông Hồng đắp bồi phù sa quanh mình. Tuy nhiên, câu chuyện về hai cô gái vẫn nhiều lần khiến ông không yên, thúc giục ông phải làm một cái gì đó cho hai người.

Ba năm rưỡi sau ngày xác cô gái thứ hai được tìm thấy, ông Được có ý tưởng đưa hai người về “ở” chung với nhau. Ông vào nội thành tìm mua cát, gạch. Một ngư dân sống trôi nổi trên sông đi tìm mua nguyên liệu về xây mộ, những người bán hàng không khỏi tò mò: “Ông xây mộ cho ai ở cái chốn bốn bề sông nước ấy?”.

Trần tình về câu chuyện của hai con người chết trôi tội nghiệp, ông Được nhận được sự ủng hộ và nể phục của mọi người và được biếu không tiền mua cát, mua vữa.

Mong muốn xây mộ cho hai “cô” của ông được người dân trong “đội” (hai mấy hộ dân sống trôi nổi sông nước nơi bãi giữa sông Hồng) ủng hộ, người góp công người góp của, cùng với sự quyên góp của những người đi bơi lội gọi là Câu lạc bộ Người yêu sông Hồng… Miếu hai cô ra đời.

Cái tên Miếu hai cô là do ông Được đặt ra. Cứ ngày lễ lạt, dân quanh đây lại nhà quả cam, quả chuối “dâng” hai cô. Bên cạnh miếu hai cô, ông Được còn cho đắp mộ của hai hài nhi xấu số bị vứt bỏ trôi sông ông tìm thấy sau này.

Cách đó 20m cũng có thêm ngôi mộ của một thanh niên trẻ tuổi nằm an nghỉ. Ở đó, những người trẻ mang những số phận làm bao người nghe đau lòng này có thể ngủ yên.

Những câu chuyện linh thiêng được thêu dệt

Trong quan niệm dân gian người ta cho rằng những người chết trẻ thường rất thiêng, đặc biệt khi chết oan khiêng lại càng thiêng. Lai lịch về khổ chủ có thể không biết nhưng những mẩu chuyện về cái sự “thiêng” của ngôi miếu thì dân quanh đây truyền tai nhau rất nhiều.

Cách miếu 200m về phía chân cầu Long Biên là quán nước của bà V, một ngư dân của xóm thuyền nổi ven sông. Kể về miếu hai cô, câu chuyện của bà khá dài dòng.

Bà cho biết, khi hai cô mới về đây ngay cả người bạo gan cũng không ai dám đi qua. Sau này, khi đã quen thì người ta không còn sợ nữa. Thời kì đầu, khi mới có phong trào “tắm tiên”, nhiều người đến đây bơi lội, khi đi qua mộ các cô mà không đứng lại vái vài lạy và xin phép xuống tắm thì kiểu gì cũng gặp chuyện.

“Tôi từng chứng kiến nhiều người đến đây bơi lội, có người là vận động viên bơi lội hẳn hoi nhưng vẫn nhiều phen suýt chết với những lý do rất kì lạ. Một số người vừa mới xuống nước, chưa kịp sải tay thì bỗng như có ai nắm chân kéo xuống nước, càng lúc càng sâu làm người đó không kịp phản ứng. Đến khi đồng đội xuống kéo lên thì người cứng đờ như khúc chuối.

Cũng có người khi đang bơi bình thường cùng mọi người trong đội thì bỗng dưng không bơi được nữa, cứ đứng nguyên một chỗ. Còn chuyện đang bơi mà bị “bẻ” tay “bẻ” chân là chuyện bình thường. Nhưng người nào thường vái lạy các cô mỗi khi đi qua thì lại không hề hấn gì”.

Còn ông Được thì kể về một người đàn ông đang lúc nghèo khó, đi tắm sông Hồng, gặp miếu hai cô liền vào khấn, kể lể với hai “cô” rồi xin được giúp đỡ. Chiều hôm đó ông liền trúng đề cả trăm triệu đồng. Nghe rỉ tai về ngôi miếu linh thiêng này, không chỉ người dân sống quanh đây hay những người đi bơi lội, nhiều người ở xa cũng tìm về khấn vái, hương hoa để cầu xin tài lộc. Rất nhiều người tìm đến để xin… trúng lô đề.

Xung quanh ngôi miếu hoang này vẫn còn nhiều câu chuyện hoang đường được thêu dệt nhưng vẫn khiến nhiều người nhẹ dạ tin đó là thật.

Câu chuyện dông dài kết thúc khi trời đã về chiều, chúng tôi trở lại viếng mộ hai “cô” lần cuối. Giữa bốn bề sông nước với bạt ngàn chuối của bãi giữa sông Hồng, hai “cô” nằm đây đã là điều kì lạ. Kì lạ hơn là cuộc đời và số phận của hai cô gái trẻ nằm dưới mộ. Thiết nghĩ, tín ngưỡng là giá trị văn hóa, vì thế đừng biến những chốn linh thiêng trở thành trò mua vui hay công cụ kiếm tiền bất chính.

Theo Hoàng Lành/Công An Nhân Dân

TAMTHUC