Các nhà khoa học Anh đã tạo thành công gà mái biến đổi gen có thể đẻ trứng từ nhiều giống gia cầm khác nhau (VD: gà đẻ trứng vịt), qua đó thiết lập một dạng “chuồng chim đông lạnh” để bảo tồn các loài chim quý hiếm.
Tương tự một “ngân hàng hạt giống” của gia cầm, chuồng chim sẽ lưu trữ các tế bào gốc nguyên thủy để hình thành các quả trứng được chủ định nở ra con đực hay con cái.
Cho đến nay, nhóm nghiên cứu từ Viện Roslin trực thuộc Đại học Edinburgh (Scotland) đã thu thập hơn 500 mẫu từ 25 giống gia cầm khác nhau. Được bảo quản trong một tủ đông tại mức nhiệt -15 độ C, các tế bào có thể sống được trong hàng thập kỷ. Các nhà nghiên cứu muốn bảo tồn các giống gà hiếm có khả năng chống lại dịch bệnh như cúm gia cầm hay sở hữu các đặc tính mong muốn như chất lượng thịt cao.
Các nhà khoa học thiết lập một dạng “chuồng chim đông lạnh” để bảo tồn các loài chim quý hiếm. (Ảnh: Internet)
Bước đầu tiên là tạo ra các con gà mái biến đổi gen có khả năng đẻ trứng của nhiều giống gia cầm quý hiếm khác nhau, bao gồm gà lùn Scotland, gà Sicilian buttercup, và gà lôi Old English. Điều này được thực hiện nhờ công nghệ chỉnh sửa gien để vô hiêu hóa phần gien gọi là DDX4, đóng vai trò quan trọng trong sự sinh sản ở chim.
Chuồng chim được thiết lập nhờ các con gà mái biến đổi gen. (Ảnh: Internet)
Các con gà mái sẽ không thể tự sản sinh trứng, nhưng có thể mang thai hộ sau khi được cấy tế bào gốc (sẽ phát triển thành trứng về sau). Cơ quan sinh sản của chúng mang các đặc điểm của chủ thể hiến tặng tế bào gốc. Quá trình thụ tinh sau đó được tiến hành sử dụng tinh trùng lấy từ một trong những giống gà hiếm.
Bạn có thể lưu trữ tất cả giống loài, đặt chúng vào một tủ đông, thế là chúng ta có một con tàu Noah chứa gen của các loài động vật.
– Richard Broad từ Quỹ bảo tồn giống loài hiếm Rare Breeds Survival Trust
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Mike McGrew cho hay:
“Những cá thể gà này là bước đầu tiên trong việc lưu giữ và bảo vệ các giống gia cầm quý hiếm khỏi bị tuyệt chủng, nhằm mục đích bảo tồn sự đa dạng sinh học của gia cầm trong tương lai trước sức ép từ cả hai yếu tố kinh tế và khí hậu”.
Vậy phạm vi ứng dụng kỹ thuật mang thai hộ trên gà cho các loài chim khác – chứ không chỉ đơn thuần là các giống gà khác (VD: gà đẻ trứng đại bàng) – vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
TS McGrew cho hay: “Không ai biết được nếu cấy tế bào gốc này vào các loài chim khác thì chúng có thể làm được điều tương tự như loại gà biến đổi gen kia hay không. Tôi nghi ngờ tính khả thi của việc này”.
Tuy rằng khả năng một con gà đẻ trứng đại bàng là khá xa vời, ông cho rằng quá trình này dễ thành công hơn với các giống loài gần họ hàng như vịt hay ngỗng.
Có đủ giống gà quý hiếm với hình dáng, kích thước và màu sắc khác nhau, và một số trong chúng có đặc điểm rất kỳ dị. Ví như giống gà Đông Tảo ở Việt Nam, với cặp chân lùn mập ngoại cỡ nhưng lại là một đặc sản ngon khó cưỡng do có thịt chắc, giòn sừn sựt và rất thơm ngon.
Gà Đông Tảo với cặp chân to mập quá khổ. (Ảnh: Internet)
Gà Đông Tảo là một đặc sản ‘tiến vua’ do có thịt chắc, giòn sừn sựt và rất thơm ngon. (Ảnh: Internet)
Richard Broad, từ Quỹ bảo tồn giống loài hiếm Rare Breeds Survival Trust, nói:
“Ý tưởng đằng sau dự án này thật sự rất hấp dẫn. Về cơ bản bạn có thể sở hữu một ngân hàng gien các giống loài quý hiếm trong tủ đông. Bạn có thể lưu trữ tất cả các giống loài, đặt chúng vào một tủ đông và thế là chúng ta có một con tàu Noah chứa gen của các loài động vật. Nếu mỗi quốc gia đều có một cái thì quả là tuyệt vời”.
Quý Khải (theo Express)
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/ga-de-trung-vit-tao-thanh-cong-loai-ga-co-the-de-trung-cua-giong-loai-khac.html