Khoa học rất tốt trong việc giải thích hàng loạt hiện tượng trong đời sống hàng ngày. Nhưng khoa học sẽ không tốt nếu bạn coi nó là phương tiện duy nhất để giải thích thế giới. Khi ấy bạn sẽ phủ nhận bất kỳ sự thật nào mà khoa học không giải thích được. Thực ra khoa học có giới hạn. Tồn tại nhiều sự thật rất khó tin nhưng vẫn xảy ra. Để hiểu những sự thật đó, trước hết chúng ta phải có một thái độ khiêm tốn học hỏi…
Trong câu chuyện hôm nay tôi sẽ đề cập đến những hiện tượng lạ lùng rất khó tin – những sự kiện không tuân thủ những định luật khoa học. Trước những hiện tương ấy, thường có 2 thái độ ứng xử trái ngược: một là bác bỏ ngay tức khắc, hai là thận trọng xem xét, cân nhắc suy nghĩ.
Thái độ thứ nhất thường rơi vào những người có thói tự phụ về khoa học, nhưng thực ra là thiếu tinh thần khoa học – tinh thần khiêm tốn cầu thị và tôn trọng hiện thực khách quan. Những người này thường đánh đồng hiện tượng siêu nhiên với hiện tượng mê tín dị đoan. Sự nhầm lẫn ấy thể hiện một trình độ nhận thức ấu trĩ, một cách nhìn lệch lạc về thế giới.
Một lệch lạc phổ biến là tâm lý đề cao khoa học, coi khoa học là chúa tể của nhận thức. Thậm chí trong thế giới khoa học, nhiều người lại đề cao toán học như “ông hoàng của các khoa học”. Mọi sự đề cao ấy đều lệch lạc. Sự lệch lạc này có nguồn gốc lịch sử: cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra liên tiếp trong những thế kỷ vừa qua và hiện nay đã đưa khoa học và công nghệ lên ngôi vương. Xã hội thế tục coi thắng lợi vật chất là thước đo của văn minh và tiến bộ. Trong bối cảnh ấy, khoa học và công nghệ trở thành cứu cánh, trong khi các giá trị văn hóa và tinh thần ngày càng bị coi nhẹ, nền văn minh ngày càng phát triển theo hướng lệch lạc, xa rời các mục tiêu nhân bản.
Sự lệch lạc ấy đã được báo động từ lâu, nhưng cơn lốc sinh tồn cuốn mọi người theo nó – con người ngày càng vội vã đến mức không có lúc nào dừng lại để suy ngẫm. Không phải bây giờ con người mới thế, từ xa xưa con người đã như thế rồi. Bằng chứng là Socrates, ngay từ 2400 năm trước đã nhắc nhở học trò “Băn khoăn là sự khởi đầu của trí khôn” (Wonder is the beginning of wisdom). Từ đó đến nay, nhất là hiện nay, liệu có bao nhiêu người biết băn khoăn suy ngẫm?
Vì không băn khoăn suy ngẫm nên nhiều người ngộ nhận khoa học là trí khôn, từ đó đề cao khoa học đến mức bất chấp đạo lý. Có lẽ xu hướng này đã manh nha ngay từ thế kỷ 16 nên François Rabelais, nhà văn Pháp nổi tiếng thời Phục Hưng, đã phải sớm cảnh báo:
“Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn” (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme!).
Cảnh báo ấy mang dáng dấp của một tiên tri, vì trong hai thế kỷ vừa qua và hiện nay, chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều loại khoa học vô lương ở nhiều cấp độ khác nhau diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu rực rỡ của khoa học mang lại lợi ích cho loài người, nhưng cũng không ai có thể phủ nhận một sự thật là nhiều khám phá khoa học đã đưa nền văn minh loài người tới bờ vực của sự tự hủy diệt, như chúng ta đang thấy. Tình trạng này là hệ quả của một nền văn minh thiên về vật chất, đề cao khoa học như chúa. Đó là một sai lầm lớn về nhận thức.
Ngày nay, một nhà khoa học đoạt Giải Nobel hay một nhà toán học đoạt Giải Field được trọng vọng như những đại diện của chân lý. Trong khi Blaise Pascal, ngay từ thế kỷ 17 đã cho rằng : “…toán học có thể xem như một bài thể dục cao nhất cho tinh thần; nhưng đồng thời nó cũng thật vô dụng đến nỗi tôi thấy ít có sự khác biệt giữa một người chỉ có toán học với một anh thợ thủ công nói chung” [1]. Điều đó có nghĩa là con người ngày nay “ngây thơ” hơn con người của thế kỷ 17 – cái đầu khoa học thì to lên nhưng trí khôn thực sự thì teo lại.
TAMTHUCGödel, với niềm tin tâm linh như trên, là một hiện thân cho thấy một chân lý, rằng khoa học và tôn giáo không phải là hai phạm trù tư tưởng đối lập loại trừ lẫn nhau như giới khoa học vô thần thường rêu rao, mà trái lại, chúng bổ sung cho nhau để làm nên bức tranh hiện thực đầy đủ nhất, phong phú nhất.
Thật thú vị để nhận xét thêm rằng Gödel và Einstein, mặc dù rất thân thiết với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng Gödel có chiều sâu tâm linh vượt xa Einstein. Nếu Einstein dừng lại ở đức tin vào Đấng Sáng tạo, không tin vào thế giới tâm linh, thì Gödel, giống Nicola Tesla, tin chắc vào sự hiện hữu của thế giới tâm linh – thế giới của những thực thể khác với chúng ta và cao hơn chúng ta, thế giới của con người trước khi sinh ra và sau cái chết. Nếu Tesla muốn tiếp cận với thế giới ấy bằng các phương tiện vật lý thì Gödel tìm cách tiếp cận bằng con đường triết học và thần học khoa học, tức triết học và thần học dựa trên những phương pháp suy luận chặt chẽ và chính xác bằng toán học. Mặc dù cả hai ông, Tesla và Gödel, đều chưa đạt được mong muốn trong phạm vi nghiên cứu này, nhưng các ông là minh chứng cho thấy niềm tin vào hiện tượng siêu nhiên không phải là niềm tin mù quáng, mà là một niềm tin khách quan.
Trở lại với việc phê phán mặt trái của khoa học, tôi cho rằng mặt trái lớn nhất của nó là sự kích thích và nuôi dưỡng thói tự phụ của con người, một bản năng vốn có trong “cái tôi” (ego) vô thức.
Xây được những tòa nhà chọc trời, bắc được những cây cầu vượt biển, chế ra những máy bay phản lực siêu thanh, đưa người vào không gian vũ trụ, đặt chân lên mặt trăng, với tới Sao Hỏa, đi ngược vào bên trong vật chất tới tầng sâu thẳm của thế giới hạ nguyên tử, thâm nhập vào phần cốt lõi của sự sống, đọc được mã DNA, chế tạo ra những cỗ máy xử lý thông tin, thiết lập mạng thông tin không dây toàn cầu, thâu tóm toàn bộ tri thức của nhân loại vào những con chip nhỏ xíu, và bao nhiêu thành tựu kỳ diệu khác mà một thế kỷ trước đây tưởng như chỉ có Thượng Đế mới làm nổi… Quả thật thành tựu khoa học rất vĩ đại. Nhưng những thành tựu ấy vĩ đại bao nhiêu thì cũng đồng thời kích thích thói tự phụ bấy nhiêu. Kinh Thánh dạy: “Kiêu ngạo đến, ô nhục cũng đến; còn khôn ngoan ở với những người khiêm tốn” (When pride comes, then comes disgrace, but with humility comes wisdom) (Châm ngôn 11:2).
Tôi nhớ trong cuốn “Hành trình về Phương Đông” của Baird Spalding, thương gia Lawrence Keymakers cũng đưa ra một lời khuyên với các nhà khoa học của Hội Hoàng gia Anh trước khi các vị này bước vào nghiên cứu thế giới huyền bí, rằng: “…điều đầu tiên tôi học được là sự khiêm tốn… chỉ khi ta khiêm tốn gạt bỏ những thành kiến có sẵn ta mới tiếp nhận thêm được những điều mới lạ”.
Vậy trước hết, hãy khiêm tốn để tiếp nhận thêm những điều mới lạ. Thứ hai, học trải nghiệm. Bởi vì chỉ có sự trải nghiệm mới mang lại tri thức thật.
Tôi biết và thậm chí chứng kiến khá nhiều chuyện kỳ lạ có thật, vượt xa tầm với của khoa học logic và thực chứng. Có những chuyện xảy ra với chính bản thân tôi. Nhưng những chuyện này sẽ được kể sau. Bây giờ tôi xin kể một số hiện tượng siêu nhiên được ghi chép trong những sách báo đã được xuất bản chính thức, nhưng có thể nhiều người vẫn chưa biết, hoặc biết thoáng qua mà không thấy hết được ý nghĩa mầu nhiệm của nó.
Dẫu thế nào thì những sự thật được kể dưới đây, đối với nhiều người, vẫn rất khó tin. Có nhiều lý do để khó tin, nhưng lý do phổ biến nhất là sự trải nghiệm cá nhân.
Einstein nói: “Nguồn tri thức duy nhất là sự trải nghiệm” (The only source of knowledge is experience). Thậm chí, ông cho rằng: “Ví dụ không phải là một cách khác để dạy học, mà là cách duy nhất để dạy”. Có nghĩa là để giúp ai đó nhận thức một sự vật hay một sự việc, cách tốt nhất làm cho người ấy trông thấy, sờ thấy, hoặc trải nghiệm thấy sự vật hay sự việc đó.
Quả thật, không có trái nghiệm về thế giới tâm linh thì làm sao nhận thức được thế giới tâm linh?
Nhưng không ai có đủ mọi trải nghiệm. Không ai có thể trải qua tất cả mọi kinh nghiệm của nhân loại. Vì thế nhận thức của mỗi người phải được bổ sung bởi kinh nghiệm của người khác. Sách vở, nhà trường phải làm công việc đó. Tự học cũng là một cách học trải nghiệm rất tốt. Kinh nghiệm của người khác nếu chưa trở thành nhận thức của chính bạn thì ít nhất nó cũng trở thành dữ liệu nằm trong bộ nhớ của bạn. Bộ não của bạn sẽ xử lý nó khi cần thiết. Với thời gian, bạn sẽ có nhiều trải nghiệm hơn. Một ngày nào đó những dữ liệu ấy sẽ trở thành những thông tin có ý nghĩa. Vì thế tôi hy vọng những câu chuyện dưới đây ít nhất cũng sẽ trở thành những dữ liệu bổ ích cho bất kỳ ai muốn mở cánh cửa nhìn ra thế giới.
Như tôi đã thông báo trong một bài viết mang tên Cái gì vượt quá tầm với hạn chế của lý lẽ và khoa học hiện đại?, cuốn sách “Nguyễn Đức Cần, nhà văn hóa tâm linh” của Nguyễn Phúc Giác Hải và Nguyễn Tài Đức, do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2013, là một sự kiện rất đặc biệt. Đây là một cuốn sách RẤT QUÝ, vì lần đầu tiên một tài liệu ghi chép những hiện tượng siêu nhiên xảy ra gần chúng ta nhất, cả về không gian lẫn thời gian, đã chính thức được công nhận. Đó là một bằng chứng vô giá về lịch sử, khoa học, văn hóa và tâm linh trong xã hội Việt Nam hiện đại. Trong mấy thập niên vừa qua, có một số hiện tượng kỳ lạ khác xảy ta tại Việt Nam, nhưng không có trường hợp nào phi thường như trường hợp của cụ Nguyễn Đức Cần.
Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là ở chỗ sự nghiệp của cụ Nguyễn Đức Cần là minh chứng rõ ràng cho thấy phép lạ ĐÃ và ĐANG xảy ra ngay trong thời đại của chúng ta, thời đại trong đó khoa học kỹ thuật đã phát triển đến trình độ rất cao. Trong thời đại này, phép lạ do khoa học kỹ thuật tạo ra và phép lạ siêu tự nhiên vẫn song song tồn tại, không loại trừ lẫn nhau, không mâu thuẫn với nhau. Mỗi phép lạ đều có sứ mạng riêng của nó.
Bản thân các nhà khoa học tham gia nghiên cứu trường hợp cụ Nguyễn Đức Cần đều là những nhà khoa học có trình độ cao, như GS Nguyễn Hoàng Phương, GS Nguyễn Phúc Giác Hải,… Những người ủng hộ chương trình nghiên cứu này là những nhà khoa học có uy tín của Việt Nam, như GS Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viên Khoa học VN, GS Đào Vọng Đức, Viện trưởng Viện Vật lý,…
Vì thế đến hôm nay nếu ai còn cho rằng hiện tượng chữa bệnh không dùng thuốc của cụ Nguyễn Đức Cần là chuyện mê tín dị đoan thì người ấy hoặc trí tuệ thấp, hoặc lười biếng không chịu nghiên cứu, hoặc mắc bệnh tự phụ khoa học lố bịch.
Cụ Cần là một bậc thánh làm nhiều phép lạ, nhưng chủ yếu là các phép lạ chữa bệnh. Bản thân cụ được thụ giáo bởi hai ông thầy. Hai vị này ắt cũng phải là những bậc thánh trong thế kỷ 20. Rất tiếc là thông tin về hai vị thánh đó quá ít, không đủ để cho chúng ta lý giải được vì sao cụ Cần có thế có được những phép lạ như vậy.
Trong cuốn sách dày 487 trang này, có quá nhiều phép lạ. Tôi muốn chọn một chuyện tiêu biểu nhất để kể ra ở đây, nhưng rất khó, vì chuyện nào cũng rất ấn tượng. Cuối cùng tôi đành chọn ngẫu nhiên vài chuyện sau đây.
Phương pháp chữa bệnh của cụ Cần là những hiện tượng siêu tự nhiên, vì cụ không dùng thuốc, thậm chí không tiếp xúc với bệnh nhân (chữa bệnh thông qua người nhà đến gặp cụ kể bệnh của bệnh nhân, hoặc chữa bệnh cho những bệnh nhân không quen biết ở nước ngoài, thông qua người giới thiệu). Theo các tác giả cuốn sách nói trên, cụ Cần áp dụng 3 phương pháp chủ yếu sau đây:
– Lời nói (còn gọi là chú, mật chú, mật ngữ, Dharani).
– Tờ đạo (còn gọi là phù, linh thần phù, Mandhara)
– Chữa bệnh bằng tay (trong Mật tông gọi là ấn quyết, Mudra).
Bình luận của tác giả
Tài chữa bệnh của cụ Cần, không nghi ngờ gì nữa, là phép lạ siêu tự nhiên, vì nó vượt ra khỏi cái khung tiêu chuẩn của khoa học:
Tiêu chuẩn 1: Logic. Mọi suy luận của khoa học phải dựa trên những tiên đề được thừa nhận. Trong trường hợp này, việc chữa bệnh của cụ Cần không dựa trên bất kỳ một tiên đề nào của khoa học. Ngược lại, mọi tiên đề của khoa học đều không thể áp dụng vào trường hợp chữa bệnh của cụ Cần.
Tiêu chuẩn 2: Thực chứng khách quan. Hiện tượng quan sát có thể lặp đi lặp lại bằng thí nghiệm để kiểm tra. Nhưng không ai có khả năng lặp lại những việc cụ Cần đã làm. Chỉ có chính bản thân cụ mới có thể lặp lại những gì cụ đã làm.
Tóm lại, việc chữa bệnh của cụ Cần giúp chúng ta thấm thía lời Socrates 2400 năm trước: “Điều duy nhất tôi biết là tôi chẳng biết gì cả”.
Khao khát hiểu biết nằm trong bản năng của con người. Einstein lúc sinh thời thường thốt lên “Tôi muốn hiểu được ý Chúa”. Nhưng “ý Chúa” trong tư tưởng của Einstein chỉ bó hẹp trong tầng thế giới vật chất. Ý Chúa thực ra rộng lớn hơn rất nhiều. Gödel tỏ ra sâu sắc hơn Einstein khi ông nói có những thế giới khác, cao hơn thế giới của chúng ta.
Đẩy tư tưởng của Gödel đi xa hơn một chút, tôi muốn nói rằng các thế giới có thể có một quan hệ tương tác liên thông nào đó với nhau mà chúng ta không biết. Đúng hơn, khoa học không biết và không thể biết, vì khoa học tôn sùng chủ nghĩa duy vật, khoa học tự giam hãm mình trong cái lồng chật hẹp của chủ nghĩa duy vật. Để thoát ra khỏi cái lồng đó, phải bổ sung vào nhận thức những khái niệm của Lý thuyết Thông tin.
Thế kỷ 20 là thế kỷ của những cuộc cách mạng về nhận thức, với sự ra đời của hàng loạt lý thuyết khoa học làm đảo lộn nhận thức: Thuyết Lượng tử; Thuyết Tương đối; Nguyên lý Bất định; Lý thuyết Hỗn độn; Định lý Bất toàn… Nhưng tất cả những cuộc cách mạng ấy chưa đủ để làm cho con người thoát ra khỏi cái lồng của chủ nghĩa duy vật, mặc dù Định lý Bất toàn là tín hiệu báo cho nhân loại biết rằng cái lồng đó quá chật hẹp. Tuy nhiên, từ nửa cuối thể kỷ 20 đến nay, nhân loại đang chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự giải phóng con người khỏi cái lồng của chủ nghĩa duy vật, đó là SỰ RA ĐỜI CỦA LÝ THUYẾT THÔNG TIN, trong đó những THỰC TẠI PHI VẬT CHẤT lần đầu tiên đã trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học. Đó là THÔNG TIN!
Thật vậy, Lý thuyết Thông tin đã tự động bác bỏ chủ nghĩa duy vật bởi 2 Tiên đề cơ bản sau đây:
Tiên đề 1: “Thông tin là thông tin, thông tin không phải là vật chất và năng lượng” (Information is information, not matter or energy).
Đó là tuyên bố của Norbert Weiner, cha đẻ cybernetics (điều khiển học). Tuyên bố ấy đã trở thành một tiên đề nền tảng của Lý thuyết Thông tin. Nói cách khác, thông tin là một thực tại khách quan, tồn tại độc lập với vật chất, mặc dù nó thường biểu lộ qua vật chất hoặc được chuyển tải bởi vật chất. Vật chất có thể biến mất (chuyển từ dạng này sang dạng khác), nhưng thông tin luôn luôn tồn tại. Trước đây tôi quan niệm linh hồn là một dạng sóng, nhưng giờ đây tôi cho rằng linh hồn của con người là một dạng thông tin, và do đó thông tin ấy sẽ tồn tại mãi mãi, kể cả sau cái chết. Tư tưởng này sẽ giúp ta giải thích được rất nhiều hiện tượng tâm linh.
Tiên đề 2: Mọi thông tin đều có nguồn; nguồn thông tin ắt phải là một TRÍ TUỆ THÔNG MINH.
Khoa học chứng minh rằng vũ trụ tuân thủ những định luật vật lý xác định. Nói cách khác, tồn tại những thông tin điều khiển sự vận hành của vũ trụ. Thông tin ấy từ đâu mà ra? Không thể có câu trả lời nào khác: Đấng Thiết kế vũ trụ, tức Đấng Sáng tạo. DNA chứa thông tin về sự sống. Thông tin ấy từ đâu mà ra? Câu trả lời tương tự: Đấng Thiết kế sự sống, tức Đấng Sáng tạo.
Nếu linh hồn của con người là một dạng thông tin, thì thông tin ấy từ đâu mà ra? Kinh Thánh đã trả lời: “Thiên Chúa lấy đất nặn một hình người, và thổi sinh khí vào mũi nó, tức thì hình nặn ấy thành một thực thể sống động” (Sáng thế ký 2:7). Cái sinh khí Chúa thổi vào mỗi chúng ta chính là những thông tin làm cho chúng ta trở nên người! Nếu không, chúng ta chỉ là đất, là cát bụi. Sự chết là sự trở về cát bụi của thể xác, nhưng linh hồn vẫn tồn tại, vì thông tin không bao giờ mất.
Nữ thánh Mary Mackillop của Úc nói : “Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta chỉ là những lữ khách trên đời này mà thôi” (Remember we are all but travelers here). Ý Ngài nhắc chúng ta rằng cuộc sống giống như một chuyến lữ hành, rồi ta sẽ phải về nhà.
Làm sao để cụ Cần có thể làm được công việc phi thường đó?
Hãy hỏi 2 sư phụ của cụ. Nhưng các sư phụ của cụ chỉ hé lộ cho cụ Cần biết, không cho chúng ta biết. Đó là cơ Trời, mà chỉ có những người có sứ mạng đặc biệt mới được biết.
Những người không có tôn giáo thường không tin vào cơ Trời, không tin vào những sứ mệnh đặc biệt. Nhất là những người theo chủ nghĩa duy khoa học (scientism), thường cho rằng với khoa học, mọi người đều có thể nắm bắt được mọi bí mật của vũ trụ, miễn là anh ta chịu khó học hỏi. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Có nhiều sự thật chỉ có những nhân vật mang một sứ mạng đặc biệt mới được biết. Tùy theo sứ mạng được giao lớn hay nhỏ mà người ấy được biết những bí mật lớn hay nhỏ.
Einstein là một người có sứ mạng vĩ đại, tôi nghĩ vậy. Vì thế ông mới có thể có bộ óc phi thường đến như thế. Nhưng Einstein, có lẽ, chỉ có sứ mạng vén tỏ bức màn bí mật của vũ trụ về mặt vật chất mà thôi. Ông [có lẽ] không được mặc khải về tâm linh.
Tôi tin cụ Cần cũng là một trong những người có sứ mạng đặc biệt, và chính cụ ý thức rõ điều đó. Đó là lý do cụ chữa bệnh không lấy tiền, thậm chí một đồng quà tấm bánh của bệnh nhân để tỏ lòng biết ơn cụ cũng không nhận. Cụ sống đạm bạc, hy sinh đến mức tuyệt đối, nêu cao một tấm gương đạo đức sáng ngời, luôn miệng dạy bảo bệnh nhân phải sống đạo đức, từ bỏ điều xấu. Một con người như thế chỉ có thể là một bậc thánh, nhận một sứ mệnh cao cả từ những bề trên thiêng liêng trao cho. Cụ báo động cho chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một thời đại vô cùng khó khăn, đầy tai kiếp, nhưng chính vì thế càng phải tu dưỡng đạo đức. Thông điệp cụ gửi gắm tới chúng ta thông qua các bệnh nhân, theo tôi, không chỉ là thông điệp của cá nhân cụ, mà của những thế giới khác, cao hơn thế giới của chúng ta. Bản thông điệp này cực kỳ quan trọng, hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa ấy vượt lên trên việc chữa bệnh thể xác, mà gợi ý cho chúng ta suy ngẫm về việc chữa bệnh linh hồn. Nếu không tập trung tư tưởng để suy ngẫm thì chúng ta không thể lĩnh hội bản thông điệp ấy được.
Tác giả: Phạm Việt Hưng, viethungpham.com.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/bi-an-co-the-nguoi/cu-nguyen-duc-can-vi-luong-y-sieu-pham-vuot-tren-moi-gioi-han-cua-khoa-hoc.html