Bà Dorothy Louise Eady, được biết đến với biệt danh Omm Sety hoặc Om Seti (16/1/1904 – 21/4/1981) từng là người trông coi đền thờ Seti I ở Abydos và là người vẽ đồ án cho Ban Cổ vật Ai Cập. Bà đã trở nên đặc biệt nổi tiếng với tuyên bố về một kiếp sống trước đây trong vai trò một nữ tu sỹ vào thời Ai Cập cổ đại, cũng như với các cuộc nghiên cứu lịch sử phong phú của bà tại thành cổ Abydos.
Dorothy Louise Eady sinh ra tại London vào năm 1904, nhưng lại lớn lên ở một thị trấn ven biển. Năm lên 3, sau khi ngã cầu thang, cô bắt đầu có những biểu hiện kỳ lạ, khi yêu cầu được “đưa trở về nhà”. Điều này đã tạo nên một số phiền toái trong những năm tháng thơ ấu của cô.
Giáo viên trường Chúa Nhật (một loại hình giáo dục tôn giáo của Cơ Đốc giáo) của Dorothy đã yêu cầu cha mẹ cô đừng để con mình đến lớp, vì cô đã so sánh Cơ Đốc giáo với tôn giáo “ngoại đạo” của Ai Cập cổ đại. Cô từng bị đuổi khỏi một trường nữ sinh ở Dulwich, nam London sau khi cô từ chối hát một bài thánh ca cầu Chúa “nguyền rủa bọn người Ai Cập da sậm”. Cô thích đến dự các buổi thánh lễ Misa của Cơ Đốc giáo tại nhà thờ vì nó khiến cô nhớ lại “Tôn giáo cũ” của mình. Sau khi biết được chuyện này nhờ trao đổi với cha mẹ cô, một linh mục đã ngăn cấm cô tiếp tục đến dự các buổi Thánh lễ.
Một lần khác, cô được cha mẹ đưa đến Bảo tàng Anh, và ngay khi vừa nhìn thấy một bức ảnh chụp trong công trình mô phỏng đền thờ Ai Cập thời Tân Vương Quốc, cô bé đã thốt lên: “Đây là nhà của tôi!” nhưng lại hỏi “Những cái cây đâu rồi? Khu vườn đâu rồi?”. Ngôi đền này thuộc về Pha-ra-ông Seti I, cha của Pha-ra-ông Ramesse II. Cô bé chạy xung quanh sảnh trưng bày cổ vật Ai Cập, hôn lên chân của các bức tượng, và tỏ ý muốn “được ở lại với đồng hương của mình”.
Từ năm 10 đến năm 12 tuổi, cô bé đã nhiều lần viếng thăm bảo tàng, dành hầu hết thời gian rảnh của mình ở đó. Chính ở đây cô đã dần làm quen với ông E.A Wallis Budge, người quản lý các món cổ vật Ai Cập trong bảo tàng. Ấn tượng mạnh mẽ với nhiệt huyết và vốn kiến thức của cô bé về Ai Cập cổ đại, ông đã khuyến khích Dorothy đi học chữ tượng hình. Cô bắt đầu tham gia một lớp về chữ tượng hình; và người giáo viên đã rất kinh ngạc với khả năng tiếp thu nhanh chóng của cô đối với một môn học thông thường cần nhiều năm để nắm bắt. Khi được hỏi làm thế nào cô có thể học những ký hiệu phức tạp nhanh chóng đến vậy, Dorothy trả lời là cô bé không thật sự học chúng từ con số không, mà là nhớ lại ngôn ngữ cổ cô đã quên từ lâu.
Chính trong khoảng thời gian này, khi cô được 15 tuổi, cô đã bắt đầu liên tục được ghé thăm trong giấc mộng bởi một linh hồn tên là Hor-Ra. Linh hồn này bảo cô rằng cô là đầu thai của một người phụ nữ Ai Cập tên là Bentreshyt, một nữ tu sĩ ở ngôi đền Seti I tại thành phố Abydos, Thượng Ai Cập. Hor-Ra sẽ thường xuyên xuất hiện trong giấc mộng của cô bé trong suốt khoảng thời gian 12 tháng và kể cho cô nghe câu chuyện về kiếp trước của mình. Dorothy đã viết nhật ký giấc mơ, và khi xong xuôi, cô đã viết được khoảng 70 trang về kiếp trước của mình, tất cả đều bằng tiếng Ai Cập cổ đại:
Bentreshyt (Nghĩa: Đàn thụ cầm hân hoan) trong bối cảnh này ám chỉ một xuất thân bình dân, mẹ cô là một người bán rau và cha cô là một người lính trong giai đoạn trị vì của Pha-ra-ông Seti I (1290 – 1279 TCN). Khi Bentreshyt lên ba, mẹ cô qua đời, và cô đã được đưa vào đền Kom-el-Sultancha vì cha cô không thể gánh vác nổi trọng trách này. Tại đó, Bentreshyt đã được nuôi nấng để trở thành một nữ tu sĩ. Năm 12 tuổi, vị Quan tư tế tối cao (High Priest) đã đưa cho cô hai lựa chọn: hoàn tục (quay trở về thế giới bên ngoài) hoặc ở lại và trở thành một trinh nữ thánh hiến. Vì không hoàn toàn hiểu rõ điều này, cùng lúc không có một lựa chọn khả thi nào khác, cô đã phát lời thề nguyện.
Trong vòng hai năm kế tiếp, Bentreshyt đã được giao đóng vai trong buổi kịch nghệ thường niên miêu tả lại những nỗi khổ hình và sự phục sinh của thần Osiris, một vai diễn mà chỉ có những nữ tu sĩ đồng trinh đã hiến dâng cả đời mình cho nữ thần Isis mới có được. Một ngày nọ, vua Seti I đã gặp gỡ và trò chuyện với cô. Họ trở thành người yêu, và Bentreshyt đã phản bội lời thề của mình, khi hai người “ăn ngỗng sống” (một thuật ngữ Ai Cập cổ đại tương tự như cách nói “ăn trái cấm”). Khi Bentreshyt có mang, cô đã nói với vị Quan tư tế tối cao về danh tính của cha đứa trẻ. Đáp lại, vị Quan tư tế tối cao bảo với cô rằng tội phản bội nữ thần Isis là cực kỳ nghiêm trọng, và cái chết sẽ là hình phạt tất yếu tại phiên xét xử. Không muốn Seti phải đối mặt với vụ tai tiếng này, Bentreshyt đã kết liễu mạng sống của chính mình.
Khi lên 15, Dorothy đã kể lại một lần viếng thăm của linh hồn Pha-ra-ông Seti. Hành vi của cô, cùng với tật mộng du và các cơn ác mộng gặp phải, đã khiến cô bị đưa vào viện điều dưỡng một vài lần.
TAMTHUCÁnh sáng đã rời bỏ thế gian, thế giới trở nên tăm tối
Giăng trên bầu trời đầy sao là những sợi tơ của sự hắc ám
Chúng ta hát về Osiris, Ngài đã qua đời
Nước mắt của ngươi, vì tinh tú của ngươi, ngọn lửa của ngươi, dòng sông của ngươi đều nhỏ lệ;
Hãy nhỏ lệ, những đứa con của sông Nile, hãy nhỏ lệ – vì vị vua của các người đã mất.
Nhưng mãi cho đến năm 1931, khi cô bé Dorothy ngày nào được 29 tuổi, và trở thành vợ của Eman Abdel Meguid, một sinh viên người Ai Cập mà cô quen biết, thì cô mới có thể du lịch đến Ai Cập. Khi đặt chân đến đây, Dorothy đã hôn lên mặt đất và nói rằng mình đã trở về nhà.
Năm 1935, người chồng Eman nhận được một công việc giảng dạy tại Iraq, nhưng Dorothy không muốn rời xa Ai Cập, nên họ đã ly hôn, và đứa con trai ở lại với cô. Hai năm sau, cô dọn đến sống ở làng Nazlat el-Samman bên cạnh Đại kim tự tháp Giza. Ở đây cô đã gặp nhà khảo cổ học Selim Hassan rồi trở thành thư ký và người vẽ phác họa cho ông tại Cục Cổ vật Ai Cập (Egyptian Antiquities Department). Cô là nữ nhân viên đầu tiên của Cục và là một người phụ tá đắc lực cho ông Hassan nói riêng và những học giả Ai Cập nói chung, khi chỉnh sửa lại lỗi tiếng Anh của họ và viết các bài viết bằng tiếng Anh cho những người khác. Từ một người phụ nữ người Anh với trình độ học vấn hạn chế, cô đã trở thành một người vẽ phác họa hàng đầu và một cây viết đầy ý tưởng và tài năng, khi tự mình sản xuất những bài viết, luận văn, tài liệu chuyên khảo, và các cuốn sách bao quát một phạm vi rộng, có trí tuệ và chất lượng tốt.
Cô đã học hỏi được từ các học giả này những kỹ năng khảo cổ, đổi lại họ nhận được lợi ích nhờ chuyên môn của cô về các ký tự tượng hình và tranh vẽ. Với những cống hiến to lớn của mình cho ông Hassam, cô đã được nhà khảo cổ học Ahmed Fakhry chọn làm trợ lý nghiên cứu trong dự án khảo cổ của mình tại Dashur.
Năm 1956, sau khi Dự án Nghiên cứu Kim tự tháp Dashur của ông Ahmed Fakhry kết thúc, Dorothy bất chợt lâm vào cảnh thất nghiệp. Ông Fakhry đã gợi ý rằng cô nên “leo lên Đại kim tự tháp; và khi cô trèo lên đến đỉnh, hãy quay sang phía Tây để bày tỏ lòng mình với Thần Osiris và hỏi Ngài “Quo vadis” (Ngài đang đi đâu vậy)? Ông đã đưa cho Dorothy Eady hai sự lựa chọn: nhận một công việc với mức lương hậu hĩnh tại Cục Lưu trữ Cairo (Cairo Record Office); hay một công việc có mức lương thấp tại thành phố Abydos trong vai trò một nhân viên vẽ phác thảo. Dorothy đã chọn cái thứ hai. Cô cho biết linh hồn Pha-ra-ông Seti I đã chấp thuận quyết định này. Theo lời kể của cô, vị Pha-ra-ông này đã tuyên bố rằng “bánh xe định mệnh” đang xoay chuyển; và đây là thời điểm thử thách. Nếu cô giữ được tiết hạnh cô sẽ có thể bù đắp lại tội lỗi của Bentryshyt năm xưa.
Ngày 3/3/1956, bà Omm Sety, lúc này đã 52 tuổi, đã trở về Abydos để tiếp nhận công việc phác thảo của mình. Ngay khi bắt đầu công việc, bà đã ngay lập tức cho thấy vốn hiểu biết của mình về ngôi đền Seti I, vượt xa những gì được ghi chép trong sách vở, trên thực tế không thể được tìm thấy ở bất kỳ nguồn tư liệu hiện hữu nào. Một lần nọ, giám đốc Cục Cổ vật đã quyết định kiểm chứng những lời tuyên bố của Omm Sety về một kiếp sống trước đây của bà tại khu vực này. Đứng trong một căn phòng gần như tối om với một loạt các bức tranh treo tường, bà được yêu cầu phải chỉ ra vị trí và nhận diện mỗi bức tranh dựa trên ký ức tiền kiếp của mình. Mỗi lần bà đều có thể xác định chính xác vị trí, nhận diện và miêu tả chi tiết mỗi bức tranh, dù rằng bà chưa bao giờ nhìn thấy chúng trước đây, và tại thời điểm đó chưa có bức tranh nào hay địa điểm chính xác của chúng từng được công bố trong bất kỳ tư liệu nào.
Omm Sety có khả năng xác định các di tích khảo cổ dựa trên các “ký ức tiền kiếp” của mình. Bà cho rằng phải có một khu vườn nằm cạnh ngôi đền Seti I. Quả nhiên, sau khi khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một khu vườn đúng theo miêu tả của bà Omm Sety. Bà cũng cung cấp các chi tiết về ngôi đền Osirion nằm phía sau đền Seti I và tuyên bố rằng Tượng nhân sư cổ hơn nhiều, rất nhiều so với nhận định của các chuyên gia.
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/153151.html