Một phép tính cộng ba chữ số hoặc một phép nhân hai số có hai chữ số có lẽ cũng đủ khiến bạn lắc đầu, nhanh chóng rút chiếc smartphone ra để cộng trừ, nhân chia. Ngày nay con người chúng ta đang dần tin rằng tính toán là việc của máy tính, nhưng bộ óc tính nhẩm thiên tài dưới đây sẽ khiến bạn thay đổi quan điểm của mình. Hãy cùng khám phá nhé!
1. Shakuntala Devi người phụ nữ đánh bại khả năng tính toán của máy tính
Shakuntala Devi, một trong những thiên tài tính nhẩm tiêu biểu của thế giới, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1929 tại Bangalore, miền Nam Ấn Độ. Tài năng của bà đã khiến mọi người thán phục ngay từ khi bà còn là một cô bé. Tờ New York Times miêu tả bà như một nhà ảo thuật về số học. Khả năng tính nhẩm của bà đánh bại bộ xử lý của máy tính – cho thấy một bộ óc tính toán siêu thường.
Khi mới được 3 tuổi, Shakuntala Devi đã cho thấy khả năng nhớ các con số và tài năng toán học của mình khi chơi bài với cha. Đến 5 tuổi, bà đã trở thành một chuyên gia về giải các đề toán. Nhận thấy tài năng quá đỗi đặc biệt của con gái mình, cha của bà đã quyết định rời khỏi đoàn xiếc nơi ông đang làm việc. Ông muốn giúp con nuôi dưỡng món quà vô cùng đáng quý mà Thượng đế ban tặng cho con gái. Sử dụng những kinh nghiệm quý báu trong nghề nghiệp, bố của Shakuntala đã giúp bà tổ chức những buổi biểu diễn trên đường phố. Khi ấy, người cha thân yêu của bà không đơn thuần muốn phô diễn tài năng của con gái, mà quan trọng nhất ông muốn truyền cho con cảm hứng để làm mọi người tin vào những khả năng kì diệu và vô tận của con người.
Khi lớn lên, Shakuntala tiếp tục làm sống dậy nguồn cảm hứng mà cha đã trao truyền. Bà đến các trường đại học, các sân khấu, đài phát thanh và các kênh truyền hình trên toàn thế giới để làm những phép tính phi thường. Vào năm 1977 trong một lần biểu diễn khả năng của mình tại Đại học Southern Methodist ở Dallas, Mỹ, bà đã tính khai căn bậc 23 của một số có 21 chữ số trong 50 giây. Trong khi đó máy tính Univac mất 62 giây để tìm ra đáp số. Đến năm 1980, Shakuntala lại tiếp tục khiến tất cả những người chứng kiến kinh ngạc và phải ngã mũ kính phục khi tại Đại học Hoàng gia London bà chỉ mất 28 giây để tính ra đáp số của phép nhân hai số có 13 chữ số được một máy tính lựa chọn ngẫu nhiên. Lần biểu diễn này đã giúp bà ghi tên vào sách kỷ lục Guinness.
Ở ngoài đời, Shakuntala là một người phụ nữ thông minh, hòa đồng và rất có năng khiếu sư phạm. Bà được biết đến như một nhà chiêm tinh học, tác giả của những cuốn sách huyền bí và cũng là một tiểu thuyết gia hết sức thành công. Shakuntala mất ngày 21 tháng 4 năm 2013 vì suy hô hấp, khi bà 83 tuổi.
2. Kim Peek- Nguồn cảm hứng cho bộ phim Rain Man
Không chỉ có vậy, Peek còn sở hữu “cuốn lịch lớn nhất của nhân loại” ngay trong bộ nhớ của mình: Khi một người cho ông biết ngày sinh nhật của họ, ngay lập tức ông sẽ cho họ biết đó là ngày nào trong tuần.
Về mặt thần kinh học, các bác sĩ đã phát hiện ra bộ não của Peek có những tổn thương rất lớn: Ông không có phần nối hai bán bán cầu não và tiểu não đã bị hư hỏng. Tổn thương về tiểu não chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tứ chi và khả năng phối hợp chức năng vận động tâm thần của Peek. Trong cuộc sống hàng ngày, ông gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện những công việc như: chải đầu, mặc quần áo, đi giày. Những hành động vô cùng đơn giản với chúng ta như cài cúc áo, buộc dây giày cũng là một thử thách không thể vượt qua với Peek. Chính vì những tổn thương về vận động này, Peek không thể sống tự lập. Từ nhỏ tới lớn, ông sống cùng cha mẹ. Tới khi cha mẹ Peek ly hôn, cha ông chính là người luôn ở bên cạnh, chăm lo và động viên tinh thần cho Peek.
Hình chụp những tổn thương não của Kim Peek
Không giống như trong phim Rain Man, Peek không mắc chứng tự kỷ, mà ông đơn giản chỉ là người hiền lành nhút nhát, thiếu kỹ năng xã hội. Từ khi 18 tuổi (năm 1969), ông đã bắt đầu đi làm để phụ giúp gia đình và tự trang trải những chi phí của bản thân, tại một trung tâm người khuyết tật, và khả năng tính thần tốc của ông đã giúp ích cho ông rất nhiều. Peek mất ngày 19 tháng 12 năm 2009 ở tuổi 58.
Ngoài khả năng tính toán thiên tài, hai thiên tài tính nhẩm này còn có một điểm chung rất thú vị và cảm động: Đằng sau sự tỏa sáng của họ, luôn luôn có sự trợ giúp, động viên, truyền cảm hứng không mệt mỏi của những người thân yêu, đặc biệt là cha mẹ – những người yêu thương họ hết mực mà không hề đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào. Nếu không có những người cha tuyệt vời ấy, có lẽ thế giới đã không được biết tới hai viên ngọc quý này.
Nhưng quan trọng nhất, hai cái tên Shakuntala Devi và Kim Peek cho đến nay, vẫn còn là một ẩn đố vô cùng lớn với giới khoa học. Khả năng phi thường của họ vẫn đang thách thức các nhà nghiên cứu, đồng thời mở ra một câu hỏi đầy bí ẩn: Đâu là giới hạn của bộ não người? Nói một cách khác, tại sao những con người ấy lại có khả năng phi thường như vậy? Khả năng phi thường của họ chỉ là một vài trường hợp “lỗi” hiếm hoi của thế giới tự nhiên, hay họ chính là những bằng chứng quý giá cho giả thuyết: Con người sở hữu những khả năng tiềm tại vô cùng to lớn, nhưng chúng đang bị khóa lại bên trong mỗi chúng ta vì một lý do vô cùng bí ẩn nào đó?
Theo Epoch Time France
Xuân Hạ biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/doi-song/2-bo-nao-sieu-viet-danh-bai-ca-may-tinh-cho-thay-gioi-han-khong-tuong-cua-con-nguoi.html