Vào thời Ai Cập cổ đại, các pha-ra-ông không chỉ là những người cầm quyền ‘bằng xương bằng thịt’ mà còn được xưng tụng như thần thánh. Đế chế Ai Cập cổ đại đã tồn tại trong hàng nghìn năm, và trong khoảng thời gian này có đến tổng cộng ít nhất 170 pha-ra-ông. Theo các ghi chép lịch sử, Menes là pha-ra-ông đầu tiên và nữ hoàng Cleopatra VII là vị pha-ra-ông cuối cùng.
Trong bài viết này chúng tôi xin đưa ra 10 sự thật thú vị về các Pha-ra-ông. Một số trong chúng đã được biết đến rộng rãi, nhưng số khác thì lại không như vậy.
Cụm từ ‘pha-ra-ông’ là dạng thức tiếng Hy Lạp của từ ‘pero’ hoặc ‘per-a-a’ trong tiếng Ai Cập, vốn dùng để gọi nơi ở của hoàng gia và có nghĩa đen là ‘Ngôi nhà Lớn’. Danh từ này chưa hề được sử dụng cho tới khoảng 1.200 TCN. Các quốc vương ban đầu của Ai Cập không được gọi là pha-ra-ông mà chỉ được gọi là Vua. Chính trong giai đoạn Tân Vương quốc trở về sau, danh từ ‘pha-ra-ông’ mới được sử dụng để chỉ gọi vua.
Trở thành một pha-ra-ông không phải là một việc dễ dàng. Nó đòi hỏi một quá trình rèn luyện cực khổ, lâu dài, và bắt đầu từ rất sớm trong cuộc đời của một ‘pha-ra-ông tương lai’. Những đứa trẻ sẽ phải trải qua một loạt các hoạt động rèn luyện. Rất nhiều trong số những bài tập này là để tăng cường thể lực vì các pha-ra-ông thường chiến đấu ở tuyến đầu của đạo quân.
Các hoàng tử sẽ đến các chuồng ngựa hoàng gia để học cách cưỡi và thuần hóa các con ngựa hoang. Họ cũng sẽ chạy đua đường dài để tăng cường sức bền rồi sau đó tiếp tục với các chuyến đi săn và đánh cá. Đôi lúc, một hoàng tử sẽ thuyết phục một pha-ra-ông phong cho cậu làm ‘người đồng nhiếp chính’. Khi một pha-ra-ông chẳng may qua đời, ngai vàng sẽ được truyền lại cho người đồng nhiếp chính này.
Các pha-ra-ông cũng là các vị quan tư tế tối cao và là người phụ trách dâng cúng lễ vật hàng ngày cho các vị Thần. Chỉ các vị vua và hoàng hậu mới được phép tiến vào đền thờ nơi linh hồn của các vị Thần trú ngụ trong các bức tượng được thờ cúng.
Người ta tin rằng các pha-ra-ông là những người duy nhất được phép tiếp cận và chạm vào tượng các vị Thần. Thật vậy, trên các bức bích họa trong các đền thờ, chúng ta chỉ thấy các pha-ra-ông dâng cúng lễ vật cho các vị Thần chứ không phải ai khác.
Các pha-ra-ông luôn luôn có một chòm râu dưới cằm. Trong hầu hết các trường hợp đây là một chòm râu giả. Trong quá khứ, hầu hết đàn ông Ai Cập đều “mày râu nhẵn nhụi”, nhưng riêng các pha-ra-ông, thậm chí cả các nữ pha-ra-ông, đều đeo chòm râu giả. Thông thường các chòm râu được thắt lại thành một cái bím lớn. Người ta tin rằng chòm râu này khiến các pha-ra-ông kết nối gần hơn với các vị Thần.
Pha-ra-ông là người nắm giữ quyền lực cao nhất ở Ai Cập cổ đại. Họ có toàn quyền phụ trách pháp luật và trật tự, giao thương và công nghiệp, cũng như việc đánh thuế đất đền thờ và tài sản cá nhân. Pha-ra-ông cũng là người đứng đầu hệ thống pháp luật của Ai Cập. Nếu một người Ai Cập cảm thấy bị đối xử bất công, anh ta/cô ta có thể trực tiếp kêu oan với pha-ra-ông để đòi lại công bằng.
TAMTHUCNguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/kien-thuc-huu-ich/top-10-su-that-thu-vi-ve-cac-pha-ra-ong-ai-cap.html