Mở đầu cuốn “Những môn đệ của Pythagoras”[1], Margaret Wertheim, nữ ký giả khoa học nổi tiếng của tờ The New York Times, nêu lên một nhận xét đáng chú ý:
-Thế kỷ thứ 6 trước CN là một bước ngoặt lịch sử trong nền văn minh của nhân loại, bởi nó đánh dấu sự ra đời gần như đồng thời của các nhà tư tưởng thuộc hàng vĩ đại nhất của mọi thời đại, với những triết thuyết mang tính định hình cho nền văn minh của loài người chạy dài suốt từ Á sang Âu: Khổng tử và Lão tử ở Trung Hoa, Đức Phật ở Ấn Độ, và trường phái triết học Cổ Hy Lạp mà Pythagoras là nhân vật tiêu biểu.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất không phải là vấn đề thời điểm, mà là đặc trưng khác biệt về xu thế của hai dòng văn minh Đông – Tây ngay từ buổi trứng nước:
-Trong khi ở Đông phương, Lão giáo và Phật giáo lo tìm kiếm “con đường giải thoát” (ways of liberation), Khổng giáo lo xây dựng những nguyên lý đạo đức làm nền tảng tinh thần cho xã hội, thì tại Tây phương, một cuộc cách mạng kiểu khác đã xẩy ra: Các nhà tư tưởng Hy Lạp bắt đầu từ bỏ những giải thích huyền bí về thế giới xung quanh để chuyển sang tìm kiếm những nguyên nhân vật chất của các hiện tượng tự nhiên.
Tóm lại theo Wertheim, ngay từ đầu văn minh Đông phương cổ truyền đã có xu thế thiên về TÂM (thông qua chiêm nghiệm trực giác), trong khi văn minh Tây phương có xu thế thiên về VẬT (thông qua quan sát, đo đạc, chứng minh). Nếu TÂM thuộc Âm và VẬT thuộc Dương thì văn minh Đông phương cổ truyền là văn minh trội Âm, văn minh Tây phương trội Dương.
Nhưng xu thế phân cực đã dần dần bị thay đổi do những biến thiên thăng trầm của lịch sử: Thắng lợi áp đảo của khoa học thực nghiệm cùng với chủ nghĩa duy lý trong vài ba thế kỷ gần đây, và đặc biệt sau những thế kỷ các quốc gia Tây phương bành trướng thuộc địa, văn minh Tây phương đã trở thành nền văn minh thống trị trên phạm vì toàn cầu, với nội dung ngày càng thiên lệch rõ rệt về văn minh vật chất, văn minh khoa học, văn minh tính toán, văn minh thực dụng: Mọi thứ đều được số hoá, kể cả Cái Đẹp (!!!).
Đã có một thời người ta tưởng nền văn minh này là duy nhất đúng, nhưng những bản tin thời sự hàng ngày trên toàn thế giới cho thấy chủ nghĩa thực dụng vật chất đang đẩy con người tới một cuộc sống cạnh tranh ngày càng vội vã, bất an – bất an cả trong đời sống xã hội lẫn trong cuộc sống nội tâm.
Trong bối cảnh này, ngay tại Tây phương – nơi văn minh vật chất phát triển cực thịnh – đã xuất hiện một xu thế phê phán sự khiếm khuyết của nền văn minh này, thậm chí kết tội nền văn minh này có thể sẽ dẫn loài người tới chỗ diệt vong nếu không có một cơ chế đủ mạnh để kìm hãm.
Gia Cát Lượng thời Tam Quốc ở Trung Hoa có tài chế tạo máy móc và vũ khí chẳng kém gì người La-Mã ngày xưa. Nhưng sau khi dùng hoả công đốt cháy trong phút chốc hàng vạn quân sĩ của Mạnh Hoạch, ông đã ngửa mặt lên trời mà than rằng việc ác đó sẽ làm giảm tuổi thọ của chính ông. Đó là đặc điểm tư duy Đông phương – giết kẻ thù đến chỗ tuyệt diệt thì cũng chính là giết mình, bởi vạn vật là Một. Có người phản bác ý kiến này bằng cách viện dẫn ra hàng loạt ông vua tàn bạo giết người không ghê tay trong lịch sử cổ đại và trung đại Trung Hoa – một trong những cái nôi của Minh triết Đông phương cổ truyền – để khẳng định rằng Đông phương cổ truyền cũng chẳng có gì đáng phải học tập.
Thiết nghĩ, không ai có thể phủ nhận những sự thật lịch sử, nhưng cần phải nói rõ rằng các bạo chúa trong lịch sử Đông phương không phải là đại diện của Minh triết Đông phương. Họ chưa bao giờ được lịch sử ca ngợi, thậm chí họ luôn luôn bị coi là những bạo chúa coi thường Minh triết. Đó chính là lý do để Khổng tử chưa bao giờ thành công trong việc thuyết phục các vua chúa áp dụng kế sách của ông. Khổng tử trở thành người Thầy của phương Đông là nhờ ở cái Đức và những tư tưởng hợp Đạo Tự Nhiên của ông đã thấm đẫm vào tầng lớp trí thức uyên bác nhất, rồi từ đó lan rộng ra khắp bàn dân thiên hạ. Vì thế, khi nói đến việc kết hợp hai nền văn minh Đông + Tây, phải nói rõ đó là sự chắt lọc tổng hoà những giá trị tinh tuý của cả hai nền văn minh đó.
Điều quan trọng nhất của Minh triết Đông phương cổ truyền là ở chỗ nó luôn luôn điều chỉnh mọi biến thiên về vị trí trung hoà – vị trí cân bằng bền của mọi dao động. Đó là cái gốc Đạo Trung Dung của Khổng-Mạnh. Đạo Trung Dung chỉ ra rằng mọi biến dịch phải trở về cân bằng ổn định mới thuận Đạo Càn Khôn, bằng không là trái đạo. Khủng hoảng môi trường hiện nay là một biểu hiện điển hình của sự trái đạo, mà trái đạo sẽ dẫn tới nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chính loài người. Trong bài “Đạo của đất” trên Khoa Học & Tổ Quốc tháng 05-2009, tác giả Trần Sáng đã vận dụng những nguyên lý của Kinh Dịch – một thành tựu bất hủ trong nền Minh triết Đông phương – để chỉ ra những hành động của con người trái với đạo của đất, rồi đặt câu hỏi buộc mọi người phải suy ngẫm: “Đạo-Lý gì đang chi phối hành động của chúng ta? Thế giới này đang vận hành theo nguyên lý nào?”.
Trong khi đó, triết học Tây phương, tuy cũng nói đến quy luật biện chứng “lượng đổi chất đổi”, nhưng thường chỉ mô tả sự biến đổi theo một chiều nhất định – chiều được gọi là “tiến hoá” (evolution). Cái gì cũng tiến hoá: Vũ trụ tiến hoá, sinh giới tiến hoá, loài người tiến hoá, rồi thậm chí đang nói tới robots tiến hoá (!!!) … Phải nói là có cả một thứ chủ nghĩa tiến hoá! Vì chú trọng thái quá đến khía cạnh tiến hoá một chiều, cái sau phủ định cái trước, cái sau hơn hẳn cái trước, vì thế văn minh Tây phương thường đẩy sự đua tranh tới mức cùng cực, vô giới hạn, dẫn tới sự cùng kiệt mọi tài nguyên dự trữ, cả tài nguyên thiên nhiên lẫn sức lực của chính con người, do đó làm cho Tự Nhiên và xã hội mất cân bằng, dẫn tới khủng hoảng, mất ổn định, mà bằng chứng rõ ràng nhất là hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20 vừa qua.
Điển hình của chủ nghĩa tiến hoá là Học thuyết Darwin. Năm nay thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin, sách vở tôn sùng Darwin như một ông thánh xuất hiện khắp nơi. Nhưng có thật là sinh giới tiến hoá như Darwin mô tả hay không thì đó vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn gây nên tranh cãi rất nhiều trong nội bộ giới sinh học. Thực tế tại các nước Tây phương hiện nay có rất nhiều ý kiến khoa học sâu sắc phản bác lại Darwin, chỉ ra những thiếu sót và sai lầm của Darwin, thậm chí chứng minh rằng Học thuyết Darwin chỉ là một mô hình giả tưởng rồi áp đặt những giải thích thuận chiều với mô hình giả tưởng đó, thay vì là khoa học đúng nghĩa, nhưng rất tiếc là những ý kiến phản bác này hầu như chưa được phổ biến ở nước ta. Đó là chưa nói đến những phân tích mổ xẻ học thuyết này dưới những góc độ khác. Dưới ánh sáng của Minh triết Đông phương cổ truyền, Học thuyết Darwin xem ra khó được chấp nhận, bởi lẽ nó nhìn con người một cách đơn giản và phiến diện như một động vật tiến hoá ở cấp cao nhất, có nghĩa là chỉ nhìn thấy con người thể xác, thay vì con người như định nghĩa của Pascal: “Con người là một cây sậy, một thứ yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng là một cây sậy có tư tưởng”. Thật vậy, Học thuyết Darwin sẽ không bao giờ giải thích được những giá trị NGƯỜI nhất của con người, đó là tư tưởng và LÒNG NHÂN! Khái niệm lòng nhân tự bản thân nó đã không thể dung hoà được với khái niệm đấu tranh sinh tồn vốn được coi là động lực của tiến hoá!
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/chung-ta-co-that-su-dang-song-trong-mot-xa-hoi-van-minh.html