Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
su-tich-phi-hanh-gia-co-dai-va-tuc-ton-tho-vat-pham-trong-van-hoa-tho-dan Sự tích phi hành gia cổ đại và tục tôn thờ vật phẩm trong văn hóa thổ dân
Friday, 07/10/2016 22:00 pm
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

“Người chiến binh từ vũ trụ tỏ ra thích thú khi mục kích sự yếu đuối của những con người này. Với ý muốn phô trương sức mạnh, anh giơ cao ‘vũ khí sấm sét’, và chỉ cần chỉ lần lượt vào một cái cây và một tảng đá, ngay lập tức phá hủy cả hai. Tất cả đều hiểu rằng Bep-Kororoti muốn cho họ thấy anh không đến để gây chiến”. — Truyền thuyết cổ đại của người Amazon về một phi hành gia cổ đại.

Chúng ta đã chứng kiến thế giới phát triển từ dụng cụ đồ đá cho đến nền kỹ thuật công nghệ ngày nay. Tuy nhiên, sự tích về những tảng cự thạch khổng lồ và các phi hành gia cổ đại đã xuất hiện ở mọi ngõ ngách trên Trái Đất, làm chúng ta phải đau đầu khi xem xét lại lịch sử của con người.

Rất nhiều câu chuyện của các nền văn hóa bản địa dường như đang kể một câu chuyện khác hẳn so với những quan niệm phổ thông về lịch sử. 

John Frum: Tìm hiểu về tục tôn thờ vật phẩm

Ngay từ ngày đầu tiên John Frum cập bến vào tháng 5/1941, tất cả đã thay đổi đối với những cư dân trên đảo Tanna, một trong những hòn đảo nhỏ nhất thuộc quần đảo Vanuatu ở miền Tây Thái Bình Dương. “Ngày của John Frum” từ lâu đã tượng trưng cho sự kiện quan trọng nhất trên đảo. Rất nhiều buổi diễu hành đã được tổ chức để vinh danh những vị thần từ bi từ nước Mỹ đã ghé thăm cư dân ở đây từ nhiều năm về trước.

Nhiều người cho rằng người Tanna bản địa chỉ đơn thuần nảy sinh một sự mến mộ đối với một người lính Mỹ với cái tên John Frum (hoặc, “John, from … America”), người đã sống với bộ tộc này trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Đây là trường hợp nổi tiếng nhất của cái được gọi là “Cargo Cult (tục tôn thờ vật phẩm)” trong ngành nhân chủng học.

Tục tôn thờ vật phẩm đại biểu cho một hiện tượng văn hóa – xã hội kỳ quặc thường xuất hiện như hệ quả của những chuyến viễn chinh của người Bắc Mỹ đến những hòn đảo Thái Bình Dương trong Thế Chiến II. Sự phân bổ vật phẩm và hàng hóa, các chuyến viếng thăm liên tục, những món quà, và việc ứng dụng dược phẩm (của Tây phương) trong các bộ tộc lâu đời tại đây đã làm dấy lên một làn sóng tín ngưỡng tiên tri trên khắp khu vực. Những lời sấm truyền trong nhiều năm đã khẳng định sự trở lại của các vị thần, như vị thần da trắng John, hay Công tước Philip xứ Edinburgh, được tôn thờ trong tín ngưỡng bộ tộc Yaohnanen trên quần đảo Vanuatu.

Vì quy trình sản xuất hàng hóa hiện đại là một lĩnh vực khá lạ lẫm đối với họ, nên các thành viên, người đứng đầu, và các nhà tiên tri của các tín ngưỡng này cho rằng các hàng hóa được sản xuất trong nền văn hóa phi bản địa đã được tạo ra nhờ các công cụ tâm linh, ví như thông qua các vị thần và tổ tiên của họ. Những hàng hóa này đáng nhẽ nên được ban cho những người dân bản địa, nhưng những người ngoại quốc đã nắm quyền sở hữu chúng bằng các phương cách không ngay thẳng. Do đó, một đặc điểm điển hình của tục tôn thờ vật phẩm là niềm tin cho rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, các thế lực tâm linh sẽ ban tặng các món vật phẩm có nhiều giá trị cho thành viên của các tín ngưỡng này.

Các biểu tượng liên hệ với Cơ đốc giáo và xã hội phương Tây hiện đại thường có xu hướng được hòa trộn với các tín ngưỡng của họ; lấy ví dụ việc sử dụng các bia mộ hình cây thập tự. Các ví dụ nổi tiếng của tục tôn thờ vật phẩm bao gồm việc chế tạo các đường bay, sân bay, văn phòng, và phòng ăn giả lập, cũng như việc tôn thờ và nỗ lực chế tác các món đồ của phương Tây, ví như chế tạo ‘đài radio’ từ quả dừa và ống mút.

john frum
Cây thập tự nghi lễ của tục tôn thờ vật phẩm John Frum trên đảo Tanna, New Hebrides (hiện là Vanuatu), năm 1967. (Ảnh: Wikimedia)
(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Bep-kororoti: Phi hành gia từng viếng thăm Amazon

Tuy những tín ngưỡng này đã xuất hiện trên những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nhưng chúng không phải là những ví dụ duy nhất về cách thức những bộ tộc cổ xưa bày tỏ sự yêu mến sâu sắc đối với những vị khách phương xa. Trên thực tế, tục tôn thờ vật phẩm rất có thể đã bắt nguồn từ bộ tộc Kayapo ở vùng Amazon. Hằng năm người Kayapo thường tổ chức kỷ niệm sự xuất hiện của Bep-Kororoti, hay “Người đến từ vũ trụ”, và khi đó một thành viên bộ tộc sẽ mặc trang phục đan từ dây liễu gai trông khá giống với bộ trang phục của phi hành gia hiện đại.

TAMTHUC

Tộc người Dogon: Bộ tộc sở hữu tri thức ngoài vũ trụ

Có lẽ một trong những biến thể thú vị nhất của tục tôn thờ vật phẩm này thuộc về bộ tộc Dogon, cư ngụ ở quốc gia Tây Phi Mali. Tuy họ không thể chào đón những vị khách lạ một cách nồng nhiệt như những ví dụ kể trên, nhưng những kiến thức họ nhận được cũng không kém phần kỳ lạ.

Năm 1947, sau khi đã sống với bộ tộc Dogon trong hơn 17 năm, nhà nhân chủng học người Pháp Marcel Griaule đã được nghe kể một câu chuyện tuyệt vời. Những trưởng lão của bộ tộc đã hé lộ cho ông Griaule biết một trong những bí mật được lưu giữ cẩn mật nhất, ngay cả đối với đa số các thành viên trong bộ tộc.

Nhà nhân chủng học người Pháp Marcel Griaule (1898-1956) được ghi nhận vì những thành tựu nghiên cứu của mình về bộ tộc Dogon ở Châu Phi.
Nhà nhân chủng học người Pháp Marcel Griaule (1898-1956) được ghi nhận vì những thành tựu nghiên cứu của mình về bộ tộc Dogon ở Châu Phi.

Những vị trưởng lão đã kể lại việc chủng người Nommo, một tộc nửa người nửa cá, đã kiến lập một nền văn minh trên thế giới như thế nào. Tuy sở hữu một nền văn hóa còn sơ khai, nhưng các bậc trưởng lão tộc Dogon đã được truyền thừa một vốn hiểu biết sâu sắc về Hệ Mặt trời từ những người Nommo bí ẩn. Những vị trưởng lão đã biết được sự tồn tại của 4 mặt trăng của Sao Mộc, các vành đai của Sao Thổ, và về hình dạng xoáy ốc của Hệ Ngân hà. Họ được cho là đã biết cả về tính vô trùng trong môi trường trên Mặt Trăng, cũng như việc các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời.

Nhưng tri thức đáng kinh ngạc nhất người Dogon đã nhận được từ người Nommo từ thời xa xưa là về quỹ đạo, kích thước và mật độ của các ngôi sao trong hệ sao Thiên Lang (Sirius System). Người Dogon đã xác định chính xác ba ngôi sao Sirius A, B và C, và có các hiểu biết về những ngôi sao này, vốn mới chỉ được khoa học biết đến trong thời gian gần đây.

Sao Sirus C không được phát hiện mãi cho đến tận năm 1995, khi các nhà thiên văn học nhận thấy ảnh hưởng của nó đối với sự vận động của toàn bộ hệ sao này. Tuy vậy trong hàng trăm năm qua, bộ tộc Dogon sơ khai đã không chỉ biết đến sự tồn tại của Sirius C mà còn hiểu về ngôi sao này một cách tường tận.

Làm thế nào chúng ta có thể lý giải được câu chuyện của tộc người Dogon, cũng như hàng vạn những nền văn minh khác trên khắp thế giới từng ghi nhận việc tiếp xúc với các phi hành gia thời cổ đại?

Rất nhiều người có thể khẳng định rằng, bộ tộc Dogon chắc hẳn đã có những tiếp xúc gần đây hơn với một nhà thiên văn học, và được truyền đạt những vốn hiểu biết chi tiết kể trên, và họ chỉ đơn giản thêm thắt những kiến thức này vào câu chuyện cổ tích xa xưa của mình. Nhưng liệu một cách giải thích như vậy có giúp tìm ra sự thật, hay chỉ đơn giản là để bảo vệ câu chuyện cổ tích của chính nền văn minh chúng ta—rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có trình độ công nghệ bậc nhất tự cổ chí kim?

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/su-tich-phi-hanh-gia-co-dai-va-tuc-ton-tho-vat-pham-trong-van-hoa-tho-dan.html