Mái đầu bạc trắng trên khuôn mặt đã hằn sâu những vết nhăn, hơi thở yếu ớt, nhưng bà Phạm Thị Cường (74 tuổi, thôn Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng) không nề hà ngày đêm vẫn đi khắp các xã trong vùng thu nhặt các thai nhi bị bỏ rơi nơi đầu đường xó chợ.
Hài nhi mang về được bà khâm liệm sạch sẽ rồi cho vào tiểu quách (là những hộp nhựa hay bát hương) trước khi đem chôn cẩn thận. Ảnh: Văn Định.
Theo “nghiệp” này đã hơn 10 năm rồi, nhưng nỗi ám ảnh về ngày đầu vẫn không nguôi trong tâm trí bà.
“Hôm đó, tôi đang đi chợ bán rau, qua đoạn cầu Đông Bình thì nhìn thấy bên vệ đường có túi nilon màu đen, ruồi bọ bâu kín, trông đến buồn nôn, nhưng lại thấy trong đó có vật gì đó cựa quậy. Ban đầu tôi nghĩ chắc nhà nào vứt con vật gì đó bị chết ra đấy, nghĩ bụng mặc kệ. Nhưng không hiểu sao đi qua một đoạn tự dưng lòng bất an, lo lắng thúc giục tôi quay lại. Khẽ mở chiếc túi nilon ra, tôi hoảng hồn vì bên trong là một thai nhi vẫn đang thoi thóp thở nhưng người em đã tím ngắt và bị kiến bâu đen, khiến tôi vô cùng đau xót”, bà lão nhớ lại.
Bà Cường vội vứt cả gánh rau chưa bán được đồng nào mang đứa bé đó về nhà, tắm rửa sạch sẽ, rồi đi khắp làng xóm, tìm xem có bà mẹ nào mới đẻ, xin cho cháu bú nhờ. Tuy nhiên, do bị vứt quá lâu nên em bé đã tắt thở.
Bế đứa bé đáng thương đem chôn mà bà khóc đến cạn khô nước mắt. Sau những đêm dài trăn trở, cuối cùng bà Cường quyết định mình phải làm điều gì đó để cứu giúp những em bé bị vứt bỏ mà không được chôn cất.
Hằng ngày, sau khi đưa rau ra chợ bán, bà gửi cho ai đó trông hộ một lúc rồi tranh thủ cọt kẹt trên chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp 9 xã ở trong huyện Nghĩa Hưng đi tìm những linh hồn xấu số về chôn cất, rồi lại về bán rau. Các em đều được bà đưa về nhà tắm rửa, quấn vải sau đó cho vào tiểu quách (là những bát hương hay hộp nhựa bà tự bỏ tiền mua) đánh số thứ tự rồi chôn ở ngôi mộ chung trong thôn, hương hoa để các bé siêu thoát.
Nhiều người biết chuyện thán phục, nhưng cũng không ít lần bà bị nhiều người cười chê là “dỗi hơi, là điên, là khùng”, thậm chí còn bị mỉa mai “nghèo khó ăn còn không đủ mà đi lo chuyện bao đồng”. Nhưng bà Cường đều bỏ ngoài tai những lời nhận xét của thiên hạ, mà đau đáu theo đuổi tâm nguyện của mình.
Cảm phục trước tấm lòng của bà Cường, gần đây ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng giúp bà chôn cất các hài nhi xấu số. Ảnh: Văn Định.
Bà chua xót kể: “Có lần đứa bé sinh ra đang còn khóc oe oe nhưng bị người mẹ uống thuốc ép sinh nên sinh non. Đôi mắt tròn xoe ấy như muốn van lơn ai đó cứu giúp cứ ám ảnh tôi mãi, tôi vội đưa cháu về lau sạch sẽ rồi ôm bé vào lòng để em ấm áp và đỡ cô đơn hơn, nhưng chỉ được vài tiếng sau thì em bé mất”.
Hay: “Có nhiều lần đi nhặt xác, có hài nhi không biết bị vứt từ bao giờ, bị chuột cắn đến chẳng còn hình dạng. Nhiều xác bị ruồi bâu, chỉ nhìn đã thấy ớn lạnh, nhưng nghĩ đến sự bơ vơ ngay cả lúc chết cũng không có nơi yên nghỉ, tôi vẫn cố mang về chôn cất”, bà Cường day dứt kể.
Đến nay, hơn 4.000 hài nhi đã được bà đưa về an táng. Nhận thấy việc làm tình nguyện đáng trân trọng của bà Cường nên bây giờ không còn ai còn cười chê nữa. Hễ cứ nhìn thấy xác thai nhi bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ là người ta lại chạy về gọi ngay cho bà vì nếu bà không làm thì có lẽ chẳng ai dám sờ đến.
Cảm phục trước công việc âm thầm mà ý nghĩa lớn lao ấy, mới đây ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng tự nguyện cùng bà chung vai đi làm hành thiện mà không mong báo đáp.
Sức khỏe của bà Cường bây giờ cũng đã yếu dần, các con bà cũng khuyên mẹ từ bỏ công việc đang làm ở ở nhà tiện chăm sóc nhưng bà lão nhất quyết không nghe. Bà cười nói: “Ngày nào còn sức khỏe là ngày ấy tôi còn làm công việc này”.
Văn Định (Theo VNExpress)
TAMTHUC