Điều gì gây nên hiện tượng Déjà Vu? Trục trặc trong não bộ hay sự hé nhìn vào tương lai?
Bạn bước vào một căn phòng và bộ não đột nhiên tràn ngập các cảm giác thân quen – tuy rằng đây hoàn toàn là một trải nghiệm mới. Giống như thứ gì đó được chắt lọc từ một cốt truyện khoa học viễn tưởng, bạn cảm thấy như thể bạn đã thấy trước điều này.
Nhiều khả năng là, bạn đã từng trải nghiệm một tình huống, được gọi là déjà vu, trong cuộc đời. Déjà vu (tiếng Pháp, nghĩa là “đã nhìn thấy trước đây”) xuất hiện trong khoảng 60 đến 80% dân số – một hiện tượng gần như luôn mang tính chất thoáng qua và có thể xuất hiện tại bất cứ thời điểm nào.
Bất chấp tính phổ biến rộng khắp, hàng loạt các trường hợp déjà vu vẫn bị hiểu sai trong cộng đồng khoa học.
Rất khó để có thể nghiên cứu hiện tượng déjà vu trong môi trường phòng thí nghiệm.
— Phó giáo sư, Tiến sỹ Michelle Hook, Cao đẳng Y trực thuộc Đại học Texas A&M.
“Bởi vì không có một tác nhân kích thích rõ ràng, có thể xác định nhằm kích phát một trải nghiệm déjà vu (đây là một báo cáo hồi tưởng quá khứ của một đối tượng), nên sẽ rất khó để có thể nghiên cứu hiện tượng déjà vu trong môi trường phòng thí nghiệm”, Phó giáo sư, TS Michelle Hook nhận định. TS Hook hiện đang công tác tại Khoa Khoa học thần kinh và Trị liệu thực nghiệm thuộc Cao đẳng Y trực thuộc Đại học Texas A&M.
“Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 2/3 người dân đã từng trải nghiệm ít nhất một lần hiện tượng déjà vu trong đời”, TS Hook nói. “Hiểu được cơ chế lưu trữ ký ức có thể giúp làm sáng tỏ nguyên nhân một số người trải nghiệm nó nhiều hơn những người khác”.
Các đợt déjà vu có thể có liên hệ chặt chẽ với cách thức ký ức được lưu trữ trong não bộ. Việc lưu trữ các ký ức mang tính dài hạn, các sự kiện, và thông tin được lưu trữ trong các thùy thái dương, đồng thời, một số bộ phận cụ thể của thùy thái dương cũng là thành phần không thể thiếu trong chức năng nhận biết sự thân thuộc, và nhận thức được các sự kiện nhất định.
Nói ngắn gọn: Thùy thái dương là nơi bạn sản sinh và lưu trữ các ký ức.
TAMTHUCMột số nhà nghiên cứu miêu tả nó như một sự “trục trặc” trong não bộ – khi các tế bào thần kinh phụ trách chức năng nhận thức và nhận biết sự quen thuộc được kích phát – cho phép não bộ nhầm lẫn giữa quá khứ và hiện tại.
Trên thực tế, các xung điện bất thường tương tự góp phần kích phát những cơn động kinh cũng có thể xuất hiện ở cả những người khỏe mạnh. Một ví dụ điển hình là chứng giật cơ lúc ngủ (hypnagogic jerk – một chứng co cơ bị động xuất hiện khi một người đang ngủ). Đặc điểm của loại hiện tượng này là đối tượng đột nhiên cảm thấy cơ thể mình như đang bị rơi xuống, sau đó bị giật lại và choàng tỉnh.
Các trường hợp déjà vu ở những người khỏe mạnh cũng có thể là do một sự “không ăn khớp” giữa các đường dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Đây có thể là do não bộ đang không ngừng tạo ra các nhận thức tổng thể về thế giới xung quanh dựa trên nguồn thông tin đầu vào hạn chế.
Lấy ví dụ, chỉ cần một lượng nhỏ thông tin giác quan – ví như một mùi hương quen thuộc – để não bộ tạo ra một sự hồi tưởng chi tiết. Trạng thái déjà vu có thể được liên hệ với những sự khác biệt trong hệ lưu trữ ký ức của não bộ, khiến các thông tin giác quan đi vòng qua ký ức ngắn hạn để đạt tới ký ức dài hạn.
Điều này có thể tạo ra một cảm giác bất an rằng chúng ta đã trải nghiệm một khoảng khắc mới vào lúc nào đó trước đây.
Trong hệ thị giác, thông tin giác quan sẽ đi qua nhiều đường dẫn truyền thần kinh tới các trung tâm vỏ não cao hơn trong não bộ (những khu vực đóng một vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ, tập trung, nhận thức, nhận biết, tư duy, ngôn ngữ, và ý thức), với tất cả thông tin truyền đến những trung tâm đó tại cùng một thời điểm.
“Một số người cho rằng khi một sự khác biệt trong quá trình vận hành xuất hiện dọc theo những đường dẫn truyền này, nhận thức của chủ thể sẽ bị xáo trộn và trải nghiệm dưới dạng thức hai thông điệp riêng biệt”, TS Hook nói. “Bộ não sẽ diễn giải phiên bản thứ hai, thông qua đường dẫn truyền thứ hai vốn chậm hơn – như một trải nghiệp nhận thức riêng biệt – và do đó cái cảm giác thân thuộc sai lệch đó (déjà vu) sẽ xuất hiện”.
Theo TS Hook, vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về trải nghiệm déjà vu và các cơ chế đằng sau nó: “Có thể chưa có một câu trả lời đơn giản cho các cơ chế đằng sau hiện tượng déjà vu, nhưng với các nghiên cứu bổ sung, các kết luận sau cùng cho loại hiện tượng này có thể được khám phá trong tương lai”.
Chẳng phải điều đó cũng giống như việc trải nghiệm hiện tượng déjà vu toàn bộ một lần nữa hay sao?
Lauren Thompson là một chuyên gia truyền thông tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe trực thuộc Đại học Texas A&M. Bài viết này là một thông cáo báo chí trên tờ Newswise.
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Lauren Thompson
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/di-tim-loi-giai-cho-hien-tuong-deja-vu.html