Trong thế kỷ 17, nhà toán học và triết học vĩ đại Blaise Pascal viết trong cuốn Pensées của ông: “Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng tồn tại vô số thứ ở phía bên kia tầm với của nó” [1]. Ba thế kỷ sau, Định lý Bất toàn của Gödel xác nhận tư tưởng của Pascal và gián tiếp đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Làm thế nào để đạt tới cái thế giới vượt quá tầm với của lý lẽ?
Nếu thế kỷ 19 dẫn con người tới niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của khoa học thì thế kỷ 20 lại dẫn niềm tin ấy tới khủng hoảng nghiêm trọng. Chính khoa học thế kỷ 20 đã làm cho những người thông minh nhất vỡ nhẽ ra rằng hóa ra khoa học không vạn năng và tuyệt đối như ta tưởng. Thực ra nó cũng bất toàn và bất định như bất kỳ một dạng nhận thức nào khác. Khát vọng tìm ra những mô hình vũ trụ xác định và chắc chắn rốt cuộc chỉ là ảo tưởng! Muốn tiếp cận tới gần sự thật hơn, con người phải thay đổi cách nhìn đối với thế giới, và phải khiêm tốn hơn trong việc phán xét chân lý. Đó là tư tưởng cốt lõi rút ra từ cuốn “TỪ XÁC ĐỊNH ĐẾN BẤT ĐỊNH” (From Certainty to Uncertainty) của David Peat [2], trong đó tác giả chỉ rõ: Mọi phương pháp nhận thức thông qua ngôn ngữ, bao gồm cả khoa học lẫn nghệ thuật và văn chương, đều không thể và không bao giờ đạt tới một nhận thức đầy đủ, chắc chắn và hoàn hảo.
Vậy làm thế nào có thể nhận thức được vô số thứ ở bên kia tầm với của khoa học? Có một con đường để tới đó, đó là tư duy trực giác và tâm linh – một dạng nhận thức bổ sung tuyệt vời đối với khoa học, mà bấy lâu nay loài người lãng quên và bỏ phí. Nay là lúc cần phải lấy lại. Nhưng để cảm thấu điều này, trước hết phải thấy rõ tầm với hạn chế của khoa học.
Một trong những khám phá vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là sự thừa nhận tính bất định lượng tử. Đó là một lời cảnh báo về tầm với hạn chế của khoa học. Khám phá ấy đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thế giới quan của vật lý đầu thế kỷ 20 – sự sụp đổ của tư tưởng xác định trong vật lý lượng tử nói riêng và trong khoa học nói chung.
Nếu khoa học trước đó được xem như một hệ thống các quy luật xác định của tự nhiên thì vật lý đầu thế kỷ 20 báo động rằng đó là một tư tưởng sai lầm. Thật vậy, vật lý học cuối thế kỷ 19 vẽ ra một bức tranh vũ trụ giống như “chiếc đồng hồ Newton” (Newtonian clock), mà đỉnh cao là Quyết định luận Laplace (Laplace’s Determinism) với tư tưởng cho rằng mọi sự kiện của vũ trụ đều tuân theo những phương trình toán học xác định, do đó có thể tiên đoán trước một cách chính xác theo từng ngày giờ tháng năm. Nhưng vật lý lượng tử cảnh báo rằng khoa học đã nhầm. Hóa ra Bà Mẹ Tự Nhiên (The Mother Nature) chỉ ban thưởng cho đứa con khoa học của mình những năng lực giới hạn, đúng như Pascal đã nói: “Chủ nghĩa vô thần thể hiện sức mạnh của tư duy, nhưng chỉ ở một mức nhất định mà thôi” (Atheism shows strength of mind, but only to a certain degree).
“Mức nhất định” ấy lộ ra khi đi sâu vào thế giới lượng tử, dẫn đến “Nguyên lý Bất định” (Uncertainty Principle) của Werner Heisenberg.
Niels Bohr, nhà biện hộ vĩ đại nhất của Nguyên lý Bất định, thậm chí còn đi xa tới mức nghi ngờ sự tồn tại của một hiện thực ở cấp độ hạ nguyên tử. Ông cho rằng việc xác định bản chất thực sự của thế giới lượng tử sẽ là vô vọng vì “chúng ta bị treo lơ lửng trong ngôn ngữ” – ngôn ngữ không bao giờ đủ để có thể mô tả chính xác thế giới lượng tử.
Tình trạng “lơ lửng” ấy đã được Lão tử đề cập đến khi ngài nói về ĐẠO: “Đạo khả đạo phi thường đạo; Danh khả danh phi thường danh” (Đạo mà có thể diễn tả được thì không còn là Đạo thường hằng nữa; Tên mà có thể đặt ra thì không còn là cái tên thường hằng nữa). Tóm lại, ĐẠO là cái không thể định danh được.
TAMTHUCThật vậy, bất chấp những thành tựu rực rỡ của Cơ học lượng tử mà đỉnh cao nhất hiện nay là Mô hình Chuẩn (Standard Model), bản chất của các hiện tượng lượng tử vẫn là những hiện tượng không thể giải thích được. Chẳng hạn, hiện tượng mà Einstein gọi là “tương tác ma quỷ” (ghost interaction), tức hiện tượng một hạt lượng tử đồng thời tồn tại ở hai vị trí cách biệt, đến nay vẫn không biết tại sao, mặc dù các nhà vật lý đã biết lợi dụng hiện tượng này để thực hiện việc truyền thông tin tức thời, gọi là “viễn tải lượng tử” (teleportation) [3]. Theo lý thuyết viễn tải lượng tử, về nguyên tắc có thể vận chuyển tức thời không chỉ một hạt lượng tử, mà cả một đồ vật. Nói cách khác, về lý thuyết, một đồ vật có thể cùng một lúc tồn tại ở hai vị trí cách biệt trong không gian. Đây chính là phép phân thân của các Yogi thần thông. Nhưng các Yogi thần thông hiểu được vì sao họ có thể phân thân, trong khi khoa học không thể giải thích được vì sao một đồ vật có thể cùng một lúc tồn tại ở hai vị trí cách biệt trong không gian. Vấn đề này cũng sẽ được thảo luận thêm ở mục bàn về trực giác và tâm linh. Nhưng chỉ với một sự kiện “phân thân” cũng đã đủ để thấy rằng nhận thức khoa học bị hạn chế, và việc tôn vinh khoa học như một phương pháp nhận thức duy nhất đúng, hoặc như chúa tể trong vương quốc nhận thức, là một sự dại dột và ấu trĩ của con người, bởi như thế đã vô tình tự chặt bớt những kênh thông tin quan trọng nối con người với vũ trụ.
Tư duy ngôn ngữ được hiểu là tất cả những dạng tư duy sử dụng ngôn ngữ để phân tích, nghiên cứu và mô tả đối tượng quan sát. Ngôn ngữ ở đây bao gồm tất cả các dạng ngôn ngữ có thể có, từ ngôn ngữ thông thường cho tới ngôn ngữ ký hiệu, hình vẽ, mầu sắc, mã,…
Chú ý rằng có những dạng tư duy phi ngôn ngữ, tức là tư duy không sử dụng ngôn ngữ để phân tích, mà trực tiếp tiếp cận với đối tượng quan sát, đó là tư duy trực giác và tâm linh.
Tóm lại, có hai kênh thông tin song song: tư duy ngôn-ngữ-lý-lẽ và tư duy trực-giác-tâm-linh, đó chính là hai con ngựa trong cỗ xe đua song mã của Plato đã được đề cập đến trong bài báo “Plato’s Chariot / Cỗ xe ngựa đua song mã của Plato” trên PVHg’s Home ngày 16/03/2016.
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/tinh-bat-dinh-luong-tu-tam-voi-han-che-cua-khoa-hoc-hien-dai.html