Sau tác phẩm kinh điển “Moby Dick”, “Biển sâu dậy sóng” kể lại câu chuyện khủng khiếp của thuỷ thủ đoàn săn cá voi trong hành trình giành lấy sự sống.
Một người đàn ông băng qua vùng đầm lầy của một bến cảng nước Mỹ vào thế kỷ 19—Nantucket, trung tâm của ngành công nghiệp cá voi trên thế giới. Anh gõ cửa, bước vào trong, và cầu xin một người đàn ông trông có vẻ kiệt sức kể cho anh nghe câu chuyện của ông, đổi lại anh sẽ đưa cho ông khoản tiền tiết kiệm của mình. Anh đã nghe lời đồn, anh nói, những lời đồn về vụ đắm tàu Essex, một con tàu săn cá voi, vào năm 1820. Người đàn ông này—được Ben Whishaw thủ vai—chính là Herman Melville. Anh đang tìm kiếm câu chuyện có thật để truyền cảm hứng cho anh viết nên tác phẩm kinh điển “Moby Dick”.
Ngay từ khi được xuất bản vào năm 1851, cuốn tiểu thuyết “Moby Dick” đã khơi dậy trí tưởng tượng của độc giả với những bối cảnh mang tính tiên tri, lạc đề và nguy hiểm của nó. Đến nỗi, nó đã làm lu mờ câu chuyện thật sự đằng sau cuốn tiểu thuyết. Nhưng câu chuyện ngoài đời thực—câu chuyện về một con cá voi trả thù bằng cách đánh chìm tàu săn cá—hiện đang được chuyển thể lên màn ảnh bằng một phong cách rất “giang hồ” của đạo diễn Ron Howard. Bộ phim “Biển sâu dậy sóng (In the Heart of the Sea)”, vừa ra rạp tháng 12 năm ngoái, đã được dựa trên cuốn sách lịch sử hàng hải cùng tên của tác giả, nhà sử học Nathaniel Philbrick.
Nam diễn viên Ben Whishaw trong vai Herman Melville. (Ảnh: Warber Bros. Pictures)
Năm 1819, con tàu săn cá voi Essex khởi hành từ Nantucket. Sau một năm trên biển, khi đến một khu vực cách bờ biển Nam Mỹ 3.700 km về phía Tây, thủy thủ trên tàu đã nhìn thấy một tốp cá voi. Những tay săn cá voi đã lên những con thuyền nhỏ để thu hoạch món lợi ngay trước mắt.
Nhưng một con thuyền trong số đó—thuộc về thuyền phó Owen Chase—đã bị cái đuôi của một con cá voi đập vỡ thành từng mảnh. Khi thủy thủ đoàn dong buồm trở về Essex, thì ngay sau đó, theo lời kể của ông Chase, họ đã nhìn thấy “một con cá nhà táng dài khoảng 25 m lao thẳng vào họ như thể đang bừng cháy ý định trả thù”.
Con cá voi đã đâm vào tàu Essex. Khi nó đụng vào con tàu lần thứ hai, con tàu đã bị đắm. Hai mươi thành viên còn lại, cách đất liền hàng nghìn dặm, đã vớt lại những gì có thể từ con tàu và khởi hành trên ba con thuyền nhỏ.
Và kể từ đây một câu chuyện sinh tồn trên biển khơi đầy hấp dẫn bắt đầu. Những người đàn ông đã dành tổng cộng 3 tháng trên biển cả và đã phải ăn thịt đồng loại của mình để sống sót. Thuyền trưởng Pollard và Charles Ramsdell đã bị phát hiện khi đang gặm xương của những người thủy thủ đoàn trên một con thuyền. Owen Chase, Lawrence, và Nickerson vẫn còn sống sót để kể lại câu chuyện đầy kinh hãi này. Tổng cộng, bảy thủy thủ đã bị ăn thịt.
Trong vài năm trở lại đây, loài cá voi—và đặc biệt chú cá voi trắng Moby Dick trong truyền thuyết—đã là một đề tài xuất hiện lặp đi lặp lại trong các tác phẩm nghệ thuật của tác giả bài viết này.
TAMTHUCNhững con cá voi mà nhóm người từ Nantucket đang tàn nhẫn săn tìm này là một trong những món hàng hóa mang tính toàn cầu. Dầu của chúng đã thắp sáng và bôi trơn cho Cuộc cách mạng Công nghiệp, tạo ra những món lợi khổng lồ. Săn tìm loài động vật này để khai thác nhiên liệu có vẻ đã trở nên lỗi thời ngày nay, nhưng đây là phiên bản lịch sử của dầu thô hay khí đốt, là nguyên liệu căn bản của nền kinh tế thế giới. Cho đến phần cuối bộ phim chàng thủy thủ Thomas Nickerson đã thốt lên, “Tôi nghe nói người ta đã tìm được dầu bằng cách khoan xuống lòng đất. Ai có thể biết được chứ!”
Cuộc săn tìm loài cá voi có trí thông minh – sinh vật đã tung hoành khắp đại dương trong 60 triệu năm qua nhưng đã bị chúng ta tàn sát đến gần như tuyệt chủng, có thể nói lên nhiều điều về chính bản thân chúng ta. Chúng ta nên nhớ tới điều này khi cân nhắc đến xu hướng tiếp tục săn tìm nhiên liệu hóa thạch trong hiện tại.
Nguồn dầu cá voi từ thế kỷ 19 đã bôi trơn cho những chuyến hành trình của chúng ta xuyên qua một vùng không gian tưởng tượng, chưa được thăm dò trải khắp đất liền và biển cả, từ thềm đại dương cho đến ngoài không gian. Vậy nên khi bạn xem bộ phim “Biển sâu dậy sóng”, hãy xem xem nó phản ánh chính hành vi của con người chúng ta như thế nào trong quá trinh chi phối tự nhiên và các nguồn tài nguyên.
Tác giả: Angela Cockayne, Bath Spa University
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/bien-sau-day-song-cau-chuyen-khung-khiep-co-that-dang-sau-con-ca-voi-moby-dick.html