Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
-cau-chuyen-cho-thay-chet-chua-han-la-het 4 Câu chuyện cho thấy chết chưa hẳn là hết
Sunday, 30/08/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Người tự sát trước đó có thể cứ nghĩ rằng chết là hết, sẽ giải thoát được cho bản thân, nhưng sự thật thì họ là đang tạo thành nghiệp tội vô tận cho chính bản thân mình, muôn đời muôn kiếp cũng trả không hết …

Tự sát chính là đang tạo vô số tội nghiệp, Diêm Vương ghét nhất là loại người này (Ảnh minh họa từ Internet)
Tôi biết có một người bạn học của chị họ. Anh ấy vốn dĩ học hành rất xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đại học đã được tuyển vào làm việc ở một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập khá là cao. Tuy nhiên vì thất tình, lãnh đạo lại hay làm khó dễ, vậy nên anh nhất thời dại dột, đã uống thuốc ngủ tự sát. Vì là con trai độc nhất, cha mẹ của anh ta sau cái chết của con mình vô cùng đau khổ và trở nên trầm cảm, không thiết sống nữa.

Chị họ tôi nghĩ đến tôi trước giờ không ngừng tinh tấn tu học Phật Pháp, nghĩ chắc sẽ có biện pháp hay để khuyên bảo họ. Nhận lời mời của chị họ, tôi đã đến nhà cha mẹ của người bạn học này cùng trò chuyện chia sẻ vài lần. Cuối cùng họ cũng đã nghĩ thông suốt, bây giờ đã có thể đi làm, sinh sống bình thường, và điều đáng mừng là họ còn thường xuyên chia sẻ cảm nghĩ trong việc tu luyện Phật Pháp của mình với tôi.

Xã hội ngày nay, quả thật là giống như hiện trạng mạt Pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như các tôn giáo khác đã giảng nói, con người vô cùng dính mắc vào đời sống vật chất, thêm vào đó là những độc hại của vô thần luận, cái gì cũng không tin. Chính ngay tại một số ít người tin vào Thần, nhưng cũng không phải thật sự tin tưởng, họ coi việc bái lạy Thần Phật như là một loại giao dịch, bái lạy Thần Phật là để muốn phát tài, sinh con đẻ cái, trừ bệnh tiêu nạn … Thử hỏi có mấy ai là chân tín chân tu đây?

Bước ra khỏi ngưỡng cửa miếu đường, liền nghĩ gì là làm nấy, không tuân thủ giới luật, coi việc đấu đá tranh giành thành sự nghiệp, tư tưởng mê loạn mà còn kiêu căng, thân tâm mệt mỏi chịu khôn thấu. Nhất là những đứa con một, hằng ngày được cha mẹ thương yêu chiều chuộng hết mực, vốn không hiểu được hiếu đạo và biết ơn là gì, khả năng chịu đựng cũng rất yếu kém, hễ có chút gì không vừa ý, động một chút là xích mích với cha mẹ, bỏ nhà ra đi. Điều nghiêm trọng nhất chính là tự sát, khiến cha mẹ vô cùng thống khổ, xã hội ảnh hưởng ít nhiều. Thật ra, cuối cùng chính là tạo thành nghiệp tội vô tận cho chính bản thân mình, muôn đời muôn kiếp cũng trả không hết. Dưới đây chính là vài câu chuyện có liên quan:

Câu chuyện thứ nhất: Trả hết nợ rồi hãy đi

Có một hòa thượng đã cứu sống một người tự sát. Người đó từ từ tỉnh lại, nói với vị hòa thượng rằng: “Cảm tạ đại sư, nhưng ngài không cần thiết phải tốn hơi sức để cứu tôi làm gì, tôi đã hạ quyết tâm là sẽ không sống tiếp nữa. Hôm nay không chết, ngày mai tôi cũng lại tự kết liễu đời mình thôi”. Hòa thượng thở dài một hồi, nói: “Tôi thật sự là không thể nào ngăn cản cậu được, nhưng tôi muốn hỏi thử, những gì cậu nợ đã trả hết hay chưa?”

Người kia cảm thấy rất kinh ngạc, hỏi: “Nhà tôi tuy gia cảnh không lấy làm khá giả, nhưng vẫn ấm no không thiếu thốn, hơn nữa trước giờ chưa từng thiếu nợ ai cả”.

Vị hòa thượng chậm rãi nói: “Hình hài của cậu là mượn từ ba mẹ, vậy cậu đã mắc nợ ba mẹ cậu; hết thảy mọi thứ cậu ăn, cậu mặc, đều là vay mượn từ thiên nhiên, vậy cậu đã mắc nợ đối với thiên hạ; tri thức cũng như trí huệ của cậu là được vay mượn từ thầy, vậy đã mắc nợ người thầy của cậu. Những món nợ mà con người ta thiếu giống như loại này ngay tại kiếp này đây quả thật là quá nhiều, cậu đều đã trả hết chưa?”.

Người kia nghe xong, giật mình hoảng hốt nói: “Nếu nói như vậy, tôi quả thật đã mắc nợ rồi, nhưng tôi không biết phải trả như thế nào?”. Hòa thượng mỉm cười nói: “Đây nào có khó gì? Chỉ hai chữ thôi đã là đủ rồi”.

Người đó ngẩn ra, nhanh miệng nói: “Cúi xin đại sư chỉ điểm”. Hòa thượng lại mỉm cười, nói: “Hai chữ ‘trân quý’ mà thôi”.

Người đó suy nghĩ một hồi, bái lạy vị hòa thường, rồi quay mình ra khỏi cửa chùa, tinh thần phấn khởi mà đi.

Câu chuyện thứ hai: Sau khi tự sát sẽ phải đọa xuống địa ngục

Vào Tháng 5, năm thứ 7 Khang Hy, Trương Đại, người Trấn Giang, Dương Châu bị bệnh nặng và qua đời, sau đó gặp được Diêm Vương. Diêm Vương nói: “Bắt nhầm người rồi! Nếu ông đã đến đây rồi, nhân tiện phiền ông giúp ta gửi một bức thư đến dương gian vậy”.

Thế là, ông được quỷ tốt dẫn đến tham quan một thành phố, trên tấm biển treo ở cửa thành có viết hai chữ “chết oan”. Ông nhìn thấy rất nhiều hồn ma, kéo theo cái lưỡi dài hơn một tấc, tự nhận là quỷ chết treo. Mỗi ngày đến một thời điểm nhất định, quỷ chết treo cần phải nếm trải cái khổ bị treo cổ lần nữa.

Sau đó, Trương Đại lại nhìn thấy rất nhiều hồn ma khác, thân thể sưng phù, áo quần ướt sũng, tự xưng là quỷ nhảy sông tự vẫn. Còn một số hồn ma, kẻ thì không đầu, kẻ thì đứt họng, kẻ thì thất khiếu chảy máu, tự nhận là những người đời trước tự sát, uống thuốc độc mà chết. Họ mỗi ngày vào giờ quy định phải dựa theo cách chết đời trước mà biểu diễn lại một lần, thật là thống khổ vạn phần.

Những hồn ma đó muôn lời như một, nói: “Chúng tôi lúc còn sống đều cho rằng hễ chết là hết, thật không ngờ rằng sau khi chết, thân lại thống khổ đến thế này, thật sự có hối cũng không kịp nữa rồi”.

Trương Đại hỏi: “Những hồn ma đó đến khi nào mới có thể được đầu thai làm người đây?”.

Quỷ tốt nói: “Không thể nữa rồi. Nói chung hồn ma người tự sát được chuyển sinh làm người trước điện Diêm La Vương là vô cùng ít ỏi. Thân người khó được, vậy mà không biết trân quý lại còn tìm đến cái chết. Những người này, tại âm gian đã cô phụ tấm lòng của Diêm Vương vì ông lúc nào cũng khích lệ họ làm người tốt tại nhân gian; rồi khi sống trên thế gian lại cô phụ công dưỡng dục to lớn của cha mẹ. Huống hồ một người tự sát, sau đó sẽ khiến người nhà trên dương thế đau khổ, thật là hại người không nhẹ. Do đó, Diêm Vương ghét nhất là loại người này, phán họ vào đường súc sinh, không được chuyển sinh làm người…”

Xem xong cảnh này, ông trở về báo lại với Diêm Vương, Diêm Vương nói: “Khi ông về đến nhân gian, hãy đem những lời này mà nói rõ với người đời”.

Sau đó Diêm Vương lớn tiếng vỗ mạnh vào bàn, Trương Đại mới giật mình tỉnh dậy.

Câu chuyện thứ ba: Người tự sát dễ chiêu mời quỷ chết oan đến làm người thay thế

Tại nông trang nọ có có một đôi vợ chồng tá điền họ Triệu, hai vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận.

Một ngày kia, người vợ nghe nói ông chồng có tình nhân bên ngoài, cũng không biết là thật hay giả.

Bà vợ tính khí vốn điềm đạm dịu dàng, nên cũng không làm ầm ĩ như người ta, chỉ nói đùa với chồng rằng: “Nếu như chàng không yêu thiếp, mà lại đi yêu con hồ ly tinh kia, vậy thì thiếp sẽ treo cổ tự sát cho chàng xem”.

Ngày hôm sau, trong khi người vợ đang ở ngoài đồng ruộng, gặp được một thầy đồng, ông thầy đồng này có cặp mắt âm dương, có thể nhìn thấy ma quỷ ở cõi âm bên kia, nhìn thấy bà, ông kinh hãi la lên: “Sau lưng bà, sao lại có một con quỷ chết treo bám theo vậy!”

Lúc này bà mới biết rằng, ngay cả những lời nói đùa trong lúc nói chuyện, thì ma quỷ cũng đều nghe thấy được.

Phàm là những ai tự sát, nhất định phải tìm được người thay thế mới có thể được đầu thai chuyển sinh, cũng không biết được vì sao cõi âm gian lại quy định như vậy. Có thể là vì chán ghét những người tự sát kia, vậy nên không để họ có được sinh mệnh mới một cách mau chóng. Cũng là để cho con người thế gian sau khi biết được, thì không còn dám tùy tiện tự sát nữa.

Câu chuyện thứ tư

Còn có một câu chuyện, nói về một người họ Nhiếp, đi vào núi sâu để tảo mộ, trên đường về nhà, vì là mùa đông đêm dài ngày ngắn, chẳng mấy chốc thì trời đã tối, ông sợ trong núi có cọp beo theo sau, liền chạy thục mạng xuống núi. Sau đó, nhìn thấy ở lưng chừng núi có một ngôi miếu hoang, ông vội vàng chạy vào trong miếu, lúc này trời cũng đã hoàn toàn tối hẳn rồi, thế là liền ở tạm nơi này một đêm.

Bỗng nghe thấy góc tường có tiếng người nói: “Đây không phải là nơi dành người ở, ông hãy mau chóng rời khỏi đây ngay”. Họ Nhiếp hỏi ông ta cớ sao lại ở nơi tối tăm như vậy thì người kia trả lời: “Tôi là con quỷ chết treo, ở đây vốn để đợi người thay thế”. Họ Nhiếp nghe xong, liền rợn cả tóc gáy, vô cùng sợ hãi.

Sau đó liền nói: “Nếu như bây giờ ra ngoài chẳng may bị cọp beo ăn thịt thì sao, thà rằng bị quỷ hại chết, vậy tôi ở cùng với ông vậy”. Hồn ma nói: “Không đi cũng được, nhưng mà âm dương vốn dĩ không chung đường lối, ông không chịu được sự xâm nhiễu của âm khí, tôi cũng không chịu được dương khí, cả hai đều sẽ không được an định; vậy chúng ta mỗi người ở một góc, không đến gần nhau là được rồi”.

Sau đó, họ Nhiếp hỏi hồn ma rằng tại sao cần phải tìm người thay thế. Hồn ma nói: “Ông trời có đức hiếu sinh, vốn không mong muốn con người tự sát. Tựa như trung thần chết vì đất nước, liệt nữ chết vì chồng, tuy đều là tự sát, nhưng không cần phải tìm người thế thân. Còn những người bị hoàn cảnh bức bách đến đường cùng, đã không còn đường để sống nữa, ông trời cũng sẽ niệm tình họ rơi vào cảnh bất đắc dĩ, thế là dựa vào những việc thiện ác của họ làm lúc còn sống mà để họ đi đầu thai, cũng không cần tìm người thay thế.

Nếu vẫn còn có một con đường sống, hoặc vì chút chuyện bất bình liền chịu không nổi, hoặc muốn mượn điều này để liên lụy người khác, liền khinh suất mà tìm đến cái chết, đây chính là làm trái với tấm lòng sinh dưỡng vạn vật của đất trời, vậy nên sẽ bị trừng phạt, đợi đến khi tìm được người thay thế mới thôi. Thời gian bị giam cầm trong nơi u tối thường thường phải trên cả trăm năm hoặc nghìn năm vẫn còn chưa kết thúc”.

Họ Nhiếp hỏi: “Không phải có chuyện dẫn dụ người khác làm thế thân hay sao?”. Hồn ma đáp: “Loại việc như vậy, tôi thật sự không nhẫn tâm để làm! Phàm là những ai chết treo, nếu như là vì để bảo toàn tiết nghĩa mà chết, linh hồn sẽ từ đỉnh đầu thăng lên trên, quá trình tử vong đặc biệt mau chóng. Nếu như là vì phẫn nộ, đố kỵ mà chết, thì linh hồn sẽ từ con tim trở xuống mà đi ra ngoài, quá trình tử vong sẽ tương đối chậm chạp. Ngay tại thời khắc còn chưa tắt thở, hết thảy huyết mạch sẽ chảy ngược trở lại, da thịt như muốn nứt ra, đau như dao cắt, lồng ngực dạ dày tựa như bị ngọn lửa thiêu đốt, khó chịu cùng cực. Trải qua mười mấy khắc, linh hồn mới thoát ra khỏi nhục thể. Nghĩ đến cái khổ này, mỗi khi tôi nhìn thấy có người treo cổ, thì sẽ lập tức ngăn cản, sao lại nỡ lòng dẫn dụ người ta làm thế thân cơ chứ?”

Họ Nhiếp nói với ông ta: “Ông có được thiện niệm như vậy, nhất định sẽ được sinh lên cõi trời vậy”. Hồn ma nói: “Cái này tôi thật không dám mơ xa, chỉ nguyện một lòng niệm Phật để sám hối nghiệp tội khi xưa là tốt lắm rồi!”

Không lâu sau thì trời đã sáng, hỏi nữa thì cũng không nghe thấy tiếng trả lời, nhìn kĩ một cái, hồn ma đã không thấy đâu nữa. Về sau, họ Nhiếp mỗi lần lên mộ bái tế, cũng đều sẽ mang theo một phần cúng phẩm và tiền giấy để tế bái hồn ma kia, những lúc như vậy sẽ luôn có những cơn gió xoáy nhè nhẹ quanh quẩn hai bên. Một năm sau đó, không còn thấy gió xoáy đâu nữa. Lòng nghĩ, chắc thiện niệm đã giúp ông thoát khỏi đường quỷ rồi.

(Tuyển chọn từ “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam)

TAMTHUC