Trời về đêm oi ả. Thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông đang đi dạo trên bãi biển. Ngay khi vừa mới cất bước, ông đã cảm thấy một tiếng vỡ giòn nhẹ dưới chân. Ông dừng lại để xem xét gót giày dưới ánh trăng, và gạt đi xác của loài sinh vật bất hạnh ông vừa dẫm phải. Không mấy để tâm, ông tiếp tục thả bước mà không hề biết rằng dấu chân của mình đã khiến cái chết của sinh linh bé nhỏ kia trở thành bất tử. Vậy rốt cuộc, có gì lạ lẫm khi dẫm phải một con bọ ba thuỳ?
Khoảng 320 triệu năm trước, một loài sinh vật nhỏ dạng thuỳ đã bắt đầu sinh sôi nảy nở trong các đại dương trên Trái đất. Có cùng họ hàng với lớp hình nhện biển—tương tự như tôm hùm và cua—loài sinh vật này từng phát triển rất mạnh mẽ, nhưng đã bị tuyệt chủng hoàn toàn vào khoảng 280 triệu năm trước. Dĩ nhiên, chúng ta đang nói đến loài bọ ba thuỳ (hoặc tam điệp trùng).
Loài người, như phần lớn các nhà khoa học hiện nay đã công nhận, xuất hiện như một chủng loại sinh vật cách đây không quá từ 2 đến 3 triệu năm. Và lịch sử nhân loại, như được biết đến ngày nay, không vượt quá xa khỏi phạm vi 10.000 năm trước.
Với những số liệu niên đại như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng việc con người dẫm lên một con bọ ba thuỳ như thế có thể được coi như một câu chuyện huyễn hoặc thuộc phạm trù khoa học giả tưởng. Con người không thể dẫm lên một loài sinh vật đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước, chứ đừng nói đến một người đi giày—một dấu hiệu rõ ràng của nền văn minh. Đây là một chứng tích đi ngược lại lịch sử—một hoá thạch không tưởng.
Tháng 6/1968, ông William J. Meister, một nhà sưu tầm hoá thạch không chuyên đã tìm thấy một phiến đá dày 5cm ở Antelope Springs, Utah, Mỹ. Với một nhát búa, ông đập phiến đá để lộ ra một dấu chân hoá thạch của người. Nhưng dấu chân này có một điểm đặc biệt—một con bọ ba thuỳ bị dẫm nát. Không lâu sau khi tin tức này lan truyền trên khắp thế giới, một số nhà nghiên cứu đã đến Antelope Spring, và phát hiện thêm nhiều dấu tích do giày dép thời hiện đại lưu lại trên một địa tầng tương thích với các niên đại vô cùng cổ xưa. Câu chuyện khôi hài dường như đang đùa giỡn với lịch sử này rốt cuộc là gì vậy?
Những khám phá trước đó
Năm 1852, người ta cho nổ mìn để phá một khối đá lớn ở Dorchester, Massachusetts, Mỹ. Sau tiếng nổ, các công nhân tìm thấy một hiện vật kim loại kỳ lạ đã bị vỡ làm đôi trong đống đổ nát. Khi được chắp lại với nhau, hai mảnh vỡ này đã tạo thành một cái bình hình chuông với đế rộng 16,5 cm và chiều cao 11,4 cm. Sau khi phân tích, người ta phát hiện ra rằng chiếc bình này có cấu tạo từ hợp kim bạc. Điều này đã tạo nên chấn động, khi một món hiện vật, vốn dường như được chế tạo với một trình độ công nghệ cao như vậy, lại có vẻ như bị mắc kẹt trong một tảng đá được hình thành từ vài triệu năm về trước—một thời kỳ khi con người thậm chí còn chưa xuất hiện.
Chiếc bình hợp kim bạc được tìm thấy trong khối đá hàng triệu năm tuổi ở Dorchester, Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: Wikimedia)
Những khám phá kiểu này không phải là hiếm. Trên thực tế, chính vì chúng có khả năng đặt vấn đề nghi vấn về các hiểu biết hiện tại của chúng ta về nguồn gốc loài người, nên các di chỉ khảo cổ đã hết lần này đến lần khác che giấu khá nhiều các hiện vật có vấn đề.
Tám năm trước khi phát hiện ra chiếc bình Dorchester, một cái đinh sắt hoàn chỉnh đã được tìm thấy trong một phiến đá dày 61 cm tại một mỏ đá tại Kingoodie, Scotland. Đầu nhọn của chiếc đinh này chồi ra ngoài tảng đá, còn khoảng 2,5cm của nó, bao gồm cả mũi đinh, thì nằm ở bên trong. Kết quả phân tích cho thấy ước tính tảng đá này đã hình thành khoảng 60 triệu năm về trước.
TAMTHUCPhân tích hoá học sau đó đã xác định được rằng hiện vật này không chứa thành phần nguyên tố crom (Cr), niken (Ni) hay coban (Co), mà được cấu tạo từ một loại sắt luyện. Thành phần cấu tạo như vậy dường như đã phủ nhận giả thuyết cho rằng “khối lập phương” này là một thiên thạch, như một số người đề xuất.
Một kho báu khảo cổ khác ẩn giấu trong một mỏ than đã được S.W.Culp, một phụ nữ ở bang Illinois, Mỹ tìm thấy vào năm 1891. Khi đang khai thác mỏ than này, bà đã tình cờ làm vỡ một mảnh than, và một dây chuyền vàng nhỏ rơi ra từ đó. Dây chuyền này nằm trong một cái hốc hình cung bên trong mảnh than.
Một trường hợp khác, được công bố trên Tạp chí khoa học Mỹ (American Journal of Science) vào năm 1831, là về một khối đá cẩm thạch được khai thác ở độ sâu 18 m, sau đó được cắt thành các miếng nhỏ. Khối cẩm thạch, vốn được cho là đã hình thành hàng triệu năm về trước, để lộ ra các vết cắt chính xác có chiều dài 5cm, chiều rộng 1,3cm—với hình dáng trông rất giống hai chữ cái “u” và “i”. Sự cân đối của các ký hiệu này tạo ra ấn tượng rằng các chữ cái này đã được khắc bởi bàn tay con người.
Một trường hợp tương tự cũng đã được đưa ra ánh sáng vào năm 2002 tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Người ta đã phát hiện ra một tảng đá vỡ, bên trên có khắc các ký tự tiếng Trung hoàn chỉnh. Nguồn gốc của tảng đá này vẫn còn là một ẩn đố chưa thể giải thích, do nó có niên đại lên đến 200 triệu năm tuổi! Tảng đá này được biết đến với cái tên “Tàng tự thạch” (tảng đá mang chữ).
Tảng tự thạch ở Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Các hoá thạch đương đại
Năm 1976, một chiếc thìa được khai quật lần đầu vào năm 1937 bên trong một tảng than mềm ở Pennsylvania đã thu hút được sự chú ý của công luận.
Để loại trừ khả năng các phát hiện này có thể bị coi là một sự kiện trùng hợp, hãy cân nhắc một phát hiện vào năm 1967 bên trong một mỏ bạc ở Colorado: các mảnh xương người bên cạnh một mũi tên đồng dài 25 cm. Theo ước tính chung, mỏ khoáng chất nơi tìm ra các hiện vật này có niên đại trước con người hàng triệu năm tuổi.
Tuy ngành sinh học và di truyền học đang hàng ngày đưa ra cho chúng ta xem những nghiên cứu mới nhằm khẳng định [giả thuyết về] nguồn gốc chung của muôn loài, nhưng những hoá thạch mới vẫn không ngừng xuất hiện—thêm những dấu tích về một quá khứ đã từng phát triển rất phồn thịnh vào thời kỳ xa xưa. Theo thời gian, những phát hiện này đã góp phần ủng hộ giả thuyết cho rằng nguồn gốc con người còn xa xưa hơn rất nhiều so với các mốc niên đại được nhìn nhận rộng rãi hiện nay.
Có lẽ mẫu hoá thạch gây nhiều tranh cãi nhất trong những năm gần đây là mẫu hóa thạch được tìm thấy bởi một nhà địa chất từ Đại học Jadaypur, Calcutta, Ấn Độ. Một phiến đá màu đỏ, có niên đại 1.100 triệu năm được tìm thấy ở Madhya Pradesh, Chorhat đã làm các nhà khoa học chấn động. Trên phiến đá có các hình zíc-zắc ngoằn ngoèo giống như do bị sâu bò.
Hoá thạch cổ xưa nhất loại này được biết đến hiện nay nằm ở Namibia và Trung Quốc, và các dấu vết được cho là của các loài sinh vật đa bào, vốn xuất hiện trong quá trình tiến hoá khoảng 600 triệu năm trước đây. Nếu phát hiện ở Ấn Độ được diễn giải một cách chính xác, thì sẽ cần phải nghiêm túc xem xét lại nền tảng căn bản của thuyết tiến hoá của Darwin, khi cần phải lùi lại một giai đoạn niên đại khổng lồ (400 hoặc 500 triệu năm) giữa hoá thạch này và các hoá thạch tìm thấy ở Namibia và Trung Quốc.
“Nếu bạn từng thấy các sinh vật có kích thước vài cm nhưng lại không thấy chúng sau đó trong 400 triệu năm tiếp theo, thì có rất nhiều khúc mắc cần lý giải”
– Nhà cổ sinh vật học Andrew Knoll từ Đại học Harvard.
Sau khi các dấu tích mới được tìm thấy trên những tảng đá tương tự, nhiều nhà khoa học có uy tín đã buộc phải phân tích lại niên đại của các tảng đá này. Nhưng những mẫu vật này (tinh thể zirconium) vẫn tiếp tục cho thấy những điều không tưởng, khiến vấn đề trở nên “thậm chí còn thú vị và hoang đường hơn”, theo nhà cổ sinh học Adolph Seilacher từ Đại học Yale.
Ông Seilacher tin rằng, theo vốn hiểu biết được chấp nhận rộng rãi ngày nay, những dấu vết hóa thạch này không thể bắt nguồn từ các loài động vật. Tuy nhiên, ông bổ sung: “Đồng thời, tôi cũng phải ghi nhận những bằng chứng này. Tôi chưa tìm thấy, hay nghe thấy từ ai khác, môt lời giải thích phù hợp cho điều này. Liệu có bất cứ cách giải thích phi sinh học nào cho các dấu vết này hay không?”. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Khoa học (Science) số ra ngày 2/10/1998.
Trên thực tế, tồn tại nhiều hoá thạch đang thách thức hiểu biết đương đại của chúng ta về lịch sử. Một dấu hằn của một bàn tay người đầy đủ (có cả móng tay) đã được tìm thấy trong một tảng đá vôi 110 triệu năm tuổi ở Glen Rose, Texas; một ngón tay hoá thạch với niên đại 100 triệu năm tuổi (hoá thạch số hiệu DM93-083), và sau khi chụp X-quang đã cho thấy đầy đủ cấu trúc xương, đã được tìm thấy trên đảo Axel Heiberg ở Canada; các phát hiện nổi tiếng về những dấu chân người khổng lồ bên cạnh các dấu chân khủng long ở Rio Paluxy, Texas; ngoài ra còn nhiều ví dụ khác. Tính vững chắc của các lý thuyết hiện thời đang bị lung lay mỗi khi một “hoá thạch không tưởng” được đưa ra ánh sáng.
Dấu hằn của một bàn tay người đầy đủ được tìm thấy trong tảng đá vôi 110 triệu năm tuổi ở Glen Rose, Texas, Mỹ. (Ảnh: paleo.cc)
Trên: Ngón tay hoá thạch với niên đại 100 triệu năm tuổi (hoá thạch số hiệu DM93-083) được tìm thấy trên đảo Axel Heiberg ở Canada. Dưới: Ảnh chụp X-quang ngón tay hóa thạch cho thấy rõ cấu trúc xương bên trong. (Ảnh: paleo.cc)
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/lich-su-truoc-thoi-chung-ta-da-biet-phan-1.html