Người ta thường nói: “Nhất niên chi tế tại vu xuân, Nhất thiên chi tế tại vu thần, Nhất sinh chi tế tại vu cần” (Ranh giới một năm là mùa Xuân, Ranh giới một ngày là bình minh, Ranh giới một đời là chuyên cần), xuất phát từ Thiệu Ung, một triết gia, thi nhân và là nhà thiên văn nổi tiếng thời Bắc Tống. Vì sao đức chuyên cần lại được coi là ranh giới của một đời?
Đào Khản (317–420) vốn là thống sứ Kinh Châu thời Đông Tấn, do tiểu nhân ganh ghét mà bị giáng chức đến Quảng Châu. Ở Quảng Châu có rất ít việc phải lo, nhưng hàng ngày, mỗi buổi sáng ông Đào khiêng 100 viên gạch từ phòng đọc sách ra sân, và sau đó đến tối lại khiêng số gạch ấy quay vào phòng đọc sách. Người ta tò mò hỏi, ông trả lời: “Tôi có ý định phục hồi lại chức quan ở Kinh Thành. Nếu tôi sống quá an dật và trở nên tự mãn, tôi e rằng mình sẽ không thể thực hiện được mục đích này”. Quả nhiên sau đó, Đào Khản đã được chuyển về lại Kinh Châu.
Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của triều đại nhà Thanh. Tư chất bẩm sinh của ông không cao. Thời thiếu niên ông ở nhà đọc sách, có một tên trộm nấp trên xà ngang nhà ông, hy vọng đợi Tăng Quốc Phiên sau khi đi ngủ sẽ lấy ra được vài thứ tốt. Tuy nhiên đợi và đợi mãi, Tăng vẫn không ngừng lật qua lật lại đọc bài văn đó. Tên trộm nổi giận, nhảy ra và nói: “Với trình độ của nhà ngươi thì đọc được sách gì?”, lập tức đọc thuộc lòng một lượt những bài văn này, rồi nghênh ngang bỏ đi. Tăng Quốc Phiên không vì vậy mà nản chí, không những thế ông càng siêng năng hiếu học, cuối cùng đã trở thành một vị danh nhân nổi tiếng một thời, mà tên trộm thông minh kia thì bị vùi lấp trong dòng sông dài của lịch sử.
Tên trộm đã không bao giờ ngờ là mình chẳng là gì trong vũ đài lịch sử, còn người kia lại… (Ảnh minh hoạ: internet)
Khang Hy là vị hoàng đế hiền minh bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Một ngày kia, Khang Hy chất vấn một viên quan chưởng quản nông nghiệp, xem toàn quốc trung bình mỗi người sở hữu bao nhiêu diện tích đất. Câu trả lời là 1,5 mẫu. Hoàng đế bèn nói: “Ta không thể ăn lương thực của thần dân, vì thế ta cũng sẽ trồng trọt trên 1,5 mẫu đất.” Từ đó, trong hậu cung, ông đã trồng rau, lúa mì, gạo và tự mình tưới nước, bón phân. Sau đó, lúa không phát triển tốt do ở miền Bắc Trung Quốc vì khí hậu rất lạnh. Khang Hy phát hiện thấy có một cây lúa trong ruộng của mình mọc cao hơn những cây khác. Đến mùa thu, ông lấy giống từ cây này và gieo mầm vào mùa xuân năm sau. Theo cách này, Khang Hy đã tìm thấy một chủng lúa tốt phù hợp với khí hậu miền Bắc. Ông đưa nó cho nông dân, khắp nơi phương Bắc sản lượng đều gia tăng, bách tính an cư lạc nghiệp. Vì thế người đời sau nói: Đức chuyên cần của Khang Hy đã làm cảm động cả trời đất.
Khang Hy đại đế, một ông vua lý tưởng của mọi triều đại vua chúa từ xưa tới nay. (Ảnh: internet)
Sách “Thượng Thư” có viết: “Thiên Đạo thù cần” (Đạo trời đền đáp cho người cần cù phấn đấu vươn lên), nói rõ ràng chân lý nhân sinh là sự siêng năng xoay chuyển nghịch cảnh, có thể đưa con người từ mùa đông lạnh giá đến mùa xuân ấm áp. Ba câu chuyện trên là minh chứng lịch sử cho chân lý này.
Một mùa xuân lại đến, mở ra niềm hi vọng cho cả đất trời, vạn vật. Một chút ý chí bồi dưỡng tác phong chuyên cần, cũng sẽ mở ra một chương mới cho cuộc đời của mỗi chúng ta.
Mã Lương (biên tập)
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/ranh-gioi-mot-nam-la-mua-xuan-ranh-gioi-mot-doi-la-gi.html