Trong cuộc sống hàng ngày, chữ Phúc (còn gọi là Phước) được coi là biểu trưng của sự may mắn, vui vẻ, sung sướng và hạnh phúc. Người xưa coi chữ Phúc là chữ Thánh Hiền, chữ của Thần, có nội hàm rất uyên thâm.
Chữ Phúc và những hình tượng biểu thị chữ Phúc được con người xưa, nay sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong các tài liệu nghiên cứu, các áng văn chương, các vật trang trí, trong kiến trúc hay cả trên y phục… Nhiều kết hợp từ có yếu tố Phúc nhằm chỉ sự vui vẻ, no ấm, an lành: phúc đức, phúc ấm, phúc tinh, phúc hạnh, hạnh phúc, hồng phúc, diễm phúc v.v.
Phật gia giảng: Cứu một người là Phúc đẳng hà sa. Cứu được một người thì Phúc Đức sẽ tới nhiều như cát sông vậy. Riêng mình, vừa tới tuổi “tri thiên mệnh” thì vô phúc mắc trọng bệnh. Nhưng nhờ Phúc ấm tổ tiên và bao kiếp tích được Đức nên mấy năm nay tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mà khỏe mạnh. Vậy nên, việc bàn về chữ Phúc của mình hôm nay âu cũng là một cơ duyên tiền định nhằm để cứu mình, cứu người, cứu mệnh…
Chữ Phúc được coi là tấm huy xuân có ý nghĩa tâm linh
Thường thì cái chữ này có tính thời vụ. Dường như 360 ngày nó nằm co ro đâu đó trong góc nhà. Mặt lem luốc bụi, mạng nhện và phân gián; phân chuột… Vậy mà, cứ gần Tết là người ta lau chùi, rảy nước thơm, rồi trang điểm những đóa hoa, rồi treo bên cạnh đủ thập quang ngũ sắc. Cứ gần Tết là Phúc lại đỏ rực trong nhà. Nó ôm quả dưa hấu bằng màu vàng đỏ. Nó treo lơ lửng trên cành mai cành đào cũng dồi dào những sắc màu mãn mục… Ở Bến Tre người ta cho ra đời những trái dừa nổi hình chữ Phúc thật đẹp, ngày Tết bán cứ đắt như tôm tươi. Chẳng thế mà, Nguyễn Công Trứ đã làm 2 vế câu đối:
“Chiều 30, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng BẦN ra khỏi cửa
Sáng mồng Một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông PHÚC vào nhà “
Thực ra, những vị đại quan này, thời thế dù đổi thay nhưng đến tối 30 vẫn còn người đòi nợ thì thật khó tin. Chợt nghĩ thầm, khi nào bi đát như cụ Trứ, mình sẽ lấy cái mẹt xứ Nghệ, dán vào đó chữ Phúc đỏ cùng vài cành đào hồng nho nhỏ, lấy phẩm đỏ ghi chữ vào trán và mượn áo dài hoa hậu có 100 chữ Phúc.., biết đâu mình chẳng rinh được ông Phúc vào nhà.
Hai câu đối trên có nói đến rượu, có nói bồng bế ông Phúc vào nhà. Thi sỹ quả là am hiểu chữ Thánh Hiền từ thời để chỏm… Bởi … Chữ Phúc trong thời nguyên sơ của nó có nghĩa rất đơn giản. Trong Giáp Cốt Văn, ta nhìn thấy hình tượng của 2 bàn tay rất trang trọng bưng một cái bình được chạm khắc tinh xảo. Đó là hũ rượu quý. Người ấy đứng trước bàn thờ, có lẽ là trong đêm trừ tịch rất thiêng liêng…
Đây là một Thánh Lễ rất thiêng liêng của văn hóa người xưa. Văn hóa hữu Thần. Văn hóa kính trọng, thờ cúng Thần Linh. Hiển nhiên, Kính thì phải Yêu, phải Sợ; phải ý thức thường trực 3 chữ Chân Thiện Nhẫn… Vì ông mình ngày xưa là nhà Nho nên mình cũng hiểu chút ít văn hóa xưa. Chẳng hạn, cả đám ruộng, ông chăm sóc một khóm lúa, một khóm nếp đã cách ly bởi khoai sắn…
Tự tay ông lấy liềm gặt hái phơi phong rồi xay, giã, giần, sàng… Đó là sản vật cho ba ngày Tết không được động đến. Ông cũng tự nấu rượu. Nấu xong, nút lá chuối khô. Rồi chôn trong đất, trồng lên đó cây bạc hà làm dấu.. Chỉ thứ rượu ấy mới cúng Thần Linh, Tổ tiên mấy ngày Tết. Suốt cả năm, đọc sách Thánh Hiền có câu nào hay, Ông viết vào giấy gió, có cả những chữ khuyên bằng màu son chu sa… Tệp giấy ấy là dành để tự mình ông mua trầm mua bả mía về quấn những cây hương thơm lừng… Người xưa coi chuyện cúng bái rất Tinh, rất trân trọng…
Vì vậy không lạ gì, chữ Phúc lại được coi là tấm HUY XUÂN có ý nghĩa tâm linh đến vậy. Nói nghiêm khắc, nếu chúng ta vô thần thì không có ông Phúc nào đến nhà. Trong cái gốc, chữ Phúc ở bên trái là chữ Kỳ (có khi đọc là Thị) là cái bàn độc, bàn thờ. Đó là nơi thiêng liêng mà gia chủ đối thoại với những sinh mệnh có khả năng chi phối mình cũng như thế gian.
Người xưa tin và tin tuyệt đối vào Thần. Họ luôn nghĩ rằng trên đầu 3 thước có Thần linh. Việc làm của mình chỉ có thể che mắt người đời, bởi họ đều mù như mình, nhưng không thể lấy vải thưa che mắt Thánh. “Dễ đâu yếm thắm mà lừa trôn kim”. Chữ bên phải đọc là Phúc nghĩa là tràn trề, đầy đủ…Nói tới chữ Phúc, những người học chữ Thánh Hiền thường hay liên hệ tới những chữ có cấu trúc tương tự.
Đây là sự liên tưởng về hình sắc của con chữ chứ không giống sự liên tưởng chỉ thông qua Âm Thanh như tiếng Việt hiện nay do chúng ta theo ký âm phương Tây mà có Quốc ngữ hôm nay. . Tiếng Hán trong nghệ thuật ngôn từ, có những biện pháp tu từ về Âm và về Hình. Cha ông mình ngày xưa cũng triệt để sử dụng hai hệ thống này để làm phong phú thi hứng sáng tạo. Đáng tiếc, chữ ghi âm hiện nay chỉ cho chúng ta múa võ một tay…
Chữ Phúc dễ tương đồng với chữ PHÚ 富nghĩa là giàu có, của cải tiền bạc thừa thãi, dư dật. Trong” Luận Ngữ”( 論語): “Nhiễm Hữu viết: Kí thứ hĩ, hựu hà gia yên? Viết: Phú chi” 冉有曰: 既庶矣, 又何加焉? 曰: 富之 (Tử Lộ 子路) Nhiễm Hữu hỏi: Dân đông rồi, phải làm gì thêm? (Khổng Tử) đáp: “Làm cho dân giàu.”
Chữ Phúc rất dễ liên tưởng xa tới chữ HỢP (合) nghĩa là tất cả hội tụ lại, sống với nhau thân mật hòa ái. Khi nói “hợp gia hoan“( 合家歡), tức là, “cả nhà vui mừng”. Điều này chúng ta đã nói tới vợ chồng con cái hạnh phúc khi bàn về chữ Phúc ở trên.
Chữ Phúc dễ cho ta liên tưởng tới chữ ĐỒNG (同) nghĩa giống chữ Hợp, cũng có nghĩa là “cùng với nhau, cùng chung làm”. Ví dụ: “hữu phúc đồng hưởng, hữu nạn đồng đương” 有福同享, 有難同當 có phúc cùng hưởng, gặp nạn cùng chịu.
Lục Du có hai câu thơ thật ngậm ngùi về thân phận người mất nước:
“Tử khứ nguyên tri vạn sự không, Đãn bi bất kiến Cửu Châu đồng”
死去元知萬事空,
但悲不見九州同
(Thị nhi 示兒)
(Chết đi vốn biết muôn sự là không cả, Nhưng chỉ đau lòng không được thấy Cửu Châu thống nhất.)
Sở dĩ mình liên hệ tới Hợp và Đồng bởi bên phải chữ Phúc có chữ Nhất, Khẩu và Điền. Hai chữ Hợp và Đồng đều có Nhất và Khẩu… Liên tưởng theo chiều khác, thì Phúc dễ liên tưởng tới chữ Thần, chữ Lộc là những chữ liên quan tới Thần, Phật, Đạo,Thánh. Rõ ràng, người xưa cho rằng, muốn có Phúc, có Lộc thì phải tôn trọng Thần Thánh, phải sống có Đạo Đức, hợp quy luật mà Thần Thánh đòi hỏi con người thì con người mới có Phúc, có Lộc.
Mỗi con chữ của người xưa đều ẩn chứa trong đó nội hàm về Đạo Đức. Khi người xưa viết chữ Phúc, nét bút thứ nhất vừa đưa lên để ghi chữ Ky phía bên trái thì Tâm của họ đã nghĩ tới Thần Phật rồi. Họ biết có được Phúc hay không là sự ban thưởng rất công bằng, công minh của Thần. Học chữ xưa cũng là tự mình học và chiêm nghiệm về Đạo Đức về kính ngưỡng những Sinh Mệnh cao cấp đang chi phối nhân loại cùng vạn sự vạn vật vậy!
La Vinh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/chu-phuc-trong-cuoc-song-tam-linh-cua-nguoi-a-dong-phan-1.html