Tôn Tẫn là nhà chỉ huy quân sự, quân sư và triết gia tàn tật ở thế kỷ thứ 4 TCN. Ông là tác giả của “Binh pháp Tôn Tẫn”.
“Với những ai đã thực sự nắm vững binh pháp, kẻ thù của anh ta không có cách nào thoát khỏi cái chết”. Câu nói trên là của Tôn Tẫn, vị chỉ huy, quân sư và nhà lý luận quân sự của Trung Hoa cổ đại thời Chiến Quốc.
Từ khi còn nhỏ, Tôn Tẫn đã bộc lộ tài năng xuất chúng. Ông học binh pháp từ triết gia Trung Hoa, Quỷ Cốc Tử. Chuyện kể rằng, Tôn Tẫn có thể đọc thuộc lòng từng chữ một các chương trong “Binh pháp Tôn Tử”, một kinh điển khác của Trung Hoa. Do vậy, bạn đồng môn của Tôn Tẫn là Bàng Quyên ngấm ngầm ghen ghét ông.
Bàng Quyên trở thành tướng nước Ngụy phò tá Huệ Vương và thuyết phục Tôn Tẫn cùng tham gia. Sau đó, Bàng Quyên khép Tôn Tẫn vào tội gián điệp. Tôn Tẫn sau đó bị trừng phạt, phải chịu thích vào trán 4 chữ: “Tư thông ngoại quốc”. Tôn Tẫn còn bị chặt xương đầu gối, khiến ông tàn tật cả quãng đời còn lại.
Tôn Tẫn rốt cuộc đã trốn chạy thành công nhờ sự giúp sức của nước Tề. Sau đó, ông trở thành quân sư của Tề vương. Bằng thiên tài quân sự của mình, Tôn Tẫn đã đánh bại đồng môn cũ của mình là Bàng Quyên ở hai trận Quế Lăng và Mã Lăng nổi tiếng. Bàng Quyên tự vẫn sau khi trúng tên của quân Tề.
Người ta tin rằng Tôn Tẫn là tác giả của cuốn “Binh pháp Tôn Tẫn”, một tác phẩm kinh điển về lý luận và nghệ thuật quân sự của Trung Hoa cổ, phân biệt với “Binh pháp Tôn Tử”. Danh tính của hai nhân vật lịch sử cùng mang họ Tôn này đã làm đau đầu nhiều nhà sử học.
Vài tài liệu cho rằng Tôn Tẫn là cháu của Tôn Tử. Những nhà sử học khác cho rằng, hai người có lẽ chỉ là một. Theo cổ thư, nguyên bản của “Binh pháp Tôn Tẫn” gồm 89 chương và 4 quyển sơ đồ. Tất cả chúng đều bị thất lạc vào cuối thời Đông Hán.
Nhưng đến năm 1972, tức gần 2000 năm sau, các mảnh rời của “Binh pháp Tôn Tẫn” ghi chép trên thẻ tre đã được tìm thấy tại một khu vực khảo cổ tại núi Ngân Tước, một dãy núi bạc hùng vĩ ở tỉnh Sơn Đông.
Phát hiện này đã khẳng định rằng hai vị Tôn tiên sinh đều thực sự tồn tại trong lịch sử. Cả hai đều đã viết ra những cuốn binh thư riêng. Chép lại từ các thẻ tre được phục chế, tác phẩm của Tôn Tẫn gồm 3 phần.
Phần 1 bao gồm 16 chương, bắt đầu với việc bắt giữ Bàng Quyên và những mẩu đối thoại và các câu hỏi của Tề Vương. Các chương khác tập trung vào việc tuyển chọn binh lính, cách sử dụng địa hình, bát trận đồ, thương vong trong chiến đấu và cách khích lệ, giữ vững nhuệ khí binh sĩ…
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/153814.html