Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
xem-boi-o-phnom-penh Xem bói ở Phnôm Pênh
Friday, 14/04/2017 09:49 am

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

(maphuong)-Thời gian xem bói, giải hạn của các thày không lâu, mỗi người chừng 5 phút. “Ca” nào nặng lắm thì cũng không qúa 10 phút. Khách xem xong tùy lòng mà trả lễ nhiều hay ít. Có người chỉ đưa 4.000 rieal (tương đương 16.000 VND) nhưng các thầy cũng vui.

Một thầy bói đang xem chuyện tiền hung hậu kiết cho khách

Chiều tà, như nhiều du khách khi đến tham quan Thủ đô Phnôm Pênh, chúng tôi đón xe tuk tuk ra khu vực sông 4 mặt để hóng gió từ dòng sông Mêkông và thỏa cái thú ngồi trên chiếu hoa thưởng thức các món đặc sản côn trùng. Trên đường đi, bác tài tuk tuk người Việt cho biết, khu vực quảng trường sông 4 mặt là điểm dừng chân thú vị của không chỉ du khách quốc tế mà có cả cư dân bản địa. Điểm khác biệt là khách chỉ đến quảng trường vào buổi tối, còn dân địa phương thì ghé lúc ban ngày để dâng hương tượng Phật đen nằm trong ngôi chùa cổ ở trung tâm quảng trường và xem bói.

Được lời như cởi tấm lòng, sáng hôm sau chúng tôi quay trở lại nơi đây để được xem chuyện tiền hung hậu kiết và đã có được những trải nghiệm kỳ thú.

9h sáng, theo đúng lịch hẹn, bác tài tuk tuk tên Kai-at Song đón chúng tôi tại một khách sạn nhỏ nằm trên đại lộ Samdech Sothearos – đại lộ đi qua khu vực Thành Vua, nơi có chùa Vàng chùa Bạc mà nhiều du khách khi đến tham quan Thủ đô của đất nước Chùa Tháp đều mong muốn được thỏa mắt chiêm ngưỡng với giá vé vào cổng khá tốn kém, gần 100.000 đồng, bằng phân nửa giá vé xe đi từ TP HCM sang Phnôm Pênh.

Trên đường xe lăn bánh đến quảng trường, bác tài tuk tuk 41 tuổi với thâm niên sinh sống trên đất nước Campuchia hơn 30 năm, vui vẻ cung cấp thông tin cho khách: “Nam Vang là tên gọi xưa của Thủ đô Phnôm Pênh. Gọi là sông 4 mặt bởi khi đổ tới đây, cùng với nhánh chính, sông Mêkông tẽ thành 3 nhánh sông khác”.

Bác tài e hèm: “Coi như các anh có duyên chứ ban ngày, mà phải là vào rằm thì khu vực quảng trường mới nhộn nhịp. Lúc ấy người bán hoa, kẻ dâng hương nườm nượp, còn các thầy bói thì mỏi tay xóc bài, vui nhộn lắm!”.

Bác tài tuk tuk dứt ngang cuộc truyện trò khi xe lăn bánh đến khu vực Thành Vua, nơi chúng tôi đang dồn tâm điểm chú ý vào những ông bà thầy bói đang chờ khách đến “xủ quẻ”. Thành Vua được kiến tạo như một tòa lâu đài với vòm mái cao vời vợi, cong vút hướng mặt ra bờ sông.

Một góc phố bói ở quảng trường sông 4 mặt

Bên này Thành Vua là quảng trường rộng thênh thang, được phân thành 2 khu vực, bên là nơi dành cho người dân, du khách nô đùa với đàn chim câu cả ngàn con, bên là khu vực dành cho những người bán lễ vật dâng cúng Phật như hoa sen, dừa được cắt điệu đính hoa lài…

Cái cảm giác đi giữa rừng hoa với hương sen, hương lài thoảng quyện trong gió thật tuyệt. Xen lẫn những gánh hàng hoa là “quầy” bói của các ông bà thầy. Có trên 30 thầy bói với đủ thành phần già trẻ, nam nữ và có thầy là người thế giới thứ 3. Để hấp dẫn khách, các thầy bày trên những chiếc bàn nhựa được trải khăn thêu hoa văn kỳ quái, những món “bửu bối” độc đời như nanh cọp, nanh heo rừng, những bức tượng đen ma quái dáng thần nữ, trẻ con, tượng rắn thần 7 đầu…

Có những bức tượng còn hằn lưu những vệt đất nâu như muốn nói chúng vừa được đào bới từ lòng đất. Có thầy chỉ bày trên bàn những củ tỏi và bộ bài tây. Qua lời giải thích của bác tài, chúng tôi được biết cư dân bản địa chỉ cần nhìn “đồ nghề” của thầy là biết họ bói theo trường phái nào: “Những thầy bày tượng thần trẻ con có nghĩa họ chơi ngải đồng nhi, kiểu như những sinh linh chết oan nhập vào họ. Còn những thầy bày các món đồ của mãnh thú như răng voi, nanh cọp, móng gấu… có nghĩa họ chơi bùa sơn lâm, đây là những thầy không phải xem bói mà là chuyên giải bùa, giải phép trấn quỷ trừ ma cho những người tin rằng họ bị thư ếm, gặp vận xui, điềm gở”.

Không như mường tượng trước đó của chúng tôi, các thầy bói, thầy bùa ở đây rất vui vẻ, từ tốn, không tranh giành khách. Nhiều du khách xán tới chụp hình lưu niệm, các thầy nhoẻn miệng cười tươi. Thậm chí, có thầy còn nhường ghế cho khách đóng vai “thầy” để có tấm hình lưu niệm độc đáo về khoe với người thân, chúng bạn. Chọn một quán nước bên đường ngồi quan sát, chúng tôi tiếp tục ghi nhận nhiều điều thú vị.

Chúng tôi đảo mắt sang các thầy bùa chuyên tháo giải cho những người bị gặp hạn. Dưới gốc cây bồ đề tỏa cành nhánh che nắng mát rười rượi, hễ mỗi khi có khách sà xuống ghế là bà thầy nhón tay lấy pho tượng đồng nhi bụ bẫm cười toe toét bảo khách dùng 2 bàn tay xoa khắp pho tượng. Tiếp đó thầy dùng một sợi chỉ trắng thắt nhiều gút quấn 7 vòng qua cổ tay “thân chủ” rồi đếm số nút thắt còn thừa.

Thấy cảnh ấy, Kai-at Song tâm tình, những khi liên tục gặp nạn, anh cũng không ít lần ra đây nhờ các thầy bùa giải hạn bằng phương pháp này. “Sau khi quấn vòng dây cổ tay khách theo triết lý nam thất nữ cửu (nam 7 vòng, nữ 9 vòng), căn cứ vào số nút thừa của đoạn dây, đối chiếu với ngày tháng năm sinh, đường chỉ tay của khách mà thầy đoán khách đang gặp nạn gì. Có thể họ bị kẻ xấu nhờ thầy bùa làm phép hãm hại, hay bị oan hồn nào quấy phá… Biết được căn nguyên, rồi thầy sẽ đọc chú, làm phép và trao cho thân chủ lá bùa hộ thân, dặn phải giữ kỹ bên mình, đeo vào cổ, bỏ trong túi áo chứ không được để ở nơi ô uế, nhét ví hay túi quần chẳng hạn.

Không bỏ lỡ cơ hội xuất ngoại xem bói, một số người trong đoàn thích thú muốn được xem một quẻ cho biết đúng-sai, xem thầy ở Campuchia phán có khác gì thầy tại quê nhà và gợi ý nhờ Kai-at Song làm phiên dịch thì anh nhẹ nhàng khuyên không nên, bởi người dân ở đất nước Chùa Tháp chỉ đi xem bói khi có niềm tin tâm linh chứ không có ý bỡn cợt, hoặc so sánh giữa thầy này với thầy khác.

Hỏi chuyện các thầy có bày vẽ chuyện cúng giải hạn tốn kém, bác tài tuk tuk cười hiền từ: “Làm gì có chuyện đó” và bỏ nhỏ: “Thời gian gần đây, các cô gái, những phụ nữ trung niên người Việt ra khu vực quảng trường sông 4 mặt xem bói nhiều lắm. Do các thầy không nói được tiếng Việt nên các bà, các cô phải nhờ người phiên dịch. Có trường hợp đến xem bận này vào casino thắng hay thua thì thầy khước từ thẳng thắn, đại ý thánh thần không làm ba cái chuyện tầm phào ấy”.

Hôm ấy, chúng tôi gặp chị Hồng Phương, Giám đốc một công ty lữ hành có văn phòng tại Thủ đô Phnôm Pênh lúc chị ra Thành Vua lễ Phật. Trò chuyện về xóm thầy bói nơi này, chị Phương bảo, hoàn toàn không có chuyện mê tín dị đoan. “Thực ra đây là nét sinh hoạt văn hóa mang tính chất dân gian. Khi gặp trục trặc, trở ngại trong cuộc sống, không biết phải chia sẻ với ai, người ta bất kể giàu nghèo đều có thể ra đây trao đổi với các thầy bói. Họ sẽ là người lắng nghe an toàn, biết chia sẻ và đưa ra những lời khuyên hữu ích, triết lý như khuyên sống hiền lành, hiếu thảo, hòa thuận cũng như lên dây cót tinh thần cho thân chủ rằng sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Thế nên nhiều người mà tôi biết trước khi gặp thầy rất bức bối, ngột ngạt nhưng sau khi đi ra Thành Vua xem bói đã trở về với tinh thần vui vẻ, tràn đầy năng lượng và niềm tin vào cuộc sống”.

Đấy là những gì mà chúng tôi góp nhặt sau khi thực địa chuyến xem bói tại quảng trường sông 4 mặt. Còn nhiều góc khuất, nhiều điều bất ngờ, kỳ thú khác mà trong khoảng thời gian ngắn chúng tôi không thể khám phá trọn vẹn. Nhưng tựu trung lại, hành trình ấy đã mang đến cho chúng tôi một trải nghiệm kỳ thú: Thì ra, việc xem bói và các thầy bói không có gì là xấu nếu như người ta đừng quá ngu muội và bày vẽ những chuyện cúng quảy ma mị để trục lợi thân chủ.

Nói như chia sẻ của bác tài tuk tuk và chị Phương thì các thầy bói, thầy bùa đóng vai trò là các chuyên gia tâm lý dân gian. Họ là những chuyên gia đặc biệt bởi không chỉ biết lắng nghe, thấu hiểu mà còn chia sẻ, nhen nhóm niềm tin, sức mạnh nghị lực cho thân chủ để họ tìm lại cảm giác quân bình trong cuộc sống vốn dĩ nhiều lo toan, áp lực!

Khách xem bói lúc này đủ dạng người. Sau khi ghé mua hương hoa dâng Phật, phần đông họ đáo ngang khu “đại bản doanh” của các thầy bói để xem chuyện tiền hung hậu kiết. Khách thích thầy nào cứ việc sà vào ghế ngồi, các thầy tuyệt đối không lôi kéo. Thú vị nhất là khi chúng tôi mục diện cảnh 2 người đàn ông ăn vận sang trọng đến nhờ ông thầy là người ái nam ái nữ xem chuyện tình duyên.

Sau khi hỏi thăm ngày tháng năm sinh của 2 người, ông thầy bảo cả hai thi nhau xóc bài, tiếp đó mỗi người lấy một quân bài úp xuống mặt bàn. Xem xong người này, thầy từ tốn lật quân bài của người kia, úp lòng bàn tay xuống quân bài đọc bùa chú gì đó rồi nói những điều tiên tri.

Bác tài tuk tuk Kai-at Song lại gần nghe loáng thoáng câu được câu mất rồi nhoẻn miệng cười thông báo cho chúng tôi biết hai anh chàng đó yêu nhau (người đồng tính) nhưng gia đình không cho phép. Họ đến nhờ thầy gỡ rối. Thầy xem xong bảo cả hai cần phải kiên nhẫn chờ đợi thêm một thời gian, đừng quá nôn nóng mà làm hỏng chuyện lớn. Từ từ rồi cháo cũng nhừ!

TAMTHUC