Ngày cuối năm, trời lại chập choạng tối nên rất vắng khách. Lúc đó, anh Toàn đang kinh doanh ở phố Phan Kế Bính (Hà Nội) và nhân viên bán hàng đều ngồi trong phòng. Bỗng nhiên, một người mặc áo nâu sòng đẩy cửa kính bước vào. Người này tiến thẳng đến anh và đưa ra một gói bánh và một phong lì xì (bên trong có 3 hộp diêm) rồi bảo, “nhà chùa tặng”.
Quá rành về việc giả nhà sư đi lừa đảo nên anh Toàn lắc đầu từ chối. Thế mà người này cứ đứng im, mắt nhìn trân trân phía trước. Thấy chướng mắt, anh Toàn đành bảo cậu nhân viên: “Em xử lý tình huống này đi”. Cậu nhân viên liền đưa 50.000đ cho “nhà sư” và nhận món quà… Mọi người trong cửa hàng vô cùng ngạc nhiên khi thấy “nhà sư” đi rất nhanh ra đường.
Sau khi tặng món quà này và nhận 50.000đ, “nhà sư” vội vàng bỏ đi.
Anh Toàn và mọi người đang bàn tán về giá trị của gói bánh, cùng hộp diêm thì chị Hà, chủ cửa hàng bên cạnh đi sang. Nhìn gói bánh, chị nói ngay: “Của nhà sư phải không?”. Không đợi mọi người giải thích, chị kể ngay, sau khi nhận món quà từ “nhà chùa tặng”, nhân viên của chị đưa 5.000đ cho “nhà sư”. Thật bất ngờ, “nhà sư” này đòi lại gói bánh rồi bỏ đi. Nào ngờ, chê nhà chị cho ít tiền, “nhà sư” lại sang nhà anh Toàn “tặng quà”.
Gói bánh cộng hộp diêm trị giá chưa đến 10.000đ, “tặng” để rồi nhận lại 50.000đ, đúng là siêu lợi nhuận. Đây là một chiêu kiếm tiền của những kẻ giả danh người tu hành.
Việc giả vờ là người của các trung tâm nhân đạo tặng tăm, giả Phật tử đi tặng bùa, giả nhân viên tiếp thị tặng quà… và đòi tiền không hề mới lạ nên nhiều người cảnh giác. Nhưng chiêu cắt trọc đầu, cổ đeo tràng hạt, mặc áo nâu sòng và… đứng trơ mặt khi tặng quà mà người được tặng không nhận như “nhà sư” nêu trên đúng là quá trơ tráo. Để những kẻ giả danh người tu hành không còn “đất sống” đề nghị mọi người phải tẩy chay, không nể nang để phải nhận những món quà giá cao.
Theo Thái Tuấn
Công an nhân dân