Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
an-so-the-dat-xay-den-ba-trieu Ẩn số thế đất xây đền Bà Triệu
Friday, 03/05/2013 10:00 am

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Tại sao Miếu và Ðền Bà Triệu được xây dựng tại Hậu Lộc (Thanh Hóa)? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì với di tích lịch sử quốc gia này?

Ðền và Miếu Bà Triệu – một địa danh lịch sử và văn hóa lớn quốc gia, nơi ghi dấu chiến công của Nữ anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Ðịa danh này thuộc thôn Phú Ðiền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây đã có những giai thoại về tên Triệu Ẩu, núi đá biết nói… Ngoài ra, nơi đây cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra với mong muốn được giải thích trên cơ sở khoa học như: Tại sao Miếu và Ðền Bà Triệu lại được xây dựng tại chính nơi đây? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì đối với di tích lịch sử quốc gia này?

Nguồn cuội của tên Triệu Ẩu

Từ Hà Nội trên Quốc lộ 1A cách TP Thanh Hóa khoảng 18km chúng ta gặp Đền và Miếu Bà Triệu – một địa danh lịch sử và văn hóa lớn quốc gia; nơi ghi dấu chiến công của Nữ anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Địa danh này thuộc thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Miếu Bà Triệu nằm trên ngọn núi nhỏ và thấp có tên là Núi Tùng; còn Đền Bà Triệu nằm ở phía đối diện qua QL1A trên Núi Gai (Một ngọn núi trong dãy núi Bần thuộc huyện Hậu Lộc).

Tiếp tục đi về hướng thành phố Thanh Hóa khoảng 1,5km, chúng ta sẽ qua ga Nghĩa Trang và một cống nhỏ bắc qua đường quốc lộ mang dấu tích của dòng sông Âu huyền thoại. Vậy Bà Triệu là ai? Tại sao Miếu và Đền Bà Triệu lại được xây dựng tại chính nơi này? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì đối với di tích lịch sử quốc gia này và hàng loạt các câu hỏi ập đến với những người đang đi tìm những bí mật của quá khứ lịch sử.

Tương truyền, Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226) tại một xóm nhỏ bên núi Quan Yên, quận Cửu Chân nay là làng Quan Yên, xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Núi Quan Yên nằm sát Ngã Ba Bông, nơi sông Chu hợp lưu với sông Mã. Bà còn có tên là Triệu Ẩu, mà theo nhiều tác giả đó là do người Trung Quốc thời trước vì căm giận đặt cho, với nghĩa “Ẩu” là “mụ”. Bà là em ruột Triệu Quốc Đạt, một chức quan nhỏ “huyện lệnh” khi nước ta còn nằm dưới sự đô hộ của quân xâm lược Đông Ngô (thuộc giai đoạn Tam Quốc chí trong lịch sử Trung Quốc).

Cổng tam quan đền Bà Triệu.

Vú dài ba thước, sinh lực dồi dào

Bà là người phụ nữ nông thôn có khuôn mặt đẹp, thân hình cao lớn, nở nang với đôi chân và đôi tay dài biểu hiện cho cái đẹp khoẻ mạnh, phóng khoáng, thông minh; mang sắc hương đồng nội của người phụ nữ Việt Nam. Sử sách thời xưa còn ghi Bà có vú dài ba thước để nhấn mạnh đến vẻ đẹp nữ tính theo quan niệm người xưa, chứa đựng một nguồn sinh lực dồi dào. Sinh ra trong gia đình có thế lực trong vùng, nên từ nhỏ bà đã được luyện tập tinh thông các môn võ nghệ, cách bài binh bố trận và sử dụng cung kiếm; nên không cam chịu sống theo số phận thông thường của người phụ nữ cùng trang lứa.

Không chịu được chính sách hà khắc của quan quân Đông Ngô và những hành động tàn ác của đạo quân xâm lược người Tầu, năm 248 Bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa đánh chiếm quận lỵ quận Cửu Chân. Triệu Thị Trinh với câu nói nổi tiếng đã thuyết phục anh trai mình gác việc riêng để tham gia nghĩa quân: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”.

Lúc đầu căn cứ của nghĩa quân là Núi Nưa thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Khi Triệu Quốc Đạt không may bị cảm mà qua đời, căn cứ nghĩa quân chuyển về núi Tùng thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay.

Có hay chăng Bà Triệu đã chạy vào rừng sâu tới 3km để tuẫn tiết? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì với di tích lịch sử quốc gia này?

Và hàng loạt các câu hỏi ập đến với những người đang đi tìm những bí mật của quá khứ lịch sử.

Truyền thuyết núi đá biết nói

Truyền thuyết dân gian vùng Hậu Lộc có truyện núi đá biết nói. Theo đó vào một đêm thanh vắng, trên triền đá của núi Tùng ở làng Phú Điền cất lên một tiếng nói dõng dạc: Có Bà Triệu tướng/Vâng lệnh trời ta/Trị voi một ngà/Dựng cờ mở nước/Lệnh truyền sau trước/Theo gót Bà Vương.

Nghe theo lời thiêng liêng của Trời đất thông qua tiếng nói của thần núi; nhân dân khắp nơi rầm rập kéo về hội tụ dưới cờ của nghĩa quân tại đại bản doanh đóng tại núi Tùng. Tại đây, Bà đã cùng các chiến binh của mình xây dựng 7 đồn lũy làm căn cứ cho nghĩa quân. Từ căn cứ núi Tùng, nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Bà Triệu xuất quân tấn công và chiếm được nhiều lỵ sở của quân Ngô, làm cho quân giặc ngày đêm lo sợ. Nhân dân quận Cửu Chân và nhiều vùng khác nô nức kéo về căn cứ để tham gia đánh giặc cứu nước.

Với sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân đã vững vàng chống trả lại lực lượng tinh nhuệ gồm 8.000 quân Đông Ngô do tướng Lục Dận chỉ huy trong nhiều tháng trên bờ sông, khiến cho quân Ngô khiếp sợ phải thốt lên rằng “vung giáo chống hổ dễ, giáp mặt vua Bà khó”. Do Lục Dận là một tướng từng trải qua nhiều năm trận mạc, lại có nhiều thủ đoạn mua chuộc các thủ lĩnh người Việt bằng tiền bạc và chức tước. Do có kẻ nội gián phản bội, sau 6 tháng chống chọi với quân Ngô, Bà Triệu đã bị thương và tuẫn tiết trên Núi Tùng.

Lễ hội đền Bà Triệu.

Sông cổ lý giải chiến trường xưa

Điều đáng nói là vùng núi nơi nghĩa quân chọn làm căn cứ hiện cách các dòng sông chính hiện nay – sông Lèn nơi gần nhất là 3km, vậy chiến trường trên bờ sông xảy ra ở đâu và nếu đã chạy vào rừng sâu tới 3km thì khó có thể giải thích động cơ tuẫn tiết của người anh hùng có khí phách như Bà Triệu. Phải chăng dòng sông nơi diễn ra các cuộc chiến anh dũng của nghĩa quân đấy chính là sông Âu, cách núi Tùng khoảng 1,5km theo đường chim bay?

Khảo sát theo dọc chảy còn lại hiện nay của sông Âu từ ga Nghĩa Trang về phía Tây đến xã Hoàng Khánh, huyện Hoàng Hóa và về phía Đông Nam đến thị trấn Duy Tinh thuộc huyện Hậu Lộc cho thấy có dấu vết dòng sông cổ rộng lớn với khoảng cách giữa hai bờ đê cổ, có nơi rộng đến gần 1km và vết tích các thềm sông. Mặc dù, hiện tại vị trí sông Âu có thể thông với sông Mã (xã Hoàng Khánh) đã bị chặn bởi đê sông Mã, cũng như dòng chảy trung bình của sông Âu chỉ còn biểu hiện trong một dòng chảy rất bé mà thuyền nan đi lại gặp nhiều khó khăn.

Ngay cả tại thị trấn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc; nơi trước đây hạm đội thuyền của Hải quân nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã từng neo đậu, dòng sông cũng rất nhỏ hẹp chỉ thuyền nan mới đi lọt. Các mâu thuẫn trên có thể loại bỏ, nếu thừa nhận dòng sông Âu là một nhánh hạ lưu lớn của hệ thống sông Mã – sông Chu vào thời kỳ Bà Triệu, chuyển nước từ hệ thống này tại Hoàng Khánh, Hoàng Hóa ra sông Lạch Trường qua thị trấn Duy Tinh.

Dựa vào địa hình cảnh quan sông Âu như đã nói trên, có thể khẳng định chiến trường khốc liệt giữa nghĩa quân Bà Triệu và giặc Ngô là bờ sông Âu, nằm sát với ga Nghĩa Trang hiện nay. Khi thất trận, Bà Triệu chạy được đến Núi Tùng, cách bờ sông Âu gần 1,5km thì tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc Ngô.

Và như vậy, căn cứ Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc của nghĩa quân Bà Triệu vào thời kỳ lịch sử đó rất đắc địa về mặt quân sự. Nó rất thuận lợi cho việc phòng thủ và tấn công của nghĩa quân theo đường thủy; về phía Tây theo dòng sông Mã và sông Chu; về phía Đông qua thị trấn Duy Tinh ra sông Lạch Trường, sông Trà Giang, ra biển; về phía Bắc ra sông Lèn và các chi lưu khác. Câu hỏi tại sao sông Âu mất vai trò là dòng chảy chủ đạo của hạ lưu hệ thống sông Mã – sông Chu, bị ngăn với sông Mã bằng đê tại Hoàng Khánh, dẫn đến hiện trạng cạn kiệt như ngày nay sẽ được đề cập trong bài viết khác.

Hiểu được dòng sông Âu trong quá khứ, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về tầm vóc văn hóa lịch sử của người phụ nữ anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Triệu Thị Trinh không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đẹp, có khí phách kiên cường, mà còn là nhà quân sự có tầm vóc chiến lược được tôn vinh với danh hiệu “Nhụy kiều tướng quân”. Các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây đã có nhiều sắc thượng phong cho người phụ nữ anh hùng Triệu Thị Trinh với những danh hiệu cao quý: Anh liệt, Hùng tài, Vĩ tích, Anh mẫn, Trinh nhất. Về sau vua Lý Nam Đế đã khen Bà là người trung dũng, sai lập miếu thờ và sắc phong “Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân”.
Theo : Kienthuc
TAMTHUC