Chuyện đỗ đạt làm quan của một dòng họ, một gia đình ngoài yếu tố con người, sự nỗ lực, đôi khi cũng được lý giải bằng sự phù hộ của tổ tiên. Vì vậy khi một dòng họ đương bao đời vinh hiển bỗng chốc đi xuống, thì nguyên nhân thường được đưa ra là… phong thủy bị phá.
Chuyện long mạch của làng bị phá, hay chỉ là giai thoại
Làng tiến sĩ Kim Đôi từ trước tới nay có hai dòng họ rất phát về đường khoa cử là họ Nguyễn và họ Phạm. Dòng họ Nguyễn nối nhau làm quan trong triều được 13 đời, kể từ đó không còn ai đỗ đạt cao và làm quan to nữa. Họ Phạm cũng gặp phải trường hợp gần giống như vậy. Người dân ở đây vẫn lưu truyền câu chuyện về làng bị cắt đứt long mạch nên vượng khí bị mất.
Ngôi mộ tổ họ Nguyễn làng Kim Đôi bên cạnh con mương thoát nước.
Tương truyền rằng ở làng Gội (nay thuộc xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) trước kia có một người từng đỗ tiến sĩ và được gọi với tên là Trạng Gội. Trạng Gội khi vinh quy về làng có tổ chức một lễ mừng tạ trời đất, tổ tiên và có mời các vị cao đạo của dòng họ Nguyễn đến dự. Để cho mối quan hệ giữa hai dòng họ thêm bền chặt, các cụ nhà họ Nguyễn đã đúc một con chạch bằng vàng làm quà biếu. Nhưng không hiểu sao Trạng Gội khi đó đã hiểu rằng, món quà là sự khích bác, khinh miệt. Khi họ Nguyễn có người đỗ đạt liền sai người sang mời Trạng Gội tới chia vui. Trạng Gội không quên hiềm khích khi xưa liền đúc một quả cau xanh bằng vàng đem sang tặng. Họ Nguyễn cho rằng như thế là không phải và từ đó mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Hai dòng họ bắt đầu có lời qua, tiếng lại với nhau và mâu thuẫn ngày càng sâu sắc.
Đến bây giờ, các nghiên cứu nhà sử học, người cao tuổi nhiều đời của làng Kim Đôi vẫn chưa thống nhất được nguyên nhân tại sao long mạch của làng bị triệt. Người thì cho rằng từ khi vua ban cho tám chữ vàng là “Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều” trong triều vốn đầy thị phi đã xuất hiện nhiều đố kị, ganh ghét. Người lại cho rằng do mâu thuẫn giữa Trạng Gội với làng. Cũng vì ngầm ý muốn triệt long mạch đất Dủi Quan (tên tục làng Kim Đôi) mà Trạng Gội đã dùng kế “vị công vi tư” (lấy việc công để làm việc tư) dâng tấu biểu đề nghị nhà vua cho xẻ thân đê làm cống đúng ở vị trí long mạch của làng với lý do tiêu thoát lũ ra sông Cầu.
Biết được thâm ý, nhưng vì theo lệnh quan trên, người làng Dủi đành ngậm ngùi nhìn long mạch bị đứt. Tương truyền, con mương khi đào lên, ba tháng sau vẫn rỉ nước màu đỏ. Người dân làng Kim Đôi khi đó kháo nhau rằng thứ nước đỏ kia chính là máu của long mạch bị đứt. Cũng từ đó, người Kim Đôi dù có học rộng, hiểu sâu đến mấy cũng khó đỗ đạt cao và không còn được vinh hiển như tổ tiên mình nữa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bảo, trưởng ban đại diện dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi lại có cách lí giải khác về câu chuyện này. Ông cho biết: “Đứt long mạch vốn là một câu chuyện rất khó xác định bằng khoa học. Nếu xét trên thực tế, khu đất đó là đất son đỏ nên khi nước chảy qua sẽ tạo màu như thế. Hơn nữa, việc này lại xảy ra quá lâu, thế hệ chúng tôi cũng chỉ nghe các cụ truyền lại nên thực hư không rõ thế nào”. Khi mà nhiều năm không có người đỗ đạt, người dân Kim Đôi bàn nhau lấp con mương để mong có thể “hàn” được long mạch. Nhưng có vẻ chuyện này cũng không đem lại hiệu quả.
Ông Bảo cho biết thêm: “Việc “hàn” long mạch là chuyện rất khó vì chúng tôi bây giờ cũng không biết “hàn” kiểu gì vì nó chỉ là dải đất bị cắt ngang mà thôi”. Thậm chí theo lời kể của ông Bảo thì khu vực được cho là bị triệt long mạch đó bây giờ đã bị san lấp khó có thể nhận ra được. Trước đây nó vốn là một cái cống thoát nước, nhưng nay người ta cho xây dựng một trạm bơm khác và chỗ đó đã được lấp đi. Chuyện “hàn” long mạch lại càng trở nên khó khăn và thiếu tính khả thi.
Ông Nguyễn Văn Bảo.
Thực hư về một lời “sấm truyền”
Như vậy là lời sấm truyền đã thành hiện thực. Dân gian kể lại rằng, đường khoa cử của người làng Kim Đôi rộng mở, trải mấy trăm năm rồi cũng dần khép lại như lời sấm: “Bạch nhạn sinh mao anh hào tận” (Nếu bãi cát vùng Bạch nhạn còn sinh sôi thì đường hoạn lộ còn hanh thông). Tuy nhiên bãi cát đã mất, vật đổi sao dời, nên ứng vào lời “sấm truyền” xem ra có ý đáng chiêm nghiệm. Thời gian dâu bể, bãi Bạch nhạn xưa không còn xác định được chính xác địa điểm. Nhưng có điều chắc rằng, bãi cát đó đã dần thành làng mạc và khu dân cư đông đúc.
Chuyện làng Kim Đôi bị phá phong thủy, hầu như ai cũng biết và hậu quả của nó thế nào thì suốt hơn 300 năm qua người dân làng Kim Đôi tự kiểm chứng. Dòng họ Nguyễn kể từ đó không còn người đỗ đạt và làm quan to nữa. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhất là trong thời hiện đại cần phải có cái nhìn khác.
Theo tâm sự của ông Bảo, ngoài chuyện long mạch làng bị cắt đứt, ngôi “huyệt kết” của dòng họ cũng không còn được nguyên vẹn như xưa. Ngôi mộ này vốn do cụ Nguyễn Lung lừa thầy địa lý Tàu mà lấy được, sau đem táng hài cốt cha mẹ, ông bà tại đó và con cháu về sau nối nhau làm quan. Sau khi cụ mất thì cũng được táng tại đó. Ngôi huyệt này trước đây vốn nằm sát một con ngòi mà sau này người ta cho đào thành con mương dẫn thoát nước ra sông Cầu. Như vậy theo tâm linh thì ngôi mộ đã bị đào bới và động chạm tới khí mạch. Trong quá trình đào con mương, người ta đã đào được hai tấm bia cổ đặt úp vào nhau dưới đáy ngòi. Tuy nhiên, họ không hề đào được bộ hài cốt nào cả.
Lý giải điều này ông Bảo cho hay: “Trong gia phả có ghi rất rõ là huyệt mộ đều được chôn rất sâu, nằm dưới hẳn con ngòi nên dù đào mương cũng khó có thể tìm thấy được. Từ trước tới nay người ta thường tránh việc động chạm tới mồ mả nhưng do là công trình quốc gia nên chúng tôi đành phải chấp nhận”.
Thịnh suy đâu phải chuyện long mạch
Ông Bảo cũng cho biết: “Chuyện khoa cử mỗi thời mỗi khác. Họ Nguyễn trước nay vẫn đứng đầu thôn, xã về tỉ lệ con cháu đỗ đạt. Tuy nhiên có một thực tế là con cháu họ Nguyễn bây giờ không còn nhiều người làm chức cao như trước đây. Bên cạnh chuyện làng nước, chúng tôi cũng còn nhiều việc trong họ. Sau nhiều năm bàn tính, chúng tôi đã quyết định xây dựng nhà thuỷ đình, vừa để truyền dạy cho con cháu sau này về truyền thống của cha ông, vừa như là một giải pháp để bước ra khỏi lời nguyền”.
Hiện nay con cháu họ Nguyễn đã có nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ … Hàng năm, dòng họ đều tiến hành tuyên dương, khen thưởng, vinh danh những người đỗ đạt cao để khuyến khích con cháu học hành. Tuy nhiên kì tích của tổ tiên có lẽ khó lòng lặp lại. Và, câu chuyện phá phong thủy như một sự ám ảnh đối với mỗi người. Mặc dù vậy, ông Bảo cũng cho rằng cần phải có một cái nhìn mới để tránh bị chìm vào “cái bóng” của cha ông. “Thực tế nếu bản thân mỗi người không cố gắng thì dù có được phúc ấm tổ tiên cũng không thể khá lên được. Cho nên chúng tôi luôn lấy việc đó để giáo huấn con cháu và việc xây nhà thủy đình cũng nhằm mục đích như vậy – ông Bảo cho biết.
Tấm bia cổ rất có giá trị về mặt sử liệuTrong khi đào mương thoát nước ở gần khu mộ tổ họ Nguyễn làng Kim Đôi, người ta đã đào được hai tấm bia cổ được xếp úp vào nhau nằm dưới đáy ngòi. Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu sử học vẫn không lý giải được tại sao hai tấm bia đó lại nằm ở vị trí đó và úp mặt vào nhau. Qua các bản dịch cho thấy, tấm bia được cụ Lương Thế Vinh soạn thảo năm 1484. Nội dung tấm bia là phác lại 5 đời họ Nguyễn làng Kim Đôi từ cụ tổ Sư Húc. Trải qua hơn 500 năm, tấm bia chỉ mờ mờ nét chữ chứ không có dấu hiệu bị huỷ hoại.
Phạm Thiệu