Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
doi-dieu-ve-phong-thuy-ha-noi Đôi điều về phong thủy Hà Nội
Sunday, 01/09/2013 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Tìm hiểu đôi nét về phong thủy Hà Nội

Tưởng nhớ Đức Thái phó Lưu Khánh Đàm – Người dâng kế dời đô . Từ góc nhìn phong thuỷ, bàn về thế lớn trong thiên hạ, với trình độ còn thấp kém song được sự cho phép của Trưởng ban phong thuỷ Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, tôi mạo muội có đôi điều như sau:

1. Việt Nam có bốn long mạch chính

Từ bản đồ vệ tinh trên trang web: Dễ dàng nhận thấy địa hình của Việt Nam gồm có bốn long mạch chính:
Mạch núi Trường Sơn: Phát nguyên từ cao nguyên Thanh Tạng hành long qua Vân Nam, Thượng Lào vào Miền Trung Việt Nam tạo thành dãy Trường Sơn kéo dài đến tận Miền Nam. Bên tả có Biển Đông, bên hữu có sông Mê Kông làm giới hạn long mạch.

Đôi điều về phong thủy Hà Nội

Đôi điều về phong thủy Hà Nội

Mạch núi Ba Vì: Phát nguyên từ cao nguyên Thanh Tạng hành long qua Vân Nam vào Miền Bắc Việt Nam, qua Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Nam Định đến Ninh Bình, Thanh Hoá giới hạn bởi sông Hồng và sông Mã (sông Đà). Long mạch này đi thẳng, ít phân chi nhánh, khiên liên, hùng cường và khí mạch vượng nhất.
Mạch núi Tam Đảo: Từ Vân Nam vào Miền Bắc Việt Nam, qua Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên tới Thái Bình.

Mạch núi Huyền Đỉnh: Từ dãy Thập vạn đại sơn Quảng Đông/ Trung Quốc qua Quảng Ninh đến Hải Phòng, Hải Dương, một chi ra biển tạo thành dãy đảo của Vịnh Hạ Long, một chi qua Đông Triều, Phả Lại vào Bắc Giang, Bắc Ninh.

2. Đồng bằng châu thổ sông Hồng

Ba dãy núi Ba Vì, Tam Đảo, Huyền Đỉnh cùng hệ thống sông Hồng, sông Mã chầu về tạo lên vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng tương đối rộng với thế nghiêng Tây Bắc – Đông Nam. Đó cũng là hướng đi của mạch núi Ba Vì, mạch núi này có ảnh hưởng chính lên độ nghiêng của Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Vấn đề đặt ra là: Trên đất nước Việt Nam thì phải chọn nơi nào làm Kinh đô ?

Trước hết phải dựa vào long mạch: Rõ ràng trong bốn mạch núi Trường Sơn, Ba Vì, Tam Đảo và Huyền Đỉnh thì mạch Ba Vì là hùng mạnh nhất với Tông sơn là đỉnh Phanxiphăng – nóc nhà của Đông Dương cao đến 3.143 m.

Thứ hai là phải dựa vào thuỷ: Lập kinh đô thì phải chọn nơi thuỷ tụ vì nước chủ về tiền tài, các thành phố lớn trên thế giới đều ở bên một con sông. Xem ra, trong vùng Bắc Bộ chỉ có 2 điểm thuỷ tụ lớn nhất đó là Hà Nội và Chí Linh/ Hải Dương (Hà Nội là nơi giao hội của 3 con sông: sông Thao, sông Đà, sông Lô tạo thành sông Hồng; Chí Linh là nơi giao hội của Lục đầu giang, xưa kia Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chu Văn An và Nguyễn Trãi… đã chọn Chí Linh làm nơi ở). Nhưng Chí Linh không phải là nơi hội tụ của các con sông lớn lên không thể so sánh được với Hà Nội.

Thứ ba là phải dựa vào địa thế: Theo thuyết âm dương thì kinh đô phải là nơi trung tâm của trời đất để cai quản bốn bề, nơi giao hoà, cân bằng giữa âm và dương. Đồng bằng Bắc Bộ với thế nghiêng Tây Bắc – Đông Nam thì rõ ràng Hà Nội là nơi cao và sáng sủa hơn hẳn.

3. Núi Ba Vì

3.1. Ba Vì – Một vùng đất sơn thủy hữu tình

Long mạch đi khiên liên hùng dũng từ Vân Nam về Lào Cai, Yên Bái rồi băng hồng qua dòng sông Đà thoát bớt sát khí, khởi đột lên thành phụ mẫu sơn – núi Ba Vì, đáo đầu quay ngang khai trướng (mở vòng cung) về phía sông Hồng. Ở những mạch băng hồng như thế thường hay có quý địa.

Địa huyệt các thành phố lớn trên thế giới với thế long tả toàn hay hữu toàn thường chỉ thu được một bên nước long thân từ tổ tông sơn chảy về. Hiếm có nơi nào như địa huyệt Ba Vì – Hà Nội thu được cả lưỡng thuỷ thiếp thân là sông Đà và sông Thao (chỉ có huyệt kết ở đại cán long mới thu được cả hai bên thiếp thuỷ thân); hơn nữa còn thu được cả khách thuỷ sông Lô.

Lượng nước sông Đà và sông Thao gần như tương đương, rất nhiều và rất mạnh, điều đó chứng tỏ dãy núi Phanxiphăng là một đại cán long ít phân chi nhánh, đi thẳng và liên tục, khí mạch rất hùng cường, đó là một thế núi hiếm có.

Núi Ba Vì quay ngang khai trướng nhìn thủy tụ, dòng sông Hồng uốn cong như muốn lưu luyến ôm vòng về phía núi Ba Vì, quả là một vùng đất sơn thủy hữu tình.

3.2. Ngũ hành tinh thể, lưu ý Thủy và Thổ hình

“Long vô Thủy tinh bất thành biến hóa. Long vô Thổ tinh bất thành thượng cách”. Nghĩa là long mạch mà không có Thủy tinh thì không biến hóa, không có Thổ tinh thì không phải long quý thượng cách. Trong ngũ hành, lực lượng phát động tối đại là Thủy, yên tĩnh mà tối trọng hậu là Thổ.

Nếu long mạch mà không có Thủy tinh thì long cương trực, ngoan ngạnh tức là một phiến sơn sát triệt, đúc kết làm sao được. Nếu thấy núi có gãy khúc hoặc uốn cong như hình sóng nước động cồn lên tức là có Thủy tinh dẫn đi trước, hẳn là kết chân huyệt; nếu không có Thủy hình thì không kết huyệt.
Trên đỉnh núi mà hiện lên một hình Thổ tinh như cái bình phong thì lực lượng long mạch rộng lớn, quyết đoán là kết đại quý. Nếu không có Thổ bình thì không phải long hậu trọng, quyết nhiên không hay kết đại địa; dầu có Hỏa tinh, Mộc tinh đứng giữa trời thì cũng chỉ kết tiểu địa.

Vậy, không biết Thủy tinh thì không phân biệt được có đất kết hay không. Không biết Thổ hình thì không biết rõ đấy là đại địa hay tiểu địa. Thủy và Thổ là “Long gia chi mệnh mạch”.

Thủy và Thổ là 2 lực lượng vật chất rất lớn. Vì vạn vật sinh ra ở Thổ, khi trở về cũng ở Thổ; mà Thổ lại phải nhờ Thủy mới nuôi sống được muôn vật. Chỉ có Thủy mới sinh sinh bất diệt, chỉ có Thổ mới gánh đội được hết thảy. Long có đủ Thủy tinh mới đủ sinh khí, có đủ Thổ tinh thì mới tải nổi muôn vật. Nên có câu “Vô thủy bất sinh, vô thổ bất thành”.

Nếu chỉ thấy Mộc, Hỏa, Kim tinh đứng sừng sững giữa trời mà mừng khoái, cho là quý thì không thể cùng bàn nói chuyện địa đạo được.

3.3. Hình tượng, tinh thể của núi Ba Vì

Xét về hình tượng, Ba Vì là một thế núi phượng hoàng sải cánh (phi phụng), nó khai trướng về phía sông Hồng, khoảng giữa Hà Nội và Sơn Tây.
Với độ cao gần 1.300m, nó cung cấp khí mạch cho vùng đất rộng lớn bao gồm Hà Nội và Hà Tây cũ, giới mạch là sông Hồng.
Khí mạch của Ba Vì toả đi các hướng nhưng có lẽ thịnh vượng nhất vẫn là nơi gần sông (khí chỉ thuỷ giới ) và về phía Ba Vì khai trướng.
Tinh thể của một ngọn núi là gì thì phải tuỳ theo góc độ của người quan sát, tức là phụ thuộc vào địa điểm đứng nhìn. Chẳng hạn như cùng một quả núi, nếu nhìn phía trước thì ra hình Kim, nhưng nhìn từ phía sau lại ra hình Hoả. Bởi vậy, cùng một ngọn núi, tinh thể của nó chiếu về các phương là khác nhau, nên kiểu cách kết huyệt khác nhau, cát hung cũng khác nhau.

Để quan sát núi Ba Vì nên bám sát bên dòng sông Hồng, chọn địa điểm Hà Nội và Sơn Tây và khoảng giữa của 2 địa điểm này.
Theo Chính ngũ hành: Trên cả đoạn quan sát ta đều thấy tổng thể Ba Vì mang hành Thuỷ mọc cao gọi là Trướng thiên thuỷ. Như vậy, có thể đoán rằng dải đất từ Hà Nội đến Sơn Tây, Ba Vì sẽ kết thành nhiều huyệt (trong đó có địa danh Đường Lâm).

Nhưng từ phía Hà Nội sẽ nhìn thấy rõ núi U Bò mang Thổ hình như một bức bình phong lớn đứng giữa lưng trời, tại Sơn Tây lại không nhìn thấy rõ. Cho nên có thể kết luận rằng khu vực Hà Nội là nơi kết đại địa.

Theo lục phù tinh: Trên núi Ba Vì lại khởi lên vài ngọn nhỏ nữa đó là “phong thượng khởi tinh phong”. Đứng xa đều trông thấy rõ tinh phong này, quyết đoán vùng đất này có quý huyệt, không sai. Ngọn chính giữa của núi Ba Vì là Tản Viên mang Hoả hình đó là bút “Kình thiên” (bút chống trời), với hình thể ở giữa thắt ngẫng, trên xoè ra như cái lọng là “tôn quý chi khí sở sinh”. Nơi nào đón được khí mạch của nó sẽ kết thành kỳ huyệt.
Nhìn từ phía Sơn Tây, Ba Vì có ba đỉnh chính nhô cao tạo thành ngọn núi Tam Thai rất đẹp. Trong phong thuỷ thì Tam Thai, Ngũ Nhạc, Thất Tinh… đều là thế núi cát tường.

4. Trung tâm Hành chính Quốc gia

Thủ đô Hà Nội đã một nghìn năm tuổi. Trong Chiếu rời đô, Lý Thái tổ đã viết: Đó là nơi rồng cuộn, hổ ngồi ( “long bàn hổ cứ” không hẳn là rồng chầu, hổ phục như một số dịch giả đã viết). Nếu tại trung tâm thành phố nhìn theo hướng Bắc – Nam sẽ thấy bên trái – thanh long, dòng sông Hồng cuộn khúc; bên phải – bạch hổ, núi Ba Vì an toạ uy nghi.

Trung tâm Hành chính Quốc gia được xác định bởi nhiều yếu tố, song có lẽ 2 yếu tố đáng quan tâm nhất là: Thời bình và thời chiến. Thời bình nên ở nơi bằng phẳng, rộng rãi, đô hội, giao thương phát triển. Thời chiến phải ở nơi trú ẩn an toàn, vùng núi non hiểm trở.

Theo thuyết phong thuỷ thì bên trái – thanh long phát văn, bên phải – bạch hổ phát võ. Vậy thời bình nên để Trung tâm Hành chính Quốc gia ở gần phía sông Hồng để tập trung phát triển đất nước, thời chiến có thể lui về chân núi Ba Vì để dụng võ là một kế sách hợp lý và sáng suốt.

Theo dòng lịch sử từ xa xưa đến nay, thuở Vua Hùng dựng nước đóng đô ở Việt Trì, An Dương Vương đóng đô ở Đông Anh, Nhà Đinh và Tiền Lê ở Hoa Lư, Nhà Hồ ở Thanh Hoá, Nhà Mạc ở Cao Bằng, Nhà Nguyễn ở Huế, Chế độ Mỹ – Nguỵ ở Sài Gòn, chưa nơi nào có cả sơn lẫn thuỷ đủ sức mạnh để làm chủ địa hình Việt Nam. Chỉ có Hà Nội – Nơi địa linh mới xứng tầm làm đế đô của muôn đời.

“Thăng Long đệ nhất đại huyết mạch, Đế vương quý địa :
Đại Việt hữu chi địa (nước Đại Việt có một ngôi đất).
Thăng long thành tối hùng (Thăng Long tối hùng mạnh).
Tam hồng dẫn hậu mạch (ba con sông lớn dẫn hậu mạch là sông Thao, sông Lô, sông Đà).
Song ngư trĩ tiền phương (hai con cá dẫn đường, chính là bãi Phúc Xá ngoài sông Hồng).
Tản lĩnh trấn Kiền vị (núi Tản Linh trấn tại phương Kiền – Tây Bắc).
Đảo sơn đương Cấn cung (núi Tam Đảo giữ phương Cấn – Đông Bắc).
Thiên phong hồi Bạch hổ (nghìn ngọn núi dãy Phanxiphang quay về Bạch hổ – Dãy núi Ba Vì).
Vạn thủy nhiễu Thanh long (muôn dòng nước từ ba con sông Thao, Lô, Đà đều tụ lại, chảy về nhiễu Thanh Long – Dòng sông Hồng).
Ngoại thế cực trường viễn (thế bên ngoài rất rộng và xa, tất cả cá núi non cả 3 dãy núi Ba Vì, Tam Đảo, Huyền Đinh đều chầu về).
Nội thế tối sung dong (thế bên trong rất mạnh mẽ, đầy đặn).
Tô giang chiếu hậu hữu (sông Tô lịch chiếu từ phía sau, bên phải).
Nùng sơn cư chính cung (núi Nùng đóng tại chính cung).
Chúng sơn giai củng hướng (tất cả núi non đều hướng về rất đẹp).
Vạn thủy tận chiều tông (là nơi tận cùng, hợp lưu của mọi dòng nước từ thượng nguồn dẫn khí mạch về).
Vị cư cửu trùng nội (là nơi ở của vua chúa -cửu trùng, đất làm kinh đô).
Ức niên bảo tộ long (có thể bền vững tới 10 vạn năm).
Cầu kỳ Hổ bất bức (nhưng cần phải di dịch để Bạch Hổ không bức cận huyệt).
Mạc nhược trung chi đồng (cùng đó, đừng tìm huyệt ở chi giữa)”.

Trên đây là một số suy ngẫm thiển cận của hậu sinh, chắc có nhiều thiếu sót, lệch lạc thậm chí sai lầm. Kính mong các vị cao nhân tiền bối, các bậc lão thành trong khoa học tham gia ý kiến để hậu sinh được sáng tỏ đạo trời. Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở thôn Lưu Xá – xã Canh Tân – huyện Hưng Hà – tỉnh Thái Bình, quê hương của Quang lộc đại phu súy thành tá lý công thần, nhập nội thị sảnh đô, đô tri tiết độ sứ đồng tam ty Bình chương sự, thượng trụ quốc, khai quốc công thần, thực ấp 6.000 hộ, thực phong 3.000 hộ, thái úy quốc công, gia thái phó Lưu Khánh Đàm – Người đã dâng Kế rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La cho Lý Thái tổ, mở ra một trang sử hào hùng. Hà Nội đã một nghìn năm tuổi, Chiếu rời đô thuở nào vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau. Thiết nghĩ việc chọn nơi đặt Trung tâm Hành chính Quốc gia cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để xứng với Tiền nhân mở nước, để dân tộc Việt Nam cường thịnh, mãi mãi vững bền./.

TRỊNH TẤN CƯỜNG

Nguồn: Sưu tầm

TAMTHUC