Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
chuyen-phat-lo-kho-bau-bi-yem-bua Chuyện phát lộ ‘kho báu bị yểm bùa’
Thursday, 07/06/2012 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

(maphuong)_Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương dấy lên tin đồn xung quanh việc chính quyền huyện phá ngôi biệt thự cổ để xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Tin đồn càng lan đi xa càng được thêm thắt với nhiều chi tiết khó tin.

 

Những điều… kỳ bí

Chuyện bắt đầu từ một quyết định do cố Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Lê Huy Vụ ký với nội dung xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện trên diện tích xưa kia vốn là biệt thự cổ thời Pháp. Dự án xây dựng có tổng đầu tư trên 3,8 tỷ đồng, bắt đầu phá dỡ từ đầu tháng 1-2012, động thổ, đào móng vào cuối tháng 2-2012. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trong quá trình đào móng, đơn vị thi công không phát hiện nguyên một đoạn… xương hàm. Bác sỹ nha khoa được mời đến hiện trường đã xác định, đây là một chiếc xương hàm của người.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách kể lại, ông có nhận được thông tin công nhân đào được một chiếc xương hàm người tại công trường xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của huyện. Ngay sau đó, đơn vị thi công đã đào rộng ra xung quanh, nhưng không tìm thấy thêm bất kỳ một phần hài cốt nào khác. Đoạn xương hàm kia cũng được mang đi mai táng tại Nghĩa trang thị trấn Nam Sách. Tuy nhiên, chuyện bắt đầu “nóng” khi đơn vị thi công tiếp tục đào được một số chiếc chum sành không biết đã nằm dưới lòng đất từ bao giờ. Thế là một đồn mười mười đồn trăm, rằng đơn vị thi công đào được… kho báu.


Mũi khoan bị vỡ của đơn vị thi công

Chắp nối các sự kiện với nhau, người dân ở huyện Nam Sách còn nhớ, nhiều năm về trước, có người đã từng đào được một chiếc chum đựng đầy bạc hoa xòe. Nhiều người dân nơi đây khẳng định, đúng là có chuyện từng có người đào được những chum chứa đồng bạc hoa xòe ở đây. Cũng vì thế, thị trấn Nam Sách có một tiền lệ xấu, mỗi khi gia đình nào đào móng xây nhà thì những hộ xung quanh thường đến ngồi… canh. Chỉ cần phát hiện những hũ, chum khả nghi là đổ xô vào giành, cướp. Ngược dòng lịch sử, khu đất này xưa kia vốn là của ông Nghị Dong, một đại phú hộ, địa chủ thời Pháp. Vì thế, bất cứ thứ gì được phát hiện, người dân đều gán cho nó hai từ “kho báu”. Người này truyền tai người kia, chẳng mấy chốc dân ở khắp nơi vây kín khu vực thi công chỉ chờ tranh cướp. Thậm chí, có người từ tận Hải Phòng, Hà Nội cũng lặn lội về đây để tìm kiếm vận may.

Cái chết của ông chủ tịch huyện

Lời đồn càng trở nên có cơ sở khi chỉ 2 ngày sau khi chính thức động thổ, đào móng, ông Lê Huy Vụ – Chủ tịch UBND huyện Nam Sách lúc bấy giờ bỗng dưng chuyển bệnh và đột ngột qua đời. Có lời ác ý còn đổ cho ông cái “tội” dám động đến ngôi nhà của Nghị Dong. Nhưng, như một sự trùng hợp lạ lùng, liên tiếp những ngày sau đó, đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng, dịch vụ và thương mại Hồng Châu gặp phải những chuyện ma quái. Máy xúc và mũi khoan của đơn vị thi công cứ đào trúng mấy chiếc chum là trở chứng. Cái bị hỏng, cái bị vỡ càng làm khuấy động không khí vốn yên bình ở thị trấn Nam Sách nhỏ bé này.

Theo anh Trần Văn Diện, người bảo vệ công trình từ khi đơn vị bắt đầu thi công cho biết, đúng là có chuyện máy xúc bị vỡ, mũi khoan bị hỏng. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc xảy ra ngẫu nhiên chứ không phải do bàn tay từ “cõi âm” gây ra như nhiều người đồn đoán. Anh Diện cho biết thêm, việc những chiếc máy hỏng hóc đều có lý do xác đáng. Như chiếc máy xúc cỡ lớn, người ta không để ý đổ dầu vào máy dẫn đến khô dầu, bị bó biên, vỡ máy. Còn chiếc máy xúc cỡ nhỏ cũng đã vài lần lăn ra “ăn vạ” do “có tuổi”. Anh em phải hàn đi hàn lại mấy lần để tái sử dụng. Chỉ là đến thời điểm này bỗng dưng đồng loạt “biểu tình” nên mọi người mới đồn thổi. Có thông tin tổ bảo vệ từ đầu còn sinh hoạt ở khu vực sát với công trường nhưng sau cũng phải chuyển ra phía ngoài. Trước câu hỏi này, anh viện lý do ở gần công trường lầy lội nên phải chuyển ra phía ngoài!?

Vẫn biết, việc “lớn chuyện” đều do người dân thêu dệt, đồn thổi. Nhưng chính những hành động kỳ lạ của đơn vị thi công càng làm cho sự tò mò, tính hiếu kỳ của dân chúng trong vùng lớn hơn. Chuyện chết người, đào được chum vàng chum bạc bỗng chốc trở thành đề tài bàn tán ở khắp nơi với nghi vấn về việc Nghị Dong trấn yểm kho báu và bảo vệ ngôi biệt thự cổ. Sóng sau lại to hơn sóng trước khiến người dân càng thêm hoang mang, lo sợ.

Oan hồn trinh nữ

Suốt mấy đêm liền, người dân quanh khu vực công trường cho biết thấy đơn vị mời pháp sư về làm lễ. Trong ngoài được canh gác cẩn mật. Dân chúng quanh vùng kéo tới xem đặc kín khu vực trước cổng công trường. Buổi làm lễ lại diễn ra vào ban đêm càng làm không khí ở đây thêm phần ma quái.

Anh Đỗ Văn Hòa ở khu vực ga Tiền Trung cách đó khoảng 7km cũng mò vào theo dõi sự tình còn khẳng định, nửa đêm, pháp sư mới bắt đầu ra tay làm phép. Trước khi làm phép, thầy pháp sư tận Hải Phòng còn dặn dò những người xung quanh, có xem thì xem, nhưng xem xong thì bấm nhau đi về chứ đừng gọi tên kẻo những oan hồn trinh nữ được trấn yểm nơi đây theo về bắt người. Anh Tuấn, một người dân trong huyện còn cam đoan, chỗ những mô đất nơi tìm thấy 9 chiếc chum sau khi được làm phép phát hiện âm khí bắn lên rất lâu mới hết. Vị pháp sư còn khẳng định, đã trục hết 9 oan hồn trinh nữ ở đây, mọi người cứ yên tâm. Trong vòng một tuần, vị pháp sư nọ đã dựng đàn làm phép hai lần. Cả hai lần đều có những tiếng động lạ phát ra quanh khu vực công trường. Vậy Nghị Dong là ai mà chỉ nghe đến tên nhiều người đã liên tưởng đến những câu chuyện ma quái?


Chiếc bể với nhiều chữ Hán ở khu vực công trường

Bí ẩn những tin đồn

Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Lịch – thôn Si, thị trấn Nam Sách, Nghị Dong xưa kia là một đại phú hộ ở địa phương. Ông ta được ở khu nhà biệt thự dành cho người Pháp. Đất đai của Nghị Dong nhiều đến nỗi, ở thị trấn Nam Sách ai cũng cho rằng mình đang ở trên đất của ông Nghị xưa kia. Các cụ cao niên ở Nam Sách khẳng định, thời đó, quanh vùng chẳng có nhà nào giàu bằng nhà ông Nghị, các hũ bạc từng tìm thấy đều là của Nghị Dong chôn xuống đất cho con cháu sau này. Cứ ở đâu từng đào được bạc, ở đó xưa kia là đất của ông Nghị. Nghị Dong thời bấy giờ vừa có tiền, vừa có quyền. Chẳng thế mà ông là một trong số ít những người được ở khu biệt thự của Pháp. Căn nhà vừa bị phá là ngôi biệt thự cũ của ông. Người dân quanh vùng vẫn thường gọi đây là căn nhà bốn mái với thiết kế cổ của Pháp.

Căn biệt thự từng được xem là biểu tượng của sự giàu sang của ông Nghị còn được nhân dân gắn với thời kỳ đen tối bị thực dân Pháp đô hộ. Nhiều người khẳng định, căn nhà trước đây từng được sử dụng làm nơi giam giữ những chiến sỹ Việt Minh. Nhiều cán bộ, chiến sỹ bị bắt giam trong đó và có cả những người không bao giờ trở ra. Sau này, khi giải phóng, căn nhà lại được sử dụng làm nơi giam giữ tù nhân của chính quyền. Tuy nhiên, các cụ cũng khẳng định, khi sinh thời, Nghị Dong được coi là một người yêu nước, thương dân, ông từng nuôi giấu rất nhiều cán bộ, cứu những người bị giam cầm trong căn biệt thự đó.

Sự giàu có, thế lực của Nghị Dong xưa kia đã khiến người dân liên tưởng đến những hũ vàng hũ bạc còn chôn giấu. Các cụ cũng khẳng định, của cải của ông Nghị còn nhiều lắm. Nhưng chắc chắn ông đã cho trấn yểm chỉ để cho con cháu ông được hưởng. Ngày nay, hầu hết đất của Nghị Dong xưa kia giờ đã chuyển chủ, con cháu của ông Nghị cũng tản đi khắp nơi, nhưng chưa thấy ai tuyên bố là đã tìm được kho báu ông để lại. Duy chỉ còn lại mảnh đất vốn trước đây dùng làm trường cấp 2 của thị trấn, sau này dùng làm thư viện và giờ đang được xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện là chưa bị đào xới. Thêm việc trước đây từng đào được hũ bạc càng làm dân chúng tin rằng đây chính là nơi Nghị Dong cất giấu của cải.

Tin đồn vẫn chỉ là tin đồn, cho đến nay, đơn vị thi công đã kết thúc quá trình đào móng, đang chờ nghiệm thu. Chuyện trấn yểm cũng vẫn được truyền miệng bay đi khắp nơi. Giờ thì, ngoài những chuyện âm hồn hư hư thực thực, người dân ở đây lại có thêm một chút tiếc nuối. Người trẻ thì chưa nhận ra, nhưng những bậc cao niên đã ngậm ngùi, ngôi biệt thự cổ lộng lẫy một thời, chứng tích của biết bao thăng trầm lịch sử, giờ đã bị san phẳng, tiếc cho một công trình kiến trúc cổ giờ đã hoàn toàn biến mất. Vẫn biết, ngôi biệt thự cũng đã quá cũ, xuống cấp nhưng đó còn là lịch sử, là vẻ đẹp mà Nam Sách cần lưu giữ.

Nguồn: Đỗ Nguyễn/ ANTD

TAMTHUC