Choáng với công thức dùng a-xít để chế “đường độc”
Thông tin ban đầu, ngày 17.5, chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận (sở NN&PTNT Bình Thuận) phối hợp với phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bình Thuận, bất ngờ ập vào cơ sở của bà Lý Lệ Châu (52 tuổi, ngụ tô 7, khu phố 6, phường Đức Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang sản xuất đường vàng bằng hóa chất công nghiệp độc hại. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 150 kg đường màu vàng, 18 kg a-xít photphoric.
Được biết, a-xít photphoric lại là loại hóa chất cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh sử dụng tùy tiện để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của bà Châu đã lấy đường trắng (giá 13.000 đồng/kg) trộn với a-xít photphoric, hóa chất màu đỏ chưa rõ nguồn gốc, nước rồi cho vào máy trộn để sản xuất ra đường màu vàng. Sau khi sản xuất, sản phẩm này được bán ra thị trường với giá 15.500 đồng/kg.
Điều đáng nói, sản phẩm đường chứa hóa chất độc hại này không chỉ được tiêu thụ tại các chợ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, mà còn có mặt khắp nơi. Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo sợ.
Cơ sở sản xuất trộn axít photphoric, nước và hóa chất màu vàng vào đường cát trắng để cho ra đường cát có màu vàng óng ánh đẹp, mang đi tiêu thụ.
Ngoài cơ sở của bà Châu, theo tìm hiểu của PV tại nhiều tỉnh thành phía Nam, việc sản xuất, chế biến đường bằng hóa chất vẫn diễn ra vô tội vạ. Tại tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, một số tỉnh Tây Nguyên… không ít cơ sở tư nhân sản xuất, chế biến đường, không hề có giấy phép của cơ quan chức năng.
Theo đó, để trục lợi, các cơ sở sản xuất này đều mua nhiều loại hóa chất, trong đó có a-xít photphoric về “phù phép” cho đường có trọng lượng nặng hơn, màu sắc hấp dẫn hơn. Việc các cơ sở này sử dụng axit photphoric để tẩy rửa đường, ngoài việc tăng trọng lượng còn khiến cho đường trở nên óng ánh, đẹp mắt.
Thậm chí, tại TP.HCM cũng có không ít cơ sở kinh doanh, núp bóng “tạp hóa”, tìm mọi cách “phù phép” để giúp đường trắng biến thành đường vàng. Để tận mục sở thị việc người dân mua hóa chất về tẩy rửa đường, PV có mặt tại chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM). Tại đây, một số người bán hàng cho biết, hàng ngày có không ít người từ khắp nơi đến hỏi mua hóa chất về chế biến thực phẩm, trong đó có đường.
Việc mua bán hóa chất này diễn ra quá dễ dàng mà không hề có sự quản lý hay kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Điều đáng báo động là việc người dân sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm ngày càng nhiều, vô tội vạ mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết được. Điều này ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người tiêu dùng.
Gây hoại tử lục phủ ngũ tạng!
Thạc sỹ Hóa hữu cơ Lê Văn Dũng, chuyên gia nguyên cứu hóa học tại các tỉnh phía nam chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe việc sử dụng a- xít photphoric để tẩy rửa, chế biến đường. Bởi đây là loại hóa chất công nghiệp, thường dùng chủ yếu trong sản xuất phân bón”.
Thạc sỹ Dũng cho biết thêm: “Bản chất của loại a-xít này là chất lỏng nên nó ngấm rất nhanh vào đường khiến cho trọng lượng đường lên. Vì thế, đây có thể khiến cho những người dùng vào quá trình chế biến để trục lợi. Trường hợp người tiêu dùng ăn đường có nhiều a-xít photphoric trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Vì thế, tôi cho rằng các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với việc sử dụng vô tội vạ loại hóa chất độc hại này vào việc chế biến thực phẩm nhằm trục lợi”.
Vụ vi phạm an toàn thực phẩm lớn nhất từ trước tới nay
Ông Lê Đức Minh, Chi cục trưởng chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết: “Vụ việc vừa xảy ra trong địa bàn, hiện tại cơ quan đang tiến hành điều tra và làm rõ để đưa ra hướng xử lý cụ thể với cơ sở sản xuất đường của bà Lý Lệ Châu. Đây là một vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lớn nhất từ trước tới giờ. Điều đáng nói là cơ sở sản xuất này khá lớn, là “đầu mối” cung cấp lượng lớn đường đi các chợ tiêu thụ”.
Trong khi đó, thạc sỹ Cao Xuân Thủy (khoa Công nghệ Thực phẩm, trường đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM) còn tiết lộ: “Ngoài việc tăng trọng lượng đường, trong quá trình chế biến đường, người ta còn dùng a-xít photphoric để tẩy rửa đường. Tuy nhiên, sau khi tẩy rửa, người sản xuất cần xử lý hết dung lượng a-xít photphoric còn lại trong đường, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nếu quá trình chế biến mà không tiến hành xử lý để trừ bỏ loại a- xít này thì sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người. Theo đó, nếu sử dụng đường có chứa dung lượng a-xít photphoric trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột của người sẽ bị tiêu diệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người”.
Trao đổi với PV về cách nhận biết đường còn chứa nhiều lượng a-xít photphoric, thạc sỹ Thủy cho hay: “Để nhận biết đường còn chứa nhiều a-xít photphoric, mọi người chỉ cần để đường ở ngoài nắng sẽ dễ dàng nhận biết được. Theo đó, nếu nhìn thấy đường óng ánh có nghĩa đường còn chứa nhiều a- xít photphoric. Và ngược lại, đường được xử lý, loại bỏ hết dung lượng hóa chất thì không còn óng ánh nữa”.
Đồng quan điểm trên, thạc sỹ Nguyên Tấn Cường, chuyên gia nguyên cứu sức khỏe môi trường và an toàn lao động, trường cao đẳng Kinh tế công nghệ TP.HCM cho biết: “A-xít phot- phoric là loại hóa chất nếu sử dụng quá nồng độ, và liều lượng cho phép có thể gây phỏng niêm mạc, loét bao tử, gây kích thích, tác động tới hệ thần kinh, về lâu dài, có thể gây hoại tử đối với các bộ phận cơ thể nếu tiếp xúc nhiều với loại hóa chất này”.
Thơ Thy – Nguyễn Hưng / Đời sống pháp luật
Nguồn: http://motthegioi.vn/suckhoe/tin-suc-khoe/duong-tron-axit-ban-tran-lan-gay-hoai-tu-luc-phu-ngu-tang-190718.html