Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
am-anh-chuyen-bac-si-pha-thai-toi-ca Ám ảnh chuyện bác sĩ phá thai tới 10.000 ca
Wednesday, 25/03/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Không có gì u ám, vụng trộm và khổ sở như nghề… phá thai. Đó là những chia sẻ rất đỗi thật lòng của một bác sỹ sản khoa gần 40 năm hành nghề.

“Cứu tinh” của những ca có thai ngoài ý muốn

Bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung (hiện là trưởng một phòng khám tư nhân tại Hà Nội) đã hành nghề từ khi ra trường, năm 1977. Có một thời gian dài công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sang Ba Lan sinh sống rồi lại trở về Việt Nam, nhìn lại hành trình của mình, bà chua xót tự nhận mình thuộc dạng “đao phủ”. Con số thống kê sau 3 năm bà làm việc ở quận Hoàn Kiếm khiến bà giật mình: bà đã tự tay làm 10.000 ca phá thai. “Những năm sau đó, không ai thống kê nữa, và tôi cũng chẳng nhớ mình đã làm bao nhiêu ca” – bác sỹ Dung cho biết.

Bà kể: “Hồi ấy, việc phá thai không có gì ghê gớm, nhưng phức tạp ở chỗ phải xin giấy cơ quan, xác nhận của công đoàn, chữ ký của chồng… nên nhiều chị em lỡ có thai khi chưa lập gia đình rất khó khăn khi đi phá thai. Tôi và các đồng nghiệp đã “mở cửa” để thai phụ chỉ cần đem theo chứng minh nhân dân và đơn xin phá thai là được.”

Ngần ấy năm hành nghề, bác sỹ sản khoa này tâm sự: “Ám ảnh kinh hãi nhất là khi phá những thai lớn bằng phương pháp ép sinh non. Những thai nhỏ, bác sỹ cho dụng cụ vào tử cung người mẹ để nạo ra. Nhưng với những bào thai lớn (15 tuần trở lên), hy hữu có trường hợp phá thai 7 tháng tuổi, những sinh linh nhỏ bé ấy bị ép ra đời sớm, không được phép tồn tại trên đời, nhưng đã đủ nguyên hình hài. Khi lôi chúng ra khỏi cơ thể người mẹ, những hài nhi bị dìm nước trôi tuột ra đã chết thật đáng sợ; có những trường hợp, thai nhi còn kịp trút hơi thở đầu tiên, cũng là cuối cùng rồi mới lìa đời. Khi hủy đi những thai lớn như thế, người bác sỹ phải thực sự chai lì mới có thể quen nổi, để còn sống tiếp và làm việc.”

Bà phân tích, những trường hợp phá thai to như thế thường là người mẹ mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, chùng chằng không tự chủ được chuyện có nên giữ hay bỏ con hoặc định lấy con ra làm áp lực với người cha nhưng thất bại. Những trường hợp ấy, với bà, là ngu xuẩn, vì vừa phải cậm cạch đi tìm nơi phá thai không hợp pháp, vừa chẳng có gì đảm bảo sẽ an toàn cho tính mạng. Những trường hợp tai biến, nhiễm trùng huyết, băng huyết cho đến chết người khi phá thai to không hiếm.

Ngay cả với những thai nhỏ, độ an toàn không phải vì thế mà tăng lên. Bác sỹ Kim Dung tiết lộ, dù phá thai ngoại khoa (nạo, hút, tác động đẻ non…) hay phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc) cũng tiềm ẩn những tai nạn, tai biến, có những tai nạn mà chính bác sĩ cũng không tưởng tượng được. Bà kể: “Thực ra phá thai, nạo thai là một quá trình “mù”, làm bằng kinh nghiệm chứ không thể biết đích xác điều gì đang xảy ra bên trong cơ thể bệnh nhân. Có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tai biến có thể xảy đến như sót nhau thai, sót thai, thủng tử cung, viêm nhiễm, băng huyết, sốt…”

Có những câu chuyện nghề bà kể khiến người nghe rợn tóc gáy. “Nếu ai theo đạo Phật, nhìn thấy cảnh tôi làm việc hồi ấy sẽ chết khiếp. Nghịch cảnh trớ trêu là, tôi lúc đó mang thai đến tháng thứ 9, không thể ngồi bình thường để phá thai được, phải kê chăn ở dưới mông, kỳ cạch phá thai cho người khác. Trước đó tôi đã bị sẩy thai một lần. Bố tôi chứng kiến cảnh ấy, không chịu nổi, lên yêu cầu cấp trên cử người thay tôi…

BÁC SĨ CHUYÊN PHÁ THAI

Bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung

Hoặc có những lần tôi khốn khổ vì phá thai cho người thân, như cô bé cháu gái của đồng nghiệp tôi, 16 tuổi có thai 3 tháng rưỡi mà không chịu phá, người yêu nó bị nghiện. Con bé gọi điện mách người yêu, người yêu nó dọa phá sập phòng khám nếu dám phá thai. Bố con bé phải cử người phong tỏa phòng khám, mẹ nó cùng tôi nhốt con bé vào phòng, ép uống thuốc, khốn khổ mới làm xong cho nó. Cũng có lần tôi phá thai cho nhân viên, mồ hôi vã ra như tắm, chỉ chực ngất, trong khi con bé đang chảy máu ồ ạt. Không phải tôi sợ, mà là bị hạ đường huyết. May mà cũng trụ được để làm cho xong.”

Bà bảo, cảm giác mình phải chịu họa, mình là đao phủ thi thoảng ập đến, nhưng thú thực, phải sống gần như vô cảm và đã làm thủ thuật như một cái máy, chẳng kịp có thời gian để đếm xem có bao nhiêu bệnh nhân đã đến với mình nữa.

Và khoảng lặng đằng sau sự “vô cảm”

Trong cuộc nói chuyện dài, bác sỹ Kim Dung có lúc trầm tư: “Nghĩ lại, không hiểu nổi sao mình có thể làm được những việc kinh khủng như vậy, nhưng không dành thời gian để trầm tư quá lâu, bởi chỉ nghĩ thêm một chút, không bác sỹ sản khoa nào có thể tiếp tục với nghề.”

Bà phân tích, tôn giáo và giáo dục ở nước ta cũng không đủ mạnh để cản trở người phụ nữ có thai liên miên, dẫn đến chuyện không nuôi được con hoặc có con ngoài ý muốn. Thay vì coi việc phá thai hợp pháp là bình thường, tại sao ta không tìm các để việc nạo phá thai không hoặc ít phải xảy ra? Với những phụ nữ đã từng phá thai, tâm lý bất an suốt đời không bao giờ gột rửa được và không bác sỹ nào có thể chữa trị được những sang chấn tâm lý của phụ nữ sau phá thai. Mặc cảm mình có tội sẽ đeo bám dai dẳng, từ đó, người phụ nự không còn tự tin dấn thân vào cuộc sống, cảm thấy không tự tin, không xứng đáng trong tình yêu, trong sự nghiệp. Có người chôn vùi cảm giác ấy đi bằng cách dâng sao giải hạn, làm lễ cầu siêu để các “vong” khỏi theo.

Bà nói thêm: “Có nhiều bà mẹ phá thai nhỏ nói rằng, cái thai ấy chỉ là giọt máu, phá đi không có tội, nhưng đó chỉ là bao biện để thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Thực ra, một đứa trẻ tự mình hoàn thành chính nó trong bụng mẹ, người mẹ chỉ hỗ trợ cho nó lớn lên chứ không tác động gì nhiều. Khoảng 10 tuần thai nhi đã là một đứa trẻ hoàn chỉnh. Phá thai, dù sao cũng là giết người. Vậy mà có nhiều người đến với tôi 7, 8 lần, mặt cứ trơ trơ vô cảm…”

Bác sỹ phụ khoa này tiết lộ, theo thông kê, có vẻ tuổi quan hệ tình dục và phá thai đang được trẻ hóa, nhưng thực ra không phải. Từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, khi nước ta rộ lên phong trào xuất khẩu lao động và khám phụ khoa là một yêu cầu bắt buộc, bác sỹ đã có cơ hội được khám cho những trinh nữ. Và theo số lượng thống kê của bà, 35% phụ nữ đã mất trinh trước 18 tuổi, và không nhiều người giữ được cho đến tuổi 20. Tỉ lệ phá thai khi còn trẻ cũng tương tự, có điều, ngày xưa kín đáo hơn.

Bà bảo, làm nghề này, vấn đề y đức rất nặng nề. Với các bệnh nhân, bà phải cởi mở, không gây cảm giác mặc cảm cho họ, luôn đặt cho họ câu hỏi “tại sao không giữ được” và yêu cầu họ cân nhắc lại. Có hàng nghìn lý do được đưa ra, nhưng hầu hết là ngụy biện cho việc lỡ mang thai ngoài ý muốn. “Trong 10 trường hợp, may lắm thì 1 người ra về. Hạnh phúc và an ủi, nhẹ lòng đôi chút khi nhiều bà mẹ quay trở lại, mang theo con và khoe “nếu ngày xưa không có bà thì không còn thằng bé/con bé này”, nhìn thấy những bào thai đã bị mình từ chối giờ lớn lên khỏe mạnh, lanh lợi. Những người hiếm muộn cũng đến với tôi, nhưng ít hơn so với tỉ lệ phá thai. Thành công với những ca hiếm muộn, tôi thấy hạnh phúc và thú vị hơn nhiều”, bà cho biết.

Vị bác sỹ sản khoa tâm sự thật lòng: “Làm nghề này phải có trái tim lạnh, thật lạnh, bỏ qua cảm xúc của mình và cảm xúc của bệnh nhân, chỉ nghĩ đến công việc thôi. Đêm về, tôi đặt lưng xuống là ngủ ngay, không cho phép mình có một giây nào để suy nghĩ, phải vứt đi hết những xúc cảm con người đi, tôi mới tồn tại được và tiếp tục làm nghề…”

Theo: Kiến thức

TAMTHUC