Trong thánh kinh có câu: “kẻ nào gieo sự bất công, sẽ gặt điều tai họa”
Câu chuyện có thật trên đây xảy ra tại Pháp là chứng cớ hiển nhiên về hiện tượng đầu thai quả báo, trong đó còn bàng bạc hiện tượng về con ranh con lộn, một hiện tượng xuất hiện không riêng lẽ ở một quốc gia nào, một hiện tượng có thể gọi là phổ biến. Đối với những nhà nghiên cứu về tiền kiếp và dùng phương pháp của giấc ngủ thôi miên để tìm về quá khứ xa xăm của những kiếp người như ông Cayce thì vấn đề còn có thêm những điểm đáng lưu ý như sau: những linh hồn khi đầu thai thường có sự tự do lựa chọn nào đó vì thế mà một linh hồn sau khi đã chọn cha mẹ làm phương tiện để được tái sinh thì khi đầu thai xong có thể cảm thấy thất vọng nơi gia đình đó nên không còn sự ham sống nữa và dựa vào những cơn đau bệnh bất chợt đến mà đứa trẻ sẽ dễ dàng lìa đời. Đôi khi sự chết yểu của đứa con lại là một lời nhắn nhủ để người làm cha hay mẹ soát xét lại những gì mình đã gây ra từ tiền kiếp để có sự sửa đổi, hoán cải vì sự chết yểu của đứa con là một sự đau thương vô cùng đối với người làm cha mẹ. Nhất là đối với quan niệm dân gian Việt Nam thì khi người mẹ có con chết yểu, điều họ nghĩ đến dễ trả lời cho câu hỏi tại sao họ lại chịu điều bất hạnh là ở tiền kiếp hay ngay trong kiếp hiện tại, có thể họ đã làm điều gì đó không phải và sự khổ đau thể hiện qua sự kiện đứa con chết yểu đã là một cảnh báo đáng lưu tâm và đáng phải sám hối, sửa đổi.
Sự kiện con ranh con lộn không phải chỉ xảy ra vào thời xa xưa mà thật sự như trên đã nói, xảy ra ở muôn nơi và muôn thuở. Ở Anh, ngay tại thành phố Luân Đôn, có một gia đình gọi là gia đình Matthew, suốt bốn năm, người mẹ lần lượt sinh bốn người con và người con nào tới ba tuổi cũng đều lìa bỏ cõi đời cả. Điều kỳ lạ là lần mang thai thứ tư, người mẹ trước khi chuyển bụng, đang mơ màng trong giấc ngủ bỗng nghe có tiếng nói thì thầm bên tai, tiếng nói của một đứa bé: “đây là lần cuối cùng!” và đứa con sinh lần thứ tư này đã chết lúc vừa đúng 3 tuổi. Đến lúc có thai lần thứ năm, người mẹ rất lo sợ, nhưng sau khi sanh, bà cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Đứa bé vượt qua giai đoạn ba tuổi và sống mạnh khỏe cho đến tuổi trưởng thành không đau ốm gì cả.
Khi tìm hiểu qua các tài liệu y khoa, người ta không thấy có giải thích nào rõ ràng cho vấn đề này và giới y học cho rằng vấn đề người mẹ sinh con liên tiếp trong nhiều năm nhưng những đứa con này đều chết sớm là do sự lệch lạc nào đó trong khi chúng thụ tinh. Hoặc có khi người mẹ có mầm bệnh ẩn, lạ, truyền vào người con và đến một thời gian nào đó tác nhân bệnh mới đủ mạnh để làm hại người con. Tuy nhiên đó chỉ là giả thuyết vì cho đến nay y học vẫn còn bế tắc trong sự giải quyết về vấn đề con ranh con lộn này. Đồng bào ở Quảng Trị khoảng năm 1934, 1936 thường biết rõ gia đình của họ Trần, người chồng là Trần Vĩnh T. và người vợ là bà Nguyễn thị H. (quê làng Vĩnh Lại, trú tại chợ Sòng).
Bà H sinh hạ nhiều lần, chỉ có đứa con đầu là toàn vẹn không có gì xảy ra, nhưng qua mấy lần sinh sau đứa con nào cũng đều chết cả. Bà H nghe những lời bô lão trong vùng, làm dấu lên cánh tay đứa con thứ ba để xem thử có phải bà đang bị trường hợp con ranh con lộn không và quả nhiên đến lần sanh kế tiếp trên tay hài nhi mới chào đời có dấu hiệu mà chính người nhà trước đây đã làm dấu ấn lên tay đứa bé trước. Bà mụ lúc đó sợ quá nổi cả da gà. Đứa bé ấy sau đó cũng chỉ sống một thời gian ngắn và qua đời. Cả gia đình bà H lúc bấy giờ biết chắc họ có “con ranh con lộn” nên từ đó lên chùa làm lễ quy y và làm nhiều việc bố thí, mặc dầu ở Quảng Trị ai cũng biết gia đình bà đối xử tốt với mọi người nhưng có lẽ tiền kiếp của họ đã tạo ác nghiệp nào đó.
Một câu chuyện có thật khác xảy ra tại Tân Thạnh Đông (Việt Nam) đã một thời làm xôn xao dư luận. Bà Phan Thị Bê, 36 tuổi sinh đứa con đầu lòng mới được 6 tháng thì cháu mất. Không đầy một năm sau, bà Bê lại sanh con thứ hai, lần này cháu bé chỉ sống được năm tháng rồi cũng qua đời. Người nhà lo sợ mời thầy cúng nổi tiếng trong vùng đến giải họa vì người chồng của bà Phan Thị Bê nghi rằng vợ mình bị ma quỷ quấy phá. Khi thầy Ròn đến hỏi sự qua sự việc và quan sát tướng cách hài nhi, ông thầy đi đến một kết luận: “đây là con ranh con lộn đích thị rồi!” trước khi đem hài nhi đi chôn cất, thầy Ròn yêu cầu bà Bê để ông lấy một ngón út ở hai bàn tay trái đứa bé làm bằng chứng sau này. Thế rồi ông thầy Ròn cáo từ.
Bà Phan Thị Bê lại sinh con lần thứ ba và lần này cũng ở thời gian rất sớm chưa đầy một năm sau khi đứa con thứ hai qua đời. Hôm đi sanh, bà Bê và người chồng đều tỏ vẻ lo lắng. Khi đứa bé chào đời, bà Bê đang còn nằm thiêm thiếp thì người chồng đã yêu cầu bà Mụ cho vào xem con và cái mà anh ta muốn xem trước tiên không phải là gương mặt đứa bé mà là bàn tay trái của nó. Các ngón tay từ từ được kéo ra và bất đồ, mặt anh ta tái nhợt vì rõ ràng ngón tay út của đứa bé không có. Nhìn kỹ ngón út như bị teo rút lại tận bàn tay như là vết seo. Bà mụ (tên là Bà Cam) sau khi biết rõ mọi chuyện đã cùng với chồng bà Bê hết lời an ủi vỗ về bà Bê. Lần này thầy Ròn lại được mời đến, ông qua sát bàn tay đứa bé và nói một câu như đóng cột: “chuẩn bị áo quan cho nó. Nó sẽ ra đi đúng thời gian mà trước đó nó đã ra đi. Đây chính là con ranh con lộn…)
Quả nhiên sau đó gần 6 tháng, đứa bé không đau không ốm, chỉ sau một lần bị ọc sữa rồi nhắm mắt lìa đời. Ông thầy Ròn khi đó mới lập bàn cúng và làm phép trừ tà. Ông khuyên hai vợ chồng bà Bê tìm một đứa con nuôi và mấy tháng sau bà Bê đã xin được một cháu bé (con lai và chính nhờ đứa con lai này mà năm 1988 bà cùng chồng và một đứa con trai tên Long sinh năm 1976 qua Hoa Kỳ đi theo diện con Lai). Sau khi có một đứa con nuôi, vợ chồng bà Bê phần nào đỡ hiu quạnh nhưng trong thâm tâm họ vẫn mong ước có một đứa con chính thức của chính họ. Thế rồi tháng tư năm 1976, bà Bê sinh hạ một cháu trai, lần này hai vợ chồng nhẹ hẳn người vì đứa bé có đủ các ngón tay ở cả hai bàn tay. Ông thầy Ròn lại được mời tới hỏi ý kiên tức thì vì nhà ông ở gần đó. Ông thầy Ròn vừa quan sát đứa bé vừa gật gù nói:
“Được rồi! con ranh con lộn không còn phá nữa, nhưng gia đình ông bà phải làm như vầy…”, nói xong ông bảo người nhà quấn tã cho đứa bé thật ấm và đem một chiếc chiếu nhỏ xếp làm tư để bên vệ đường gần bụi cây và đặt đứa bé lên chiếu. Một người hàng xóm được yêu cầu đi ngang qua đó nhờ chút việc và bất đồ người này thấy hài nhi ai để bên vệ đường. (Dĩ nhiên người này sẽ kêu lên và người nhà sẽ mách nước cho người ấy ẵm cháu bé lên để được phước và ngay lúc đó chị Phan Thị Bê đã được ông thầy dặn dò kỹ lưỡng chạy ra xin đứa bé ấy về nuôi). Như thế, dù là con mình cũng vẫn làm như không phải là con. Đây là phương cách mà người xưa thường dùng để mong trừ khử chuyện con ranh con lộn.
Quả thật sau đó, cháu bé được mạnh khỏe và hiện nay đang sống tại Hoa Kỳ.
Hiện tượng con ranh con lộn có thể xem như đóng vai trò quan trọng và nổi bật trong vấn đề dấu tích luân hồi. Dù lý luận như thế nào, chứng cớ của sự kiên vẫn rõ ràng. Nhiều người mẹ đã trải qua giai đoạn đau khổ vì vấn đề con ranh con lộn, có người đã qua đời, có người vẫn còn sống, họ là những nhân chứng của sự kiện và trong hiện tại cũng như trong tương lai chắc chắn đã và sẽ còn nhiều trường hợp con ranh con lộn xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Các nhà nghiên cứu về những gì liên quan đến hiện tượng luân hồi cần lưu tâm đến sự kiện này. Nếu các dấu tích về các vết sẹo, vết chàm đã được các nhà nghiên cứu như bác sĩ Stevenson, bác sĩ Paricha, Jeffrey Iverson, bác sĩ Morse… cho là quan trọng thì sự kiện con ranh con lộn lại càng quan trọng hơn trong vấn đề chứng minh dấu tích luân hồi.
Theo các nhà nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến cõi chết và hiện tượng luân hồi thì từ lâu, con người đã có thể nhận thấy hình ảnh của quá khứ, của tiền kiếp hay của luân hồi qua nhiều sự kiện. Không phải chỉ sau khi ông Cayce, một người Hoa Kỳ có khả năng nhìn thấy những sự việc đã xảy ra trong quá khứ và đã giúp hơn hai nghìn người biết được tiền kiếp mình (những điều này đã được ghi lại đầy đủ trong cá hồ sơ lưu trữ tại Virginia) thì con người mới bắt đầu tìm hiểu về vấn đề tiền kiếp, thật sự, từ thời cổ đại, qua các sách viết về sự chết gọi là Tử thư của Ai Cập và Tây Tạng thì sự chết, cõi chết và luân hồi liên quan mật thiết với nhau. Ngoài ra từ kiếp này qua kiếp khác đôi khi có những dấu tích chưa phai mờ, chẳng khác nào chiếc xe vượt qua một vùng sa mạc thường để lại trên xe lớp cát bám đầy. Vết tích của quá khứ thường nhiều vô kể, và ở dưới nhiều dạng khác nhau.
Bà Alexandra, một nhà nghiên cứu về các hiện tượng huyền bí ở Tây Tạng có lần hỏi vị trưởng của một Thiền viện về vấn đề liên quan dấu tích luân hồi thì được vị này trả lời như sau: “Đôi khi trong sự luân hồi chuyển kiếp, vẫn còn sự liên hệ gần gũi nào đó rất chặt chẽ vì thế có nhiều sự kiện ở kiếp này sẽ lưu lại và tiếp nối ở kiếp kế tiếp bằng hình ảnh, dấu vế không nhưng qua những vật sờ nắm được mà đôi khi còn bằng dáng dấp cử chỉ, tánh tình, bệnh tật v.v…”
Như vậy, dấu tích luân hồi còn thể hiện dưới nhiều hình thức.
Tác giả: Đoàn Văn Thông
TAMTHUC