Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
do-co-co-ma-va-loi-ran-day-cua-nguoi-xua Đồ cổ có ma và lời răn dạy của người xưa
Wednesday, 06/05/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Vô cớ đưa vào nhà, đưa lên bàn thờ càng nhiều đồ vật cổ thì càng thêm nhiều khả năng mang họa vào thân. Nếu phòng nào cũng đầy đồ cổ thì chẳng khác gì gia chủ đang cảm tưởng như sống trong một bảo tàng hay ngôi mộ.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu cổ vật cho rằng, hậu quả của việc mua đồ cổ, đồ cũ giả cổ, đồ cổ không rõ nguồn gốc… thật khôn lường. Mặc dù bác bỏ những tin đồn về “ma ám” đồ cổ, họ vẫn cho rằng những câu chuyện về hậu vận xấu của người mạo phạm có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đằng sau đó là lời răn dạy của ông cha xưa về sự trân trọng, lưu giữ giá trị văn hóa.

Chỉ số BOVIS và quy luật nhân – quả

Chia sẻ về những câu chuyện mà báo Đời sống và Pháp luật đăng tải (Phúc, họa từ những món đồ cổ: Trước giàu bất ngờ, sau chết đột tử),đăng tải, nhà nghiên cứu Trần Mai cho rằng: “Xét về mặt tâm linh, nhìn chung cổ vật đều trôi nổi qua nhiều đời, nhiều thế hệ và được sử dụng vào những mục đích khác nhau. Có khi được sử dụng làm đồ tùy táng, tức là chôn theo người chết, sau đó được bới ra và sử dụng trở lại. Có khi do con người tham lam lấy từ những nơi đền miếu đình chùa thờ cúng về và đem ra bán. Những đồ cổ đó dường như đã được yểm bùa khiến hậu vận của những người này gặp tai ương. Hay nói cách khác như lời của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã nói ở số báo trước:

Đó là quy luật nhân – quả.

Xét về mặt khoa học, những người mang trong mình năng lượng BOVIS (chỉ số năng lượng sinh học của con người và năng lượng địa sinh học) yếu nhưng do ham chơi đồ cổ thì sức khỏe bị ảnh hưởng từ chính năng lượng của đồ cổ phát ra. Đặc biệt những đồ cổ thờ tự nếu không biết cách trang trí đều rất nguy hiểm cho người chơi và con cái trong nhà. Chính vì vậy, ngay việc đặt đồ cổ tùy tiện cũng khiến nhiều người sức khỏe suy sụp, tâm trí bất an, dần dần trở nên bệnh tật, hoảng loạn”.

Vô cớ đưa vào nhà, đưa lên bàn thờ càng nhiều đồ vật cổ thì càng thêm nhiều khả năng mang họa vào thân. Nếu phòng nào cũng đầy đồ cổ thì chẳng khác gì gia chủ đang cảm tưởng như sống trong một bảo tàng hay ngôi mộ. Chính vì vậy, ông Mai cho rằng người chơi đồ cổ ngoài sự đam mê thì cần có sự hiểu biết về nó. Đặc biệt đối với những đồ cổ không rõ nguồn gốc mua ở chợ trời hoặc những đồ thuộc về đồ thờ tự của chùa chiền, nếu thấy bất an thì nên dâng trả. Còn đối với những đồ cổ của dòng họ được di chúc giao lại cho mình thì nên tiếp tục bảo quản, thờ cúng.

Thực hư chuyện “đồ cổ có ma” và lời răn dạy của người xưa - Ảnh 1
Việc trang trí, sắp đặt cổ vật cho hợp linh khí và thẩm mỹ cũng đòi hỏi sự am hiểu của người chơi.

Ở góc nhìn về phong thủy, nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, chuyên viên bộ môn Cận Tâm lý, viện Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm năng Con người chia sẻ: “Cổ vật là những cái quý giá, linh thiêng của tự nhiên và con người từ xa xưa. Cổ vật lưu từ đời này qua đời khác nên việc có “vong hồn chiếm giữ” là dễ hiểu. Do vậy, một số câu chuyện, lời đồn về hậu vận của người ăn cắp, mạo phạm đồ cổ hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, một số cổ vật nằm dưới lòng đất lâu năm nên có ám khí, đồ thờ tự để trong chùa chiền cả nghìn năm đã hội tụ linh khí. Vì thế, những người không am hiểu về nó, trang trí bất hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình”.

“Tôi chỉ xin chia sẻ thêm rằng, những gia đình đang lưu giữ cổ vật của tổ tiên thì nên gìn giữ vì đó là tài sản quý báu. Người chơi đồ cổ cũng phải biết tường tận về nguồn gốc, lịch sử và nét văn hóa trong đồ cổ. Đó là chưa kể đến chuyện những người mua bán đồ ăn cắp, dính chuyện lừa đảo rồi vi phạm pháp luật. Có một số cổ vật, nhất là tượng cổ mà người ta vẫn cho rằng có linh hồn, nếu người đang lưu giữ cảm thấy bất an thì nên cung tiến lại cho Nhà nước, cho bảo tàng hoặc nơi thờ tự để nhiều người được chiêm ngưỡng. Như vậy là góp bảo tồn nét văn hóa xa xưa khi trả lại cổ vật về vị trí đích thực của nó”, ông Cung Hà nói.

Một vụ việc ba năm trước từng gây xôn xao dư luận khi một người đàn ông (trú tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) đi vào rừng tìm thấy một cái hang và lấy được rất nhiều đồ cổ, đa phần là đồ thờ. Khi ông chưa kịp mừng vì kiếm lời được từ số đồ cổ này thì bỗng dưng đổ bệnh, nằm liệt giường.

ít hôm sau, cả hai đứa con của ông bỗng dưng phát điên, phải đưa đến bệnh viện để điều trị. Phát hoảng vì chuyện đồn thổi đồ cổ bị yểm bùa khiến những người mạo phạm gặp hạn nên gia đình ông đã mời thầy cúng về làm lễ và mang toàn bộ số đồ cổ trả lại hang.

Không bàn đến chuyện lời đồn ma mị xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, trên thực tế đã có nhiều người xuất phát từ lòng tham, bất chấp lấy đồ cổ không rõ nguồn gốc về bày bừa bãi trong nhà. Dưới góc độ phong thủy, đồ cổ thờ tự thường mang đến những nguồn năng lượng xấu, trường khí xấu, hay vi khuẩn gây hại, bởi đa phần đồ cổ có nguồn gốc từ mộ, nghĩa địa. Đo đạc thực tế bằng máy móc hiện đại cũng cho thấy, nơi đặt đồ cổ có thể làm trường khí bị sụt giảm, thậm chí chuyển sang âm khí. Như việc đặt hũ đồng xu cổ dưới giường, sẽ gây chia rẽ tình cảm vợ chồng…

Thực hư chuyện “đồ cổ có ma” và lời răn dạy của người xưa - Ảnh 2
Những nhà nghiên cứu đồ cổ cho rằng, nếu không có sự gìn giữ, trân trọng và cách nhìn đúng về cổ vật thì thế hệ sau chỉ còn biết đến cổ vật qua sử sách.

Đừng để “tẩu hỏa nhập ma” vì đồ cổ

Phú quý sính lễ nghĩa. Sự lưu tâm hơn của xã hội khiến cho thú chơi cổ vật được nhiều người hướng tới. Tuy nhiên, đi kèm với nó là các tệ nạn mê tín dị đoan, khiến gia chủ bị… “tẩu hoả nhập ma” bởi chính sự thiếu hiểu biết từ cách sưu tập đến trang trí.

Ông Lê Sỹ Tuyên, Chủ tịch hội Cổ vật Hà Nội cũng chia sẻ: Nhiều người nghĩ mình có tiền nên vung tay “săn” đồ cổ để tự lăng xê mình. Rồi có những người chơi đồ cổ mang tính chất chộp giật, miễn thấy có lợi là mua – bán. Đó là họ không hiểu về văn hóa cổ xưa.

“Còn chuyện chuyển giao đồ cổ mà khi món đồ ấy ở bên người này thì thịnh, sang bên người kia thì suy đó là do cách chơi và nhìn nhận của từng người. Các cụ bảo khổ luyện thành tài, mình yêu quý món đồ ấy sẽ có sự trân trọng và gìn giữ. Đồ cổ vốn qua nhiều đời, vì vậy khí tiết, phong thủy cũng là điều đáng lưu ý. Mình đam mê những cái thuộc về lĩnh vực văn hóa thì phải hiểu về văn hóa chứ chẳng phải cứ gặp chuyện chẳng lành là nghĩ đến chuyện “ma ám”, yểm bùa đồ cổ. Tất cả là do mình tạo ra cả”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Trong các bài viết về câu chuyện phúc – họa khó lường, tác giả Tiêu Hà Minh cho rằng, nếu có tai họa xảy ra thì người ta thường dành những lời an ủi, động viên để giảm bớt buồn phiền, đau khổ cho những kẻ đó chứ không ai nỡ lòng nào mong cho kẻ đó chuốc thêm họa nữa vào thân. Phúc, họa xoay vần khó biết. Vậy nên gặp phúc thì cũng đừng cho là phúc mãi, gặp họa cũng đừng bi quan.

Nghề chơi cũng lắm công phu, riêng thú chơi đồ cổ lại càng nghiêm ngặt hơn. Để phân biệt thật giả, hiểu được chiều sâu của các món đồ cổ, người sưu tập phải chịu khó nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, địa lý… và tích lũy một số kiến thức nhất định, bởi mỗi cổ vật đều có chứa đựng những tiêu chí đó. Hiểu biết càng sâu sắc thì niềm vui cảm nhận càng lớn lao.

Khép lại câu chuyện về phúc – họa đồ cổ, những nhà nghiên cứu cổ vật vốn trăn trở về nạn “chảy máu cổ vật” phấn khởi khi biết thông tin “vua cổ vật Sài Gòn” Hoàng Văn Cường đang nung nấu ý định hiến tặng 70% giá trị cổ vật cho quỹ quốc phòng và hỗ trợ các ngư dân bám biển.

Ông Cường cho biết: “Từ lúc biết chơi cổ vật đến nay đã 64 tuổi tôi chỉ biết mua cổ vật về để sưu tầm chứ không bao giờ bán. Mỗi cổ vật đều chứa linh hồn của những người đã từng gắn bó với nó thông qua dòng chảy thời gian. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ bán đi cổ vật hoặc tặng một người nào. Nếu có thể, tôi chỉ mong muốn bán đấu giá số cổ vật hiện có để ủng hộ 70% tổng giá trị cho quỹ quốc phòng và quỹ hỗ trợ các ngư dân bám biển. 30% tôi giữ lại cho gia đình”.

Hiểu giá trị tâm linh

ông Nguyễn Trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội chia sẻ: “Chơi đồ cổ phải hiểu giá trị tâm linh của cổ vật, người sưu tập càng trân trọng, gìn giữ thì ắt sẽ tạo được hòa khí và tài lộc đến với gia đình. Những câu chuyện về hậu vận xấu đối với người mạo phạm đồ cổ cũng là lời răn dạy của thế hệ cha ông về việc gìn giữ, trân trọng tài sản văn hóa vô giá của dân tộc”.

CAO TUÂN
Theo: ĐSPL

TAMTHUC