Tôi sanh ra ở một thôn nhỏ ở phía bắc tỉnh An Huy.
Vốn là một đứa trẻ ngoan, biết cần kiệm, nghe lời, hiếu học, kính trên nhường dưới. Cha mẹ gian lao vất vả nuôi tôi ăn học. Lớn lên, tôi thi đậu vào một trường đại học ở Thanh Đảo, từ đó rời xa quê cha đất tổ, bắt đầu cuộc sống thị thành kéo dài 18 năm. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm ở một công ty sửa xe ô tô, vì sự chăm chỉ, nỗ lực và tinh thần hiếu học của mình, dần dần tôi đã trở thành lãnh đạo của công ty.
Năm 2006, tôi rời công ty sửa xe ô tô, nhờ giới thiệu của đồng nghiệp, chuyển sang làm cho một đơn vị ở Bắc Kinh, ăn, ở, đi lại đều do đơn vị hoặc khách hàng lo liệu. Vì thế, trong những năm đó, tôi gần như đi khắp mọi miền đất nước, đến nơi nào cũng được chiêu đãi sơn hào hải vị. Tính sơ sơ, tiền vé máy bay của tôi không dưới 100 ngàn, tiền mỗi lần chiêu đãi tôi cũng phải đến vài ngàn, ở thì chí ít là khách sạn 3 sao, có khi tận khách sạn 5 sao. Con người tôi vốn rất tiết kiệm, nhưng vì những chi phí này không phải bỏ tiền túi ra, nên tôi không những không ý thức được việc tiêu pha lãng phí, mà còn cho rằng đó là phước báo của mình, cứ mặc tình mà hưởng thụ, cân nặng vùn vụt tăng lên đến 100kg. Tôi đâu có ngờ rằng, tiêu pha lãng phí như vậy là tôi đang làm tổn phước của chính mình!
Tháng 8 năm 2010, một tiếng sét giữa trời quang đã làm tôi tỉnh giấc mộng trường. Kết quả xét nghiệm khối u ở cổ cho thấy tôi bị ung thư biểu mô tế bào vảy giai đoạn cuối. Từ đó, tôi bắt đầu quá trình điều trị dài đằng đẵng, từ hóa trị cho đến xạ trị, nỗi thống khổ mà tôi phải chịu đựng người thường không thể nào hiểu nổi, cân nặng càng ngày càng giảm, từ 100kg chỉ còn hơn 65kg.
Tháng 7 năm 2011, khi đến Bệnh viện Trung Sơn ở Quảng Châu kiểm tra nguyên nhân bị sốt, kết quả chụp PET/CT đã tuyên cho tôi bản án tử hình. Trên cơ hoành của tôi mọc lên một khối u lớn 8.5cm x 9.2cm, đã xâm hại đến cả xương sườn, đốt sống thắt lưng và đốt sống ngực, vùng phổi cũng có vài chỗ bị thương tổn. Bác sĩ cay đắng nói với tôi một câu: “Rất tiếc”. Trở về Thanh Đảo, tôi bắt đầu đi làm hóa trị, không kết quả gì, lại đi làm xạ trị, được 3 lần thì tôi chịu không nổi nữa. Đến giờ, tôi thậm chí không còn đủ sức mà ngồi dậy, thân thể gầy như que củi.
Khoảng trung tuần tháng 10 năm 2011, tôi chợt nhớ lại trước đây từng đọc qua sách Phật pháp. Tôi bắt đầu quy y Tam bảo và cũng bắt đầu chân thực phản tỉnh xem mình đã làm sai điều gì. Tôi chưa từng làm hại ai, sống rất cầm kiệm, đối xử với người già cũng không tệ… Tại sao…?
Sau nhờ thầy bổn sư chỉ dạy tôi mới hiểu rằng: đây là quả báo đoản mạng do sát sanh! Hơn nữa, trong những năm qua, chi phí cho việc ăn, ở, đi lại đều trừ hết vào phước báo của tôi. Giờ tôi đã thấm thía câu nói: “Hết phước thì mạng vong!”
Trong kinh Phật dạy: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như điện chớp”. Nhìn lại một đời của tôi, thực giống như đang nằm mộng. Khi gian khổ phấn đấu là giấc mộng mỏi mệt; khi cưới vợ sanh con, thăng tiến phát tài là giấc mộng đẹp tươi; khi mắc ung thư, bị bệnh tật dày vò là giấc mộng đau khổ. Phật là người chân thật, không vọng ngữ. Từng chữ, từng câu trong kinh Phật đều mở bày ra cho chúng ta chân tướng của vũ trụ, thậm chí của cả 10 pháp giới. Giờ tôi sắp phải lìa xa cõi đời rồi, có thứ gì tôi mang theo được đây? “Chẳng thứ gì mang theo được, chỉ có nghiệp theo mình mà thôi!” Hết thảy những thứ hữu hình trên thế gian này đều không mang theo được! Vợ con, nhà cửa, tiền bạc, tất cả những thứ mà tôi dành cả đời này phấn đầu vì chúng đều không mang theo được! Những sơn hào hải vị mà tôi từng thưởng thức, những khách sạn xa xỉ mà tôi từng hưởng thụ, tất cả những điều trước đây mang lại cảm giác sung sướng cho tôi giờ đều trở thành nghiệp lực của tôi. Biết bao nhiêu động vật đã mất mạng bởi cái miệng này, bởi ba tấc lưỡi này của tôi!
Giờ báo ứng đến rồi, vị giác của tôi bị hỏng hoàn toàn, ăn thức ăn nào vô cũng không cảm nhận được gì nữa. Ngay cả nói chuyện cũng rất khó khăn, vợ tôi phải cố gắng lắm mới nghe được tôi đang nói gì. Điều này một lần nữa chứng thực lời kinh Phật là đúng, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là giả, sắc thanh hương vị xúc pháp cũng không phải thật. Cái khoái cảm khi hưởng thụ những tiện nghi trong các khách sạn cao cấp trước đây của tôi biến mất không còn chút vết tích, thay vào đó, giờ tôi nằm trên một chiếc giường nhỏ chưa đến 2m, nửa thân dưới của tôi bị hoại tử khắp nơi, tôi yếu đến nỗi không đủ sức để trở người. Đến lúc này, tôi thấu hiểu được rằng, thế giới Ta-bà thực sự quá đau khổ! Những điều nói trong kinh Phật hoàn toàn chân thực, không hề hư dối. Phật Thích Ca Mâu Ni thật là trí tuệ! 2500 năm trước đã chỉ rõ cho chúng ta thấy nỗi khổ của sanh lão bệnh tử.
Trăm ngàn vạn kiếp, khó khăn lắm ta mới được thân người. Nhưng thân người chỉ giống như một bộ quần áo. Danh lợi có thể làm cho chúng ta càng lầm lạc, càng đọa sâu vào lục đạo luân hồi. Chúng ta có thể mượn cái giả tạm tu cái chân thật mới là trí tuệ thực sự, mục đích cuối cùng là phải thoát ly cho được luân hồi sanh tử. Chúng ta nên đối diện với cuộc sống bằng tâm bình thường, tâm định tĩnh và tâm biết đủ. Nương theo lời dạy của thánh hiền, tìm cầu chân lý của đời người, trân trọng tất cả thứ mình có, thực hiện niềm cực lạc vĩnh hằng. Đây là tổng kết về đời người của tôi khi bệnh tật đã hết phương cứu chữa.
Giá như tôi có thể gặp được bạn lành, gặp được Phật pháp sớm hơn một chút! Giá như tôi có thể đổi tất cả sơn hào hải vị thành thức ăn chay, đem tất cả động vật bỉ xẻ thịt lột da, chiên xào nấu nướng kia đi phóng sanh…
Giá như tôi có thể tiết kiệm toàn bộ số tiền đi máy bay, ở khách sạn cao cấp kia để đem quyên góp cho trẻ em mồ côi, cho những người cần cứu trợ, hoặc đem in kinh sách, làm băng đĩa về văn hóa truyền thống…
Rất nhiều, rất nhiều cái giá như…
Hy vọng tôi còn thời gian để sám hối những việc làm sai trái của mình, còn thời gian để làm nhiều việc tốt hồi hướng cho những con vật bị tôi ăn thịt hoặc bị tôi làm hại trước đây. Tôi thực sự rất xin lỗi chúng! Chân thành cầu nguyện Phật A Di Đà đại từ đại bi tiếp dẫn chúng về thế giới Cực Lạc. Tôi phát nguyện sau khi vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định sẽ quay về cứu độ cho chúng trước tiên!
Hy vọng tôi được một lần nữa đấm lưng, rửa chân cho cha mẹ; được một lần nữa nấu cho cha mẹ một bữa ăn ngon; để báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng, dù thân phận làm con, thế mà giờ tôi không còn khả năng để làm việc này nữa. Hiếu Kinh có dạy: “Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn thương, đó là khởi đầu của hiếu.” Việc sát sanh dẫn đến quả báo đoản mạng làm tôi không thể nào chăm nom săn sóc, lo việc hậu sự cho cha mẹ tôi, ngược lại làm cho người tóc bạc phải tiễn người tóc xanh, sao có thể xem là đứa con có hiếu được chứ? Tôi từng nghe một vị thiện tri thức nói rằng, người thực sự có hiếu phải khuyên cha mẹ niệm Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây mới là hiếu hạnh chí thiện, viên mãn. Cha mẹ ơi, giờ thì con đã hiểu: chỉ có nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, tương lai trở lại Ta-bà, phổ độ chúng sanh, mới có thể báo đáp được công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Trong kinh Phật dạy, phàm phu chúng ta nếu tu ngũ giới thập thiện, dùng tâm chí thành niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, ra khỏi lục đạo, bất thoái thành Phật. Trong mắt của Phật, Bồ-tát chúng ta chính là con cái của họ! Phật, Bồ-tát không đành lòng nhìn thấy bất kỳ người nào trong chúng ta bị tổn thương, dù là nhỏ nhất. Chỉ tiếc là đến giờ tôi mới hiểu được những đạo lý này. Phàm phu chúng ta là như vậy, đến khi bản thân bị toác đầu chảy máu, thương tích đầy mình, mới chịu tin lời của Phật, Bồ-tát. Tôi chính là như vậy, trước đây từng xem qua rất nhiều sách Phật nhưng đều không tin tưởng, thật là quá ngu si!
Tôi chân thành khuyên các bạn: cho dù bạn đã học Phật hay chưa, xin hãy tin rằng ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác. Làm hại bất cứ sanh mạng nào kỳ thực là đang làm hại chính mình. Phước báo của con người là hữu hạn. Khi còn sống ở đời, không nên dành quá nhiều sức lực vào việc kiếm tiền và hưởng thụ, nhất định phải trân quý phước báo của mình, sớm tu thiện tích đức, thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nhất định không được giống như tôi, chờ đến khi mạng sống sắp hết mới bắt đầu sám hối!
Theo Jingtu Zazhi (Tạp chí Tịnh Độ)
Tác giả: Gong Qingguo (Cung Khánh Quốc)
Người dịch: Tịnh Sơn
TAMTHUC