Nếu bảo không cần hiểu nghĩa lý trong kinh chỉ một lòng thành tâm niệm Phật mà có thể thành tựu, vậy thì tôi vẫn phải giảng kinh thuyết pháp nữa để làm gì? Sở dĩ tôi vẫn phải mỗi ngày thuyết giảng không ngừng, đem những lời hay ý đẹp của đức Thế Tôn ra nói là mong quý vị hiểu, mong quý vị giác ngộ. Bởi quý vị đây không đủ phước báu suốt ngày vọng tưởng, suy nghĩ lung tung. Vậy thì ai là người có đủ phước báu? Là những người thật thà, chất phác, suốt ngày chỉ ôm giữ một câu A Di Đà Phật, việc gì cũng không nghĩ tưởng. Do đó, công phu niệm Phật của quý vị khi đã đến mức không còn mảy may vọng niệm, chỉ còn một câu A Di Đà Phật, thì lúc đó Tam tạng mười hai bộ Kinh điển, mà Thế Tôn suốt 49 năm thuyết pháp đều là dư thừa. Quý vị cũng không cần đến nghe tôi giảng giải nữa.
Cho nên Phật độ chúng sanh, có hai hạng người dễ độ nhất.
Một là những người thượng căn lợi trí, vừa nghe qua liền thông đạt, liễu ngộ, dứt sạch vọng niệm.
Hai là những người thật thà ngu dốt, họ không cần tìm hiểu nhiều, bảo họ niệm Phật là họ cứ ngoan ngoãn, thật tình chấp trì, không nghỉ tưởng điều gì ngoài niệm Phật. Thứ ba là những người lưng chừng thích ” khiên vác” ôm đồm, tìm hiểu suy nghĩ lung tung. Quý vị biết không, chúng ta thuộc loại người thứ ba này đó, loại người nhiều rắc rối. Cho nên đức Thế Tôn suốt 49 năm khó nhọc, mỗi ngày không ngừng nói pháp cũng vì những người nhiều rắc rối như chúng ta. Ngài phải đem pháp ly ác giảng nói tỉ mỉ ra cho chúng ta.
Mong rằng sau khi quý vị đã hiểu rõ rồi thì phải biết buông xả, không có vọng niệm là người có đại phước báu, tuyệt đối không phải có nhiều tiền tài, có địa vị cao, người có địa vị, tiền tài tuy được hưởng thụ đời sống vật chất, hưởng độ vài ba năm, sau khi chết rồi sẽ ra sao? Tam đồ, lục đạo phải chịu luân hồi, như thế có phải là phước đâu? Nếu tâm không chút vọng tưởng, suốt ngày chỉ câu A Di Đà Phật, người này chỉ vài năm sau là đã thành Phật được rồi. Hiểu được như thế, quý vị mới biết công đức niệm Phật thật vô cùng thù thắng, không gì sánh bằng. Đức Thế Tôn sở dĩ phải bày ra phương tiện nói ba thừa, chỉ vì muốn dẫn độ chúng sanh mà thôi. Mục đích duy nhất của Ngài là mong chúng ta một đời có thể thành Phật.
Có người hoài nghi rằng:” tôi rất ngu si, chậm hiểu, nghiệp chướng lại sâu dày, có thể thành Phật được không?” Trong Kinh điển Phật thường nói:” chỉ cần một câu danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ 80 ức kiếp sanh tử tội nặng” quý vị thử nghĩ xem, suốt ngày một đêm ở Niệm Phật đường, quý vị đã niệm được rất nhiều tiếng. Vậy thì tính xem, tội chướng của quý vị đã tiêu trừ bao nhiêu rồi. Điều này chắc thật không sai, vì lời Phật nói không hề hư dối, chắn chắn có hiệu quả tốt, không thể nghĩ bàn.
Thế nhưng, vì sao nhiều người niệm Phật suốt ngày đêm mà nghiệp chướng vẫn còn đầy? Bởi vì nghiệp chướng của người này quá nhiều. Do đó công đức niệm Phật của một ngày đêm dù là giúp họ tiêu trừ đi rất nhiều mà vẫn chưa dứt sạch. Cho nên cần phải mỗi ngày đến niệm Phật, mỗi ngày giảm bớt thêm nghiệp chướng.
Phật dạy chúng ta rằng: năng lực quan trọng nhất để giải trừ nghiệp chướng trong lúc niệm Phật là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Với ba yếu tố này năng lực của không xen tạp mạnh nhất, nếu quý vị giữ được liên tục không gián đoạn trong ba năm, cho dù nghiệp chướng sâu dày bao nhiêu của vô lượng kiếp đều có thể giải trừ hết. Làm sao để biết được không còn nghiệp chướng? Hãy nhìn lúc quý vị vãng sanh, có thể ra đi bằng cách ngồi hoặc đứng rất tự tại. Sau khi sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, không phải trụ ở cảnh giới phàm thánh đồng cư, cũng không phải trụ ở Tứ độ Vãng sanh mà dự vào hàng Thượng Phẩm vãng sanh.
Câu danh hiệu Phật giải trừ nghiệp chướng thật là bất khả tư nghì. Cho nên Ngài Từ Vân Quán Đảnh Pháp Sư trong lời chú giải của bộ Kinh Vô Lượng Thọ nói:” Chúng sanh nào từ vô lượng kiếp tạo tội, tạo nghiệp cực ác, cực sâu dày. Bao nhiêu Kinh luận, tất cả các sám pháp đều không thể sám trừ được”. Cuối cùng vẫn còn một phương pháp có thể cứu vãn, đó là phương pháp niệm Phật. Cho thấy công đức niệm Phật thật là to lớn, thù thắng vô cùng.
Hòa Thượng Tịnh Không thuyết giảng cho Phật tử dự Phật thất trong Niệm Phật Đường.
TAMTHUC