Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
phan-lam-con-hay-om-tron-kho-dau-cua-cha-me-vao-long Phận làm con, hãy ôm trọn khổ đau của cha mẹ vào lòng
Wednesday, 01/07/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Dù đó là duyên lành hay duyên chướng thì họ vẫn luôn là người sinh thành ra mình. Chúng ta hãy ôm trọn khổ đau của cha mẹ vào lòng, vì đó là khổ đau ngọt ngào nhất mà không phải lúc nào ta cũng có thể có được.

Người dân Việt và cộng đồng người con Phật trên toàn thế giới đang “háo hức” chuẩn bị đón ngày Rằm tháng Bảy. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ và hiểu đúng về ngày này.

Phóng viên Phatgiao.org.vn đã có cuộc trò chuyện với Đại đức Thích Chân Tấn – Ủy viên Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN xung quanh vấn đề này.

Những ngày này, người Việt chúng ta đang chuẩn bị cho ngày Rằm tháng Bảy – một trong những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Xin Đại đức cho biết ý nghĩa của ngày này?

Lễ ngày Rằm tháng Bảy hàng năm là để nhắc nhở những người con phải nhớ đến công ơn vô bờ bến của cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì người con nên mua món quà nào đó để kính dâng lên cha mẹ để nhớ đến ơn nghĩa sinh thành, để tự nhắc nhở đến sự hiện hữu vi diệu của một niềm hạnh phúc rất đáng giá, ghi khắc trong tâm và tự hứa với đất trời không thể quên lãng người cha yêu dấu, người mẹ hiền kính thương.

Đại đức Thích Chân Tấn: “Phận làm con, hãy ôm trọn khổ đau của cha mẹ vào lòng” (ảnh: Hoàng Tuấn)

Nếu như người đã ngàn thu vĩnh biệt thì người con phải làm phước, bố thí, trì giới, tham thiền và lập trai đàn cầu siêu cho cha mẹ. Trên nền tảng căn bản đó, người phật tử luôn ghi nhớ trong tâm. Hiếu hạnh là truyền thống của chư Phật. Vì thế, bổn phận làm con phải nhớ đến ơn nghĩa sinh thành và phải đáp đền trong muôn một.
Rằm tháng Bảy còn là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo Bắc tông. Đây là ngàyVu Lan báo hiếu, đồng thời là ngày mãn mùa An cư kiết hạ (tự tứ) của chư Tăng Phật giáo Bắc tông.

Trong ngày Rằm tháng Bảy, để thương tưởng và báo ân đến các bậc sinh thành, theo Đại đức bổn phận người con phải làm những gì?

Theo kinh Nhân quả Nghiệp báo, khi chúng ta chết đi có nghĩa là chúng ta từ bỏ cuộc sống vật chât để về với thế giới phi vật chất (hay trong dân gian hay nói là về với thế giới người hiền, …). Vậy nếu như là một người con có tâm và có tấm lòng muốn tri ân công đức tổ tiên thì chúng ta cần phải làm những điều như sau:

– Hãy sống thành thực và luôn nhớ đến ân đức của các bậc tiền nhân, nhớ đến họ cùng những kỷ niệm vui buồn và nhớ đến họ vì những gì họ đã hy sinh cho chúng ta.
– Hãy tụng kinh và nghe pháp để làm tâm mình trưởng dưỡng theo chính pháp. Khi chúng ta có sự giác ngộ, chúng ta sẽ biết cách tôn vinh họ, thờ cúng họ theo đúng với những gì họ mong muốn.
– Nếu là những người trẻ, hãy cố gắng dành thời gian lên chùa gần nhất để cúng dàng Tam bảo, phóng sinh, trì tụng để giúp cho các vong linh tiên tổ được đón nhận sự hoan hỷ, thanh tịnh để họ mau được siêu thoát.
– Với phật tử tại gia, hãy dành cả tháng để ăn chay, trì tụng kinh A Di Đà, kinh Vu lan báo hiếu…để giúp các hương linh tăng trưởng đức tin kiên cố vào giáo lý Thù thắng của chư Phật để mau tiêu diêu miền Cực lạc. Bên cạnh đó, phật tử tại gia có thể phóng sinh, ủng hộ từ thiện…Tất cả những công đức đó mới là lễ vật thiết thực để dâng cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Trong ngày Rằm tháng Bảy, tại sao lại xuất hiện tập tục đốt vàng mã, quần áo, cúng chúng sinh…kính bạch Đại đức?

-Tập tục đốt vàng mã là một trong những thói quen hình thành theo tín ngưỡng. Trở về với lịch sử của nó, đó không phải là nghi thức của Phật giáo mà xuất phát từ chế độ phong kiến phương Bắc khi có người chết, họ yêu cầu người sống phải chôn theo người hầu, của cải, quần áo, … (người thật, đồ thật – PV) nhưng sau đó nhận thấy vì quá lãng phí nên chuyển qua đồ giả như: hình nhân, quần áo, của cải, vàng mã,

Do vậy, ngày càng trở thành một thói quen duy trì từ thê hệ này qua thế hệ khác cho đến tạn ngày nay. Đặc biệt là đến dịp Vu lan báo hiếu thì việc dâng cúng lại càng nhiều và càng phổ biến vì đa số người dân cho rằng ngày này các vong linh cần phải có để thể hiện sự thành tâm của con cháu.

Theo Đại đức, những điều này có thực sự cần thiết không và cần bao nhiêu là đủ?

Việc dâng cúng vàng mã xét ở một khía cạnh nào đó thì là một tập tục thể hiện một nghĩa cử tốt đẹp nhằm tri ân công đức ông bà tổ tiên, nhưng từ lâu nay nó đã trở thành một hiện tượng thái quá và trở nên lãng phí, không cần thiết và bị đông đảo những người không tín hoặc người có đức tin khác phê phán và chỉ trích.
Điều đó phần nào hợp lý vì tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta sống ở thế giới phi vật chất do vậy việc dâng cúng cốt là sự thành tâm tri ân chứ không phải thể hiện qua vật chất tầm thường (chứ chưa nói đến đề giả mạo).

Vậy nên, nếu ai còn lăn tăn là phải cúng vàng mã thì xin hãy có một chút “gọi là”, còn lại chúng ta hãy lấy tiền thật mà đặt lên ban thờ dâng cúng sau đó lấy tiền đó mà mua những vật dụng có ích cho gia đình, giúp đỡ người khốn khó hoặc cúng dàng Tam bảo. Đó mới là công đức và thiết thực. Trong khi đó, giáo lý Phật giáo không hề giảng dạy về cúng vàng mã, quần áo cho người thân và cho chúng sinh.

Với những người cha mẹ còn đang hiện tiền, theo Đại đức bổn phận người con phải làm gì để báo hiếu hai đấng sinh thành?

Thực ra, việc báo hiếu là suốt đời, chứ không phải cứ đến Rằm tháng Bảy hay dịpVu lan mới báo hiếu hai đấng sinh thành. Hằng ngày, mỗi người con nên thương yêu tất cả, hãy tha thứ tất cả và hãy tri ân tất cả những bậc sinh thành. Dù đó là duyên lành hay duyên chướng thì họ vẫn luôn là người sinh thành ra mình. Chúng ta hãy ôm trọn khổ đau của cha mẹ vào lòng, vì đó là khổ đau ngọt ngào nhất mà không phải lúc nào ta cũng có thể có được.

Theo thuyết giảng của đại đức Thích Chân Tấn

Phương Bối (thực hiện)

TAMTHUC