Hôm nay nhân ngày hiệp kị chư vị tổ sư tiền bối của tổ đình Phước Lâm. Kính thưa chư vị tôn túc đang ngồi phía sau quan sát, con xin phép chư vị cho con trao đổi với quí Phật tử một vài đạo lí đơn sơ, căn bản để các Phật tử có thêm hành trang để tu học.
Bây giờ Thầy hỏi quí Phật tử: “Cái gì là cái quí trên đời này?!”
Ví dụ khi chúng ta nghe một bài hát trữ tình, hay một bài thơ tình, chúng ta sẽ thấy người thi sĩ thường ca ngợi người yêu của họ ở điểm nào? Thường ca ngợi sắc đẹp.
Tóc em dài em cài hoa thiên lý, miệng em cười anh để ý anh thương… Tức là hình dáng bên ngoài.
Khi trưởng thành, người ta yêu thương nhau thì điểm người ta quí chính là hình thức bên ngoài. Nhưng khi sống lâu với nhau thì bắt đầu người ta thấy hình thức hết quan trọng mà tiền mới quan trọng. Vì có tiền mới có thể mua gạo, mua thức ăn, xây nhà,…
Có một cô gái lấy được một ông chồng rất đẹp trai nhưng sau này khi tâm sự với người bạn gái của mình rằng cái đẹp của chồng không tạo ra cơm được mà chỉ làm cô bận tâm ghen. Lúc ban đầu thì mừng vì lấy được một ông chồng đẹp nhưng khi lấy ông về rồi, có nhiều người đem lòng yêu ông. Thế là đau khổ, ghen tức. Nghĩa là cái đẹp đó chẳng làm được gì hết, chỉ thấy tiền quan trọng hơn. Tài sản là cái quan trọng thứ hai.
Sống trên đời này cái gì quí nữa? Mới ban đầu là hình thức rồi đến sức khỏe, tiền bạc, bản lĩnh, tài năng,… Đó là những cái quí trên đời.
Và người có hiểu biết lại quí nhau về tâm hồn.
Ví dụ khi gặp một người bạn, mình thương họ. Hỏi thương vì cái gì? Nếu trả lời: “Tôi thương vì đẹp trai”. Tình bạn như thế sẽ không bền vì sắc đẹp sẽ phôi pha theo thời gian.
Nếu nói: “Tôi thương vì anh ấy đàn hay, hát giỏi”. Chẳng lẽ hôm nào anh ấy té lọi tay hết đàn hay miệng bị đớ hết hát được thì hết thương sao? Nghĩa là đàn hay, hát giỏi cũng mong manh và vô thường.
Nếu nói: “Tôi thương vì anh giàu”, chẳng lẽ đến khi nghèo, lại hết thương nhau?
Nên mình nói mình thương ai vì tâm hồn người đó đẹp, mới là lí do chính đáng nhất, đẹp nhất.
Cũng vậy, một người con gái, lớn lên đến khi chọn vợ gả chồng được hỏi: “Bạn thương thằng đó ở chỗ nào?” Nếu cô gái nói thương vì tâm hồn của người đó đẹp, vì ảnh mộ đạo, ảnh yêu kính Phật pháp vì ảnh hay đi chùa Phước Lâm, vì ảnh suýt tí nữa là xuất gia… thì cái thương là chính đáng. Chứ thương một người vì có râu quai nón, có một ruồi duyên là thua, vì những cái đó không bền, không chính đáng.
Cho nên con người chấp nhận tâm hồn là cái đáng quí nhất hơn bất cứ gì trên cuộc đời này. Nhà cửa, tài sản, danh vọng, sắc đẹp đều là chuyện phù phiếm. Cái mà chúng ta phải chú ý, phải xây dựng, phải trân trọng, phải giữ gìn chính là tâm hồn của mình.
Nhưng không phải ai cũng có một nội tâm đẹp. Trong chúng ta còn có rất nhiều người ẩn chứa trong nội tâm của mình những điều không tốt. Và chúng ta không bao giờ chấp nhận để cho nội tâm chúng ta còn nhiều góc tối, còn nhiều bóng đen trong đó. Vì sao? Vì các góc tối, các bóng đen trong nội tâm chúng ta, sẽ dắt ta, đưa ta đi về nơi đọa lạc, nơi đau khổ. Cho nên chúng ta không bao giờ thỏa mãn với nội tâm đang có của mình. Ai mà nghĩ: “Tôi tu như vậy là được rồi, tâm tôi như vậy là được rồi”. Thì người đó hiểu nhầm, chủ quan. Theo lời Phật dạy, người này rơi vào ngu si bởi vì cứ tưởng tâm mình như vậy là tốt, là được rồi.
Tâm ai mới là được rồi? Chỉ có tâm Alahán và tâm Phật thôi. Ngoài Phật và Alahán ra, chưa có tâm ai gọi là được hết. Nếu lỡ một lúc nào, ai đó nghĩ trong tâm mình rằng: “Tâm mình như vậy là được rồi, vì mình biết đi chùa, không hại ai. Như vậy là được rồi”. Đó là một điều sai lầm. Chưa có được gì hết.
Vì vậy, để có thể xây dựng một nội tâm tốt lành, để cho nội tâm tốt lành đó đưa cuộc đời chúng ta về nơi cao cả, trong sáng thì phải biết về nó và biết phương pháp. Vì vậy hôm nay chúng ta nói với nhau đề tài là: “NỘI TÂM VÀ NGHIỆP BÁO”. Đây là đề tài chúng ta trao đổi với nhau ngày hôm nay.
Tâm là khởi điểm của nghiệp mà tâm cũng là kết cuộc của nghiệp. Tâm cũng là khởi điểm và cũng là kết cuộc. Có nghĩa là sao?
– Chính tâm ta nghĩ ra cái gì đó rồi, chúng ta mới làm; khi ta làm, việc ta làm sẽ thành cái nghiệp; và nghiệp đó đưa chúng ta đến quả báo và quả báo đó lại hình thành trở lại cho chúng ta một nội tâm khác. Rất là lạ. Cho nên, khi một người tâm xấu tạo được một nghiệp tốt, những quả báo lành của họ đạt được giúp cho tâm họ bỗng nhiên chuyển từ xấu thành tốt. Ngược lại cũng vậy, nhiều khi tâm ta tốt, nhưng chúng ta lỡ gây nghiệp xấu, hình thành quả báo xấu và chính quả báo xấu đó khiến cho tâm ta xấu thêm một chút.
Đó là lý do ta nói tâm là khởi điểm của nghiệp mà cũng là kết cuộc của nghiệp.
Ví dụ như, hôm nay chúng ta đi đến chùa Phước lâm đây, chúng ta thấy con đường vào chùa như thế nào? May mắn là hôm nay trời nắng, nếu trời mưa sẽ thê thảm hơn nữa! Đường vào chùa hẹp, đường đất chưa tráng nhựa và có nhiều ổ gà. Ban đêm, không thấy đường đi, rất dễ bị té. Nếu té ở trên đường không sao, ngộ nhỡ té luôn xuống sông thì quả thật không may!
Có người khi đi vào chùa thấy đường khó khăn như vậy, trong đầu nghĩ: “Ước gì con đường bằng phẳng để cho Phật tử đi chùa dễ dàng.”
Người nghĩ như vậy có khi họ chưa phải là người tốt, cũng còn sân si, hơn thua, ích kỷ nhưng hôm nay, nhờ đi chùa nên thiện tâm mở ra một chút, và khởi nên ý niệm lành là ước gì con đường đó tốt hơn.
Nhưng ngồi ước như vậy con đường có tốt hơn không? Không. Và lần sau, đi chùa, con đường đâu còn nguyên đấy. Thế là người này bắt tay làm, tự mình lấy cuốc sửa con đường lại. Chỗ nào gồ ghề thì cứ ban ra cho bằng. Và kiếm tiền mua đá, cát. Chỗ nào lầy lội quá thì đổ đá, đổ cát vào để cho bớt sình. Từ ý niệm muốn cho con đường nó tốt dẫn đến hành động là cầm cuốc đi đấp đường. Và người thực hiện được việc đó rồi, việc làm trở thành phước in trong nhân quả luân hồi của mình.
Quả báo vẫn chưa hiện ra liền nhưng phước đã có rồi. Vì đã tạo được nghiệp lành cho nên phước dính vào cuộc đời mình, dính vào nhân quả luân hồi của mình và không biết khi nào trổ ra. Có khi ngay kiếp này, quả báo đó trổ ra. Có khi khoảng mười năm sau, người này tự nhiên gặp nhiều may mắn, có xe, làm ăn được thuận lợi…
Nhưng có người bị nghiệp che nặng quá, làm hết con đường này, bắt hết cái cầu kia mà đến khi chết cuộc đời vẫn đầy khổ sở. Lúc chết, người này vẫn tỉnh táo nhưng chết trong nghèo khổ vì nghiệp đời xưa. Và những nghiệp lành do mình đấp đường, bắt cầu vẫn còn nguyên đó. Mãi lúc đầu thai kiếp khác, lập tức được sinh vào nhà giàu, được người ta bồng bế, chìu chuộng, đẩy xe đi, đi đâu cũng có xe đưa xe rước… Cái phước người này đã đấp đường bắt cầu trong kiếp này không hưởng ngay trong kiếp này; phải qua kiếp sau mới hưởng. Đó cũng là tâm khởi điểm của nghiệp và tạo nghiệp rồi mới đưa đến quả báo. Ban đầu, người đó muốn làm đường; sau đó, ý muốn đưa đến hành động đấp đường, bắt cầu cả đời và đưa tới cái phước và quả báo mới bắt đầu hiện ra. Như vậy, ta có thể nói tâm là khởi điểm của nghiệp.
Hoặc là chúng ta thấy trong xóm mình, có một gia đình, khi người bố chết đi rồi, những người con giành chia gia tài, cầm dao rượt nhau chạy vòng vòng khắp xóm, suýt nữa gây án mạng nếu mọi người không chận lại kịp. Lúc đó, chúng ta mới suy nghĩ: “Tại sao tình anh em cốt nhục, chung một dòng máu huyết thống như vậy mà chỉ vì một rẻo đất có thể giết nhau, bất chấp cả việc tù tội?! Tại sao lòng người ác độc như vậy?! Trong cuộc sống, ngoài những người trong gia đình này, còn biết bao con người, nếu ai cũng ác độc như vậy thì cuộc sống này quả là cực kỳ đau khổ. Người ác thì chính họ đã bất an rồi, nhưng họ cũng gây khổ và gây bất an cho người khác”.
Cứ nghĩ như vậy, lòng chúng ta khởi lên một ước muốn: muốn làm sao ai cũng đạo đức. Mong rằng trong cuộc đời này ai cũng biết thương nhau, ai cũng sống có đạo đức. Đó mới chỉ là cái muốn thôi, là ý niệm thôi, tâm chỉ mới khởi lên thôi. Niệm của tâm khởi lên là muốn cho ai cũng có đạo đức, ai cũng đều thương nhau. Sau đó, ta mới nghĩ tiếp: “Làm cách nào để gieo rắc đạo đức, thương yêu giữa cuộc đời này?!”.
Trong lúc suy nghĩ như vậy, không biết làm cách nào, ta đi lang thang, cuối cùng đến chùa Phước Lâm, gặp Thượng Tọa trụ trì Thích Minh Trí. Thượng Tọa đem giáo lý của đạo Phật dạy cho. Sau khi người này nhận được giáo lý rồi, đem những giáo lý đó truyền bá trong làng trong xóm làng của mình: “Sống trên đời là có nhân có quả, mình gieo nhân gì mình gặt quả đó. Sống trên đời mình phải biết thương yêu”.
Thương yêu là điều khó vô cùng. Từ lúc biết đạo Phật, chúng ta nghe chữ từ bi ít nhất cả ngàn lần, có đúng không ạ? Nhưng hãy nhìn lại mình đã từ bi được chút nào chưa?! Chưa!
Cho nên ta cứ đem nhân quả nói với mọi người, khuyên con người thương nhau, cứ đem tình thương yêu gieo rắc mãi; như vậy sẽ tạo thành một cái phước. Cái phước đó có thể trong đời này người đó chưa hưởng, nhưng khi chết, chắc chắn người đó lên cõi trời. Thật vậy, những ai cả một đời đem nhân quả và đạo đức reo rắc vào lòng người, khi chết chắc chắn lên cõi trời. Rồi khi mãn kiếp ở cõi trời, người này có duyên hay do phát nguyện sinh xuống lại cõi đời này, chắc chắn người này có tư cách của một bậc Thánh.
Cái nhân đem đạo đức reo rắc cho đời, quả báo sẽ thành một bậc Thánh. Vì vậy, ai muốn làm Thánh thì suốt đời của mình hãy đem thương yêu, đem đạo đức gieo rắc giữa cuộc đời này.
Ví dụ, một người làm nghề chăn nuôi, nuôi heo, nuôi bò, nuôi dê, nuôi cá,… những người chăn nuôi như vậy trong đầu họ muốn cái gì? Muốn con vật mình nuôi đẻ nhiều. Bò đẻ một lần một con thì trách: “ Sao con bò không sanh đôi dùm cho tôi một lúc được hai con?!”.
Với cái tâm muốn cho con bò, con dê hay con heo đẻ cho nhiều đó thì bắt đầu ta nghĩ việc cho thụ tinh nhân tạo cho chúng đẻ nhiều, để ta có lợi nhiều. Và quả báo là như thế nào? Ai biết? Quả báo là chính mình chui vô bụng con bò, con dê đó để sinh ra lại! Nghĩa là nếu ta từng muốn cho chúng đẻ nhiều thì mình sẽ được đầu thai làm con của chúng để chúng có thể đẻ ra nhiều!!! Mình sẽ bị đọa làm thú và làm giống cái để phải đẻ nhiều. Ý của mình đối với chúng sinh thế nào thì nó sẽ trở lại như vậy. Cho nên, ta nói ý là khởi điểm của nghiệp, rồi từ cái ý đó, chúng ta bắt tay làm và khi ta làm, việc làm sẽ tạo ra quả báo. Đó là ta nói về tâm khởi điểm của nghiệp.
Và tâm cũng là kết quả của nghiệp.
Như vừa nói, chúng ta giúp người, thương người, đắp đường, bắt cầu,… qua kiếp sau khi quả báo hiện ra, nó hiện ra trên rất nhiều phương diện. Chúng ta hãy nhớ, gieo một là hưởng một ngàn. Nhân quả là như vậy, gieo một là hưởng một ngàn, một triệu. Tại vì một nhân không bao giờ ra một quả mà cho ra rất nhiều quả báo.
Từ cái nhân đắp đường, qua kiếp sau người này có đôi chân khỏe mạnh, có phương tiện đi lại, làm việc gì cũng suôn sẽ, may mắn, đi trên đường không bị tai nạn xe, học rất giỏi và thích làm nghề cầu đường. Đặc biệt người này vừa thông minh lại vừa tốt bụng.
Chúng ta thấy quả báo hiện ra từ hoàn cảnh mình sống, từ cơ thể của mình và cả tâm trí. Như về dung mạo, ta sẽ đẹp trai hơn. Ví dụ kiếp trước, mình xấu, mình gieo nhân lành và tuy nhân lành mình gieo là không có ý làm cho đẹp trai. Nhưng khi quả báo lành hiện ra rồi, ta trông cũng đẹp trai hơn.
Một nhân thường cho ra nhiều quả. Quả là hoàn cảnh, dung mạo, sức khỏe, bản lĩnh, trí tuệ và của tâm ý của mình luôn. Cho nên, ta nói một nhân cho ra nhiều quả và trong nhiều quả đó có nội tâm trong đó – một nội tâm mới không còn giống như nội tâm cũ.
Đời trước, khi chúng ta đắp đường, bắt cầu, sự thật tâm ta cũng chưa tốt hết, nhưng đến kiếp sau, khi quả báo trổ ra rồi, tâm ta đẹp ra: ta trở nên tử tế, tốt bụng, hi sinh, tận tụy, chịu khó, sống vì người. Cho nên, chúng ta thấy nội tâm của chúng ta cũng là kết cuộc của nghiệp.
Từ cái tâm chúng ta tạo nghiệp, rồi từ cái nghiệp nó tạo lại cái tâm của chúng ta. Chúng ta nhắc lại, từ cái tâm tạo nghiệp, rồi từ nghiệp nó tạo lại tâm của chúng ta.
Lúc đầu, chúng ta đã đồng ý với nhau tâm hồn là cái quí nhất trên đời. Nếu có ai hỏi: “Anh cần cái gì?”. Chúng ta trả lời: “Tôi không cần tiền, không cần tài sản, danh vọng. Tôi chỉ cần một điểu là có được nội tâm tốt lành, thánh thiện, đạo đức, biết thương người, biết nhẫn nhục, biết khiêm hạ. Vì chính nội tâm này sẽ cho tôi tất cả mọi điều trên cõi đời này. Nếu tôi không có cái tâm tốt như thế dù tôi có tiền muôn bạc vạn rồi tất cả cũng đều sẽ sụp đổ. Cho nên nội tâm là quí nhất”.
Nhưng chúng ta phải hiểu rằng: Để có một nội tâm tốt như vậy, chúng ta phải dựa vào luật nhân quả. Chứ không phải nói, tôi muốn tâm tôi tốt là lập tức tâm tôi tốt liền. Không bao giờ có chuyện đó.
Chúng ta nhắc lại, đây là điểm chủ yếu của bài nói chuyện hôm nay. Đừng tưởng rằng tôi muốn tâm tôi tốt là ngay lập tức tâm tôi tốt liền. Không có chuyện đó. Câu nói này là để gở đi những hiểu lầm của vô số người học Phật.
Vô số người học Phật, sau khi đọc một bài kinh Phật, sau khi nghe xong một bài giảng đạo lí, thấy hay quá và lúc đó cứ tưởng rằng mình đã tốt như lời Phật dạy, tưởng rằng tâm mình đã tốt như bài giảng mà ông giảng sư đã nói. Cứ tưởng như vậy. Không ngờ ít lâu sau, mình làm nhiều chuyện tồi tệ, xấu xa. Lúc đó có nhiều người ngạc nhiên nói: “Ủa, ông đó ổng hay đi chùa, tôi thấy ổng đọc kinh Phật, nghe bài giảng. Sao bây giờ ổng lại làm nhiều chuyện tệ bạc như vậy? Ổng nghe kinh, nghe giảng, rồi ổng nói lại, tôi nghe ổng nói chuyện như là ổng rất tốt trên đời. Tại sao bây giờ ổng lại là một con người hơn thua, nham hiểm, thủ đoạn, ích kỷ như vậy?!”. Mình thắc mắc.
Cũng chỉ bởi vì một điều: một người muốn có tâm tốt phải có nhân quả tốt, chứ không phải ta hiểu được đạo lí là tâm ta tự tốt đẹp. Không phải khi mình muốn mình là người hiền lành, lập tức mình trở thành hiền lành. Không có chuyện đó.
Đây là điều gây nên sự hiểu lầm bấy lâu trong vô số Phật tử. Rất nhiều Phật tử đến chùa đọc kinh, nghe giảng, hiểu được, thích thú và cứ tưởng rằng kể từ đó mình đã tốt rồi. Nhưng sự thật nếu nói theo nhân quả chưa tốt chút nào hết. Chưa hề tốt chút nào hết.
Hôm nay, chúng ta nói với nhau bài này để chúng ta biết hai điều.
Xin quí Phật tử hãy nhớ dùm, yếu chỉ của bài giảng hôm nay là hai điều này.
Một, tâm là cái quí nhất.
Hai, muốn cho tâm tốt là cả một công phu cực khổ.
Nếu chúng ta nghe qua một đoạn đạo lí, nghe một đoạn kinh Phật, chúng ta hiểu được, thích được, rồi tưởng rằng, từ đây mình là người tốt rồi : đó chỉ là sự hiểu lầm nghiêm trọng. Phải nhớ rằng tâm ta vẫn còn rất xấu, muốn cho tâm ta tốt đó là cả một công phu tu hành rất cực khổ.
Người hay xây cầu, bắt cầu, đời sau tự nhiên có nội tâm giỏi về xây dựng và thông minh.
Người hay lễ kính Phật tự nhiên có nhiều nhân quả hiện ra, dung mạo đẹp dẽ, trang nghiêm, đi đâu ai cũng thương mến, có chất Thánh trong người mình và tự nhiên tâm mình hay xét nét, kỷ lưỡng về đúng sai, tội phước. Trước kia, khi chưa biết lễ Phật, làm việc gì, ta cũng làm bừa, không để ý tội phước. Nhưng khi mình lễ Phật được rồi, trí tuệ phát ra, làm điều gì cũng cân nhắc tội phước rất kỹ, không dám tùy tiện nữa. Đó là khi tâm mình đã trở nên tốt.
Còn một nhạc sĩ hay viết nhạc tình yêu, hay một ca sĩ quen hát nhạc tình sướt mướt, sẽ tạo nên cái tâm chứa tình cảm đa đoan, dễ dãi, lăng nhăng. Đó quả là điều không hay.
Những bài nhạc tình tràn lan hiện nay cho chúng ta biết một điều là người viết nhạc bị rơi vào nghiệp tình ái lăng nhăng, không ra gì. Và cả người hát nhạc đó cho mọi người nghe, cũng cùng chung một nghiệp, cũng tình ái lăng nhăng, không ra gì. Vì âm nhạc, nghệ thuật dễ gây ảnh hưởng vào lòng người. Ta gieo rắc vào đời thế nào thì tâm mình sẽ trở nên thế ấy.
Người mà sống trên đời hay giữ lời hứa. Ví dụ mình hứa: “À, nhà tôi có lọ hoa này đẹp lắm, hôm nào tôi đem cho chị”. Vẫn giữ lời, nhiều khi bận công việc gần hai tháng, không đem cho được; nhưng qua tháng thứ ba, cố đem cái lọ đến cho, không có nuốt lời. Nghĩa là hứa với ai điều gì đều thực hiện, đều giữ lời hứa. Thì người này đươc nội tâm gì? Quả báo gì? Quả báo thì sẽ rất nhiều, nhưng trong đó, có một quả báo rất đáng quí – đó là không bao giờ bị lú lẫn, bị quên, bị mê mờ, mà sẽ tỉnh táo cho đến chết. Nghĩa là khi chết, gọi con cháu lại hết dặn dò xong rồi mới chết. Là vì sao? Mình biết ngay người này trong suốt cuộc sống này giữ lời hứa rất kỷ.
Những vị tu theo đạo Nho thời xưa họ tôn thờ năm điều đạo lý là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Chữ tín là giữ lời hứa rất kỷ. Vì thế hầu hết những vị tu theo đạo Nho mà giữ được năm điều đó họ tỉnh táo cho đến giờ chết. Đây là nhân quả rất rõ. Nếu chúng ta hay quên lời hứa thì sao? Thì ngược lại, mọi người tự hiểu.
Nếu một người hay dùng rượu hay ma túy để gây cảm giác, có nhân quả gì? Nhân quả sẽ rất nhiều nhưng mà trong đó, nhân quả chi phối nhiều nhất là đầu óc mê mờ, đau đớn và khổ sở. Những người hay dùng thuốc để tạo ra ảo giác sung sướng thì phải bù lại, khi quả báo đến, mình sẽ rơi vào buồn thảm, khổ sở, đau đớn vô cùng. Đó là nhân quả. Cho nên người mà lỡ nghiện rượu hay nghiện ma túy phải giải nghiệp của mình bằng cách lao động công ích. Đây là nhân quả rất rõ.
Ở miền bắc, vùng Nam Định, có một câu chuyện như thế này. Có một thanh niên không có nghề gì, bỏ quê đi đãi vàng. Trong khu vực những bãi vàng, có đầy những người xã hội đen và tội phạm, nên anh bị ảnh hưởng, nghiện ma túy. Đến khi vàng hết, phải bỏ đi, trong túi anh không còn đồng nào. Đã khổ sở vì ‘thiếu thuốc’, khi xét nghiệm, lại biết mình đã bị nhiễm HIV. Đời coi như bỏ. Khi anh quay về quê, mọi người xa lánh. Cả làng nghe tên anh là sợ, nói với nhau: Thằng đó vừa bị nghiện vừa bị si đa nên không ai dám đến gần, không ai dám chơi. Hầu hết những người rơi vào hoàn cảnh đó rồi, chỉ còn chờ chết thôi. Có những người trước khi chết, quậy phá, đi cướp vài trận, rồi cũng bị bắn chết.
Thường thì cuộc đời người nghiện rơi vào bế tắc. Nhưng anh này không biết có phước gì từ đời xưa, bỗng nhiên có một cô gái đem lòng thương yêu dù biết anh vừa nghiện ma túy, vừa bị HIV. Đây là điều chúng ta không thể lí giải nổi. Cô gái này thương ảnh và đây chính là cái phao cuối cùng trong đời vì cả gia đình đã ruồng bỏ anh. Cô gái chấp nhận làm vợ anh. Thật là lạ, không hiểu nổi, anh còn cái phước gì sót lại.
Cô khuyên anh cai nghiện, giúp anh quyết tâm cai nghiện. Dù cai nghiện được nhưng HIV vẫn còn nằm trong người. Mà anh này vì quá thương vợ, quá cảm động, cả cuộc đời không còn ai thương mình ngoại trừ cô gái, nên anh nguyện sống trọn cuộc đời còn lại vì người con gái ấy. Anh quyết cai nghiện. Khi cơn nghiện lên, anh trói tay chân mình lại, những lúc lên cơn, đau đớn như là ai đóng đinh vào trong xương, như muôn ngàn con vòi ở trong xương bò ra. Chịu không nổi anh phải bứt dây ra, chạy đi kiếm thuốc thật là khổ sở.
Anh đau buồn vì thấy cai nghiện quá khó, một khi dính vào ma túy rồi, rất khó gở ra. Một lần nọ, buồn quá, anh đi lang thang dọc bờ sông, anh nhìn thấy con sống nó uốn dòng, đâm thẳng vô làng và dòng nước mỗi khi lũ lên làm cho làng bị ngập, phá tan nhà cửa hoa màu và mọi người phải chạy lũ và có nhiều người bị chết. Anh đứng nhìn dòng sông và nghĩ tại sao mình không nắn dòng chảy lại để khi lũ lên không đâm vào làng mình? Anh nói ý nghĩ của mình với nhiều người, và chỉ nhận được những nụ cười chế giễu anh là thằng điên, thằng khùng, thằng bị si đa sắp chết mà nghĩ chuyện đội đá vá trời. Không ai tin anh.
Lúc đó, anh hối hận vì trước đây, anh đã làm những chuyện sai lầm, bây giờ, anh muốn chuộc lại bằng một việc tốt cho cuộc đời. Thế là lủi thủi một mình, anh lấy cuốc, đào đất nắn dòng sông lại. Chỉ một mình anh làm. Cứ đào đất, đào đất. Khi đào, đất lòi ra những lớp sỏi. Anh sàng lấy sỏi đem đi bán cho những người xây dựng để có được ít tiền về phụ với vợ. Trong khi anh đang nắn dòng chảy, vợ anh có bầu và sinh được một đứa con. Điều kì lạ là anh bị HIV dương tính còn vợ anh và con anh là HIV âm tính, có nghĩa là không hề bị si đa. Hai vợ chồng ôm nhau mừng rỡ. Đây chính là một phép lạ. Khoa học không thể giải thích được chuyện này, bởi vì chồng bị si đa, thì chắc chắn vợ và con đều bị si đa. Nhưng anh bị si đa mà vợ con anh lại không bị. Đến bây giờ người ta vẫn không giải thích được. Anh vẫn đào đất, nắn dòng sông cho đến năm vừa rồi, dòng chảy anh nắn lại vẫn chưa hoàn tất.
Theo thường năm, cơn lũ đổ về, mọi người thấy dòng lũ kéo đến cuồn cuộn, đoán chừng mực nước lũ để chuẩn bị chạy. Nhưng kì lạ thay, con sông đó nó không đâm vào làng nữa mà nó lách đi đường khác theo như anh thanh niên kia đã nắn dòng. Cả làng vui mừng, từ đây xem ảnh là ân nhân.
Từ một con người không còn giá trị gì trên cuộc đời, bị nghiện ngập và bị si đa nhưng bởi lao động công ích của mình đối với cuộc đời đã biến thành một người hùng, một người ân nhân, một người có giá trị trong cuộc sống, khỏe mạnh, cơn nghiện cũng bay mất luôn, vợ con cũng không bị nghiệp đó. Đây rõ ràng là một phép lạ.
Chúng ta thấy phép lạ này là từ tấm lòng cao đẹp: muốn làm điều công ích cho đời. Cho nên phép lạ đã xảy ra. Chúng ta thấy người bị cai nghiện dù có trói lại, nằm một chỗ bơm thuốc nhưng vẫn không hết. Chỉ có lao động công ích, làm những việc gì mà đem lại lợi ích cho đời thì nó mới phá được nghiệp ghiền ở trong não. Vì thế, chúng ta cũng nên góp ý điều này với Nhà Nước, và những cơ sở cai nghiện. Phải lao động vất vả, đổ mồ hôi, đem lại kết quả, tạo phúc lợi xã hội mới chuyển được nghiệp nghiện, mới phá tan thuốc trước đây làm cho đầu óc mê mờ.
Chúng ta có hai trạng thái tâm trái ngược hẳn nhau: một là sự sáng suốt cực độ của Thánh – hai là sự mê mờ của những người bị tâm thần.
Người bị tâm thần thì quá mê mờ, không còn biết gì nữa. Họ tưởng đúng khi họ làm, nhưng sự thật là sai, có người thích đốt nhà, cả đêm tru tréo, chửi mắng cả làng cả xóm, có khi giết người, … Ngược lại là sự sáng suốt của một bậc Thánh. Một bậc Thánh nhìn suốt hết cả nhân quả ba đời, nhìn con người, nhìn sự việc hiểu được hết tất cả, xử sự việc gì là đúng việc đó.
Hai trạng thái tâm hồn trái ngược đó bởi hai nhân quả trái ngược nhau. Nhân quả của một người luôn luôn làm điều tốt, mãi mãi làm điều tốt thì sẽ tạo nên tâm hồn của một bậc Thánh cực kì sáng suốt. Còn một bên là một người cứ hay làm chuyện sai lầm, cứ hay nói bậy, phỉ báng, làm điều ác thì kết cuộc cuối cùng là tâm hồn mình tan vỡ để trở thành bệnh tâm thần. Đó là hai trạng thái cực độ.
Còn chúng ta không phải bệnh tâm thần mà cũng không phải là Thánh. Chúng ta lưng chừng ở giữa. Nghĩa là sao? Chúng ta không có làm gì quá đáng. Nếu nói làm tốt, chúng ta chưa đạt chỗ tốt cực độ; nếu nói làm ác, chúng ta không làm ác cực độ. Chúng ta lưng lửng, có tốt có xấu, cho nên bây giờ chúng ta còn ngồi đây để làm một người phàm phu. May mắn cho chúng ta là tuy làm người phàm phu nhưng ta còn biết quí kính Tam bảo, có nghĩa là chúng ta đang cố gắng hướng về vị trí Thánh. Nhân quả của chúng ta là như vậy. Hi vọng một ngày nào đó công viên quả mãn, chúng ta làm được vô số điều tốt cho đời này rồi, tâm hồn của chúng ta bỗng nhiên nở hoa, kết trái, để ta biến thành một vị Thánh chói sáng giữa cuộc đời này. Mong sao mọi người đều được như vậy.
Sau khi luận đi luận lại, chúng ta thấy nội tâm đúng là cái quí nhất trên đời này. Cho nên người trí tuệ là người chú ý xây dựng cho mình một nội tâm hoàn hảo trước, trước hết, lo xây dựng nội tâm của mình làm gốc.
Như Đức Phật đã dạy:
Tâm làm chủ các pháp
Tâm là người chủ tạo tác
Khổ não hay an lạc bước theo sau, và nghiệp theo ta như bóng không rời hình.
Nên vì vậy, khi được hỏi chúng ta đi tìm cầu những gì, mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau. Hỏi: “Anh đi tìm cái gì?”.
– Tôi đi tìm bằng cấp,
– tôi đi tìm danh vọng,
– tôi đi tìm mái ấm gia đình hạnh phúc,…
Nhưng nếu là một người có trí tuệ, sẽ trả lời:
– Trước hết, tôi đi tìm nội tâm hoàn hảo trước.
Và để có được một nội tâm hoàn hảo, chúng ta phải biết sửa mình, biết tu tập, biết làm các công đức – đó là điều quan trọng mà ông bà mình thường hay nói là làm gì làm cũng phải biết “tu tâm dưỡng tánh”.
Tâm, tánh là cái gì đó vô hình, khó thấy nên rất khó tu, khó dưỡng.
Trong khi, con đường bị méo, ta có thể thấy rõ, có thể lấy cuốc ban, đắp được. Nhà dột, ta nhìn thấy, ta sửa được. Mũi ta xẹp, ta đến bệnh việc phẩu thuật kéo lên được. Lông mày ngay, ta vuốt cho cong được. Tóc ta bạc, ta đi nhuộm đen được,… Nhưng tâm ta như thế nào thì ta không thể thấy được.
Tâm ta, tánh ta là cái gì vô hình, nhưng ông bà, cha mẹ ta cứ dặn đi, dặn lại, “Con làm gì làm nhớ tu tâm dưỡng tánh nghe con”. Ông bà mình cứ mãi nói như vậy, nhưng tâm tánh là cái gì ta không thấy.
Chính cái không thấy đó mới là cái quí nhất. Cái tuy không thấy đó mà buộc chúng ta phải ráng tu, ráng sửa, ráng nâng niu, quí trọng, uốn nắn để làm cho nó trở nên sáng chói giữa cuộc đời này.
Thưa Thầy, tâm tánh không thấy được vậy làm sao sửa?
– Đúng vậy, tâm tánh là cái không thấy được nhưng ta phải biết cách làm cho nó hiện ra. Chúng ta phải tìm cho ra để sửa, ta phải biết nó như thế nào, để biết ta tốt xấu ở mức độ nào mà ta sửa.
Dựa vào đâu mà biết tâm ta tốt xấu?
– Giống như những nhà thiên văn nhìn lên trời cao. Trong vũ trụ, có một vật thể người ta gọi là những hố đen. Hố đen là những vật thể cực kì lớn, cực kì nặng mà không bao giờ lộ ra, không có hình dáng, không ai nhìn thấy, cả kính viễn vọng không bao giờ nhìn thấy. Các nhà khoa học biết chắc là có những cái hố đen nhưng không bao giờ nhìn thấy hố đen. Như vậy làm sao các vị biết là có? Bởi vì ảnh hưởng của nó tỏa ra làm những thiên thể xung quanh nó chuyển động, bị thay đổi. Nhìn vào những thiên thể bị chuyển động, bị thay đổi đó, nhà khoa học biết ở nơi đó, có một vật thể hoàn toàn tối không nhìn thấy được nhưng đang hiện hữu.
Cũng vậy, bây giờ ta nói tâm vô hình, vô tướng thì làm sao thấy được? Thấy ở chỗ nào? Thấy ở lời nói và việc làm của mình. Không thấy tâm con người, nhưng nghe người đó nói một câu, mình biết tâm người đó ra sao. Nhìn người đó sống, nhìn việc người đó làm, ta biết tâm người đó ra sao. Ta cứ nhìn việc làm và nghe lời nói của một con người, chúng ta biết tâm người đó ngay.
Nên bây giờ, chúng ta hãy tự đánh giá lại việc làm và lời nói của mình, để ta thấy được chính tâm của mình.
Ví dụ, ta gặp một người đáng kính mà ta không kính, ta bỡn cợt thì tâm mình là tâm gì? Tâm kiêu mạn! Hoặc chúng ta thấy một người tàn tật, tật nguyền đi cà nhắc, tay cà vẹo. Đáng lẽ ta thương họ nhưng ta không thương ta còn buông lời trêu cợt thì ta biết ngay là tâm ta không có từ bi.
Nhìn lời nói việc làm, ta biết tâm ta liền. Vậy ở đây có ai thấy người tật nguyền mà trêu cợt không?
– Hầu hết chúng ta đều không vì chúng ta là Phật tử, ta biết thương người.
Còn khi thấy một bậc đáng kính mình có kính không? Kính. Như vậy mình không có kiêu mạn.
Khi thấy người Phật tử huynh đệ bạn đạo, cũng đi chùa như mình, nhưng không hiểu tại sao ông thầy lại thương người đó hơn mình. Tâm mình ganh tị. Ai hỏi đến người này, mình nói: “Ông thầy đó thiên vị quá, tôi đi chùa lâu hơn ông đó, tại sao ông thầy không thương tôi mà lại thương ông đó. Ông thầy này thiên vị, tu hành không có trí tuệ”. Vì không vừa lòng mình, mình sẵn sàng kết tội thầy mình.
Như vậy tâm ta là tâm gì? Đúng là tâm ganh tị. Khi ganh tị, ta sẵn sàng chà đạp tất cả, đổ lỗi cho người khác để không thấy lỗi của mình. Đáng lẽ ra ta phải thấy rằng, người huynh đệ kia có những ưu điểm gì mà mình không có, nên thầy thương quí hơn. Không hiểu được như vậy mà ta lại kết tội ông thầy là người xấu, vô tình ta phủi hết đạo đức của mình, phủi hết phước của mình luôn. Cho nên khi mở miệng nói lời nói như thế, ta phải biết rằng tâm mình còn xấu.
Đi chùa, ta thấy huynh đệ ta được thầy thương, bạn mến, ta phải mừng. Ta sẽ nói rằng: “À, vì bạn tốt như thế, mới được thầy thương, bạn mến. Thầy mình là người có trí tuệ, còn bạn mình là người có đạo đức”. Khi nói câu đó ra, ta mới là người có tâm tốt.
Bởi thế, ta nói: Qua lời nói, qua việc làm, ta biết được tâm mình, chứ tâm ta vô hình, vô tướng không sao thấy được. Và từ đây về sau, ta phải nhìn thẳng vào tâm mình trước khi nói hay làm điều gì, để ta không phải nói và làm những việc không hay do tâm xấu ác của ta sai sử.
Một điều quan trọng trong việc tu tâm dưỡng tánh nữa là ta phải nghiêm khắc với chính mình. Nghiêm khắc với chính mình là sao? Nghĩa là cương quyết không tha thứ khi mình sai lầm. Người khác sai, ta cho họ cơ hội làm lại, chứ chính mình sai thì không thể tha thứ, buộc chính ta phải sửa chứ không nuông chìu, bỏ qua.
Ví dụ hôm đó, mình gây gỗ với ai, mình nóng giận, mình cầm cái ly đập xuống bể tan nát hết trước mặt mọi người. Hành động đó rất thô tháo. Lẽ ra, ta phải nghiêm khắc với chính mình, phải đến trước Phật sám hối và đi xin lỗi mọi người. Nhưng không, ta cố biện hộ, cho rằng: “Lúc đó tôi không thể kiềm chế được, nghe nói câu đó rồi, tôi không thể nào nhịn được. Tánh tôi là như vậy đó”. Một câu nói tự biện hộ như thế có nghĩa là mình tự tha thứ cho mình, nghĩa là mình không dám nghiêm khắc với mình. Và một người sẵn sàng tự tha thứ cho mình, không nghiêm khắc với mình được, lại là người không thể tu tâm dưỡng tánh được.
Còn người nghiêm khắc với bản thân, nhất định không tha thứ cho mình. Đã lỡ cầm cái ly đập bể trước mặt mọi người rồi, người này hối hận, ăn năn, buồn khổ, lạy Phật sám hối rồi đi xin lỗi từng người. Xin lỗi xong rồi, mà lòng vẫn ăn năn, ray rứt, không vui, vì người này biết nghiêm khắc với chính mình. Như vậy, chúng ta phải chọn lựa để có thể tu tâm dưỡng tánh được.
Thế thì, chúng ta chọn cách nào? Bênh vực mình thì rất sung sướng trong hiện tại. Làm bất cứ việc gì, ta cứ tự bênh mình là đúng, còn người khác là sai thì rất sung sướng, thoải mái vô cùng và khi chết rồi, ta phải xuống địa ngục. Còn ta tự trách cứ chính mình, ăn năn, ray rứt, không tha thứ cho mình thì cảm giác khó chịu lắm, mang mặc cảm tội lỗi, thấy mình nhỏ bé lại, thấy mình thua kém hẳn mọi người. Điều đó làm ray rứt cả đời ta, nhưng sau khi chết, ta có cơ hội lên cõi trời.
Chúng ta chọn cách nào? Ta nên dễ dãi hay nghiêm khắc với chính mình? Cách nào đây? Nếu muốn sung sướng hiện tại, cứ dễ dãi và bênh vực cho bản thân. Nếu ta muốn hạnh phúc lâu dài ở những kiếp về sau, mình phải nghiêm khắc với chính mình, không tha thứ cho mình, khi mình biết mình phạm sai lầm.
Nhưng để có thể nghiêm khắc với bản thân, có dễ hay không? – Không dễ chút nào hết. Bởi vì sao? – Vì đòi hỏi một sự can đảm phi thường.
Ví dụ bây giờ, trong đêm tối mờ mịt, có người nói rằng: “Ở xóm kia, có một bà đang đau đẻ, anh băng qua nghĩa địa đến nhà, chở bà ấy vô bệnh viện dùm, vì chồng bà đi vắng, không ai đưa bà đi. Rất là tội nghiệp”.
Là Phật tử, mình cũng muốn làm phước lắm nhưng kẹt cái nghĩa địa giữa đường.
– “Thôi mà, sợ ma rồi bỏ người ta chết làm sao? Ráng đi đi”.
– “Thôi mà, ai đi với con, chứ một mình con đi không dám. Bả đẻ thì cho bả đẻ ở nhà đi, nghĩa địa ghê như vậy, đừng bắt con đi qua”.
Chỉ vì mình sợ ma, cũng muốn làm điều phước nhưng không thể can đảm băng ngang qua nghĩa địa.
Hoặc lúc đó, có ba bốn đứa gây lộn với nhau, mình thấy có một người nhỏ bị đánh. Thế là mình đứng ra bênh vực, bảo vệ người đang bị cô thế, không để mấy người kia ăn hiếp nữa. Về nhà, ai cũng nói: “Trời, thằng này nó gan ghê! Mấy đứa kia cô hồn các đảng như vậy mà nó dám đánh để bảo vệ người cô thế.” Mọi người sẽ khen ta có lòng can đảm, khi trong đêm, ta băng qua nghĩa địa để cứu giúp người gặp nạn hoặc ta dám đối đầu với những đứa du côn để bảo vệ người cô thế.
Nhưng can đảm này không ăn thua gì so với sự can đảm mình tự trách mình, tự nghiêm khắc với chính mình – vì khó thực hiện hơn rất nhiều. Mình có thể đi qua khó khăn, đi qua dầu sôi lửa bỏng để làm một việc gì đó bên ngoài một cách dễ dàng. Nhưng ngồi một chỗ, tự trách cứ mình, tự nghiêm khắc với mình điều đó khó vô cùng – dù không tốn một giọt mồ hôi vẫn khó hơn việc chinh phục Hi Mã Lạp Sơn.
Ta có thể nói, người nào có thể nghiêm khắc với chính mình, không tha thứ cho mình, không bao giờ cho phép mình làm điều bậy, hoặc sau khi lỡ làm điều sai quấy, lòng ăn năn không nguôi, chính là những người vừa có trí tuệ và vừa có can đảm. Những người được như vậy, chắc chắn khi chết sẽ lên cõi trời.
Nãy giờ chúng ta nói nhiều về một nội tâm tốt, về tu tâm dưỡng tánh bây giờ chúng ta sẽ xây dựng một số hạng mục tốt trong tâm mình. Những hạng mục tốt trong tâm thì chúng ta đã nói với nhau rất nhiều ở những bài giảng khác, vì đề tài hôm nay nói về nội tâm, chúng ta nhắc lại một vài điểm một chút. Quí Phật tử cố gắng nghe.
Kho báu thứ nhất là lòng từ bi. Phải làm sao đạt được từ bi trong tâm mình, phải cài đặt từ bi sẵn trong tâm mình. Ở đây ai giỏi vi tính? Có biết việc cài đặt chương trình phần mềm không? Ta phải cài chương trình từ bi bỏ vào tâm mình, set up nhấn enter cho nó chạy trong tâm mình. Có dễ hay không? – Rất khó bởi vì chúng ta đụng đến tập khí ích kỷ nhiều đời của mình. Từ nhiều đời, mình chỉ biết thương mình, chỉ biết lo cho mình, gia đình, vợ con, quyến thuộc. Chúng ta không thể mở lòng từ bi thương yêu đối với người dưng nước lã được. Nhưng bây giờ, chúng ta theo Phật rồi, bắt buộc chúng ta phải thương được nhiều người, kể cả những người dưng nước lã.
Ví dụ ta vào trong chùa, gặp toàn những người lạ mặt, có những người nhìn mặt thấy dễ ưa nhưng cũng có những người mặt mũi đăm đăm, ngầu ngầu nhìn thật khó ưa. Vậy mà, chúng ta buộc mình phải thương cho được tất cả mọi người.
Những người rất lạ, có phước từ nhiều đời trước, chúng ta nhìn mặt, thấy mến thương liền. Khi gặp một người như vậy mình thương rất dễ. Chung quanh chúng ta là những Phật tử có gương mặt khả ái do phước từ đời trước chiêu cảm, khi ta nhìn thấy, lòng khởi thương liền. Đồng thời, cũng có những người gương mặt rất khó ưa, bởi vì họ bị nghiệp gì đó, như hay nghĩ xấu người khác, hoặc còn ích kỷ,…khiến ta không thương được. Nhưng đây chính là điều thử thách lòng từ bi của chúng ta. Chúng ta phải nguyện lòng, xin Phật cho con thương hết những người này. Xin cho con thương hết những huynh đệ như thế này. Mình cứ nói đi nói lại và cầu xin Phật như vậy.
Một chút nữa đây, rời khỏi chùa, trên đường đi về nhà, mình gặp những người khả ái, dễ mến và cũng có những người khó ưa. Hễ chúng ta thấy ai khó ưa, mình kêu Phật liền, “xin Phật gia hộ cho con được lòng từ bi thương yêu được hết tất cả những chúng sinh như thế này”. Cứ kêu Phật như vậy chừng ba năm. Ba năm sau, tự nhiên mình thành một con người có lòng từ bi tràn đầy và khi đó mình thành tựu được một điều quí giá ở trong tâm mình.
Đây là điều vô giá. Khi từ bi cài đặt được vào trong tâm hồn của mình rồi, chính là ta đã sở hữu một kho tàng quí hơn mọi kho tàng trên đời. Từ đây, ta không cần đi tìm bản đồ kho báu nào nữa, tốn công mà thôi. Chỉ cần chúng ta cài đặt lòng từ bi của Phật vào trong tâm mình sau ba năm là trong tâm ta đã có một kho báu, xài hết đời này qua đến những đời sau mà không bao giờ hết.
Kho báu thứ hai là tâm khiêm hạ. Khiêm hạ là mình thích tôn trọng mọi người. Khi đến đây, chúng tôi gặp Thượng Tọa Thích Minh Trí, trụ trì tổ đình Phước Lâm đây, vừa gặp là thấy mến ngay, vì khuôn mặt thầy phúc hậu dễ mến. Cũng không biết do nhân quả gì, bởi vì không có chứng đạo cho nên không biết thầy đây gieo nhân gì đời trước. Đến lúc nghe thầy nói hai câu, chúng tôi chợt hiểu ra nhân quả ngay. Thầy đây quả là một con người cực kì khiêm tốn, đối với bất cứ ai thầy luôn luôn giữ lòng tôn trọng. Chính do lòng khiêm tốn và từ bi cho nên hiện ra dung mạo khả ái, ai gặp cũng cảm mến. Một con người khiêm tốn là luôn luôn thích tôn trọng người khác. Cho nên quí Phật tử muốn mình có một gương mặt khả ái ai gặp cũng thương thì mình phải tu hạnh khiêm tốn. Cài đặt khiêm tốn trong tâm mình, luôn luôn tôn trọng mọi người, không muốn nói một lời nào để hạ thấp giá trị của người khác, không muốn nói một lời nào xúc phạm làm tổn thương người khác mà chỉ luôn nói những lời để thương quí, tôn trọng, nâng cao phẩm giá của mọi người mà thôi. Và như vậy chúng ta thành tựu được tâm khiêm hạ trong lòng mình. Đó là kho báu thứ hai.
Kho báu thứ ba là lòng tôn kính Phật đà. Chúng ta có một bậc Thánh tuyệt đối của vũ trụ đã sinh về với loài người hơn 2500 năm trước, mở ra một chân lý sáng ngời cho thế giới này. Một con người với nhân cách tuyệt đối, hoàn chỉnh, với trí tuệ, từ bi tuyệt đối, hoàn hảo, là một con người đến với cuộc đời này là điểm son, là ánh mặt trời không bao giờ tắt giữa cuộc đời này. Nếu chúng ta không biết yêu kính Người thì chúng ta là thứ vứt đi. Cho nên, là Phật tử, chúng ta phải nguyện hết lòng yêu kính Người. Khi nào quỳ trước Phật đài, ta nên lễ Phật tha thiết, ít nhất ba lễ đến mười lễ. Còn chúng ta đi trên đường hay đi làm ăn xa không có dịp vào chùa hay gặp bàn thờ lễ Phật, nên thường hay niệm Phật. Niệm Phật như một lời tâm sự. Ví dụ như ta đang đi trên sông, ngồi ghe đi buôn ở Xã Tân Phú Đông, Thị Xã Sa Đéc, Đồng Tháp. Ta đi thâu đêm suốt sáng, đi buôn từ nơi này đến nơi kia. Trong lúc ghe chạy, ta ngồi trên ghe, không có việc gì làm, hãy nhớ đến Phật, niệm danh hiệu Phật.
Ta niệm danh hiệu Phật để làm chi ? Ta không kêu tên Phật một cách vô ích. Ta kêu tên Phật ra và mình tâm sự với Phật. Ta sẽ nói thế này: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, câu thứ hai mình nói là: “Hơn hai ngàn năm trước, Đức Phật đã đến với trần gian này, nhưng con vì nghiệp chướng nặng nề nên con không sinh ra được vào đời có Phật. Đến bây giờ, con mới biết được Phật pháp, xin Phật hãy thương con, hãy soi rọi tâm hồn con, hãy dìu dắt cuộc đời của con, để cho từng giây từng phút của cuộc sống này, con được tắm trong hào quang của Phật, được Phật hướng dẫn soi lối cho con đi, để con không nói một điều gì, để con không làm một điều gì mà sai với đạo lí Phật dạy. Xin Phật gia hộ cho con để bất cứ lúc nào, con cũng thương yêu được tất cả chúng sinh, lúc nào con cũng hiểu rằng đời là vô thường và chỉ có sự giác ngộ giải thoát là vĩnh viễn, là vĩnh hằng, cao quí. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!”.
Khi không có Phật để lễ lạy, ta cứ niệm Phật, tâm sự với Phật như vậy thì tâm hồn chúng ta thăng hoa lên từng ngày. Chúng ta nuôi dưỡng được chất Thánh trong lòng mình. Đó là kho báu thứ ba.
Kho báu thứ tư là sự nhẫn nhục. Từ nhiều kiếp qua, có những lúc chúng ta nóng giận, tham lam, si mê, và đã làm khổ người khác. Chắc chắn là trong vô lượng kiếp qua, nhiều người phải chịu đau khổ vì chúng ta. Bây giờ oan gia sẽ gặp lại và người đó sẽ xúc xiểm ta, mưu hại ta, đánh đập ta, thậm chí giết hại ta và kho báu thứ tư trong tâm ta cần phải có là sự nhẫn nhục. Khi đối mặt oan trái và nghiệp chướng, lòng ta bình an, không giận hờn, không đau khổ, không buồn bực. Dù người hại ta, xúc xiểm ta, nói xấu ta, ta không giận họ, vẫn thương họ. Ta chỉ cầu mong cho ta trả nghiệp sớm, đồng thời, mong cho người đó biết được Phật pháp để người đó đừng phạm điều sai quấy như ta đã cư xử không phải với họ. Cầu mong như vậy cho nên lòng ta không ghét họ, vẫn bình an, thản nhiên, vui vẻ hoan hỉ và chịu đựng.
Nhờ sự nhẫn nhục này, oan trái nhiều đời được hóa giải, chấm dứt. Còn nếu ta không nhẫn nhục được, ta phản kháng, ta mưu hại lại, trả thù lại, làm ác lại, oan trái ấy đời đời cứ tái đi tái lại mãi, không hết được và ta không thể giải thoát được. Cho nên muốn giải thoát, muốn vượt khỏi cuộc đời tầm thường này, chúng ta cần phải có một đức hạnh rất lớn trong tâm và điều thứ tư đó là chịu đựng những thử thách, những khó khăn gian khổ, ác độc của cuộc đời này với nội tâm thương yêu và bình thản. Đó là hạnh nhẫn nhục và là kho báu thứ tư cần phải có.
Và kho báu thứ năm, ta cần phải có, đó là sự can đảm. Can đảm là gì? Là không sợ bất cứ điều gì, không sợ bất cứ điều gì thi ta mới có thể giữ vững mình được trong chính nghĩa.
Trong đời, có hai điều để làm cho ta rời bỏ chính nghĩa, rời bỏ đạo lí là một cái gì đó ta thèm muốn và một cái gì đó ta sợ hãi. Khi trong tâm ta có một cái gì đó để thèm muốn, trong tâm ta có điều gì đó để sợ hãi, ta lập tức bị lôi kéo rời xa chính nghĩa, xa đạo lí ngay.
Ví dụ ‘muốn giàu’, chính cái muốn sớm đưa ta rơi vào tà đạo. Cũng vậy, ‘muốn có quyền chức lớn’, chính cái muốn đó sẽ làm cho ta rơi vào tà đạo.
Hoặc là một người có điều gì đó để sợ. Ví dụ sợ người ta nói nặng mình, nói xấu mình. Lúc nào cũng sợ: “Thôi, thôi có gì, họ nói xấu mệt lắm”. Hoặc có khi sợ người ta đánh mình, giết mình hoặc mưu hại gia đình mình. Khi có điều để sợ, chính là lúc chúng ta dễ rơi vào tà đạo.
Để làm một người đệ tử Phật chân chính, chúng ta phải trang bị cho mình một tấm lòng không muốn bất cứ điều gì và không sợ bất cứ điều gì dù phải chết. Không ai có thể uy hiếp mình bằng bất cứ điều gì khiến mình phải từ bỏ chính nghĩa, đạo lí kể cả việc họ đe dọa giết sạch cả nhà mình. Phải có lòng can đảm tột độ, và tuyệt đối như vậy, ta mới giữ mình được trong chính nghĩa, trong đạo lí. Cái can đảm phi thường như vậy, không sợ bất cứ điều gì trên đời đó là kho báu thứ năm rất hiếm có. Rất hiếm có!
Kho báu thứ sáu là sự siêng năng tận tụy. Siêng năng tận tụy là gì? Nghĩa là khi làm việc gì cho đạo, làm việc gì cho đời, cho xã hội, cho quốc gia chúng ta làm thấu đáo, làm đến nơi đến chốn, làm cho kỷ lưỡng, làm cho thành công vượt bậc để đem lại lợi ích tối đa cho mọi người. Phải chịu cực, chịu khó, chi ly, sâu sắc làm đến nơi đến chốn đó gọi là siêng năng, tận tụy. Điều này không phải ai cũng có.
Ví dụ một vị Thầy nói: “Chùa dơ quá, con dẫn các bạn vào phụ Thầy dọn dẹp vệ sinh vì chùa sắp có lễ”. Mình kêu các bạn vào dọn dẹp, người đi hái trái, nhặt củi, người đi lượm rác, hốt rác. Mình cũng làm công quả theo lời Thầy dạy, mình đã làm mọi việc xong rồi. Nhưng người có tính siêng năng, tận tụy không nghĩ như vậy là xong, là đủ.
Sau khi mọi người quét rác hết rồi, mình mới nhìn kỹ, mới suy nghĩ thêm: Thầy sai mình như vậy là xong rồi đó, nhưng đối với mình vẫn chưa xong. Khi ngày lễ đến, sẽ có rất nhiều người đến đây, nhà vệ sinh sẽ không đủ, lối đi chỗ đó người ta sẽ bị vướng, khi mọi người đến ở chỗ này sẽ bị nắng v.v… Thế là mình xin Thầy cho làm tiếp thêm một số việc nữa, làm cho đến nơi đến chốn, cực kì thấu đáo, cực kì hoàn hảo. Người làm công viêc mà phục vụ đời, phục vụ đạo mà làm hơn cả yêu cầu, mới gọi là người siêng năng tận tụy.
Người đó phước phi thường, đời đời vượt lên hơn mọi người hết bởi vì sao? Bởi vì họ luôn luôn làm nhiều hơn cái mà họ được yêu cầu. Người đó sẽ được phước vượt bậc và đó chính là kho tàng thứ sáu. Mai mốt gia đình mình kêu làm chuyện gì, mình phải làm nhiều hơn ba mẹ mình sai. Thầy mình sai mình làm cái gì, mình phải làm kỷ hơn, nhiều hơn điều Thầy mình sai để rèn luyện phẩm hạnh thứ sáu này.
Nói về những vấn đề tâm lí đạo đức thì có vô số điều để nói. Hôm nay, chúng ta không có thời gian để nói nhiều, chỉ điểm sơ qua mà thôi. Ít nhất trong tâm mình phải có sáu kho tàng như thế để xây dựng nội tâm này. Và từ nội tâm có sáu kho tàng đó chắc chắn nội tâm mày sẽ đưa chúng ta đi qua nhiều kiếp luân hồi chỉ đi trong vinh quang, trong ánh sáng, trong hạnh phúc và trong sự giác ngộ mà thôi.
Tâm mà có đạo đức rồi, trí tuệ, bản lĩnh, tài năng sẽ xuất hiện kế theo sau. Đây là nhân quả. Người tốt rồi ắt người đó sẽ giỏi.
Còn người giỏi rồi mà không tốt, từ từ sẽ dở trở lại. Chúng ta hãy nhớ như vậy. Ví dụ chúng ta chưa giỏi nhưng cứ ráng tốt, ráng có sáu điều trong tâm mình thì từ từ ta sẽ giỏi lên, bản lĩnh, trí tuệ sẽ xuất hiện. Đó là nhân quả. Vì người ta làm việc kĩ hơn, chu đáo hơn tự nhiên tài năng nảy nở liền, trí tuệ mở ra liền. Còn người đáng lẽ làm công việc thành công viên mãn nhưng hời hợt, chỉ làm tám phần thôi. Ví dụ Thầy bảo mình làm mười phần, mình dư sức làm mười nhưng mình chỉ làm tám phần thôi. Quả báo là tài năng của mình sẽ bị tuột xuống một chút. Mai mốt cơ quan mình kêu mình làm mười, mình chỉ làm bảy tám phần thôi thì mai mốt tài năng của mình cũng tuột xuống. Ví dụ thủ trưởng cơ quan giao công việc mười mà mình làm chu đáo đến mười một, mười hai thì nhân quả là mai mốt tài năng của mình vượt lên trên khỏi khả năng hiện tại. Đó là nhân quả. Nhân quả giống như khả năng thứ sáu chúng ta vừa nói, làm rất chu đáo tận tụy, làm được nhiều hơn người trên mình yêu cầu thì chúng ta vừa có phước và vừa có tài năng nảy nở, trí tuệ sẽ thăng hoa cao hơn.
Một điều quan trọng nữa là khi làm được việc đừng có chấp công, kể công, hãy quên công của mình đi để không bị kiêu mạn và không bị thất bại trở lại. Đáng sợ nhất là người có tài, làm được việc, kể công thì sau này sẽ thất bại, tài năng cũng sẽ mất đi.
Thường thường người có tài là gì? Là khi gặp việc, đụng chuyện, tự nhiên trong đầu của họ lóe lên nhiều sáng kiến, mà bình thường họ không có.
Ví dụ một người thợ đang bắt đường dây điện, tự nhiên trong đầu lóe lên ý kiến, phải gắn chỗ này thay vì gắn chỗ kia thì đường dây điện sẽ rẻ hơn, an toàn hơn. Hay lúc đóng ghe, mình có những sáng kiến bất ngờ làm cho ghe xuồng tốt hơn, chắc hơn, bền hơn. Hoặc khi xây cất, phải chuyển vật liệu lên chùa, mình nghĩ cách mở một con đường nào đó tiền vận chuyển rẻ hơn, an toàn hơn.
Người có sáng kiến mà nó lóe lên như vậy được gọi là người có tài. Nhưng nếu hỏi ở đâu anh lóe ra sáng kiến đó, mình sẽ không biết từ đâu mà trả lời. Tại sao vậy? Vì sự thật do cái phước, chính cái phước làm cho tâm ta cứ lóe lên hết sáng kiến này đến sáng kiến kia trong cuộc sống làm cho ta thành công. Người ngoài nhìn vào nói ta có tài chứ chính ta không biết được.
Ví dụ như Thầy, Thầy là người biết soạn nhạc, thỉnh thoảng Thầy cũng soạn nhạc đạo để hát cho vui, cũng có bài nghe cũng hay. Có người mới hỏi: “Tại sao Thầy lại nghĩ ra giai điệu hay như vậy?”. Câu trả lời của Thầy là không biết, không biết. Lúc muốn soạn tự trong đầu nó khởi ra dòng nhạc như thế, mình chấp nhận được thì mình viết ra thành một bài nhạc, không chấp nhận thì bỏ, lựa dòng nhạc khác.
Nhưng ở đâu sáng kiến hiện ra? Cái lóe lên đó từ đâu hiện ra? Sự thật đó là phước chứ không phải là tài. Người ngoài thường khen mình có tài, nhưng khi hiểu kĩ trong tâm mình, ta biết do phước mà có. Nghĩa là, người mà tâm có đạo đức rồi sẽ có trí tuệ, có tài năng.
Trong nhiều tâm tốt, có một tâm quan trọng là tâm thiền định. Tâm thiền định là gì? Đức Phật thị hiện ngồi thiền 49 ngày nhập định rồi đắc đạo thành Phật. Điều này có ý gì? Là Ngài muốn dạy cho chúng sinh rằng người nào muốn giác ngộ thì phải tu tập thiền định. Cho nên tâm thiền định là đỉnh cao của tâm hồn.
Chúng ta đã đồng ý tâm là quí hơn mọi điều trên đời. Nhưng cái quí nhất trong tâm là gì? Chính là tâm thiền định. Ví dụ một người nói: “Tôi không màng tài sản, danh vọng, sắc đẹp, tôi không màng gì hết, tôi chỉ cần tâm hồn”. Người nói câu đó là người rất hay, rất chuẩn. Nhưng có người khác nói rằng: “Trong tâm hồn, cái quí nhất của tâm chính là tâm thiền định” thì người này là số một. Đúng như vậy, nội tâm là điều quí hơn cả mọi điều trên đời, và trong nội tâm đó, có nhiều thứ đáng quí, có nhiều đạo đức đáng quí – và quí nhất chính là tâm thiền định. Vậy tâm thiền định là tâm gì?
Tâm thiền định là tâm vô niệm và vô ngã. Vô niệm là gì? Vô niệm là trong tâm mình trống hoàn toàn không suy nghĩ gì hết. Bây giờ chúng ta thử ngưng bặt ngay, không suy nghĩ gì hết.
Chắc chắn không bao giờ nghe đếm một, hai, ba vừa dứt tiếng mà ta dứt hết niệm, dứt hết suy nghĩ liền, và đạt được vô niệm vì Đức Phật còn phải nhập định 49 ngày mới dứt niệm. Nếu người nào vừa đếm xong một, hai, ba mà hết suy nghĩ, nhập định liền tức