Sắp đến ngày rằm tháng 7, nhu cầu về đồ hàng mã của một số người dân càng nhiều. Hiện nay, thay vì chỉ đốt vài tờ tiền vàng, một số người thay bằng đốt những đồ hàng mã độc và dị như nhà lầu, xe hơi hạng sang, iPad, iPhone, xe SH…. và còn có cả “chân dài”. Kèm theo đó là những quan niệm nhuốm màu sắc mê tín.
Mới đây, tờ Gia đình & Xã hội ghi lại trường hợp có gia đình ra hàng mã đặt cả “chân dài” để gửi cho người cõi âm. Theo đó, bà Vũ Thị Lan (phố Định Công, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) kể rằng: “Đợt cuối tháng 5, con trai tôi mua xe ô tô. Đêm đó tôi mơ thấy các cụ trách rằng: “Con mày có tiền mua xe ô tô mà chẳng nhớ gì đến chúng tao”. Nên năm nay tôi quyết định gửi xe, gửi cả nhà mới và một số tiện nghi hiện đại xuống cho ông bà tổ tiên”. Sau đó, khi cậu em trai “báo mộng”: “Không được ai quan tâm, ngày chết chưa có vợ mà không gửi xuống cho một em”, bà Lan đã đi đặt làm “cô người yêu” hàng mã cao ráo, xinh xắn cho em.
Quan niệm “cúng quanh năm không bằng rằm tháng Bẩy”, nhiều gia đình dù không khá giả nhưng cúng cố gắng để sắm bộ lễ cúng cho trọn vẹn. Thậm chí, cúng ô tô cho người âm cũng nhất thiết phải là xe sang với biển số độc. Có nhà thì sắm cà ô sin cho người quá cố. Theo tìm hiểu thị trường hàng mã năm nay, giá xe ô tô hàng mã dao động từ 200 – 400.000 đồng, bộ quần áo, giày dép người âm có giá từ vài chục đến hơn trăm nghìn đồng.
Chia sẻ với báo giới trong nước, GS Trần Lâm Biền (nhà nghiên cứu văn hóa) cho rằng, người cõi âm có năng lực phân thân, không phụ thuộc vào không gian, thời gian. Tục đốt vàng mã cũng không phải của người Việt Nam. Mọi người gửi máy giặt, xe máy, ô tô, điện thoại… cho người âm, chỉ là áp đặt cái tiêu cực của mình vào thế giới linh thiêng.
“Đốt nhiều đồ hàng mã, làm mâm cao cỗ đầy chỉ gây lãng phí, tốn kém. Người cõi âm không thể nhận được đồ dùng mà người cõi dương đốt cho. Âm – dương là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, không thể cảm nhận được huống chi chuyện “gửi” và “nhận quà”. Nếu con cháu trên trần gian đốt quá nhiều vàng mã, mổ gà, lợn là làm trái với giáo lý nhà Phật, không chỉ người trần có lỗi lãng phí, sát sinh quá nhiều mà người cõi âm cũng phải chịu tội – khó siêu thoát. Cách làm đúng đắn nhất là tĩnh tâm cầu nguyện cho người đã mất được siêu thoát”, hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo VN khẳng định trên Gia đình & Xã hội.
Một thống kê mà Báo điện tử Chính phủ đưa ra khiến nhiều người phải giật mình. Cụ thể, mỗi năm, khoảng 50.000 tấn vàng mã đã được đốt trên cả nước, theo đó riêng Hà Nội khoảng 400 tỷ đồng tiền thật đã bị đem đi “hoá vàng”.
Theo thông tin trên Phật giáo Việt Nam thì có 6 lý do để không nên đốt vàng mã. Cụ thể, loại giấy tờ tạp phế phẩm để làm ra giấy tiền vàng mã đều không phải là loại giấy sạch; Người sản xuất và nhà phân phối đồ vàng mã vì nắm được tâm lý chẳng ai đi đếm thứ tiền vàng mã này cả nên chẳng xấp tiền nào, ngân lượng vàng mã nào là đầy đủ cả, không lẽ ta lại dâng sự bỏn xẻn, sự toan tính lên các đấng bề trên; Giá trị của thứ vàng mã này hầu như rất nhỏ nếu như không muốn nói là không có; Vòng đời của những thứ vàng mã này rất ngắn; Vấn đề ô nhiễm môi trường; Và, cuối cùng là sự lãng phí.