Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
ai-nang-tinh-sau-quen-tinh-cha-me Ái nặng tình sâu quên tình cha mẹ
Thursday, 17/09/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Con người ta do tham cầu quá mức nên mất hết phẩm chất, nhân cách đạo đức, chỉ biết thủ lợi cho riêng mình còn ai sống chết mặc kệ, sẵn sàng làm những điều tội lỗi để bảo vệ cái ta ích kỷ của mình. Ít ai nghĩ đến công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, thâm ân như trời biển không gì có thể sánh bằng. Ít ai nghĩ mình được sinh ra từ đâu, ai nuôi mình khôn lớn và ngày nay sống cơm no áo ấm, công thành danh toại là nhờ ai.

Tiếng sét ái tình làm con người ta tê tái cả tâm hồn, như si như dại. Trên đời này không có gì yêu thương, sâu đậm, thiết tha bằng tình ái. Trong ái tình, việc chung chăn xẻ gối giữa vợ chồng với nhau có khi lướt qua tình cha mẹ, có người thà bỏ cha mẹ chứ không thể xa rời tình ái. Do si mê trong tình ái và bị sự ràng buộc của vợ chồng nên chúng ta chỉ biết lo cho vợ chồng, con cái mình nhiều hơn.

Sự thật quá đau lòng, ít người nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mẹ mang nặng đẻ đau, cha làm lụng nhọc nhằn, vất vả nuôi con, đến khi khôn lớn cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con để con được yên bề gia thất. Do si mê trong tình ái và bị sự ràng buộc của vợ chồng nên chúng ta chỉ biết lo cho vợ chồng, con cái mình nhiều hơn. Mấy ai thấu hiểu công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha.Biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn luôn nhắc nhở chúng ta nên biết cung kính, hiếu dưỡng mẹ cha.

Chúng ta nên nhớ, từ khi mở mắt chào đời mẹ đã móm cho ta dòng sữa ngọt, dòng sữa ấy là chất liệu ngọt ngào được kết tinh bằng tấm lòng yêu thương của cha mẹ. Nhưng vì lỗ mũi con người lúc nào cũng nhìn xuống, nên ai lớn khôn rồi lập gia đình và có trách nhiệm nuôi dạy, bảo bọc vợ con thì lo lắng cho gia đình riêng của mình nhiều hơn là thương yêu cha mẹ, cung kính phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Chuyện đời là như thế đó! Trong cuộc sống của chúng ta, có những lúc ta phải tự hỏi rằng: Ta sống trên đời này để làm gì? Và ta từ đâu đến? Sau khi chết ta sẽ đi đâu? Và ý nghĩa thật sự cho cuộc đời của chúng ta là gì? Tại sao ta không thật sự tìm thấy bình yên, hạnh phúc trong cuộc đời của mình? Ta phải làm gì để tìm ra nguyên lý chánh đáng cho cuộc đời của mình? Quả thật, một con người ai cũng được sinh từ sự luyến ái của cha mẹ mà có nên hình hài,vóc dáng này. Đó là quy luật chung cho loài người chúng ta.

Đời sống con người thật phong phú và cũng lắm nhiều rắc rối, bởi con người biết suy nghĩ, biết nói năng, biết hành động. Nếu suy nghĩ, nói năng, hành động theo chiều hướng tốt đẹp thì lợi ích cho mìnhvà người thân, gia đình và xã hội; ngược lại sẽ gây ra phiền muộn, khổ đau cho nhân loại. Và cho đến sau khi chết, sự sống vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức khác, nó chỉ thay hình đổi dạng tuỳ theo nghiệp nhân tốt hay xấu mà ta đã gieo trong hiện tại. Dù tu chứng đến thành Phật thì các Ngài vẫn có chuyện để làm, vẫn tiếp tục công việc độ sinh, đó là hạnh nguyện cao cả của các vị Bồ tát tuỳ duyên trở lại thế gian để giúp đỡ nhân loại dưới nhiều hình thức khác nhau, và công việc đó không bao giờ chấm dứt. Mạng sống của con người phải có ngày chấm dứt để thay hình đổi dạng, nhưng sự sống và dòng đời luôn luôn trôi chảy không cùng tận.Tình ái vốn là nguồn gốc của sinh tử mà cũng là điều kiện tất yếu để tất cả chúng sinh hiện hữu trong cõi Ta bà vui ít, khổ nhiều này. Ái là lòng yêu thương từ cha mẹ, vợ con, anh em, bằng hữu, công danh, phú quý, văn chương, thi phú, đạo thuật, kỹ nghệ, quần áo, ăn mặc, nhà cửa, ruộng vườn, rừng suối, hoa cỏ, phong cảnh đẹp đẽ …

Vậy cội gốc của sinh tử là gì?

Người xưa nói, “nghiệp không nặng không sinh vào cõi Ta bà, lòng tham ái không dứt không sinh vào Tịnh độ”. Nên biết, ái là nguồn gốc của sinh tử. Người không biết nguồn gốc của sinh tử, chỉ tu niệm một bên thì chỉ hưởng phước báo cõi trời người. Vì thế, những người tu theo Phật trước tiên cần biết lòng luyến ái, tham đắm là nguồn gốc của sinh tử, muốn được tự tại, giải thoát chúng ta cần phải đoạn dứt nguồn gốc tham ái ấy. Như trước mặt chúng ta thấy vợ chồng, con cái, gia nghiệp, tài sản, địa vị, danh vọng thì ta phải nghĩ rằng, tất cả những thứ này khi chết không mang theo được, kẻ ở người đi càng thêm lưu luyến nên không ra khỏi luân hồi sinh tử.

Con người ai cũng sống bằng tình yêu thương chân thật thì chắc hẳn mọi thứ xung quanh sẽ tốt đẹp vô cùng. Bầu trời này sẽ trong sáng, quang đãng, không còn những áng mây đen mù mịt. Mặt đất này sẽ không còn những cảnh lầm than, cơ cực và những chuyện đau thương vì hiểu biết sai lầm gây đau khổcho nhau. Tình cảm cũng giống như những hạt mưa, mưa càng to thì có thể dập tắt đi ngọn lửa tham lam, ích kỷ, sự căm hờn của lòng thù hận bởi ganh ghét, tật đố. Nó có thể là ngọn lửa của tình thương yêu, ước mơ và hy vọng, bằng sự khoan dung của trái tim hiểu biết, cùng san sẻ cho nhau với tấm lòng vị tha. Tại sao chúng ta lại để cho những ngọn lửa ấy vụt tắt đi trong đêm tối vô minh? Tình thương yêu chân thành hay nỗi xót xa những mãnh đời bất hạnh, sự cảm thông để cùng nhau san sẻ hoặc nâng đỡ và tha thứ cho nhau đều xuất phát từ “tình thương yêu chân thật”. Nếu một khi chúng ta đã đánh mất giá trị và phẩm chất thì ta đã tự tách mình ra khỏi thế giới của hiểu biết, nhận thức đúng đắn và con người tâm linh của chính mình.

Hạnh phúc lớn nhất của con người khi còn tồn tại trong thế giới này chính là được sống hoà hợp với nhau, được tắm mình trong biển cả bao la tràn đầy tình yêu thương chân thật của mọi người. Người xưa nói, “mất của cải là mất ít, mất tình thương là mất nhiều”, và có khi ta mất hết tất cả vì tham ái, si mê. Thật vậy, một người sống mà không có tình cảm thì trở nên hung ác và tàn nhẫn vô cùng. Cha có thể giết con, vợ chồng không biết tôn trọng nhau, anh em tranh giành của cải, bạn bè vì quyền lợi của riêng mình mà hại nhau. Tất cả là vì họ không có tình thương yêu chân thật nên không biết cảm thông và tha thứ cho nhau.Chúng ta hãy nên sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, bằng chính những gì mà ta có được. Chúng ta sống bằng tình người và đừng để cho cái bệnh vô cảm len lỏi vào đời sống này, hãy lấy tình thương yêu nhân loại làm ngôi vị trung tâm của cuộc sống, hãy mở rộng trái tim mình, hãy quan tâm và chia sẻ đến nhiều người hơn, hãy thông cảm và sẵn sàng nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, hãy biết quý trọng tình cảm và tha thứ lỗi lầm của người khác.Hằng ngày, chúng ta thường đối mặt với những bộn bề của cuộc sống, nhiều lo toan trong công việc, hay có lúc chúng ta đắm chìm trong những phút giây lạc thú, vui vẻ bên bạn bè mà đã lãng quên đi phút giây êm đềm, hạnh phúc, những hình ảnh thiêng liêng cao cả của cha mẹ, người ngày đêm thương nhớ, mong chờ, dõi theo bước chân của chúng ta trong từng phút, từng giây.

Ngày xưa, ở một kiếp nọ,ngài Mục Kiền Liên được sinh ra trong một gia đình trung lưu giàu có. Tuy đã đến tuổi trưởng thành nhưng chàng không thèm cưới vợ, định ở vậy để nuôi dưỡng, báo hiếu cha mẹ già. Vì muốn có con nối dõi tông đường kế thừa gia phong nên cha mẹ đã ép chàng lấy vợ. Chàng nhiều lần từ chối nhưng cha mẹ không chịu. Cuối cùng, vì thương cha mẹ nên chàng đành chấp nhận cưới vợ. Buổi ban đầu, khi cô con dâu mới về nhà chồng, cô ta nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ chồng chu đáo và làm tròn bổn phận đối với người vợ, làm cho những nhà hàng xóm ước ao và ganh tị, phải chi cô ta là con dâu nhà mình thì vui vẻ và hạnh phúc biết bao. Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua theo năm tháng, cha mẹ già ngày lớn tuổi, bị bệnh mù lòa đôi mắt, làm cho người vợ càng thêm khổ sở, nhọc nhằn, đã vậy còn hay bị la rầy vô cớ không có một ngày được an lạc, thảnh thơi. Người vợ trẻ đó lớp thì phải chăm sóc,nuôi dạy con cái, lớp thì phải chăm sóc cha mẹ già mù loà. Công việc cứ như thế xảy ra hằng ngày làm cho nàng dấy sinh tâm cau có, bực dọc và oán giận cha mẹ chồng.

Do áp lực công việc gia đình, ngày nào cô ta cũng trách móc, cằn nhằn với chồng về chuyện cha mẹ già lớn tuổi sanh tật khó khăn, trách móc đủ điều làm cho chàng khó xử vì phải lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. Cô vợ than thân, trách phận, nói rằng mình bạc phước nên phải chịu khốn khổ như thế này; mỗi ngày nàng phải chịu cảnh cha mẹ cơm nước đổ rãi lung tung, ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, tiểu tiện khó khăn; vậy mà cha mẹ lúc nào cũng than vãn, trách móc, cằn nhằn, khó chịu, có khi còn chửi mắng, nạt nộ cô. Cô vợ luôn tạo ra hoàn cảnh trái ngang, éo le để bắt buộc chồng mình phải chọn lựa. “Một là anh nếu vì cha mẹ thì vợ chồng chúng ta chia tay kể từ đây. Nếu vì em và sự nghiệp cho con cái về sau thì trong hai anh phải chọn một. Một là nuôi cha mẹ, hai là nuôi vợ con.Trong hoàn cảnh éo le, cha mẹ già mù lòa, cuộc sống gia đình ngày càng thêm khó khăn, chật vật, làm cho người chồng thêm lo lắng đủ điều, không biết giải quyết cách nào cho trọn vẹn bên hiếu, bên tình. Người chồng cứ đắn đo, suy nghĩ mãi vì điệp khúc này cứ được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bên hiếu bên tình, chọn bên nào đây? Chàng vì thương cha mẹ già mù loà đôi mắt nên bỏ không đành khi nghĩ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục,mang nặng đẻ đau, nhờ vậy mà ngày hôm nay chàng có được mái ấm gia đình; nhưng gặp cô vợ quá khắc khe, tham lam và ích kỷ làm cho chàng càng khó xử hơn.

Thật ra, trong cuộc đời này, không có gì thiêng liêng và cao quý bằng công ơn cha mẹ. Trong các thứ tình không tình nào bằng tình mẹ cha, nhưng có mấy ai hiếu kính và nuôi dưỡng cha mẹ khi tuổi già? Cha mẹ tuổi già thường hay bệnh hoạn, đau nhức, lại không làm được việc gì giúp ích cho con cháu,làmthêm gánh nặng gia đình, vừa tốn kém, vừa nhọc nhằn, nên ngày xưa hay có quan niệm đem bỏ cha mẹ vào rừng khi tuổi già.Có một người cha đang đóng chiếc xe để chở cha mình bỏ vào rừng. Một hôm, đứa con biết được mới nói, “khi nào ba đưa nội đi thì ba nhớ đem xe về nhà cho con”. Người cha mới hỏi, “đem xe về nhà cho con để làm gì?” – “Dạ thưa cha, con để dành chiếc xe đó chờ đến khi nào ba tuổi đã già, con sẽ lấy xe chở ba đi cũng như ông nội ngày hôm nay vậy”. Người cha nghe con mình nói như vậy, ngẫm nghĩ lại một hồi lâu rồi từ bỏ ý định chở cha mình vào rừng; và từ đó bắt đầu chăm sóc ân cần, chu đáo hơnđể đền đáp công sinh thành, dưỡng dục.

Nuôi cha mẹ lúc tuổi già rất khóvì thân thể bệnh hoạn, yếu đuối, đi đứng khó khăn, hoặc bệnh tình nặng hơn phải nằm một chỗ. Nếu gia đình nào nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ lúc tuổi già rất khó. Nhiều khi con cái bận bịu công việc nên lơ là trong việc chăm sóc thì cha mẹ trách móc đủ điều, giận dỗi, hờn mát, thật khó lòng.Một hôm, đức Phật lấy một ít đất để trên đầu ngón tay, rồi hỏi các thầy tỳ kheo, “đất trên đầu ngón tay ta nhiều hay đất trên quả địa cầu này nhiều?” Các thầy tỳ kheo đồng trả lời, “dạ, đất trên quả địa cầu nhiều ạ”. Phật nói tiếp, “người có hiếu đối với cha mẹ trên thế gian này rất ít như đất để trên đầu ngón tay.”

Vì hoàn cảnh đã làm cho con người phải vật lộn với cuộc sống mà kiếm miếng ăn, nên đâu có thời gian chăm sóc cha mẹ già và nuôi dạy con cái đúng mức. Phật lúc nào cũng vì lòng từ bi thương xót chúngsinh nên Ngài nhắc nhở và chỉ dạy cho ta biết được đạo lý làm người là luôn hiếu kính và dưỡng nuôi cha mẹ. “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” là câu ca dao tục ngữ của dân tộc Việt Nam mà tổ tiên, ông bà chúng ta luôn nhắc nhở con cháu để biết nhớ ơn và đền ơn cha mẹ. Cha mẹ là hai đấng sinh thành và nuôi dưỡng ta nên người, vậy mà ta không còn biết ơn, hỏi sao người khác ta có thể giúp đỡ và chia sẻ cho được?

Chàng trai đó không nỡ nhẫn tâm bỏ cha mẹ, nhưng hoàn cảnh lúc đó thật khó xử vô cùng, ngày nào cũng là điệp khúc ai oán cung sầu mà người vợ trẻ lúc nào cũng khóc lóc kể lễ, đầu bù tóc rối, mặt mày bí xị, nước mắt ràn rụa, khiến người chồng càng thêm buồn khổ, không biết giải quyết ra sao. Tình chung chăn xẻ gối cùng với sắc đẹp mặn mà của người vợ trẻ và tương lai của con mình về sau như có một ma lực bắt buộc người chồng trong hai phải chọn một. Đêm đó, người chồng không sao ngủ được vì chuyện vợ con và cha mẹ. Nước mắt đã lăn tròn trên đôi má của chàng; không còn cách nào khác hơn, thà chấp nhận bỏ cha mẹ mà nuôi vợ, nuôi con.Nghĩ vậy, sáng hôm sau, chàng trai mới đến thủ thỉ với cha mẹ rằng, “bây giờ cha mẹ đã lớn tuổi nên không còn biết sống bao lâu nữa. Nay con thỉnh cha mẹ về quê thăm gia tộc nội ngoại một lần sau cuối, để sau này nhắm mắt lìa đờikhỏi phải ân hận, tiếc nuối quê cha đất tổ.Cha mẹ nghe con mình nói có lý nên đồng ý đi ngay, họ có ngờ đâu bị rơi vào bẫy của người vợ ác tâm.

Con người ta do tham cầu quá mức nên mất hết phẩm chất, nhân cách đạo đức, chỉ biết thủ lợi cho riêng mình còn ai sống chết mặc kệ, sẵn sàng làm những điều tội lỗi để bảo vệ cái ta ích kỷ của mình. Ít ai nghĩ đến công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, thâm ân như trời biển không gì có thể sánh bằng. Ít ai nghĩ mình được sinh ra từ đâu, ai nuôi mình khôn lớn và ngày nay sống cơm no áo ấm, công thành danh toại là nhờ ai. Chàng trai đành lòng thuê một chiếc xe ngựa rồi tự mình cầm dây cương chở thẳng cha mẹ vào rừng sâu; đến chỗ đã khuất người, chàng trao dây cương cho cha rồi nói, “dạ thưa cha mẹ,đoạn đường này nổi tiếng có rất nhiều bọn cướp, con phải xuống đi trước để dò la tin tức và canh chừng chúng”. Đi được một lúc, chàng giả làm bọn cướp đến đánh đập cha mẹ tàn nhẫn; nhưng ông bà không nghĩ đến thân mình bị đánh đập mà trong lòng luôn nhớ nghĩ đến connên ráng sức la lớn, “con ơi! Hãy mau chạy lẹ đi con, kẻo bị bọn cướp đánh chết không về nuôi vợ nuôi con được, cha mẹ đã già rồi nếu có chết cũng không sao”. Thật là đứt từng khúc ruột!

Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày.

Người con cứ ngỡ đây là một giấc chiêm bao, trong lúc sinh ly tử biệt cần kề với cái chết mà cha mẹ già lúc nào cũng thương tưởng đến mình.

Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Những âm vang ấy tự nhiên hiện lên rõ ràng trước mắt anh như đang thức tỉnh cơn điên cuồng ngu si,dại dột của mình. Trong kinh Phật dạy:

Cha mẹ già khi trăm tuổi,
Vẫn còn thương con tám mươi.

Thật ra, trên cõi đời này không có gì cao quý và thiêng liêng bằng tình cha mẹ. Dù suốt cuộc đời hai vai ta cõng cha, cõng mẹ, lo cho ăn uống, cung phụng đầy đủ các món ngon vật lạ suốt một đời cũng chưa trả hết công ơn cha mẹ. Vậy màchàng trai đó vì nghe theo tiếng gọi của tình yêu, bị tiếng sét ái tình làm mê muội mà nỡ đành lòng tàn nhẫn đến thế ư!Tình cha mẹ thương con như biển rộng, sông dài mênh mông vô cùng tận. Trong cơn mê sảng điên rồ, cuồng dại, chàng trai chợt tỉnh ra, rụng rời tay chân, nói chẳng nên lời, bất giác nghẹn ngào, quỳ xuống ôm chầm lấy cha mẹ mà van xin tha tội chết, ăn năn,sám hối lỗi lầm, mong cha mẹ thứ tha. Sau đó, anhđưa cha mẹ về nhà trở lại và hết lòng thờ kính, hiếu dưỡng, rồi đuổi cô vợ đi. Vợ anh hồn vía lên mây, quỳ lạy trối chết mong anh tha thứ cho một lần để ở lại nuôi con và nuôi dưỡng mẹ cha. Với lòng hỷ xả, anh cũng xin mẹ cha tha thứ cho cô con dâu tàn nhẫn.

Do lòng tham con người không bến bờ nhất định nên lúc nào cũng ích kỷ, nhỏ nhoi, nên nghĩ cha mẹ già là gánh nặng của gia đình, thêm phần tốn kém mà chẳng lợi ích gì. Ít ai nghĩ mình từ đâu ra, nếu không có cha mẹ nuôi nấng, bảo bọc thì làm sao ta sống đến giờ này, để được nhà cao cửa rộng, vợ đẹp, con ngoan.

Thế mới biết:

Vì tình chăn gối đậm đà,
Quên đi ân nghĩa mẹ cha thuở nào.
Chỉ vì không biết tu trì,
Nên đành bất hiếu cũng vì ái ân.

Cái tình đầu ấp tay gối giữa vợ chồng với nhau lúc nào cũng đầm ấm, mặn nồng hơn, nên đôi lúc nó lướt qua tình cha mẹ. Trên đời này không có gì yêu thương tha thiết bằng ái tình. Người ta đành lòng bỏ hết tất cả để đi theo tiếng gọi của tình yêu và sẵn sàng làm những điều tàn ác, dã man nhất mà một con người bình thường không dám làm để bảo vệ tình yêu,như trường hợp trong câu chuyện trên. Người con trai đành đoạn, nhẫn tâm, mất hết tính người chỉ vì con tim réo gọi. Đau lòng, chua xót, ngậm ngùi, đắng cay, may mà chàng trai ấy còn có chút lương tâm ăn năn, sám hối kịp thời.

Không thì,
Tội này chồng chất cao thành núi,
Biết đến chừng nào mới trả xong.
Công cha nghĩa mẹ sinh thành
Trời cao biển rộng cũng không sánh bằng.

Mặc dù đã ăn năn, hối hận, tận tâm hiếu dưỡng, nhưng cha mẹ già sức yếu, lại bị đánh đập, nên một thời gian ngắn hai ông bà cũng hóa ra người thiên cổ. Chàng trai đó vì ác nghiệp quá nặng nề nên nhiều kiếp về sau bị đọa đày, chịu khổ trong địa ngục. Cũng từ nhân duyên này chàng mới phát nguyện lớn, “đời đời, kiếp kiếp lúc nào cũng hiếu dưỡng với cha mẹ”.

Vào thời Phật tại thế, chàng trai đó chính là ngài Mục Kiền Liên xuất gia tu theo Phật và chứng quả A La Hán, có thần thông đệ nhất bên Tăng đoàn. Vì thương mẹ hiện tiền không biết quý kính Tam bảo, hay làm những điều xấu ác hại đến nhiều người, xan tham, bỏn sẻn, keo kiệt, ích kỷ, chết rồi không biết thác sanh về đâu, ngài dùng thần thông đi tìm mẹ mới biết mẹ mình bị đọa lạc trong loài ngạ quỷ, tức quỷ đói, chịu khổ sở vô cùng.Thương mẹ đói khát khổ sở, thân thể tiều tuỵ, ngài trở về trần gian xin được bát cơm liền tức tốc dùng thần lực để dâng cho mẹ ăn. Bà ta đói khát đã nhiều ngày nên khi thấy cơm liền một tay che lại vì sợ các quỷ đói khác thấy xin, còn một tay vội bốc ăn; nhưng nghiệt ngã thay,cơm hóa thành lửa ăn không được làm bà đau khổ vô cùng. Mục Kiền Liên thấy mẹ như vậy nên động lòng thương xót, ngài vận dụng thần thông để giúp mẹ được no đủ nhưng vô hiệu quả, vì nghiệp ác của bà quá nặng. Ngài bèn trở về nhờ Phật ra tay cứu độ.

Phật dạy, “mẹ ông khi còn sống tham lam, bỏn sẻn, tâm địa ác độc, nên sau khi chết bị đọa làm quỷ đói. Một mình ông không đủ sức để cứu mẹ mà phải nhờ công đức tu hành thanh tịnh của chư Thánh Tăng trong mùa an cư kiết hạ, may thay mới cứu được mẹ ông”. Tôn giả Mục Kiền Liên mới thực hiện theo lời Phật dạy, ngài làm lễ cúng dường Trai Tăng, nhờ vậy mẹ Ngài thoát được kiếp quỷ đói mà sanh về cảnh giới an lành. Tuy nhiên, do ác nghiệp quá khứ còn xót lại, khoảng cuối đời ngài bị một số người ác tâm dùng gậy đánh chết.Một số thầy Tỳ kheo mới thắc mắc hỏi Phậttại sao ngài Mục Kiền Liên không dùng thần thông để thoát chết. Phật dạy, “thần thông không chuyển được nghiệp lực”. Bình thường, tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông biến hóa vô song qua lại trong các cõi trời, người như trở bàn tay. Đến khi nghiệp đến, Ngài không dùng thần thông được nữa, nên đành phải chịu chết để trả nghiệp quá khứ còn xót lại.

Như chúng ta đã biết, thần thông chỉ là diệu dụng khi mình còn sống. Chúng ta có thể thi thố thần thông,dời núi lấp biển hoặc cầu mưa gió; nhưng khi nghiệp báo đến, thần thông vẫn bất lực trước quả xấu ác của chính mình. Nếu thần thông mạnh hơn nghiệp báo thì thế giới này không ai sống được, người ta sẽ đua nhau luyện thần thông để làm bá chủ thiên hạ.Như vậy, ta có thần thông để làm gì? Bởi do quá khứ nhiều đời, ngài Mục Kiền Liên từng làm nghề đánh bắt cá tàn hại loài vật nhiều quá, và có một kiếp ngài bất hiếu, tàn nhẫn với cha mẹ vì vợ con, nên dù kiếp hiện tại ngài có tu hành chứng quả nhưng vẫn phải trả ác nghiệp khi xưa còn xót lại.

Câu chuyện trên là một bài học nhân quả công bằng không thiên vị một ai. Ai siêng năng, tinh tấn tu hành thì chứng quả giải thoát. Ai gieo tạo ác nghiệp thì đến hồi đủ duyên phải trả quả xấu. Nhưng người tu trả quả khác với người đời là khi quả xấu đến vẫn an nhiên, tự tại, không oán hận, thù hằn người hại,ngược lại còn luôn mở rộng lòng từ-bi-hỷ-xả, sẵn sàng bao dung, tha thứ và độ lượng, nên nhân quả xấu kể từ đây chấm dứt, không còn tác động, chi phối nữa.Còn chúng ta khi gặp quả xấu thì oán giận, thù hằn, đổ thừa tại-bị-thì-là mà không biết tất cả đều do mình tạo lấy, có khi làm cho nhân quả xấu trở thành lớn mạnh thêm. Song, người Phật tử thời bây giờ vẫn thích thần thông hơn, nghe ở đâu có linh ứng liền tranh nhau đi đến đảnh lễ, cầu xin đủ thứ. Vì thói quen của con người thích hiếu kỳ và ưa điều mầu nhiệm, huyền bí và thích cầu khẩn, van xin hơn tu tập; do đódễ bị người gạt gẫm, dụ dỗ, cuối cùng rơi vào mê tín dị đoan không làm chủ được bản thân mà làm những điều tà vạy.

Câu chuyện của tôn giả Mục Kiền Liên là một bài học quý giá cho cuộc đời, nhằm giúp chúng ta có thêm một nhận thức sáng suốt về công cha, nghĩa mẹ. Đành rằng ai lớn lên cũng phải có vợ, có chồng để xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp cho xã hội, nhưng nếu không có cha mẹ thì làm sao ta có thân này; và theo quy luật nhân quả tương duyên trong đạo làm người, việc thờ kính, hiếu dưỡng cha mẹ là một lẽ đương nhiên, vì nó nói lên tinh thần biết ơn và đền ơn. Ta biết hiếu thảo với cha mẹ, biết đền ơn,đáp nghĩa thì sau này con cháu ta cũng sẽ biết hiếu thảo và nó sẽ trở thành một truyền thống tốt đẹp là đạo lý uống nước nhớ nguồn, để nhắc nhở mọi người chúng ta ai cũng phải biết như thế là đạo lý chân chính trong cuộc đời làm người.

TAMTHUC