Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
bua-ngai-kieng-ky-va-ma-qui-tren-dat-lao Bùa ngải , Kiêng Kỵ và Ma Quỉ trên đất Lào
Tuesday, 09/04/2013 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Phần 1 : Bùa Ngãi
Chưa một chính thể nào hợp pháp hóa Khoóng-đì (bùa ngải) và khoóng-hặc-sá (vật phòng thân), nhưng không vì thế mà hai môn nầy bị giảm giá trị đối với dân Lào – tất cả, bất luận bộ tộc và giai tầng xã hội. Hầu như không người Lào nào không giữ một vài món bửu bối phòng thân tục gọi Khoóng-hặc-sá cũng như không ai ở Lào mà không từng nghe nói tới Khoóng-đì, còn được gọi là Vicha Akhom (vi-sa a-khôm).

Khoóng-hặc-sá là gì ? 

– Khoóng-hặc-sá hay Vật Phòng Thân là tên gọi chung cho các lọai Kà-thá (bửu bối) do các sư Lào làm ra với mục đích duy nhất và đầy thiện ý là giúp các tín hữu trong việc phòng thân, tự vệ ; hòan tòan không thể dùng Khoóng-hặc-sá để tấn công hay làm hại người khác.

Kà-thá có nhiều hình dạng khác nhau:

A. Một miếng vải màu vàng nghệ có ghi vài bí ngữ và ẩn số hay vẽ hình kỷ hà khó hiểu.

B. Một miếng đồng vuông vắn độ 5 x 5 phân tây có khắc vài bí ngữ và ẩn số được cuốn tròn lại, dùng một sợi dây xuyên qua để đeo ở cổ.

C. Một tượng Phật bằng đá đen, rồi tùy hòan cảnh tài chánh của mỗi tín hữu, tượng Phật có thể được viền hay mạ bằng vàng y.

D. Mạc Phảo Tà Điều (miếng vỏ dừa một mắt).

E. Khẹo Mú Tành (nanh heo rừng), Kháu Quang Hốt (một khúc sừng nai) hay Phrả Khăm Tằn (tượng Phật đúc bằng vàng ta nguyên khối).

Dạng A, B và C thường đã được các sư hệ tiểu thừa sụt môn (làm phép) sẵn, tín hữu chỉ việc vô chùa thỉnh. Dạng D và E tín hữu phải mang đền chùa nhờ sư làm lễ sụt đặc biệt.

Hai loại Kà-thá phổ cập nhất mà người Lào nào cũng có đeo trên người, đó là Ka-thá kằn phí hải (bửu bối ngừa ma dữ, đặc biệt ma Kong-koi, sẽ nói sau), và Kà-thá khắt lượt (bửu bối cầm máu) những vết thương nhỏ ngoài da.

Điều kiện giữ gìn loại Kà-thá này là phải kh’lăm (kiêng cử) không được chui lòn qua dây hay hàng rào có phơi quần áo ; nếu là đàn ông, trước khi gần đàn bà phải cởi ra đặt lên chỗ cao ; lỡ vô ý phạm giới, Kà-thá chỉ mất hiệu lực chứ không gây ” tẩu hoả nhập ma ” như các Khoóng-đì hay vi-sa a-khôm dưới đây.

Khoóng-đì là gì ? 

– Khoóng-đì theo nghĩa đen là Đồ Tốt nhưng theo nghĩa bóng và cứu cánh của nó thì không thể hiểu theo nghĩa chính của từ Hán-Việt ” bửu bối ” mà phải tạm dùng từ ” bùa ngải ” vì mục đích của Khoóng-đì chủ yếu là để tấn công, gây hại ; hoạ hoằn mới để phòng thân. Các sư bình thường không bao giờ làm ra Khoóng-đì. Tác giả của Khoóng-đì thường là các Mó-phí (thầy trị tà ma, pháp sư, phù thủy), vì như từ điển Lào đã định nghĩa, Mó-phí là người trừ phí (ma quỉ) (1), người nuôi phí (liểng phí). Nói rõ là bất cứ Mó-phí nào cũng phải nuôi ít nhất một con Phí. Đó là điều hiển nhiên. Nếu không, Mó-phí chỉ còn là Mó, mà Mó bình thường ( chảng hạn Mó dà = thầy lang) thì làm sao trừ được phí ? Tóm lại, khi một Mó-phí đuổi được con phí X ra khỏi thân thể của một thân chủ, chúng ta phải hiểu là chính con Phí CỦA – chứ không phải trong – Mó-phí đã thắng con Phí X trong người nạn nhân.

Khoóng-đì thì trăm hình nghìn thứ, sự tò mò của tôi chỉ giới hạn ở một vài loại qua các ” vũ khí ” đã từng được chứng kiến hay nghe nói tới như Sái Nắng (da trâu, da bò), Lệp Mã (móng ngựa) … và Lục Loọt (thai nhi).

* Sái Nắng (miếng da trâu hay da bò) là vũ khí mà Khôn Thứ Khoóng-đì ( người giữ bùa hay ngải) dùng để ám hại kẻ thù bằng cách ” thư ” vào bụng đối tượng. Gặp nước trong bụng, miếng da trâu hay da bò sẽ càng ngày chương sình lên và nếu không kíp mời Mó-phí cao tay ấn đến lấy ra, nạn nhân sẽ đau bụng đến chết.

* Lệp Mã là một miếng móng ngựa được mài nhỏ lại mà người giữ món ngải tên Vạn Mã (ngải ngựa) cất hay đeo trong người. Nghe nói công dụng của Vạn Mã là để tự vệ, phòng thân nhưng theo chỗ tôi biết thì có thêm phần tấn công nữa. Soạn giả có người bạn tên T., bà con đồn chàng có Vạn Mã : T. đang tản bộ giữa đường mà có người đi đến gần sau lưng và làm chàng giật mình thì tức khắc và tự động một trong hai chân của T. sẽ đá ra sau gần gần như … ngựa ! Dĩ nhiên là bạn tôi chỉ đá một chân thôi, chứ nó mà đá cùng lúc hai chân y chang ngựa thì, trước khi chân nó đụng tới lông chân ” kẻ thù ”, bản thân nó đã không dập mặt thì cũng ‘ ăn trầu ‘. Thứ vạn nầy thật đúng sách binh pháp Tôn Ngô : Tiên hạ thủ vi cường ( tấn công trước là phương thức tự vệ hữu hiệu nhất) ! Giáng sinh 1995, nhân dịp về Lào lần thứ 2, luôn tiện đón Mẹ già qua Pháp thăm gia đình các anh chị và cháu chắt nội ngoại, tôi có gặp lại bạn T. nhiều lần bên bàn rượu tại Savannakhet. Bạn bè kể cho nghe lắm chuyện ly kỳ sóng gió về cuộc đời của T. sau cuộc đổi đời tại Lào 02/12/1975, trong đó có chuyện T. bị kẻ thù bỏ vô bao bố còn dằn thêm mấy khối đá, cột lại và vất xuống sông, thế mà hắn thoát được. Đặc biệt, chính bạn T. thuật lại cho soạn giả trường hợp hắn đã bị người Khạ trong vùng Parsoong – Attapư, Nam Lào, ” thư ngải ” ra sao ; sau hắn đã được cha nuôi của hắn, cũng là người Khạ, giải cứu như thế nào, nghe ra rùng rợn hơn cả tiểu thuyết kinh dị đường rừng của Lan Khai.

* Môn Khôông là phép gồng với công dụng gậy đập không đau, dao đâm không vào, đạn bắn không thủng. Muốn luyện Môn Khôông, trước tiên môn sinh phải thuộc hạng liều mạng, lì đặc để có thể kinh qua nhiều thử thách gian nan, đôi khi nguy hiểm đến tánh mạng, hơn nữa phải đặt niềm tin tuyệt đối vào A-chan (sư phụ) trong suốt học trình và giữ nhiều kh’lăm sau khi thành tài. Quyết định luyện Môn Khôông là quyết định của quyết tử quân : Bất thành bất phục hồi, nếu không, môn sinh phải chịu phản ứng ngược, nhẹ thì đâm ra u u mê mê, nặng thì trở thành Phí-pọp (ma lai) !

Còn một loại ngải gồng có tên là Sa Bou Lượt (xà phòng máu) tức loại ngải dùng máu người đánh thành bánh, thành miếng như miếng xà phòng. Khi hữu sự, chẳng hạn ở chiến trường, người giữ Sa Bou Lượt chỉ việc bẻ một miếng nhỏ, nuốt vô bụng thì sẽ không còn sợ bom đạn nữa !

Có một giai thoại về Môn Khôông kể rằng:

” Một người Lào tên Khăm kết bạn tâm giao với một người Việt tên Đức. Ngày nọ, Khăm đang ngồi mài và lau chùi con dao săn cưng quí của anh thì Đức tới chơi, ngồi xuống bên cạnh coi bạn làm việc. Vốn tính tinh nghịch, Khăm đưa dao lên chỉa thẳng vào người Đức. Đức hoảng hồn đưa hai tay lên trời, kêu lên:

– Không ! Không ! Không !

Khăm lại hiểu thành ” Khôông ! Khôông ! Khôông ! ”, mật chú để tác động phép gồng, nên chắc mẩm ông bạn hiền muốn thử, không nói không rằng Khăm lụi nhẹ con dao quí vào ngực Đức, chẳng may con dao bén quá, lọt lút cán ! Đức chết ngay tại chỗ. Khăm rú lên khóc, lẩm bẩm:

– Rõ ràng nó nói: Khôông, khôông, khôông kia mà ! ”

* Phít Sa Lịc (bùa tránh đạn) là loại bùa được các tướng lãnh Lào ngoài trận mạc sử dụng nhiều. Phít Sa Lịc có thật sự có hiệu nghiệm hay không, thú thật người viết chỉ được nghe nói tới nhiều chứ chưa từng chứng kiến. Dư luận đồn vài tướng tá người Lào có giữ Phít Sa Lịc như quí ông Nouane D., Luoane D., Kong L. …

* Môn Hái Tùa (bùa tàng hình) còn có tên là Lục Loọt, người Việt gọi là Thiên Linh Cái. Đây là loại bùa mà sự tạo tác đòi hỏi nhiều quyết tâm và dã tánh đến mức phi nhân. Lục Loọt có nghĩa là thai nhi. Khi người vợ đang có mang một hai tháng, người chồng có chủ ý muốn luyện Lục Lọot sẽ xin vợ đứa con còn là thai nhi trong bụng vợ. Nếu người vợ đồng ý hoặc vô tình đồng ý, ông ta sẽ dùng mọi cách để lấy thai nhi ra, đôi khi phải hy sinh cả mạng vợ, trường hợp nầy theo truyền thuyết thai nhi phải được lấy ra trước khi người mẹ tắt thở.

Được thai nhi rồi người cha đem hơ nó trên lửa cho khô và teo lại đủ để bỏ vào trong một cái lọt (ống) và đeo vào người, khi hữu sự thai nhi sẽ bảo vệ cha bằng cách làm cho cha tàng hình được !

Dĩ nhiên khi dùng con ruột của mình để làm bùa tàng hình người cha phải giữ nhiều giới cấm, chẳng hạn trong mọi trường hợp không được cưới vợ khác và vĩnh viễn ưu tiên thương quí, cưng chiều thai nhi nhất trong gia đình, vì hồn thai nhi luôn luôn ở bên cạnh cha.

Ở Lào hẳn ai cũng từng nghe qua giai thoại về ông hoàng Boun Oum Nachampassak, vua vương triều Champassak, Nam Lào, trước 02/12/1975. Giai thoại kể rằng, dưới thời Pháp thuộc, ông Boun Oum liên minh với Pháp chống Phát Xít Nhật và trong một cuộc bố ráp, hiến binh Nhật bao vây và muốn bắt sống ông Boun Oum, thế nhưng bỗng dưng ông biến mất, an toàn trở về bản doanh kháng chiến. Người ta bảo ông Boun Oum có bùa Lục Loọt.

* Môn Suột Nảm là bùa lặn dưới nước mà không cần thở. Có hai giai thoại về loại bùa ầy:

1. Ông Conti là một thú y người Pháp, thời thực dân ông có mở phòng thí nghiệm chế thuốc trị bệnh dịch tả bò tại bản Chinamô, cách thủ đô Vientiane độ 6 cây số miệt thượng lưu sông Cửu Long. Một sáng nọ, ông Conti đã lặn từ bản Kao Liểu, cách Vientiane 9 cây số hướng hạ lưu sông Cửu Long, và chỉ trồi lên khi đến Chinamô !

2. Ông hoàng Phetsarath là anh cùng cha khác mẹ của hai hoàng thân nổi tiếng trên thế giới một thời là ông Souvanna Phouma, cựu thủ tướng Vương Quốc Lào trước 02/12/1975 và ông Souphanouvong, cựu chủ tịch nhà nước CHDCND Lào sau 02/12/1975. Thời làm phó vương triều Vientiane, dinh thự của ông hoàng Phetsarath tọa lạc ven sông Cửu Long. Mỗi sáng tinh sương ông có thú ra tắm sông, dưới sự bảo vệ của đội hộ vệ. Sáng nào ông muốn hoàn toàn tự do, ông lặn hàng nửa ngày dưới nước mà không cần trồi lên lầy hơi. Có lẽ đã quen gặp trường hợp nầy và hơn nữa hẳn đã được dặn trước nên đội hộ vệ cứ ” xừ xừ ” (thản nhiên) ngồi … đánh bài chờ !

* Đã đọc truyện Thủy Hử của Thi Nại Am hẳn bạn chưa quên Thiên Hành Thái Bảo Đái Tôn, nhân vật có tài đi một ngày ngàn dặm nhờ vào đôi giáp mã đeo hai bên đùi và mấy câu thần chú ? Nhớ hay quên, tích nầy cũng đã trải qua hơn ngàn năm, từ thời Nam Tống bên Tàu.

Bên Lào có giai thoại ” thiên hành ” tương tự nhưng cận đại và nhân vật chính bằng xương bằng thịt là đại sư Lắc Khăm. Giai thoại kể:

Bấy giờ thế giới chưa có máy bay phản lực và Lào chưa có phi trường. Một sáng nọ, lúc bảy giờ, từ Vientiane đại sư Lắc Khăm đi dự một buổi Bin-tha-bạt (khất thực) tận Bangkok rồi quay trở lại Vientiane để kịp dự một buổi Chẹc-hán (bữa cơm sáng giữa các chư tăng) vào lúc chín (9) giờ sáng cùng hôm đó. Vị chi đại sư đã khứ-hồi trên 1.300 cây số trong 2 giờ đồng hồ. Đại sư chạy hay bay ? Bí mật quốc gia !

Bùa Yêu

Lạm bàn về chuyện bùa ngải trên xứ Vạn Voi mà không nhắc tới Sà-nế (bùa yêu) thì quả vô cùng thiếu sót. Có điều, bùa yêu có hình dạng ra sao, được chế biến thế nào, thú thật bản thân tác giả xin chịu dốt không biết. Tôi lay quay mãi trong bế tắc, chẳng lẽ bài nầy lại chấm hết ngang xương thế nầy ? Lục lọi hết tủ sách khá đồ sộ, mong sao tìm ra được một cái gì đó hầu giảm thiểu cái dốt về loại bùa yêu. Chịu. Sách vở tiền nhân đã không giúp tôi, thôi đành nặn óc tưởng tượng ra mẫu chuyện dưới đây, với một câu hỏi ở cuối bài dành cho bạn đọc :

« Nhân vật nam: Gốc người Hà Đông, Bắc Việt, vô Sàigòn làm ăn song thất bại mới đưa bồ đoàn thê tử qua Lào kiếm sống trong thập niên 50, thế kỷ trước, bỏ hai người con trai lớn lại cho bà nội tại Hà Nội. Trước khi tị nạn qua Pháp tháng 5 năm 1975, nhân vật nam tạm gọi là ông Tân Kim, đã có 12 người con, 8 trai 4 gái, chia cho 3 bà nuôi dưỡng. Nay, tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. 9 cô cậu lớn là do bà cả, cô thứ 10 là do bà hai hiện ở bên Mỹ, hai cậu sau do bà ba, vai chính trong câu chuyện bùa yêu (Sà-nế).»

« Nhân vật nữ tức bà ba: Đẹp người hay chữ lại khéo xã giao. Ngán cảnh một mái hai thuyền, bà bèn đem hai người con còn nhỏ dại, một trai một gái, lánh duyên qua Lào ở với gia đình bà mẹ rất giàu có. Bà nhập tịch Lào, tạm đặt tên là Mệc-Khiếu.»

« Bà Mệc-Khiếu dính vào ông Tân Kim năm 1965, trong khi bấy giờ ông Tân Kim đã chính thức có thêm bà hai là bà Kảo-Nạ, được một mụn gái tức cô thứ 10. Dĩ nhiên khi chuyện nổ ra, gia đình quyến thuộc bà Mệc-Khiếu kịch liệt ngăn chống, nhất là cụ bà thân mẫu vì, hơn ai hết, cụ quá rõ mảnh bằng kỹ sư đào mõ của ông Tân Kim. Đấy là chưa kể tới thái độ dấm chua của bà cả Sa-Nga và bà hai Kảo-Nạ. Thế nhưng, bà Mệc-Khiếu vẫn ” xừ xừ ” tiến từng bước một theo tiếng gọi của con tim : 1/ Viết thư xin ông chồng ở VN vui lòng cho bà được làm vợ ba của ông Tân Kim. 2/ Bỏ tiền và vàng ra mua sự ra đi của bà hai Kảo-Nạ.»

« Cứ trông dáng cách lù khù, mặt mày bệ rạc với cặp mắt cá ươn và tánh khí bần tiện của ông Tân Kim, thành thật mà nói, chẳng ai có thể hiểu được sự say đắm của bà Mệc-Khiếu.»

« Kẻ khôn ranh ăn chùng trong bếp thường khéo lau mép. Người ăn vụng tình, trái lại thường bị cái kết quả nó chửi cha sự kín đáo ! Đó là trường hợp của ông Tân Kim. Cô con gái thứ 10 của ông với bà hai Kảo-Nạ, cậu con trai thứ 11 với bà ba Mệc-Khiếu : Sao chúng nó giống đau, giống đớn ông Tân Kim đến thế ! Thật là con ” tố cha ” ! »

« Trò đời thường khắt khe với kẻ bị lừa hơn là đối với kẻ lừa đảo. Người đàn bà hảo ngọt trong một phút nhẹ dạ nghe lời đường mật của phường họ Sở thường gánh chịu hậu quả một mình. Họ đáng thương hơn đáng bỉ. Người đàn ông họ Sở, ta cứ xem như một con chó đái bậy ! »

« Tháng 5/1975, ông Tân Kim đem hết bồ đoàn thê tử 12 người qua Pháp và vẫn tiếp tục lối sống ” một thuyền hai bến “. Vì vấn đề nhập Pháp tịch ông Tân Kim phải bỏ bà cả trên mặt pháp lý Tây. Ở bến bà cả, ông Tân Kim chẳng khác gì thằng phụ lái thuyền nan. Qua bến bà ba, nay là bà hai, ông Tân Kim là ngài đô đốc chiến hạm. Do đó mỗi tuần ông chỉ về bến bà cả một lần. Xảo thuật phụ của ông là rù rì chuyện bà cả cho bà nhỏ nghe và ngược lại, đương nhiên. Còn món quà nào thích thú, ý vị hơn cho cả hai kẻ bị lừa ! »

« Qua Pháp được hơn một năm ông Tân Kim manh tâm gạ cô con gái riêng của bà Mệc-Khiếu, 19 tuổi, cho ông bóp vú để ngực nó to hơn ! Cô con gái không chịu, cự lại nhưng ” vì thương mẹ “, giữ kín ý đồ thương luân bại lý của ông bố ghẻ suốt 18 năm trời. »

« Bà Mệc-Khiếu có cô cháu nội 11 tuổi, bị ông Tân Kim ( năm đó đã ngoài 70 ) táng tận lương tâm dụ dỗ… ròng rả non 3 năm trời mà không ai hay. Cho đến khi nó khai thật với cha mẹ nó, mọi người mới ngả ngữa ra. Và bấy giờ cô con gái 19 tuổi của 18 năm xưa mới kể lại trường hợp của cô ! »

« Thế nghĩa là thế nào ? Nghĩa là ông Tân Kim muốn ” gồm thâu thiên hạ “: Vừa làm chồng bà Mệc-Khiếu, vừa muốn làm rể và làm cháu rể của vợ lẻ mình ! »

« Chưa hết, dụ dỗ cháu nội riêng của vợ nhỏ xong, ông Tân Kim manh tâm khiêu khích đến cô con dâu trưởng của bà Mệc-Khiếu, tức là mẹ ruột đứa bé gái nói trên, bằng cách khi có dịp, mở phim con heo trước mặt cô nầy. Ông đi nước cờ : Biết đâu cá chẳng cắn câu ! »

« Cả cái đất P. ai không biết ông Tân Kim là nhà vô địch coi phim XXX và là tín đồ cực đoan của thuốc cường dương. Coi phim và dùng thuốc là chuyện của ông, nhưng để rồi phát cuồng, phát uế lên đạo nghĩa gia đình lại là chuyện khác. Cứ tưởng tượng hoạt cảnh một ông già ngoài 70, chăm chú, mằn mò lui cui hàng giờ hóa trang cuộn phim con heo trong hộp phó-mát La Vache Qui Rit ( Con Bò Cười ) rồi nhờ cậu con trai nhỏ đưa lậu về Sàigòn cho người con trai thứ hai, để tự bồi dưỡng hay hầu khai thác thị trường ? Cậu con trai nhỏ không ngờ ruột hộp phó-mát lại là ruột heo. Rõ ràng là ông Tân Kim bán đứng thằng con nhỏ để nuôi thằng con lớn. Hoạt cảnh nầy, con bò có cười nỗi không ? »

« Cuộc đời ông chỉ băn khoăn có ba chuyện : Ăn ngon, mặc đẹp và đàn bà. Hơn một lần giữa bàn họp, ông Tân Kim đã thẳng thừng tuyên bố : Đối với ông, cứ giống cái là đàn bà tất, kể cả ba cô con gái lớn của ông với bà cả và cô thứ 10 với bà Kảo-Nạ. Ở bên Tây, thời buổi văn minh, ông không cần luân thường đạo lý, ông bảo vậy ( dù rằng ông thường xuyên lên chùa lạy hương linh bà vãi đẻ ra ông ) ! A Di Đà Phật ! »

« Chuyện đã đến nước nầy mà bà Mệc-Khiếu vẫn một mực tìm mọi cách để bao che cho đấng ông chồng ” yêu “. Hơn nữa, không hiểu bà nghĩ gì trong thời gian đoạn lòng hạ bút viết nguyên một cuốn vở học trò 96 trang để hài tội ông chồng trước, đã qua đời tại VN từ năm 1972, ý hẵn ông Tân Kim vẫn chưa đến nỗi nào chăng ? Ôi mĩa mai là mỗi năm đến ngày giỗ kỵ của ông, lễ bộ vẫn đầy đủ. Ôi oái ăm là đừa bé gái kia, nay đã trưởng thành, khi giáp mặt ông Tân Kim, vẫn phải gọi kẻ hại nó bằng ( thằng ) ông … nội ! Có người giải thích chữ ” ông ” dùng gọi ông Tân Kim là dịch từ chữ Monsieur, tiếng Pháp. Thế còn chữ ” Bác ” mà người dịch chữ ” ông ” dành gọi ông Tân Kim, ta dịch ra sao ? Ngụy biện đến thế là cùng. »

« Đực mặt làm thinh là vũ khí ruột của ông Tân Kim, cụ thể nhất là khi ông bị vạch bộ mặt bất Nghĩa, bất Trung, bất Hiếu, bất Thảo, bất Hiền, bất Lương… Ông Tân Kim chống chế cho có lệ, khoán trắng cho bà Mệc-Khiếu tả xông, hữu đột giữa đám con cái mà bà cho là đang xử án đấng chồng ” yêu ” của bà. »

« Sự múa may quay cuồng quái lạ của bà Mệc-Khiếu, cũng như sự im lặng cam chịu của các con cái bà, dù muốn dù không, đã đưa suy tưởng của những ai biết chuyện đến vực thẳm không tưởng. »

« Toà án nào gay gắt hơn toà án của chính lương tâm mình ? Oan trái nào bằng oán trái trong tâm linh ? Từ là nạn nhân bị phản bội đau khổ nhất, bà Mệc-Khiếu múa may quay cuồng để trở thành đồng loã khi tiếp tục dung dưỡng tội phạm. Hy sinh tất cả cho ” tình yêu “, hy sinh tất cả cho con … tim là quyền tự do tuyệt đối của mỗi người. Song, nhẫn tâm nhìn con cháu của riêng mình phải gánh chịu sự hy sinh trớ trêu, oan trái là điều phải xét lại bằng lương tri, nếu còn. Không ai, ngoài cá nhân bà, có thể giải quyết nghịch cảnh nẩy. »

Bà Mệc-Khiếu bị Sà-Nế ( bùa yêu ) của ông Tân Kim, giả hay thật, điều nầy không ai biết trừ ông ta. Bí ẩn nào đã đưa họ đến nông nỗi nầy ? Ông Tân Kim đã dựa vào bí thuật nào để có thể an nhiên dày xéo lên cả ba đời nhà người ta ?

Phần 2 : Kiêng Kỵ và Ma Quỉ trên đất Lào

Tác giả Hàn Lệ Nhân

Mỗi người sống lâu năm trên đất Lào dù muốn dù không đều giấu trong tâm linh cùng lúc hai hai niềm tin. Một niềm tin có định nghĩa thoát tục, xa vời : Tôn giáo. Một niềm tin với định nghĩa trần thế, hiện tiền : Dị đoan, mê tín hay tín ngưỡng dân gian. Trên lý thuyết hai niềm tin nầy đã được phân ranh rõ ràng, với hai nội dung, hai hình thức và hai cứu cánh khác nhau. Qua dị đoan, mê tín người Lào cầu tìm hạnh phúc và sức khoẻ, sự an toàn và sự bảo bọc trước mắt và tức khắc cho mỗi cá nhân và cho cộng đồng ; còn qua tôn giáo ( Phật giáo tiểu thừa nói riêng ), ngoài cứu cánh nói trên, họ cầu một giải pháp tạm thời cho các hệ lụy tâm linh trong đời sống hiện tại tức hiện sinh hay hư sinh đồng thời dự phóng một sinh lộ siêu thời gian, ngoài kiếp người tức siêu sinh hay niết bàn. Trên thực tế tại đất nước Lào, hai niềm tin nầy sinh hoạt bổ túc hài hoà, cởi mở tự nhiên trong tâm linh 6 triệu con người, đến nổi chính họ, trong đời sống hàng ngày hay trong các dịp lễ lạc, hầu như không còn băn khoăn bóc tách giữa niềm tin tôn giáo ( thứ Phụt = thờ Phật ) hay niềm tin dị đoan ( thứ Phí = thờ Ma ). Có thể khẳng định mà không sợ lầm lẫn rằng hai niềm tin nầy trên đất Lào có một mối tương quan kỳ lạ tạo nên một cấu trúc tín ngưỡng đặc thù cho đại thể dân tộc Lào (1). Các dịp lễ có tính cách dị đoan như Bun Bang Phay ( Hội pháo thăng thiên, lễ cầu mưa ), Bun Suồng Hưa ( Hội nước, lễ đua thuyền ) … vẫn được tập họp, tổ chức trong chùa ; đa số các vị chủ lễ các nghi lễ chính thức về Phí ( thần, ma …) đều thuộc thành phần phật tử thuần thành : Trước 1975, vua Lào vừa là người bảo vệ giềng mối quốc giáo là Phật Giáo Lào ( Theravada = tiểu thừa hay nguyên thủy ) vừa là người trách nhiệm mọi tế tự đối với các Phí hộ trì cho vương triều ; trong chùa vẫn hiện diện các hình thức mang ý nghĩa mê tín ; các biểu tượng Phật giáo và các biểu tượng về Phí vẫn được trình bày, nhang khói trong cùng một hang động được cho là Sắc-sít ( thiêng liêng ) … Do đó, khi bàn về tín ngưỡng của dân tộc Lào thì khó phân định được lằn ranh giữa niềm tin tôn giáo và niềm tin dị đoan, nói rõ là giữa Phật giáo Lào và thế giới thần linh hay Linh Hồn giáo. Khó phân định được lằn ranh không có nghĩa là có sự hỗn độn trong tín ngưỡng của dân tộc Lào mà, theo thiển ý, hiện tượng nầy hàm ý thức tránh trạng thái độc tôn trong tín ngưỡng, hơn nữa phản ánh thật rõ nét nếp sống và tập quán cũng như vũ trụ quan của họ. Nhưng chủ đích của bài nầy, như tựa đề đã nêu, là hạn chế trong vài tục kiêng cữ ( Kh’lăm ) và Phí ( thần, ma, quỉ ) trên đất Lào – bất kể xuất xứ hay du nhập từ đâu – vốn là niềm tin mà trào lưu tiến hoá khoa học cơ giới cho là dị đoan, mê tín hay niềm tin sai lạc với thiên nhiên, cho nên trong bài nầy Phật giáo Lào và cả Linh Hồn giáo ( đa thần giáo ) chỉ được nhắc tới khi thật cần thiết. Đề tài về hai tín ngưỡng nầy sẽ được triển khai trong một bài riêng.

Rất nhiều tục kiêng cữ, cấm kỵ ở Việt Nam đã theo bước các bậc trưởng thượng người Việt di cư qua đất Lào từ những năm 1930, 1945 và cho tới ngày nay ảnh hưởng vẫn nguyên vẹn như ở quê nhà. Tóm lại, trong mỗi người Việt – theo bất cứ chính giáo nào – sinh sống tại Lào nói riêng đều giấu thêm trong hồn, ít nhất, một tín ngưỡng như đã nói trên trong tinh thần ” nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục ” với hai danh xưng khác nhau :

1. Tục cấm kỵ, kiêng cữ mang theo từ quê cha đất tổ.
2. Tục kh’lăm của dân tộc bản địa.

1. Vài tục cấm kỵ, kiêng cữ VN trên đất Lào 

Đầu năm mới :

– Người Việt nói chung đều cẩn trọng trong mọi sinh hoạt vì sợ bị ” giông “.
– Kiêng sự gây gổ, gắt gỏng e gây gổ nhăn nhó suốt năm.
– Kiêng quét nhà sợ tiền tài tẩu thoát theo … rác hoặc cả năm làm ăn khó khăn, ít lợi.
– Kiêng nói tục, chửi thề vì sợ nói tục, chửi thề quanh năm.
– Trước đêm 30 Tết, con nợ phải lo trả nợ trong năm cho hết, còn không phải đi trốn chủ nợ đến giờ giao thừa mới dám trở về nhà vì sợ bị người đòi nợ cả năm. Phần chủ nợ tối 30 Tết phải làm mọi cách để đòi cho hết nợ vì sợ phải đi réo nợ trọn năm. Ca dao có câu ” giàu có ba mươi Tết mới hay ” là vậy.
– Kiêng ăn mặc y phục màu trắng vì màu trắng là màu tang tóc. Đầu năm mặc màu trắng, dùng chữ Chết cho là điềm gở.

Vài tục cấm kỵ, kiêng cữ khác : 

– Kiêng gả chồng cho hai con gái liền vì sợ đứa nầy giành hết lộc của đứa kia.
– Người có đại tang tránh đi ăn cưới, e gây điềm xúi quẩy, không may cho cô dâu và chú rể.
– Kiêng không cho đàn bà có mang ở nơi khác tới sanh trong nhà mình vì tin rằng Tử lành, Sanh dữ.
– Cha mẹ kiêng không theo đưa con gái về nhà chồng.
– Kiêng không để người chết ở lộ thiên vì tin rằng chỉ người vô phúc, bất đắc kỳ tử mới chết lộ thiên. Trường hợp ướp và trưng bày xác, người còn chút lương tri đều cho là chuyện quái đản, hao tài tốn của thậm vô duyên, phỉ nhổ phong tục tập quán của tổ tiên.
– Khi quàng xác kiêng để cho chó mèo nhảy qua e người chết sống lại và thành quỉ nhập tràng.
– Kiêng dùng vật dụng của người chết để lại.
– Đánh bạc kiêng bị người khác vịn vai, kiêng ăn đầu vịt, cơm khê, kiêng đàn bà chửa ngồi cạnh … e thua.
– Đi chùa kiêng ăn thịt chó.
– Kiêng dùng đồ ăn cắp dâng lễ và không được ăn cắp đồ lễ trước khi cúng (điểm nầy phải hỏi lại các đàn anh trong nhóm Mélia tại SV thuở trước).
– Kiêng cho trẻ con ăn trứng lộn, ăn cơm cháy … sợ trẻ con học ngu. ( toàn thứ khoái khẩu cả ).
– Kiêng cho trẻ con ăn chân gà sợ chúng viết run tay ! ! !
– v.v…

2. Tục Kh’lăm của dân tộc Lào 

Kh’lăm dịch nguyên nghĩa ra tiếng việt là Kiêng kỵ.
Từ ngữ kh’lăm đối với dân tộc Lào mang một ý nghĩa sâu rộng đến nổi chưa một người Lào nào dám tự nhận mình thông suốt, cũng như xưa và nay không một người Lào nào, gồm cả những người cộng sản Lào, dám phủ nhận kh’lăm. Những tục kh’lăm – vốn chỉ được khẩu truyền trong gia tộc, làng bản – thường biến thiên theo không và thời gian : Một sự kiện kh’lăm ở Bắc Lào có thể không kh’lăm ở Nam Lào ; điều kh’lăm hôm qua không còn giá trị hôm nay, điều kh’lăm hôm nay có thể khác hẳn điều kh’lăm ngày mai. Tuy nhiên ta có thể hiểu kh’lăm là một hình thức tự vệ, một sự kiêng kỵ được truyền thừa lại bằng kinh nghiệm và nhân bản bao hàm lợi ích cho chính mỗi cá nhân ; một sự hạn chế tự nguyện trong chính các tự do của mỗi người đối với những hậu quả không hay trong đa số những việc làm và cách hành xử của mình. Không một hình luật Lào nào cấm người bản xứ và ngoại kiều quan sát, nhận định, phê bình kh’lăm cũng như không có hình phạt chế tài cho sự vi phạm tức không tôn trọng kh’lăm, trừ trường hợp sự ” không kh’lăm ” làm tổn hại đến vật chất, tài sản công và tư nói chung thì đã có luật pháp.

Do đâu người Lào kiêng kỵ điều nầy, cấm cản điều kia như thế ?

– Sao hôm nay bác không làm việc ?
– Kh’lăm !
– Tại sao tôi không thể vô làng ?
– Kh’lăm !
– Mời thím ăn thử món nầy.
– Cám ơn, kh’lăm…
– Chị có thể cho tôi cầm xem món đồ kia không ?
– Không được, kh’lăm !
– Anh dùng dầu gì mà tóc anh mướt đẹp thế, cho tôi sờ tí được không ?
– Không, kh’lăm …

Kh’lăm ! Kh’lăm ! Cái gì cũng kh’lăm ! Bạn sẽ nổi nóng khi gặp cảnh huống nầy, nhưng sự thật là vậy đó. Giữa người Lào với nhau hoặc giữa người Lào và ngoại kiều sinh sống lâu năm trên đất Lào thì đó là chuyện thường, đôi khi họ còn chọc ghẹo nhau trong niềm thông cảm như sau :

” Kh’lăm ? Pạc pàu khen ! Khá lăm “.

( dịch nghĩa: ” Kiêng kỵ ? Mồm thổi khèn ! Chân múa “. Khá tiếng Lào có nghĩa là Chân, lăm có nghĩa là Hò nhưng ở đây lại ngụ ý là Múa ). Nói rõ hơn đây là cách chơi chữ bằng cách đọc trại chữ kh’lăm ( một chữ, phải đọc nhanh âm kh’ / khă ) thành khá-lăm ( kéo dài âm kh’ ra thành chữ Khá rồi đọc chữ Lăm ).

– Khi đi qua một làng ( bản ) Lào mà bạn thấy nơi cổng vào làng có một sợi dây kết bằng bông vải giăng ngang hoặc một ký vật, một ký hiệu đặc biệt, tục gọi Tà-léo – tùy địa phương – thì phải hiểu là dân trong làng nầy cấm ( kh’lăm )người lạ vào làng. Thường là vì trong làng đang có trường hợp bệnh lạ hay người chết một cách khó hiểu có thể gây sự truyền nhiễm ; hoặc hôm đó nhằm một ngày kh’lăm của làng.

– Khi một người Lào từ chối không ăn một thức ăn nào đó có nghĩa người ấy đã theo lời khuyên của Mó-dà ( thầy lang ) hầu giữ gìn sức khoẻ cho bản thân hoặc món ăn đó thuộc giới cấm của bửu bối phòng thân trên người họ.

– Một ngày kh’lăm có thể là một ngày nghỉ ngơi không làm việc, hoặc nhằm một văn-sính ( ngày rằm ).

– Khi một người Lào không bằng lòng cho bạn sờ mó một đồ vật của họ, có thể vì món đồ đó là một vật hiếm dễ khơi lòng tham, cũng có thể vì một lý do rất giản dị là đối với người ấy vật kia mang một giá trị tinh thần đặc biệt hoặc món đồ đã được sư sụt môn ( làm phép ) nên không muốn ai khác cầm tới.

– Sờ hay vỗ đầu một người Lào (đặc biệt đàn ông ) không những là một kh’lăm mà còn là một sự xúc phạm nặng nề, có thể dẫn tới chuyện ấu đả, đổ máu. 

Vài tục kh’lăm khác 

– Kiêng hớt tóc, cạo râu ban đêm.
– Kiêng hớt tóc ngày thứ tư vì là ngày Đức Phật thí phát xuất gia, và kiêng gội đầu ngày thứ năm.
– Kiêng bò bốn chân trong rừng e cọp đến.
– Khi lấy xôi trong típ ( giỏ đựng xôi ) phải nhớ đậy nắp lại.
– Luôn luôn chừa lại ít nhất một vắt xôi trong típ, gọi là khoắn típ ( khoắn = viá hay hồn ).
– Kiêng cán một nắm xôi ( lớn ) mà phải dùng một tay cầm nắm xôi, tay kia ngắt ra từng vắt nhỏ và mỗi lần ăn bỏ trọn vào miệng.
– Kiêng nằm ăn uống e biến thành rắn.
– Học trò không được ngồi chỗ cao hơn thầy cô.
– Thần dân không được ngồi chỗ cao hơn ông hoàng, bà chúa ( nay là chủ tịch, thủ tướng … )
– Phật tử không được ngồI cao hơn tăng ni.
– Vợ không được ngồi chỗ cao hơn chồng.
– Vợ chồng không nằm chung giường trong ngày sinh nhật của một trong hai người.
– Vợ phải đi ngủ sau chồng, thức dậy trước chồng.
– Con cái không được ngồi chỗ cao hơn cha mẹ.
– Khi ngủ không được hướng đầu về phía cửa ra vào.
– Không được mang người chết vào nhà, dù là thân bằng quyến thuộc.
– Không giã cối trống.
– Đàn ông không chui qua dây có phơi quần áo đàn bà.
– …

Ngoài những điều kh’lăm thông thường trên, trong tâm linh người Lào còn điều quan trọng khác, đó là niềm tin vào Phí ( thần, ma, quỉ ).

Phí trên đất Lào 

Người ngoại quốc nói chung, người Việt nói riêng, thường hiểu và dịch một cách đơn giản chữ Phí thành ma quỉ. Ý nghĩa chữ Phí không đơn giản như vậy. Phí theo quan niệm Lào gồm nhiều nghĩa : là yêu ma, quỉ quái, thần thánh, tà tiên, âm binh, âm tướng, oan hồn,uổng tử … và nhiều thứ khác gom lại. Tín ngưỡng dân gian Lào, theo soạn giả, chia thế giới thần linh làm ba cấp :

1. Thiên Sứ như Thén Phra Khun, Thén Tèng, Thén Lổ, Nang Thorani …Thén nghĩa là Trời.

2. Địa Sứ gồm các Phí Hặc Sá như Phí Mương, Phí Bản, Phí Hươn … là các thần tổ tiên hộ trì thôn bản, dân cư, gia tộc.

3. Nhân Sứ gồm các Phí Haài như Phí Pọp, Phí Kong Koi … là các ma quỉ, yêu quái biến thái từ con người trần tục.

Tín ngưỡng dân gian nầy thường được gộp chung vào danh xưng Linh Hồn Giáo.

Giáo Hội Phật Giáo Lào ( PGL ) không chính thức công nhận Linh Hồn Giáo Lào( LHGL ) như một tôn giáo vì LHGL không có thánh địa, không có giáo chủ, không có giáo lý, giáo luật cố định trên giấy trắng mực đen ; không đề ra một cứu cánh tối thượng hay chân lý sau cùng như PGL , song như đã nói trên, cho tới nay, 2005, LHGL vẫn cọng tồn song hành trong tương dung, hài hoà với tín ngưỡng PGL hệ tiểu thừa vốn là quốc giáo của người Lào từ nhiều thế kỷ, nhưng mãi đến khi giành lại được nền độc lập từ thực dân Pháp và qua bản hiến pháp ngày 11 tháng 5 năm 1947, được tu chính trong tháng 3 năm 1965, PGL mới đưọc hợp hiến thành quốc giáo. Phải chăng sự tương dung, tương kính nầy là hạt nhân hiếm quí mà kết quả cụ thể không thể phủ nhận là sự khác biệt giữa con người Lào và con người ở các quốc gia lân cận mỗi khi có khúc rẻ nghiệt ngả trên con đường Lịch Sử mang danh cách mạng.

Phật Giáo Lào – như ở mọi nơi khác – trên phương diện thế tục, tập trung và xuất phát từ chùa và tăng già, biểu tượng tôn kính duy nhất là Đức Phật dưới nhiều hình tướng khác nhau. LHG nói chung thường được thể hiện trong các thôn làng, rải rác theo các hình thức ước lệ như Hó ( miếu ), Thạt ( tháp ), Phu ( núi ), Pà ( rừng ) hoặc Hín Nhày (Tảng Đá ), Tổn Mảy ( gốc cây ) … và Mó Phí , Mó Phon ( phù thủy, ông đạo, pháp sư, bà đồng…) độc lập.

Ma quỉ trên đất lào 

Tác giả Hàn Lệ Nhân 

Khi bạn hỏi một người Lào : ” Ma là gì, có thật hay không ( Phí mèn nhắng, mi thẻ lứ bò ? ” . Họ sẽ thành thật trả lời : ” Cũng không biết nữa ( kà bò chắc léo ) hay chằng-và là nơ ( thì thế ). Câu trà lời thứ nhì có ngụ ý Có và Không, tức bạn muốn hiểu sao thì hiểu hay nếu muốn, tùy hoàn cảnh để mà hiểu. Khi bạn hỏi họ đã từng thấy ma ( phí ) chưa mà họ có vẻ hốt hoảng trả lời bạn bằng mấy tiếng ” hoày ( oái ) ” hay ” dzồ ( ồ ) ” thì bạn nên tế nhị, lịch sự ngừng ngay việc đặt câu hỏi. Mấy tiếng ” hoày “, ” dzồ ” là một cách biểu lộ sự … kh’lăm của họ !

Họ không thể hoặc không muốn giải thích cho bạn nhưng tựu trung Phí đối với họ là tất cả hay không là gì hết ; hoặc bất cứ một đồ vật, một hình tướng nào cũng có thể tiềm ẩn một linh hồn, một loại Phí với một tên gọi riêng biệt :

Nhận Diện Các Phí 

1. Phí Koong Koi (Ma Koong Koi) 

Phí Koong Koi : Ma cô độc, ma rừng núi … thích ăn ruột, gan, lòng thú và … người sống.
Phí Koong Koi thường xuất hiện ở miệt Trường Sơn biên giới Lào-Việt dưới dạng một người (đàn ông hay đàn bà ) thấp nhỏ, cao độ 1 thước 20 phân, tóc hung hung đỏ, đi chân không. Phí Koong Koi có hai bàn chân khác thường, ngược chiều : Gót ở phía trước, các ngón chân ở phía sau ! Tên Koong Koi là một nghĩ-thanh-từ ( onomatopée ) vì theo những người sinh sống trong rừng sâu kể lại, vào khoảng 3, 4 giờ sáng Phí Koong Koi thường kêu lên ” koong koi, koong koi “, đó là tín hiệu Phí Koong Koi ngưng cuộc săn mồi hàng ngày và sửa soạn trở về sào huyệt. Nhưng sau mấy tiếng ” koong koi, koong koi ” lại đệm thêm tiếng ” koóc ” ngắn gọn thì phải coi chừng, đó lại là tín hiệu cho biết Phí Koong Koi đã chụp được một con mồi ( người ). Khi nghe tiếng kêu ” koong koi, koong koi ” người ta dạy là tuyệt đối không được ngủ và phải đốt lửa lên thành ngọn. Mó Koong Koi là thầy phù thủy chuyên môn săn bắt Phí Koong Koi.

2. Phí Pọp (Ma lai) 

Phí Pọp là loại ma thâm trầm độc ác, người Việt gọi Phí nầy là Ma Lai hay Ma Chài. Có hai loại Phí Pọp :

A. Pọp Môn ( pọp phép ) : xuất xứ từ những người bình thường như mọi người bình thường khác nhưng, một buổi đẹp trời được ” khải thị ” sao đó bèn ôm mộng có quyền phép siêu nhân, tình nguyện giữ giới để tu luyện bùa ngải ( khoóng đì ) như phép gồng ( môn khôông ), phép lặn lâu ( môn suột nảm )…v.v…(1) rồi vì không chuyên hay không kiêng cữ ( không kh’lăm ), phạm giới này nọ bùa ngải mới tác quái biến họ thành Phí Pọp. Trường hợp bị dị ứng nầy có thể so sánh với trường hợp bị tẩu hoả nhập ma của các nhân vật võ hiệp của Kim Dung, của Ngoạ Long Sinh, của Cổ Long … khi họ bất cẩn trong thời gian luyện tuyệt chiêu kiếm pháp hay bí kíp thất truyền.

B. Pọp Sưửa (pọp gia truyền ) : khi người cha Phí Pọp chết đi, Phí Pọp trong xác ông có thể xuất ra, rồi tìm nhập vào một người con hay một người trong quyến thuộc.

Đặc điểm của Phí Pọp được di lưu như sau :

– Dáng cách lừ đừ, mắt đỏ ngầu lại láo liên thường trực, hay nhìn xuống đất không dám nhìn thẳng vào mặt người đối diện vì, theo truyền thuyết, trong hai tròng mắt của họ có hình hai chú khỉ tí hon lộn ngược !

– Phí Pọp khoái ” vô ” đàn bà, trẻ con để … rút ruột.

3. Phí Phôông 

Phí Phôông : Ma thích ăn thịt sống.

Hầu như người Lào nào cũng sợ Phí Phôông. Tại sao ? Có gì đâu, từ thuở còn nằm ngửa trong nôi trẻ con Lào đã ” được ” mẹ hiền đem hai tiếng Phí Phôông ra làm ngáo ộp, mỗi khi chúng mè nheo, mít ướt : Nín đi con, không thì Phí Phôông đến đấy ! Phí Phôông thích hút nước mắt trẻ con lắm đấy !

Cũng như Phí Pọp, Phí Phôông là loại ma ẩn thân trong một người chơi bủa ngải nhưng phạm giới. Khi lên cơn, nó có hai luồng lân quang thò ra thụt vào từ hai lỗ mủi, khi tắt khi tỏ trong đêm tối. Phí Phôông không khoái nước mắt mà chỉ khoái những thức tanh hôi, dơ dáy, đồ thừa thiu thối và cả các ếch nhái chẩu chàng… nên đêm khuya nó đi lùng kiếm ăn ở các thùng rác, các ao tù và nhất là hay vô các làng bị bỏ hoang, do đó mới có câu thành ngữ :

” bản hảng dà vè, sáo kè dà chả ”

nghĩa là :

” Làng hoang đừng ghé, gái già đừng ve “.

Đến khi chết đi, ” hồn ” Phí Phôông langthang tìm kiếm một chỗ ” trú thân ” khác. Nếu có một người nào đó chẳng may bị chết dữ mà Phí Phôông biết được, ” hồn ” nó sẽ nhập vào hồn kẻ xấu số, tức khắc hai hồn nhập một đó sẽ tự động biến thành Phí Phai. Do đó, khi một người có Phí Phôông trong thân chết đi người ta gom tất cả các bùa ngải của đương sự mang tới giao cho các sư trong chùa để các vị nầy làm phép giải, phép yếm.

Khắc tinh của Phí Phôông là Mó Phôông.

4. Phí Phai 

Phí Phai : Loại ma thích hút máu tươi, một thứ ma cà rồng nhưng hiện hình dưới dạng gà hay chim đêm lông trắng, vỗ cánh bay lượn dưới chân những ai hay thơ thẩn một mình ở các nơi vắng vẻ hay ở các nhà xác.

Khi Phí Phai chết đi sẽ biến thành Xáng tức loại ma ghê gớm, hung ác hơn cả cọp, nói một cách khác, Xáng là loại ma ở cấp hai tức Ma của Ma. Nhưng theo truyền thuyết, Ma Xáng không còn lai vảng gần chúng sinh nữa, may thay ! Thành ngữ Lào có câu :

” Phí Xáng haải phôộc chọp kin ván
Bò thò khôn hau lón loọc kin kăn thẻ “.

Nghĩa là :

” Ma Xáng hung ác lại rình ăn ngọt
Đâu bằng con người lọc lừa để ăn nhau thật ”

Thầy phù thủy trị Phí Phai tục gọi là Mó Phai.

5. Phí Nha Vay 

Đây hẳn là một loại Ma đã tuyệt giống, các tự điển Lào chính thức nói chung vắng mặt tên Phí Nha Vay, mà quí vị Mó Phí dày kinh nghiệm cũng không biết tới, dù đã cố công truy tìm trong các tài liệu nghiên cứu về nhiều loại Phí soạn bằng văn tự cổ sơ. Ông Serc Voravongsa miêu tả Phí Nha Vay như sau :

” Phí Nha Vay hiện thân dưới dạng một con vượn bạch tạng, mặt lọ khổng lồ, di chuyển từ cành cây nầy qua cành cây khác bằng tứ chi dài ngoằng. Bạn lỡ gặp Phí Nha Vay điều cần tránh là đừng bao giờ ngó thẳng vào mắt nó vì nó cho đó là sự trêu chọc, khiêu khích ; dù có súng tốt cũng đừng manh tâm bắn nó, chỉ tổ làm nó điên tiết, tàn nhẫn hơn. Có một cách để giết Phí Nha Vay là dùng Ngua-tha-nu ( bùa ngải hình bò mộng ) phóng vào đầu nó. Nhưng sau khi chết nó sẽ biến thành gì ?” Đố bạn đọc đấy.

6. Phí Phệt 

Phí Phệt là loại Ma duy nhất được Phật giáo Lào công nhận như một hiện hữu chính thức, cho đó là các vong linh của những kẻ lúc sinh thời tạo nhiều nghiệp dữ ( kằm haải ), gây nhiều tội ác ( hệt bạp ), nên sau khi chết hồn không được siêu thoát mà phải vất vưỡng trầm luân để trả nghiệp ( sảy kằm ), đền tội ( sảy bạp ). Phí Phệt thường hiện hình dưới nhiều loại bóng khác nhau, kỳ dị và dễ sợ nhưng không dọa người, không ác độc. Hàng năm vào 14 hạ tuần tháng 9 Lào (tháng 8 d.l.) người Lào tổ chức bun ” Hò Khậu Pă Đắp Đinh ” và ngày trăng tròn tháng 10 Lào ( tháng 9 d.l.) thì tổ chức bun ” Hò Khậu Sà Lặc ” tức hai ngày lễ chính thức dành cho người quá cố, dĩ nhiên Phí Phệt cũng có phần ; tương tự mỗi rằm tháng 7 tức lễ Vu Lan người mình tổ chức lễ xá tội vong nhân, lễ thí thực cô hồn, lễ phóng sinh, lễ cầu siêu cho oan hồn uổng tử chóng được siêu thoát, tái sinh…

Đối với Phật giáo Lào mọi Phí đèu là Phệt tức mọi thứ Ma đều có thể tái sinh làm người rồi sau cùng thành Phật. Còn người Lào – Phật tử hay không – thì phân loại rõ ràng : Có loại ma hiền lành, tốt bụng ; có loại ma hung dữ, ác độc. Loại ma hung dữ ác độc ( phí chày haải )thì xin miễn dài dòng. Loại ma lương thiện, tốt bụng ( phí chày đì hay thevada, tạm dịch là Thần) gồm bất luận phí hộ trì nào bảo vệ ruộng nương, thôn làng cho họ hoặc phí nào hoan hỷ đáp lại nào cầu xin, nào nguyện vọng của họ như tiền của, may mắn, đỗ đạt, danh vọng, trường thọ … ; số đề, số lô-tô, v.v… Dĩ nhiên, khi cầu xin thân chủ không quên hứa khả với Phí chày đì là nếu được – một phần – như ý họ sẽ làm bun ( lễ ) thật long trọng trong chùa, hồi hướng công đức ; trường hợp là Phí Phệt thì có thể sớm đi đầu thai. (1)

7. Phí Mương 

Phí Mương là Phí chày đì ( ma lương thiện ) có nhiệm vụ bảo vệ cho cả tỉnh ( mương ) và các vùng phụ cận. Phí Mương không có mẫu hình tượng và miếu thờ ( Hó ) nhất định mà tùy sự diễn đạt của từng địa phương. Phí Mương tại cố đô LuangPrabang được thờ cúng trong 12 ngôi Hó, vì dăn ở đây tin rằng Phí Mương có phép biến hoá thành nhiều vị, đứng đầu là các Thê Va Đa Luống ( Thevada = thần thánh, luống = lớn ) gồm hai vị tổ tiên của dân tộc Lào tục gọi Pu Nho Nhà Nhơ, tương tự Âu Cơ và Lạc Long Quân bên ta, sau đó là các vị vua ( chẩu si-vít = chủ sinh linh ) sùng tín tín ngưỡng nầy.

Thời quân chủ Lào ( trước 1975 ), tại cố đô LuangPrabang song song với Phí Mương còn có Lắc Mương ( cột trụ trấn tỉnh ). Có ba huyền thoại về Lắc Mương được kể lại như sau :

A. Một ngày kia, nhân xuống tắm dưới sông Nam Khan ( chi lưu sông Mékong, LuangPrabang ), một lão bà bắt gặp một thân cây đàn hương màu đỏ, do linh cảm bà biết đây là một thánh vật bèn vớt lên và đem trồng. Khi mọi người vừa đào xong hố để trồng thánh vật thì một thiếu nữ trong làng, cũng do linh cảm muốn kết duyên với vị thần mới nầy, nhảy xuống để được chôn theo chồng hầu chia sẻ nhiệm vụ bảo vệ số phận của tỉnh.

B. Lắc Mương là một trong bốn cột trụ do hai vị ẩn sĩ cắm xuống đất để phân ranh lập kinh đô trong tương lai ( LuangPrabang ).

C. Năm 1563, để tránh sự dòm ngó của Miến Điện, vua Setthathirat quyết định chọn Vientiane làm kinh đô mới – kinh đô cũ là LuangPrabang – cho Vương Quốc Lản Xảng, tên cũ của nước Lào. Trong khi vua và quần thần đang sửa soạn để trồng cây Lắc Muơng thì có một thiếu phụ tên Sáo Sí đang mang thai, do linh cảm hay được khải thị sao đó, nhảy xuống theo và hiển linh thành thần hộ trì của kinh đô Vientiane. Ngày nay tại Vientiane vẫn còn dấu tích, đó là phường Sí Mương ( Sí Mương = Tỉnh của bà Sí ), Vặt Sí Mương ( chùa trong tỉnh của bà Sí ) và Hó Mè Sí Mương ( miếu thờ Mẹ Sí ).

8. Phí Bản 

Phí Bản còn được gọi là Phí Hặc Sá Bản ( Ma hay thần bảo vệ thôn làng ) hay Phí Hặc Bản ( Ma hay thần yêu thôn làng ). Phí Bản có một đặc tánh rõ nét, chính xác hơn Phí Mương vì thôn làng ở Lào thường có lối sinh hoạt tự trị, giữ vững bản sắc của mình, ít bị chi phối bởi trung ương. vai trò của Phí Bản là bảo vệ đất thôn đất làng, đồng thời bảo đảm sự thịnh vượng vật chất cho dan thôn, dân làng, sức khoẻ và sự trường tồn của con người và gia cầm. Chỗ thờ phượng Phí Bản thường là một cái miếu nhỏ bằng gỗ tục gọi là Hó Phí Bản nằm trên một lùm cây ven làng. Người Việt gọi Phí nầy là Thành Hoàng hoặc Định Phúc Thần.

9. Phí Khun Vặt 

Hầu như mỗi chùa Lào đều có một Phí Khun Vặt ( thần chùa ) tức vị hộ pháp bảo vệ chùa mà biểu tượng dĩ nhiên là Đức Phật. Hó Phí Khun Vặt là một bàn thờ nhỏ thường do một người thế tục chăm nom việc nhang khói, cúng đơm. Chùa Việt nhiều nơi có thờ hai tượng hộ pháp là ông Khuyến Thiện và ông Trừng ác hoặc Tam Châu Hộ Pháp tức Vi Đà Thiên tướng quân, một vị thiên tướng tuân sắc chỉ của nhà Phật hộ trì Phật-Pháp trong ba châu : Đông châu, Tây châu và Nam châu.

10. Phí Hươn 

Phí Hươn ( Thần hay ma nhà ) có nhiệm vụ cai quản và bảo vệ gia quyến, nhà cửa cho tín chủ, có tầm quan trọng ngang với Phí Bản. Có thể nói Phí Hươn là một loại Phí hợp thể giữa Phí Bản ( thổ công ), Lắc Mương ( cột trụ trấn tỉnh ) và Phí Pù Tà ( vong linh các tổ tiên ) của gia chủ. Hó an vị Phí Hươn thường được đặt ngay cửa chính trong nhà hoặc cạnh cầu thanh lên nhà sàn. Người Lào tin rằng nhờ Phí Hươn mà các Phí Haải ( ma ác ) không xâm nhập quấy phá, làm hại những người trong nhà. Do đó khách đến viếng và ngủ lại nhà người Lào phải làm lễ xin phép Phí Hươn, đặc biệt chú rể mới, trước khi chính thức về nhà cha mẹ vợ, phải nhớ mang lễ vật tới cúng Phí Hươn.

Việt nam có câu ” đất có thổ công, sông có hà bá “. Thổ công Việt, Phí Hươn Lào đều là đệ nhất gia chi chủ của bên nầy hay bên kia núi Trường Sơn.

Còn Tiếp
Ký tới : Cuộc đấu phép giữa Ma Lai và thầy phù thủy 

Chú thích
(1) Bên Pháp, chính phủ đứng chủ cái rất nhiều trò chơi cờ bạc, ví dụ Loto là lối chơi mà người chơi chọn 7 trên 49 số, từ 1 đến 49. Chỉ cần 6 số trúng cũng đã đủ lãnh lô độc đắc đôi khi lên tới 2,3 chục triệu Euros, nhưng để viết bài nầy, chính tôi đã chứng kiến một buổi hầu đồng tại vùng phụ cận Đông Paris, có tín chủ người Lào rất thành khẩn xin Khun Phò ( cha, một vị ma thiện ) giáng khẩu cho đủ 7 số trúng ! Chắc ăn mà.

Cuộc đấu phép giữa Ma Lai và thầy phù thủy 

Tác giả Hàn Lệ Nhân

Theo lẽ còn một số thiên sứ mang hình ảnh Ấn Phật mà người Lào rất sùng kính như Phra In ( Thượng Đế ), Phí Thén, Phí Phrả ( Trời ), Nang Thorani ( nữ thần đất ), Thén Tẻng hay Pissanoukan ( thần mỹ thuật ), Thén Lổ ( thần chủ trì việc hợp nhất và tổ chức nhân quần ) v.v… và có thể lạm bàn liên miên về vô số Phí thuần Lào khác trên đất Lào như Phí Đôồng ( ma đồng ), Phí Pà ( ma rừng ), Phí phửm ( ma núi ), Phí Pủ tà ( tổ tiên, ông bà ), Phí Phò ( cha ), Phí Mè ( mẹ ) … song thiển nghĩ như trên cũng tạm đủ để hiểu sơ về Phí, nhất là tạm đủ để hình dung tiềm năng tưởng tượng dồi dào của người Lào trong quá trình tạo ra thế giới Phí của riêng họ, trên đất nước họ, trong cuộc sống và lẽ sống của chính họ mà xét ra còn thật hơn thế giới – nghe nói và chỉ mới nghe nói sẽ đồ sộ huy hoàng – mà một nhúm người đã và đang tàn tâm, tàn lực mộng mơ. Dân số Lào quá ít lại quá đôn hậu để có thể thử thách lâu hơn nữa trong việc tạo dựng thế giới đồ sộ huy hoàng viễn mơ nầy. Cũng như ở hải ngoại, chuyện bán đất trên trời trong cộng đồng tị nạn đã đi trước cơ quan NASA của Hoa Kỳ những hai, ba mươi năm nay. Đa số rao giá cả là tùy hỉ, tùy tâm. Bán đất trên trời để ganh đua phóng lao tạo dựng những cơ ngơi nghênh ngang dưới đất vốn chính họ cho là cõi ta bà cát bụi, huyễn mộng, hư không … :

Thằng Tây là kẻ có thừa,
Dù cho ngần ấy vẫn chưa thấm gì.
Chúng sinh là kẻ mê si,
Quẳng đi cái có khổ vì cái không.
( nhái Nguyễn Chí Thiện )

Thời điểm tổ chức nghi lễ cúng Phí 

Thời điểm tổ chức các nghi lễ cúng bái các Phí nói chung thường tùy địa phương và tùy hoàn cảnh đặc biệt. Đơn cữ Bun Xuồng Hưa ( lễ đua thuyền ) : Ở cố đô LuangPrabang lễ nầy được tổ chức hai lần vào tháng 7 – 8 và tháng 10-11 d.l., trong khi tại Vientiane và Champassak lễ nầy được tổ chức mỗi năm một lần nhằm tháng 10 d.l., và dĩ nhiên nghi thức tổ chức của ba cựu vương triều nầy đều có nhiều dị biệt.

Trên phương diện quốc gia, thời điểm quan trọng nhất trong năm để hành lễ hồi hướng các Phí hộ pháp được gọi là Tháng Phí, uyển chuyển giữa tháng 5 và tháng 6 d.l., cọng thêm các buổi lễ thường niên được phối hợp chặt chẻ với các lễ Phật giáo, chẳng hạn Bun Pimay ( Tết Lào ), Bun Phr’ Vệt hay Bun MahaSaạt ( ngày Đức Phật qui thăng nhập Niết Bàn ) ; Bun Băng Fay ( lễ cầu mưa ) ; Bun Oọc Vặt Sá ( Oọc = ra khỏi, Vassa theo tiếng Phạn = mưa, oọc vặt sá = ra khỏi mùa mưa và cũng có nghĩa là hết mùa cấm phòng của tăng ni ) ; Bun Xuồng Hưa ( lễ đua thuyền ) ; Bun Thạt Luống ( Hội Chợ That Luang ) …

Các vị chủ lễ 

Theo chỗ biết của tôi, danh từ Mó trong Lào ngữ có hai nghĩa, với hai giá trị khác nhau, tùy hoàn cảnh mà ứng dụng. Theo nghĩa thông thường, từ Mó là một tiếp-đầu-ngữ ( préfixe ) để chỉ sự khéo léo, chuyên môn trong một nghành nghề, chẳng hạn :

Mó Khen = Người biết thổi Khèn.
Mó Khoam = Người sinh nhai bằng lời nói = luật sư, trạng sư.
Mó Lăm = Người chuyên ngâm, hò thơ văn dân gian, xuất khẩu thành câu, thành cú.
Mó Sói = Người hay nói diễu, chọc cười thiên hạ.
….
Mó Dà = Thầy lang, thầy thuốc.
Mó Đù = Thầy bói.
Mó Môn = Thầy bùa, thầy ngải.
Mó Phí = Thầy trừ Ma, Thầy nuôi ma ; phù thủy, pháp sư.
Mó Phon = Người rành nghi thức cúng bái trong các buổi lễ su-khoắn (1) hay trong các buổi lễ cầu đảo.
Mó Thiêm , Nang Thiêm hay Mè Thiêm = Người lên đồng : Đồng cô, dồng cậu.
….

nhưng khi ta nói Mó nỉ, Mó nẳn thì nghĩa lại khác, trường hợp nầy Mó là biệt từ để chỉ định ngôi thứ ba, vừa đdàn ông vừa đàn bà, chẳng hạn :

Mó nỉ = Anh nầy, cậu nầyn chị nầy, cô nầy.
Mó nẳn = Anh kia, cậu kia, chị kia, cô kia.
Ì mó nỉ = cái cô nàng nầy, cái con nầy.
Bặc mó nẳn = cái anh chàng kia, cái thằng kia.
v.v…

Mười vị Phí mà chúng ta đã lạm bàn, vị số 1 đến vị số 5 thuộc loại Phí haải tức Phí ác ; vị thứ 6 là Phí phi thiện, phi ác ; 4 vị sau cùng thuộc loại Phí Chày Đì nghĩa là Phí lương thiện, cũng có thể gọi là Phí Hộ Trì. Đối với các Phí Ác thì có các Mó như Mó Koong Koi để trị Phí Koong Koi, Mó Phệt để trị Phí Phệt, v.v… Còn đối với các Phí Hộ Trì cũng có các loại Mó, song mục đích của họ là chủ lễ các buổi cúng bái, cầu nguyện thể hiện lòng tin lên các Phí Hộ Trì : Mó Mương lo việc cúng bái cho Phí Mương, đôi khi phải trực tiếp hay gián tiếp làm trung gian qua ngả Thiêm ( lên đồng ) giữa Phí Mương và dân trong Mương. Mó Bản lo việc Phí Bản… nhưng, vì trong một Mương, một Bản nhiều khi có đến mấy Mó cùng nghề thành thử các phù thậu, phù kè ( Hội đồng bô lão ) trong Mương, trong Bản mới chọn lựa ra một Mó dày kinh nghiệm, cao tay nhất và là phật tử thuần thành, bầu lên làm Mó trách nhiệm, gọi là Chảo Cham. Chảo Cham hay Cham có trách nhiệm đại diện cho cả Mương hay cả Bản mỗi khi có cuộc tế tự chính thức long trọng ( tháng phí chẳng hạn ) hoặc gặp những trường hợp khó khăn, trục trặc mà các Mó non tay ấn giải quyết không xuôi, Chảo Cham mới can thiệp làm trung gian như đã nói trên.

Các Mó lên đồng tục gọi là Nang Thiêm ( đồng cô ), Mè Thiêm ( đồng bà ) – miệt Nam Lào gọi là Mè Lăm – Mó Thiêm ( đồng cậu, đồng ông ). Đặc điểm của họ là lên đồng thì không cần nói ta cũng hiểu là họ có cách để tiếp xúc với giới vô hình tức các Phí nói chung. Quan hệ giữa họ và Chảo Cham thường thay đổi tùy địa phương. Ở miền Nam Lào, Mè Lăm nào tiếp xúc nhiều với các Phí Hộ Trì như Phí Mương, Phí Bản được sắp hàng đầu, Chảo Cham là trung gian giữa Mè hay Mó Thiêm và tín hữu. Tại đồng bằng Vientiane, Mè Thiêm là phụ tá của Chảo Cham.

Có ba trường hợp để trở thành Mó Phí, Mó Phon … nói chung :

1. Tự nhiên mà thành, ta gọi là ” bẩm sinh “.
2. Theo thầy tu luyện
3. Sau một biến cố quan trọng như trường hợp dưới đây.

Một cảnh so tài giữa Phí Pọp và Mó Phí 

Người Lào dùng động từ Khậu ( vô ) để chỉ tình trạng một người bị Phí chiếu cố ( Phí khậu ). nạn nhân của Phí Pọp thường là trẻ em, người đang dưỡng bệnh, đàn bà con gái mới trả xong món nợ hàng tháng … Nhưng xét cho cùng vấn đề giống đực, giống cái cũng như chuyện đẹp, xấu của đối tượng không phải là tiêu chuẩn hàng đầu để Phí Pọp ” vô “, điểm quan trọng tối hậu c