Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
co-dung-la-doi-cha-an-man-doi-con-khat-nuoc-hay-khong Có đúng là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” hay không?
Sunday, 18/10/2015 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Tháng 12 năm 2004, một cơn động đất dữ dội kéo theo những ngọn sóng thần khủng khiếp đã tàn phá không biết bao nhà cửa và giết chết khoảng hai trăm (200) ngàn người dọc theo bờ biển các nước Thái Lan, Nam Dương và Tích Lan.

Ngoài vô số người chết và bị thương, thiệt hại về tài sản và hoa màu cũng không phải nhỏ; và cho đến giờ này các nước vẫn còn đang tái thiết những thiệt hại của 10 năm về trước. Chưa hết, mùa thu năm 2005, cơn bão Katrina đã tàn phá nhiều thành phố dọc theo vịnh Mễ Tây Cơ của Hoa Kỳ và chính cơn bão nầy cũng giết chết và làm bị thương rất nhiều người mà cho đến ngày nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa thể tái thiết trở lại. Trước những tai họa chung đó, nhà Phật gọi chúng là cộng nghiệp.

Ngày nay, chúng ta thấy nghiệp lực hiển hiện rất thực tế và cụ thể. Trong nhà Phật gọi là nghiệp chiêu cảm. Nghĩa là, người thích cờ bạc thì chỉ muốn giao du với người chơi cờ bạc, còn kẻ ham rượu chè thì lân cận ăn chơi với người uống rượu. Người thích đi chùa tụng kinh niệm Phật thì kết bạn với người đi chùa tụng kinh niệm Phật. Như vậy, sự hình thành của cộng nghiệp là do nghiệp chiêu cảm, đưa đẩy con người thân cận, kết bạn với nhau. Còn biệt nghiệp khiến chúng ta có dáng mạo, tánh tình, năng khiếu và trí tuệ khác nhau. Nói chung, biệt nghiệp là nghiệp riêng rẽ của từng cá nhân, từng giống loại như người, thú, chim chóc v.v… Và có thể nói rằng, cộng nghiệp là trong cái biệt nghiệp của mỗi loài chúng sinh lại có các nghiệp chung cho từng gia đình, đoàn thể, từng quốc gia, xứ sở v.v… như có gia đình giàu sang, có gia đình nghèo khổ, có quốc gia luôn luôn được thanh bình, có quốc gia luôn luôn bị loạn lạc. Cái nghiệp chung ấy gọi là cộng nghiệp của những phần tử trong gia đình, trong quốc gia ấy.

Sự phức tạp, không phải là việc định nghĩa cho chính xác sự khác nhau giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp, mà là sự liên đới chặt chẻ với nhau của hai loại nghiệp này. Ví dụ người Việt là một trong những cộng nghiệp thuộc xứ sở nơi mình sinh ra. Nhưng trong cộng nghiệp của người Việt, sống trên đất nước Việt Nam, lại phân chia có người Nam, người Trung, người Bắc sống trong những môi trường địa lý khác nhau. Có thể nói trong cộng nghiệp đất nước, còn có cộng nghiệp vùng miền. Đấy là không kể những người Việt định cư ở nước ngoài. Nghĩa là trong cộng nghiệp chung, có những yếu tố không phải cộng nghiệp. Ví dụ, cùng ở Sài-gòn, nhưng lại ở các quận, phường, khu phố khác nhau. Người thì có nhà cửa khang trang, người thì ở căn nhà chật hẹp, thậm chí không có nhà,v.v…

Như Đức Đạt-lai Lạt-ma đã giải thích về cộng nghiệp trong một lần được phỏng vấn: “Cộng nghiệp của thế giới này không chỉ là nghiệp của loài người, mà là của vạn loại chúng sinh, chẳng hạn như côn trùng và mọi sinh vật khác trên thế giới. Nếu có bốn người đặt tay lên cái bàn này, thì cái bàn trở thành một vật được dùng chung bởi bốn người. Như vậy, hành vi này khiến họ tạo ra một nghiệp chung, và trong tương lai họ sẽ cùng nhận lấy kết quả của việc ấy. Còn với những sự việc mà người ta sử dụng một cách riêng rẽ, chúng được dựa trên – cũng như tạo ra – biệt nghiệp của từng cá nhân.” Ngài còn nói thêm: “Hãy tưởng tượng một cộng đồng trong đó hận thù và giận dữ là tâm trạng phổ biến. Tôi nghĩ là tình trạng cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng tới môi trường, có thể góp phần tạo ra một đợt thời tiết nắng nóng và khô hạn. Nếu trong một cộng đồng mà lòng tham ái, tham đắm rất mạnh mẽ và phổ biến thì đó có thể là nguồn gốc của độ ẩm tăng cao và nạn lụt lội. Tôi (tức Đạt Lai Lạt Ma) chỉ nêu vấn đề chứ không nói điều gì khẳng định. Nhưng dù là cá nhân hay cộng đồng, thì hành động của mỗi người, cách hành xử của anh ta, tâm trạng của anh ta, ngày này qua ngày nọ, năm tháng này qua năm tháng nọ cuối cùng cũng ảnh hưởng tới môi trường cộng đồng” (Đạt Lai Lạt Ma – Samsara{Luân hồi}, trang 167, bản Pháp ngữ).

Ngoài ra, chúng ta thường nghe nói tới một khía cạnh khác của cộng nghiệp nhưng ít khi nào được nghe giải thích rõ ràng. Như trường hợp mẹ mình bị ung thư ngực và căn bệnh di truyền quái ác này được truyền xuống trong gia đình, đa số các cô con gái trong nhà đều sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta thường thắc mắc không biết kiếp trước mình đã làm gì mà sinh trong gia đình bị căn bệnh trầm trọng này. Có phải đây là cộng nghiệp chung của gia đình nên không thể nào tránh khỏi? Hay ít nhất là có thể chuyển hóa nó được?

Ông bà mình có câu: “Cha ăn mặn, con khát nước” để ám chỉ sự thừa hưởng tiêu cực mà mình đang hứng chịu là do ông bà, cha mẹ mình đã gây tạo trong thời trước đó. Không chỉ người Việt chúng ta mà người Tây phương cũng tin vào những nghiệp lực được truyền thừa từ dòng họ, gia tộc. Trong kinh thánh có nói về lời nguyền rủa của thế hệ đi trước hay là tội tổ tông (generation curse). Ý rằng những gì mình đang thừa hưởng là do thế hệ trước để lại. Tất nhiên, là có cả tích cực lẫn tiêu cực!

Trong gia tộc dòng họ của đại văn hào người Mỹ, Ernest Hemingway. Cộng nghiệp trong gia đình ông là những căn bệnh truyền thừa từ đời cha ông xa xưa như căn bệnh trầm cảm (depression), bệnh nghiện ngập rượu chè (alcoholic), bệnh tự vận (suicidal). Chính ông ta đã tự vận năm 1961, và 5 tháng sau đến em gái ông cũng tự vận, và em trai ông 16 năm sau đó, rồi đến cháu gái ông năm 1996. Thực ra, cha ông cũng đã tự hủy chính mình năm 1928. Đây có thể gọi là cộng nghiệp truyền thừa từ đời cha ông của dòng họ Hemingway? Hay, do cha làm thì con phải trả, “cha ăn mặn, con khát nước,” như người Việt chúng ta thường có quan niệm như vậy? Câu trả lời không nằm trong ý muốn giải thích về cộng nghiệp tổ tông là gì, mà nhằm vào việc liệu đến đời của mình, cộng nghiệp xấu này có tiếp tục truyền xuống cho con cháu chúng ta; hay mình sẽ chặt đứt cái nghiệp xấu này ngay trong đời mình! Như Phật đã dạy:

“Điều mẹ cha bà con,
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn.” – Kinh Pháp Cú, Phẩm Tâm (HT Minh Châu dịch)

Nói chung, khi tâm ta ‘hướng chánh’ thì tất cả các nghiệp đều được chuyển hóa cho dù nghiệp lực đó có phát xuất từ góc độ nào hay đã xảy ra bao lâu. Thừa hưởng cái hay của thế hệ đi trước, đồng thời cũng phải gánh chịu những hậu quả xấu của thế hệ đó để lại, là một điều tự nhiên. Đức Phật không khuyên chúng ta né tránh cái quả. Khi những nghiệp quả xấu của thế hệ trước truyền thừa đến chúng ta, nếu chúng ta vẫn tiếp tục nhận chịu mà không làm gì cả để chuyển hóa thì thế hệ con cháu mình sẽ phải tiếp tục thừa hưởng!

Rõ ràng, nếu chúng ta muốn dứt tuyệt những hệ quả xấu của đời trước để lại, thì mình phải biết hướng tâm đến những cái chân chánh, thiện lành. Chính hành động này sẽ giúp cho thế hệ sau tránh được hậu quả của tổ tông truyền lại. Như câu chuyện về người mẹ bị ung thư ngực qua đời; và do di truyền nên ba cô con gái của bà cũng bị ung thư ngực. Tuy nhiên, đứa con gái giữa dứt khoát không chấp nhận định mệnh đã được an bài cho cô ta. Thế là cô ta chăm chỉ học ăn kiêng, thể dục thường xuyên, và thiền tập hằng ngày. Cuối cùng, chứng ung thư ngực của cô hoàn toàn biến mất; và hơn thế nữa, hai đứa con gái của cô, giờ đã trưởng thành, cũng không có triệu chứng bị ung thư ngực như cô khi trước!

Như Phật dạy, chúng ta có biệt nghiệp và cộng nghiệp riêng của mình, nhưng nếu không biết hướng tâm đến chánh đạo, mình sẽ chọn theo cái cộng nghiệp sẽ đưa đẩy mình đến cái kết quả tiêu cực như cha ông mình đã làm. Như trường hợp người hay nhậu nhẹt thích làm bạn với người thích rượu chè; ngược lại, người muốn tìm hạnh phúc sẽ thích thân gần với người có hạnh phúc. Cũng vậy, những kẻ tiêu cực, chán đời thường thích gần gũi với người thích phê phán, chỉ trích người khác! Muốn chấm dứt cái hậu quả ‘cha ăn mặn, con khát nước’ truyền xuống từ trong gia đình, chính mình phải tu tập chuyển hóa bản thân để cộng nghiệp gia đình sẽ chấm dứt trong đời mình và không còn tiếp tục cho đến đời sau.

San Jose, Tháng Tư, 2014

Thiện Ý

TAMTHUC