“Vái” tứ phương, đông tây y kết hợp nhưng vẫn chưa ai có lời giải chính xác căn bệnh lạ này. Những lời đồn thổi cũng với những biểu hiện “truyền đời” khiến những người trong cuộc luôn nghĩ dòng họ mình đang bị yểm bùa.
Bùa ngải ba đời bọ liệt
Bị yểm bùa từ ba đời trước?
Nằm trong một nhánh nhỏ của họ Phạm, ông Phạm Văn Tỳ sinh được l0 người con thì có tới ba người bị di truyền chứng “liệt đột ngột” từ bố. Gồm con trai thứ ba Phạm Văn Ngọc, con gái thứ năm Phạm Thị Hồng và con gái thứ sáu Phạm Thị Tuyết. Và căn bệnh di truyền ấy lại tiếp tục đeo bám dòng họ này đến đời thứ hai, khi ông Ngọc sinh được ba cô con gái thì lại có tới hai người mắc bệnh. Hai người con khác của ông Tỳ là bà Hồng và bà Tuyết, dù là phận gái nhưng khi sinh con, các con của họ cũng đều mắc phải căn bệnh lạ này.
Nói chuyện với chúng tôi, bà Hồng không giấu được sự lo lắng và buồn bã. Bà cứ nhắc đi nhắc lại câu nói: “Không hiểu dòng họ tôi có bị yểm bùa hay không nữa. Nếu không thì sao lại nhiều người bị đến thế?”. Nói rồi bà Hồng kể lại cho chúng tôi nghe cái lần đầu tiên bà mắc chứng “liệt đột ngột”: “Tôi bị bệnh này sớm lắm, từ khi mới chín tuổi cơ. Hôm đó là ngày cưới của chị gái tôi. Khi nhà trai chuẩn bị đến đón dâu thì đột nhiên người tôi như muốn khuỵu xuống. Chân tay bải hoải, đứng không vững phải tìm ngay một góc kín để nằm. Sau đó cơ thể từ phần cổ trở xuống cứ bất động dần. Mặc dù vẫn tỉnh táo nhưng tôi lại không thể nào nhúc nhích chân tay”. Mặc dù đã từng chứng kiến bố mình bị thế nhưng lần đầu tiên mắc bệnh đó bà Hồng vẫn không tránh khỏi hoang mang, sợ hãi.
Bà Hồng kể: “Lúc bé bị bệnh tôi chỉ thấy sợ hãi thôi nhưng sau này khi đã trở thành thiếu nữ tôi tủi thân lắm. Lần nào bị tôi cũng khóc. Tôi cứ nghĩ mình mắc bệnh thế này chắc gì đã có ai dám yêu thương và lấy làm vợ”.
Bà Hồng vẫn thường được mẹ kể cho nghe câu chuyện về bà nội của mình. Hồi đó nhà bà Hồng thuộc tầng lớp địa chủ giàu có, bà nội của bà chẳng may mắc bệnh lạ cứ một thời gian lại bất thình lình bị liệt. Khi đó gia đình bà Hồng đã đón một ông thầy lang người Tàu đến để chữa. Ông thầy này rất giỏi nên đã chữa khỏi được bệnh cho bà nội của bà Hồng.
Thế nhưng nghe nói phí chữa bệnh mà ông thầy người Tàu này đưa ra quá cao, gia đình đã không thể đáp ứng được yêu cầu đó nên ông thầy lang người Tàu đã uất ức và yểm một đạo bùa. Ông ta còn nói thẳng với gia đình bà Hồng rằng, sẽ yểm bùa cho 3 đời bệnh không bao giờ khỏi. Và bùa yểm ấy đã linh ứng khi đến đời bố của bà Hồng (là ông Tỳ) và các anh chị em của ông Tỳ là bắt đầu phát căn bệnh “liệt đột ngột” này. Bố đẻ bà Hồng bị rất nặng, đến tận năm 80 tuổi sắp mất, ông vẫn bị chứng bệnh này hành hạ.
Trong 5 người anh em ruột thịt của ông Tỳ thì có tới 3 người bị mắc cùng chứng bệnh. Ông Tỳ chỉ là một nhánh của dòng họ Phạm đang sinh sống ở Nam Định mắc phải căn bệnh “liệt đột ngột” này. Điều đó có nghĩa là hai người anh em còn lại của ông Tỳ đã mang căn bệnh lạ này đi sinh sống nơi khác. Anh Lê Tuấn Anh, sinh năm 1993, con trai út của bà Hồng là đời thứ 3 trong dòng họ bị mắc chứng bệnh lạ. Bản thân Tuấn Anh và mẹ chưa bao giờ đi thăm khám ở bất cứ cơ sở y tế nào.
Tuấn Anh chia sẻ: “Nhà em, ai cũng tin rằng dòng họ mình bị yểm bùa, nên đi khám cho có thôi chứ biết là không khỏi. Cảm giác lúc sắp bị “tê liệt” rất khó chịu, người vẫn bình thường nhưng không cử động được. Muỗi đốt, kiến bò chỗ nào vẫn biết nhưng không sao cử động được. Chân tay cứ nhũn ra như sợi bún. Nằm lâu một tư thế mỏi và đau nhức vô cùng, phải nhờ ai đó xoay người giúp. Bình thường em chỉ bị 6 – 8 giờ, ngủ một giấc dậy là khỏi. Nhưng có hôm em bị 3 – 4 ngày liền, nằm bẹp một chỗ, ăn uống phải có người đút, vệ sinh tại chỗ. Mắc bệnh lạ này em không dám đi đâu xa một mình, công việc và cuộc sống cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều hôm, đang đi ngoài đường thấy có dấu hiệu là phải đi thật nhanh về nhà ngay hoặc nằm nghỉ ở đâu đó”.
Vì mắc chứng bệnh lạ nên mặc dù Tuấn Anh đá bóng rất giỏi, có thời gian chơi bóng đá dưới Bình Dương nhưng phải nghỉ. Ngồi cạnh con trai, bà Hồng buồn rầu nói: “Thiệt thòi lắm cô chú ạ. Tập tành hết hơi, nhưng cứ đang đá lại bị như vậy thì ai người ta nhận nữa. Giờ nó chẳng dám đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở nhà thôi. Nếu lỡ chẳng may liệt đột ngột thì bạn bè lại khiêng về nhà nằm. Hết cơn lại dậy đi chơi như không. Xung quanh đây, làng xóm chứng kiến, người ta cứ bảo nhau, bệnh như anh giả vờ”.
Lê Tuấn Anh có lẽ là người bị bệnh nặng nhất trong dòng họ Phạm. Có thời điểm chỉ trong một thời gian ngắn mà Tuấn Anh bị liệt đột ngột đến vài lần. Nhiều khi đang ngồi chơi máy tính, đột ngột Tuấn Anh thấy chân tay mình nặng trịch, cố ngồi thêm lúc nữa. Anh không thể tự đứng dậy, hai đầu gỏi cứ choãi ra dưới sức nặng của cơ thể. Bạn của Tuấn Anh phải xốc anh ra khỏi ghế cho ngồi tựa vào tường nếu không cả người sẽ đổ ụp xuống. Ngồi tiếp chuyện tôi thêm một lúc, mắt Tuấn Anh có dấu hiệu sụp xuống như người cố chống lại cơn buồn ngủ. Tay cũng choãi ra đất, không giữ nổi chiếc điện thoại trên tay. Người bạn phải bế Tuấn Anh vào giường nằm.
Cần một lời giải của các nhà khoa học
Trong số ba người con của ông Phạm Văn Tỳ mắc bệnh thì có lẽ ông Phạm Văn Ngọc là người chịu khó đi khám nhất. Hễ cứ nghe đồn ở đâu có thể chữa khỏi bệnh là ông lại khăn gói lên đường. Không giống với hai người em gái của mình mắc bệnh từ khá sớm, lên mười tám tuổi ông Ngọc mới phát bệnh. Ông kể: “Thời gian trong quân ngũ, tôi bị “tê liệt” liên tục, có khi bị 3 – 4 ngày liền, y sĩ trong quân đội khám bảo tôi bị bệnh thần kinh khả liệt. Hiểu nôm na là khi làm việc quá sức, thần kinh nó tự nghỉ, sau một thời gian phục hồi nó lại trở lại bình thường”.
Năm 2009, con gái ông cũng bắt đầu phát bệnh. Đưa con đi khám ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định thì các bác sĩ, nói con của ông bị thiếu Kali trong máu và kê thuốc viên uống bổ sung Kali hàng ngày. Từ đó đến nay, hễ cứ thấy bứt rứt chân tay là con gái ông Ngọc lại uống ngay 1 viên. Bệnh vẫn diễn ra, nhưng thời gian “tê liệt” giảm xuống.
Nhiều người trong dòng họ Phạm tin rằng, sở dĩ họ bị mắc chứng “liệt đột ngột” ấy là do lời nguyền của ông thầy lang người Tàu. Thế nên họ đi cúng lễ khắp nơi, lên Lào Cai, Yên Bái… thậm chí sang cả Trung Quốc nhưng bệnh vẫn không khỏi.
Có một điều đặc biệt trong diễn tiến của căn bệnh này là: tuổi càng cao thì bệnh càng có chiều hướng thuyên giảm. Những người trạc tuổi như bà Hồng, ông Ngọc trong dòng họ đều rất ít tái diễn bệnh, thi thoảng vài tháng hoặc một năm bị đôi ba lần. Trong khi lớp thanh niên tuổi đôi mươi lại bị tương đối nặng, thường xuyên và trai bị nặng hơn gái.
Tính tới đời con của ông Ngọc, bà Hồng, bà Tuyết và nhiều người khác nữa là đúng tròn ba đời bị mắc chứng bệnh lạ. Hiện, đã có những đứa trẻ được sinh ra ở đời thứ tư nhưng chưa có biểu mắc bệnh bởi tính về độ tuổi phát bệnh trung bình thì chúng chưa đến tuổi. Những người lớn tuổi trong dòng họ Phạm đều phấp phỏng lo âu cho tương lai của những đứa trẻ đời thứ tư. Đó cũng là cách để họ kiểm chứng lời nguyền của ông thầy lang người Tàu là thật hay chỉ là đồn thổi.
Riêng với ông Ngọc, người hiếm hoi không tin vào bùa ngải thì tha thiết bày tỏ: “Dòng họ chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm và chữa cho khỏi bệnh cho chúng tôi. Chúng tôi già rồi, bệnh cũng giảm nhiều rồi nhưng còn lũ trẻ. Bệnh tật sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các cháu”.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/phong-su/dong-ho-ba-doi-bi-liet-dot-ngot-benh-la-hay-bua-ngai/500612.antd
TAMTHUC