Đón nhận những cuốn sách quí từ tay ông Triệu, chúng tôi nhẹ nhàng lật dở từng trang, từng quyển. Mặc dù không hiểu sách viết gì, nhưng những hình vẽ trong các cuốn sách đã khiến chúng tôi có cảm giác gai lạnh nơi sống lưng. Trang đầu tiên là hình người bắt chéo chân, chéo tay như bị trói, bị giam nhốt trong ngục và bị chém, bị đốt. Rồi những trang tiếp theo có cả những hình người với 3 cái đầu, 3 sắc diện, trạng thái khác nhau. Những bức hình vẽ người không đầu, hoặc bị kẹp đầu, treo cổ kèm theo những lời bùa chú huyền bí càng khiến bất cứ ai trông thấy lần đầu cũng ghê sợ, khiếp vía…
Hiện tượng chưa thể lý giải
Sách nói gì? Đó còn là một điều bí ẩn, song trong dòng họ Hà và những người hàng xóm nơi ông Quản từng sinh sống vẫn còn truyền tai nhau những câu chuyện “huyễn hoặc” khiến không ít người phải tin hay có lúc làm người nghe phải nể sợ, kính phục.
Có ai đã từng chứng kiến cảnh bệnh nhân được quấn một tấm vải, cho nằm ngoài sân và phủ lên một lớp vỏ trấu. Sau khi châm lửa đốt, đống trấu cháy đỏ rực thành than mà người bệnh không hề gì? Hơn nữa, việc những người con trai nhà phù thủy Hà Kim Quản liên tiếp gặp tai ương có phải là ma quỷ về báo thù hay chỉ là lời đồn đoán?
Theo thầy phù thủy, đây là một trong những lá bùa nguy hiểm nhất dùng để hãm hại người khác trong kho sách của ông Quản.
Một trong những câu chuyện đó là “hiện tượng” mấy năm trước, bà Tuất đang ngủ thì nằm mơ ông Quản về báo rằng ngày mai khoảng 1h (13h00”) chiều ông Hồi – thông gia của ông Quản, phía gia đình chồng bà Sửu sẽ mất.
“Nếu ông Hồi mất lúc đúng 1h thì con phải xuống cúng giải trùng tang giúp thầy. Còn nếu chệnh giờ từ khoảng 2 phút trở đi thì thôi, gia đình nhà thông gia có phước thoát được kiếp nạn…” – bà Tuất kể lại giấc mơ.
Bà Tuất tỉnh dậy mới biết mình ngủ mơ và sáng hôm sau có kể lại cho một số người, trong đó có bà Sửu. Sự thật thì đúng 1h chiều hôm sau, ông Hồi nhắm mắt xuôi tay thật. Lúc này, mọi người mới tin việc ông Quản về báo mộng cho bà Tuất biết trước số phận của ông thông gia.
Là hàng xóm nhà bà Tuất, ông Lê Ngọc Thanh cho biết, năm 1998 con gái ông bị bệnh. Bệnh viện trả về vì không tìm ra được bệnh. Hôm sau bà Tuất sang nhà nói, “tôi nằm mơ thấy ông Quản về báo mộng, con gái anh bị ma làm vì đã đi vào chỗ gốc cây bồ kết, nơi có người đàn ông ôm mìn tự tử (vụ việc này xảy ra năm 1996 – cách nhà ông Thanh 200m), giờ chỉ cần khi chập tối mang hương vàng đến cúng liền 1 tuần là khỏi bệnh”. Được sự đồng ý của gia đình, bà Tuất đã mang hương lên đó cúng, đến ngày thứ 5 thì con gái tôi tỉnh dậy, có thể đi ra đi vào như người bình thường. Nhưng sau đó chúng tôi đã không đồng ý việc bà ấy cúng bái nữa, và cũng thật buồn cho chúng tôi, ít hôm sau con gái tôi mất, khi đó mới bước sang tuổi 18.
Như bài trước đã nói, với những người bình thường thì ít ai tin vào hiện tượng mơ mộng, hay cách trị bệnh bằng bùa chú, cúng bái của những nhà phù thủy họ Hà. Còn cúng bái, bùa chú dùng như thế nào, có phải là mê tín dị đoan hay là điểm đặc trưng văn hóa nào đó thì chúng tôi xin nhờ người giải đáp ở bài sau. Nhưng cũng có một trường hợp mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy ở đâu đó là câu chuyện của bà Hà Thị Chúc kể về trường hợp mắt bà đã chứng kiến.
Bà kể rằng: “Khi còn nhỏ, tôi tận mắt chứng kiến cảnh thầy tôi trị bệnh. Hôm đó có người bị bệnh liệt giường, chữa mãi không khỏi. Mọi người xác định chị ta sẽ chết. Nhưng có một hôm người bệnh nằm mơ thấy có ai đó nói là “đến vùng đất bên kia làng có một thầy phù thủy có thể cứu được”. Quả nhiên, người nhà bệnh nhân có đến và thầy tôi đồng ý giúp đỡ. Thầy tôi đến trước bệnh nhân viết ra một số lá bùa, đọc thần chú và cho vào miệng bệnh nhân đồng thời sai người mang tấm vải trắng đã yểm bùa ra sân. Đặt bệnh nhân nằm lên tấm vải, quấn lại và đổ vỏ trấu lên trên đến mức không thấy người nữa. Sau đó thầy tôi đốt một bó đuốc, ngậm một ngậm dầu hỏa rồi nhằm vào bó đuốc phun ra. Lửa bén và cháy vào đống trấu ngoài sân. Một lúc sau, đống trấu đỏ ửng như một hòn than hồng trong bếp lửa. Đột nhiên, người bệnh ngồi dậy đi lại bình thường và kỳ diệu hơn là người đó không hề bị cháy xém tí da thịt nào”.
Theo lời kể của bà Chúc thì khi người ta biết dùng bùa, ắt họ có thể làm được điều tưởng như không thể đó. Còn bùa dùng như thế nào thì chỉ những người “kế nghiệp” mới biết, còn sách “hướng dẫn sử dụng” thì chúng tôi đã có duyên gặp.
Thế nhưng, qua những câu chuyện dân làng kể lại, và qua những lời mà con cháu họ Hà cung cấp chúng tôi mới nhận ra những hiện tượng trên không hề đơn giản chút nào. Bất chợt, tôi nhớ lại khuôn mặt đầy lo lắng của ông Triệu hôm đó, ông bảo: “Đời trước ông Quản là những người cao tay, họ có thể khống chế được tà ma yêu quỷ nên yên thân. Còn về đời sau thì,… mình không trị ma, ma sẽ trị mình, đặc biệt việc ông Quản không truyền lại cho ai lại càng là mối lo. Không biết, người được truyền lại kế tiếp có thể thay đổi số phận của dòng họ này không”.
Ma quỷ báo thù???
Sau khi tiếp nhận sách, chúng tôi có đến một số nhà hàng xóm của ông Quản để hỏi thông tin. Mọi người trong làng đều truyền tai nhau về số phận buồn của hai người con trai sinh đôi của ông Quản là Hà Kim Văn và Hà Kim Võ.
Bà Mùi, ông Thúy, bà Hà đều là hàng xóm của ông Quản và họ đều chứng kiến những việc làm khác thường của anh em họ Hà Kim. Theo ông Bùi Văn Năng, sau khi ông Quản mất một vài năm, anh Văn và anh Võ thay đổi tính cách luôn. Với anh Võ, anh trở nên điên dại, thẩn thơ cả ngày, nhiều lúc như ma ám, thậm chí ôm cả mẹ – vợ ông Quản quẳng xuống giếng, cũng may nhiều phen có dân làng đến cứu. Còn anh Văn trở nên hung hăng, “rượu chè bê tha”, cuối cùng giờ đang phải ngồi ở tù vì tội giết người. Tuy rằng mỗi người có một số phận, “song dân làng đều truyền tai nhau rằng nguyên nhân dẫn đến những kết cục như thế là do sự trả thù của ma quỷ” – ông Năng nói thêm.
Bà Chúc đang kể về những điều bà chứng kiến và cái kết buồn của hai người cháu.
Để hiểu rõ hơn về bản chất sự việc, chúng tôi được chị Hà Thị Hoa đưa đến trại giam Ninh Khánh – Ninh Bình để thăm gặp bố chị Hoa là phạm nhân Hà Kim Văn. Tại phòng thăm gặp, đối diện với chúng tôi là một con người nhỏ thó, khuôn mặt hiện rõ là một người hiền khô, nếu không biết sẽ không có ai nghĩ con người ấy lại là kẻ từng có mưu đồ giết người. Về tính chất vụ án chúng tôi không bàn sâu, qua lời kể của Hoa thì vụ án “giết người” xảy ra vào tháng 12 năm 2010. Do biết vợ mình ngoại tình với ông hàng xóm, Văn đã khuyên nhủ nhưng “ngựa quen đường cũ” nên Văn đã hắt xăng vào tình nhân của vợ, lúc đó cả Văn và gã tình nhân kia đều bị bỏng nặng. Cái giá mà Văn phải trả cho hành động của mình là mức án 9 năm tù giam về tội “giết người có động cơ đê hèn”.
Khi chúng tôi đề cập về những cuốn sách của ông Quản để lại, Văn mừng rỡ bảo “tôi thấy an lòng khi anh là người tiếp nhận số sách kia của thầy tôi, tôi mong rằng anh có thể sử dụng hoặc có thể cất giữ để sau này có người nhận lại, kế nghiệp truyền đời của gia đình tôi”.
Hôm nay, ngồi trò chuyện với những người phụ nữ họ Hà, ngoài những bí ẩn về kho sách, chúng tôi cũng ôm không ít khúc mắc xoay quanh chuyện ma quỷ báo thù mà cụ thể là trường hợp hai anh em họ Hà Kim. Bà Tuất tâm sự “tôi không biết có phải ma quỷ báo thù như dân làng đồn đoán hay không, nhưng nghe người ta nói cái nghiệp của ông cụ nhà tôi cần người kế vị. Với hai cậu em, đúng là họ đáng thương hơn là đáng trách”.
Đúng dịp này 10 năm trước (tức là năm 2003, vừa tròn 10 năm sau khi ông Quản mất), ngoài Ninh Bình điện vào nói “anh Võ có nhiều dấu hiệu lạ của bệnh ma quỷ nhập thân”. Có lúc, Võ ngồi cặm cụi, miệt mài cầm bút vẽ hổ, vẽ ngựa, rồi lẩm bẩm suốt ngày, mọi người trông thấy tưởng rằng ông Quản đang truyền dạy cho anh ấy.
“Nhiều hôm cậu ấy không ăn, không uống, không cười nói khiến ai cũng lo. Đến nửa đêm thì cậu ấy bỏ đi đâu không một ai biết. Mọi người đã cất công đi tìm kiếm nhưng đều bặt vô âm tín. Mấy tháng sau, cậu ấy tìm đến nhà tôi. Gặp mặt, cậu ấy bảo “tôi không nhớ đường vào nhà chị. Tôi ở Vạn Thành (một làng cách nhà bà Tuất đang ở chừng 5km) suốt một tháng nay nhưng không sao vào nhà chị được…” – bà Tuấn kể.
Võ kể lại cho mọi người nghe rằng anh đã đi lang thang khắp nơi, từ Ninh Bình đi bộ vào đến Bình Định, Phú Yên. Trong túi không có một xu, toàn ăn muối trắng, uống nước lã rồi lọc cọc suốt chặng đường dài từ Bắc vào Nam như vậy. Anh bảo “không đi không chịu được, mọi hành vi đều có ai đó chỉ đường. Đầu trần, chân đất cứ thế là đi, đến mấy tháng nay thì về đây…”
Vào nhà bà Tuất được một thời gian, thấy tỉnh táo nên anh Võ bắt xe về Ninh Bình. Nhưng từ khi đặt chân xuống đất, bệnh “trúng tà” lại bắt đầu tái phát. Được một thời gian sau thì Võ mất, khi đó anh mới 34 tuổi.
Nghĩ về người em kém may mắn của mình, giọng bà Tuất trầm xuống, ngắt quãng. Không giấu được xúc động, bà Sửu tiếp lời, “cậu Võ đã mất, xem như đã hết. Còn cậu Văn cũng chẳng khá hơn, ngẫm mà thêm sầu, thêm tủi”.
“Khi thầy tôi mất được một thời gian, cậu Văn vào Gia Lai làm ăn. Vào được mấy ngày thì bị gỗ đè, chân, tay, xương sường đều gãy hết, toàn thân bó bột, bất động, phải về đây để chị em tôi và bà cô đây chăm sóc. Khi các vết thương lành lặn, Văn trở về Ninh Bình và dần dần thành kẻ “rượu chè bê tha”. Cuối cùng thì bản án 9 năm tù giam là một cái giá mà Văn phải trả, nhưng còn đó bao nỗi đau, nỗi ưu phiền chưa dứt” – bà Sửu nghẹn ngào.
Hôm nay, trò chuyện với những người phụ nữ mang họ Hà thuộc dòng Hà Kim chúng tôi mới biết thêm chút ít. Tôi biết bà Chúc đã ngoài 70 nhưng vẫn ở một mình, không chồng – con, nguyên nhân vì sao thì cũng không nằm ngoài lời đồn đoán của thiên hạ. Còn những người phụ nữ khác như bà Tuất, bà Sửu thì cũng chẳng khấm khá chút nào, hay đúng như người đời thường nói “ăn vay cả đời”.
Làm phản hay trả thù đều có chung một mục đích. Nhưng ai làm phản, ai trả thù? Hướng thứ nhất cho rằng những thầy phù thủy Hà Kim trước đó là những người có thể sai thần khiển tướng truy bắt ma quỷ nên ma quỷ ôm hận, nhân lúc không có người “kế nghiệp quản ngục” nên quay về báo thù. Hướng thứ hai cho rằng họ là những bậc cao siêu có thể thay đổi vận mệnh, số phận con người, việc họ cứu giúp người khác thoát khỏi kiếp nạn là đã làm trái với nguyên tắc thế nên thần thánh tứ phương mới trừng phạt như vậy.
Trở về Hà Nội, ngồi lật dở từng trang sách, vừa lật vừa nghĩ, thật chẳng hiểu dụng ý của ông Quản là gì, vì sao những người lớn tuổi, những người có kinh nghiệm, có đam mê, có hiểu biết về tướng số,… đều không tìm thấy sách mà chỉ có mình tôi – một thanh niên chưa có vợ con, kiến thức hạn hẹp lại trông thấy? Ông ấy “chỉ” sách cho tôi với mục đích gì? Vì sao ông Triệu lại nói, cháu đồng ý mang những cuốn sách này đi, ông mừng lắm, ít nhất thì nó đã không bị thất truyền rồi và xem ra những người còn lại của dòng họ Hà có thể được cứu…!!! Không ít những lời kể, nhưng lời đoán xoay quanh việc giải mã những hình vẽ, những con chữ trong kho sách, để có một câu trả lời cụ thể, đòi hỏi chúng tôi tiếp tục lên đường đi tìm câu trả lời.
Theo : Kiến thức
TAMTHUC