Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
dia-nguc-do-ai-tao-ra Địa ngục do ai tạo ra?
Tuesday, 24/05/2016 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Trong Kinh Địa Tạng có nói đến các cảnh giới riêng biệt của địa ngục là do nơi sựchiêu cảm nghiệp lực tạo tác của tâm chúng sanh mà ra. Như tạo tác: sát, đạo, dâm, vọng, phá hoại những người làm việc thiện, tiếp tay những người tạo nghiệp ác, thấy ai làm việc thiện hay nói lời chê bai, chia rẽ sự hiểu biết hạn hẹp ích kỷ riêng mình; những tâm tưởng ác nghiệp này sẽ chiêu cảm trở thành quả báo nơi địa ngục.

Địa ngục do nơi tâm tạo, cảnh giới đau khổ buồn vui lẫn lộn ở nơi trần gian cũng do tâm tạo; tâm tạo tác, tâm dẫn đầu. Tâm nghĩ xấu thì hành động xấu, tâm nghĩ tốt thì hành động tốt. Tâm chúng sanh phiền não đau khổ thì tạo nên cảnh giới đau thương sầu muộn. Cảnh giới súc sanh, chúng sanh ở đây tâm độc ác, ngu muội tự ăn thịt đồng loại với nhau; cảnh giới địa ngục ngã quỷ tâm chúng sanh chứa đầy thù hận tranh đấu, giết hại lẫn nhau; cho đến trong loài người tuy tâm có chút thiện nghiệp; nhưng chúng sanh đa phần đang hướng tâm về cảnh giới đau khổ ác đạo nên dã sanh tâm thù hận chém giết lẫn nhau trong cuộc sống.

Đạo Phật không tin chuyện quỷ thần hai vai và ông Diêm Vương nào đó lại có thể quyết định vận mạng của ai được. Nền đạo đức Phật giáo không xây dựng trên sự thưởng phạt ở thiên đường hoặc địa ngục, do các Thần Linh áp đặt, mà lấy quy luật nhân quả làm căn bản.

Tâm lý học của đạo Phật cho rằng tất cả những việc mà mỗi dòng đời tạo ra, trải dài theo cuộc hành trình trong thế giới hiện tượng tương đối này, là những hạt giống, hay còn gọi là chủng tử thiện hoặc ác, trong tương lai khi hội đủ cơ duyên, sẽ nẩy nở thành những thiện quả hoặc ác báo, đều chứa tại Thức Thứ Tám, còn gọi là Tàng Thức hoặc A Lại Da Thức, của chính dòng sinh mạng đó. Thức này là lớp Vọng, cũng mênh mông như Chân Tâm, tạm ví như làn sóng điện trong không gian.

Những chủng tử thiện hoặc ác này sẽ xuất hiện vào giây phút lâm chung, để quyết định cảnh giới tái sinh của đương sự, nhà Phật gọi là “gió Nghiệp cuốn đi tái sinh”. Một số người có kinh nghiệm về cận tử (near death experience) kể lại đại khái rằng vào cái lúc họ cảm thấy muốn ngừng thở, bỗng nhiên trước mắt nổi lên một cảnh tượng tràn ngập không gian, cả quãng đời quá khứ, những việc làm khiến cho họ rất sung sướng hoặc rất đau khổ, xuất hiện như là đồng thời. Họ cảm thấy như trong giấc mơ, như là hình ảnh của ký ức. Đối với quan điểm của nhà Phật thì đó là giây phút mà một người có thể nhìn thấy được chính cái kho chứa các nghiệp nhân, tức là Tàng Thức của mình.

Chiếu theo thành quả tự tu, tự giác ngộ lại Bản Thể của đức Phật, người Phật tử không tin vào sự cứu rỗi do bên ngoài mang đến, mà tin vào chính mình, theo gương sáng của đức Bổn Sư. Trong đời sống, người Phật tử từng bước chuyển hóa tâm, từ xấu ác trở thành lành thiện, đó là giai đoạn chuyển hóa tương đối. Sau đó sẽ bước qua giai đoạn cốt tủy của quá trình tu chứng là “thanh tịnh hóa tâm”, vượt lên trên những khái niệm thiện và ác tương đối, chỉ còn lại tâm Từ Bi và Trí Tuệ Bình Đẳng, hóa giải tam độc Tham Sân Si, vốn là căn bản trói buộc con người vào vòng sinh tử. Từ đây dòng sinh mệnh được hoàn toàn giải phóng, đạt được mục tiêu tối cao của con đường tu Phật, là Toàn Giác. THEO NGUỒN “PHẬT HỌC”

ĐƯỜNG VỀ ĐỊA NGỤC – DIỆU ÂM ÚC CHÂU
Kính cha má,

Thực tế mà nói, nếu hiểu được đạo pháp rồi thì mới thấy rằng cuộc đời mình hoàn toàn tự mình lựa chọn tương lai, mình muốn đi đâu, muốn sướng hay khổ, muốn giải thoát hay đọa lạc… đều do chính mình tạo ra cả mà mình không hay. Ngay cả cái vận mạng của mình cũng là do chính mình tạo lấy, cho nên nếu biết cách tu hành thì có thể cải đổi vận mạng được như thường. Đây là sự thật, chắc chắn thật. Ví dụ, như người tạo tội ác phải đọa địa ngục, chắc chắn phải đọa vào địa ngục thiên thu vạn kiếp, nay nếu biết hồi đầu cải sửa vẫn có thể thoát nạn và được vãng sanh về tới Tây-phương Cực-lạc. Đây là lời kinh Phật nói…..

Thưa cha má, thà mê mờ không biết thì đành chấp nhận rủi may, chứ khi đã biết được đường đi, biết được chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh thì quyết định con đường thoát thân phải đi, đi cho đúng, cho vững, đừng đi quờ quạng mà uổng phí một đời luống qua. Thời khóa tu hành sắp sẵn không có chỗ hở, nhưng con cũng đã tự phát nguyện niệm Phật thêm để cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh khỏi nạn… Hằng ngày, con đều hồi hướng công đức cho cha má, nguyện cầu cho cha má sớm thức tỉnh đường đạo, dũng mãnh tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Con thành tâm động viên cha má hãy vững lòng tin tưởng pháp môn niệm Phật. Cha má tin lời Phật, vững lòng phát nguyện cầu vãng sanh Tây-phương, một hướng chuyên tâm niệm Phật, và chỉ có niệm Phật thôi, thì con tin chắc chắn cha và má sẽ được vãng sanh. Tất cả anh chị em, bà con xa gần, ai phát được lòng tin vững chắc, cứ y theo lời thư con tu hành thì ai cũng đắc được thiện lợi, một cái thiện lợi có giá trị bằng triệu kiếp tu hành, bằng vạn đời cực khổ lao nhọc, vĩnh viễn khỏi bị đọa lạc, vô tận thời gian an vui cực lạc chứ không phải nhỏ, xin chớ xem thường.

Cho nên, muốn giải thoát được chỉ có niệm Phật, niệm Phật phải chí tâm, chí tâm là nhứt tâm, nhứt tâm là không được xen tạp, xen tạp là vừa niệm Phật mà còn ôm đồm những cách tu hành khác, xen tạp là đi sai pháp môn, đi sai pháp môn thì trở thành pháp tu tự lực, tự lực là tự mình bỏ rơi sự gia trì của 48 đại nguyện của Phật A-di-đà. Không có sự gia trì của 48 đại nguyện, thì trong thời đại mạt pháp này khó có thể thoát nạn.

Thưa cha thưa má, Phật pháp quá sức thậm thâm, cao siêu vô thượng. Còn rất nhiều, rất nhiều điều con muốn nói thêm với cha má. Nhưng không cách nào con có thể nói cho hết được, vì pháp Phật nhiều như lá trong rừng còn thư của con viết về cho cha má chỉ là từng chiếc lá đơn lẻ, thì biết bao giờ mới viết cho hết đây. Hễ có thời gian thì con cố gắng viết, được tới đâu hay tới đó. Còn tu hành thì nếu cha má có tâm chí thành muốn vãng sanh về Tây-phương trong một báo thân này thì thật ra chỉ xem một lá thôi là cũng có thể hiểu được vạn lá trong rừng. Đi được hay không đều do cái phát tâm của cha và má vậy.

Trong thư trước con có nói về cách hạ thủ công phu. Hôm nay con xin nói thêm một chút về chuyện này. Thưa cha má, nên hạ thủ công phu tu ngay từ chỗ nào yếu nhất của mình. Cái lỗi nào lớn nhất của mình mà phá được thì những lỗi nhỏ khác tự nhiên được phá theo. Đừng nên tu theo lối lần mò từng bước, khó lắm. Xin cha má nên nhớ trong tất cả những loại ma chướng, thì “Tử Ma” là trở ngại nhất cho người tu hành, nhất là tuổi già. Thời gian không cho phép một người già khinh thường cái chết được. “Ma” làm cho mình chết gọi là “Tử-Ma”, nó đến bất cứ lúc nào và cắt đứt tất cả công phu tu tập mình, nó xóa sổ sạch trơn để mình phải trôi theo nghiệp chướng mà thọ báo.

Tu phải lấy ngay cái chỗ tối nguy kịch của mình mà hạ thủ, mới mong cứu mạng mình trong đời, còn lo tu sửa những lỗi nho nhỏ vụn vặt chỉ là hành động bòn mót phước báu bình thường, không được lợi ích lớn đâu. Ví dụ, như ở đời có người cứ lo chấp những lỗi lầm li ti mà lại đi phạm cái tội tử hình thì những cái tốt nhỏ nhỏ có cứu mạng mình được chăng? Tu hành cũng vậy, đi bòn mót những phước báu nhỏ nhặt như được chút tiền tài, chút hảo danh, chút tiếng khen… một ngày nào đó lọt xuống địa-ngục thì làm sao hưởng phước đây?! Cho nên, tu là phải tu thành Phật, phải thành Bồ-tát, phải tu cho vượt được tam giới, vượt được luân hồi, tam đồ, lục đạo, mới xứng đáng công tu hành, chứ đừng vì cảm tình mà cứ lẩn quẩn trong vòng tử tử sinh sinh, khổ đau bất tận, thật là oan uổng! Con biết tâm tình của cha, của má, thường khi xử sự đặt quá nhiều vào tình cảm, thành ra thường lúng túng không có quyết định dứt khoát, vô hình chung cuộc đời bị lỡ mất quá nhiều cơ hội để tiến lên.

Thưa cha má, nay con đã đem được con đường một đời đắc đạo vãng sanh đến cho cha má, thì xin cha má hãy nhanh chóng đến trước bàn Phật phát nguyện quyết tâm thực hành và bắt đầu tu hành ngay, không nên hẹn nay hẹn mai nữa. Con nhờ được may mắn mới thấy được đường đi, con chỉ đường mà cha má không đi thì tiếc lắm. Lỡ đời sau lại rơi vào trong chốn lục đạo này nữa liệu có còn ai quyết tâm cứu cha má như con bây giờ nữa không?

Phật dạy rằng Tham, Sân, Si là ba chất độc dễ sợ nhứt. Nó là cái cội rễ chủ yếu nhứt, lôi kéo con người vào lục-đạo luân-hồi, và tệ hại hơn là dìm thần thức con người vào ba đường ác hiểm: địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh.

Địa ngục từ đâu có? Từ lòng sân-giận mà có. Tại sao phải lạc vào đường ngạ quỷ? Vì lòng tham-lam. Lý do nào lại đầu sanh vào đường cầm thú? Vì sự si-mê u-ám. Nếu hiểu được Phật pháp thì ai cũng phải khiếp sợ ba cảnh giới này, nó nguy hiểm vô cùng, nhất là đường địa ngục, lỡ rơi vào đó rồi thiên thu vạn kiếp khổ đau khó mà thoát ra được. Cái cảnh giới địa ngục này ghê sợ lắm! Cha má, anh chị em, bà con, cô bác phải chú ý lưu tâm mà tránh xa đi. Tin hay không, đối với con không thành vấn đề, mà vấn đề là cái khổ nạn này tự mỗi người phải lo tránh, nếu không thì tự thọ lãnh lấy. Khóc hay cười cũng tự một cá nhân mình nhận chịu mà thôi, không trách ai được cả!

Hôm nay con xin thưa chuyện địa ngục để cha má, anh chị em biết mà né tránh. Kinh Phật dạy rằng, tất cả cảnh giới của mình đều tự mình làm ra rồi tự mình hưởng lấy. Phật dạy “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, nghĩa là tất cả vạn pháp đều do tâm tưởng của mình sanh ra hết, là sự chiêu cảm tự nhiên để kết đúc thành nghiệp chướng. Tất cả những hành vi tạo tác của một người nó tự đúc kết thành nhân, để rồi tự mình nhận lấy quả báo. Nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Vì thế, tâm niệm Phật thì nhân địa là Phật. Tâm sân giận là tạo cảnh địa ngục, cái nhân là địa ngục thì quả báo sẽ là địa ngục. Tâm tham lam, ích kỷ là nhân địa của ngạ quỷ thì quả báo sẽ là đường ngạ quỷ… Chữ “Pháp” cũng tức là cảnh giới, môi trường mình sống, hoàn cảnh mình thọ lãnh ở tương lai.
Như vậy, địa ngục là do chính mình lập ra để nhốt tù chính mình, rồi tự mình tạo ra vô vàn cực hình ghê rợn để hành hạ chính mình qua thời gian vạn kiếp, khó thể thoát được. Cảnh này do đâu mà ra? Cái chính yếu là hậu quả của tội ác mình gây ra. Tại sao mình gây ra tội ác? Cái chính yếu là từ tâm sân nộ, giận dữ gây ra. Như vậy, cái nhân tố chính yếu trong những cái chính yếu để đưa mình vào địa ngục là lòng sân-giận. Như trong thư trước con có nói, sự sân giận không phải là cái tội, mà là ông chủ của tội lỗi, nghĩa là sự sân giận còn có tầm nguy hiểm hơn điều tội lỗi nữa!

Trong cảnh giới địa ngục, tất cả mọi người bị đọa vào đó họ sống trong sự sân giận, căm tức, thù hằn, đố kỵ, họ nuôi mộng trả thù thiên thu vạn kiếp. Cho nên, cảnh giới sân giận là cảnh giới địa ngục. Hằng ngày trong địa ngục họ bị thọ hình quá ư tàn bạo, quá ư ghê rợn, quá ư dã man, quá ư đau đớn! Họ sống từng ngày, từng giờ trong cảnh giới đó cho nên tâm địa của chúng sanh luôn luôn thù hằn, nóng giận, họ đâu có thì giờ nào để nghĩ đến vị tha, tương thân tương ái. Họ đã làm ác bây giờ phải thọ ác báo khổ đau. Sự thọ ác báo làm cho tâm của họ luôn luôn bị khủng bố, bị áp bức… khiến tâm hồn thêm sân nộ, căm thù. Càng sân khuể, càng căm thù… thì họ lại tiếp tục tạo thêm nhân địa ngục mới. Cứ thế, nhân chồng lên nhân, quả chồng lên quả, oán oán chập chùng, khổ đau bất tận! Cảnh giới địa ngục vô cùng kinh khủng! Thật là một cảnh giới rùng rợn không thể diễn tả hay tưởng tượng được! Ngài Tịnh Không giảng kinh Địa Tạng nói về cảnh giới địa ngục, một lần Ngài giảng trải qua hàng năm trời, mỗi ngày hai tiếng, giảng qua mấy lần như vậy mới nói hết cảnh địa ngục, thì một lá thư ngắn ngủi này không thấm thía gì đâu, đây chỉ nói tổng quát để tưởng tượng tới mà thôi.

Tại sao Địa ngục có những sự tra tấn dã man ghệ rợn vậy? Xin thưa đó là “NhânQuả Báo-Ứng”. Cái nhân quả báo ứng này tự mình làm rồi tự mình thọ lãnh, không ai tạo cho mình cả. “Nhất thiết duy tâm tạo” mà, cho nên biết vậy mà phải đành chịu thua, không cứu được. Trong kinh Phật nói, trong cực hình địa ngục, chỉ có chính người thọ hình và Bồ-tát mới thấy được bên trong cửa địa ngục đang có gì, ngoài ra không có ai khác trông thấy. Không trông thấy thì làm sao tiếp xúc người trong đó? Không tiếp xúc với kẻ đang thọ hình trong địa ngục thì làm sao cứu họ ra? Không tiếp xúc, không cứu ra được, thì kẻ thọ hình cứ tiếp tục quằn quại đau thương, cứ tiếp tục căm hận, thù hằn kẻ ra tay hành hạ mình, và cứ thế, tiếp tục đến vô tận, vô biên thời gian!…

Một điều quá trơ trẽn và oái ăm là tất cả những cảnh giới thọ phạt rùng rợn, quá tàn nhẫn kia, lại do chính cá nhân người đó dựng lên rồi tự thọ lãnh chứ không có một ai bày ra hình phạt đó cả. Vì đó là sự chiêu cảm tự nhiên của nhân quả, giống như người nằm mộng, tự mình chiêu cảm thành ác mộng, người nằm bên cạnh có hay biết gì đâu. Vô hình chung, họ tự mình căm thù với chính mình, tìm cách trả thù chính mình để tự mình thọ lãnh thêm những hình phạt mới dữ tợn hơn, cay nghiệt hơn, rùng rợn hơn!!!

Trong địa ngục, Bồ-tát muốn cứu người không phải dễ! Vì sao? Vì chúng sanh sống trong cảnh thù hằn đến cực độ. Họ không chấp nhận một sự tha thứ, không chịu một sự giải hòa. Họ không chịu nghe một lời giải thích nào cả ngoài việc thù hận thì làm sao đây? Như ngay trên thế gian này, cảnh giới của dương thế này là dễ tu nhứt, Phật Bồ-tát xuất hiện rất nhiều để cứu chúng sanh. Cứu bằng cách nào? Bằng cách thuyết kinh giảng đạo, khuyên nhủ người tu hành… Nhưng, nhiều khi thuyết giảng đến khan cổ mà có mấy ai nghe, viết muốn hết giấy, hết mực có mấy ai đọc đến? Ngay cả con cái, anh em, cha mẹ trong nhà khuyên nhủ nhau hết lời liệu có ai nghe chưa, thì làm sao trong một xã hội toàn là thù hằn sân giận thì làm sao họ để tâm nghe theo?

Cái tâm căm thù quá cao chính là thủ phạm dìm họ mãi mãi trong địa ngục, Địa-TạngVương Bồ-tát muốn kéo họ ra nhưng không dễ gì kéo họ ra cho được. Nghiệp chướng của mỗi người phải tự mỗi người hóa giải. Phật Bồ-tát chỉ có khuyên răn, chỉ đường và gia trì mà thôi, còn cải đổi hay không phải tự mình làm lấy. Muốn cứu họ, Bồ-tát nói rằng, ngươi tự làm khổ ngươi đó chứ không ai hành hạ các ngươi đâu. Hãy đừng nóng giận nữa, đừng căm thù nữa, hãy niệm thiện niệm lành, hãy sám hối tội lỗi của mình, hãy tịnh tâm niệm Phật thì tự nhiên các ngươi được thoát nạn liền. Nhưng, cái tâm nghi ngờ của chúng sanh đó đã lên đến chỗ cực độ, không thèm nghe lời còn cho rằng, “Ông nói xạo gạt tôi, tôi phải tìm cách giết cho được kẻ hành hạ tôi, tôi phải trả thù…”. Cứ thế làm sao bây giờ? Cái khó là ở chỗ này vậy! Họ không chịu nghe cho nên Bồ-tát muốn độ họ cũng phải biến hình thành quỷ rất dữ mới răn đe họ được, nhiều lúc đành phải dọa nạt, đánh đòn, dùng cực hình trấn áp… để cho họ khiếp sợ mà không dám làm bậy nữa.

Dưới địa ngục thọ mạng rất dài, một ngày một người có thể bị hành hình chết đi rồi sống lại không biết bao nhiêu lần. Ở chùa, thường người ta có để một pho tượng “Quỷ-Sứ” mặt mày dữ tợn, mắt trợn, lưỡi thè dài. Đây là quỷ Tiêu-Diện, một vị quỷ sứ đại hung dữ ở dưới địa ngục. Ngài là ai? Là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán-Thế-Âm Bồ-tát đó. Ngài vì muốn cứu độ chúng sanh ở địa ngục nên Ngài phải hiện thân thành quỷ dữ để độ họ.

Trong kinh Phật nói, chúng sanh muốn thân gì Bồ-tát hiện thân đó để độ. Dưới địa ngục mà hiện thân Bồ-tát hiền từ họ đâu có nghe, vì chúng sanh trong địa ngục vô cùng cay nghiệt, vô cùng ác độc! Ngày ngày, họ bị tôi luyện trong cực hình dã man, cho nên tâm sân khuể, tâm thù hằn mạnh lắm không thể dễ dàng làm cho họ nguôi ngoai được. Chính vì cái tâm nóng giận này nó chiêu cảm những hình phạt tương ứng với trình độ của tâm thái.

Một người có tâm thù hận đến cực độ sẽ bị chiêu cảm đến những hình phạt ghê rợn như “Thiết-Sàng”, như “Đồng-Trụ ” chẳng hạn. Thiết sàng, là cái giường bằng sắt, bắt tội nhân nằm lên đó rồi cho đun lửa cho đến khi tan xương nát thịt mà chết. Đồng trụ, còn gọi là “pháo-lạc” là một trụ đồng nóng, bắt tội nhân ôm lấy để thân thể bị nóng cháy cho đến chết luôn. Đó là hai trong những hình phạt vô cùng dã man trong địa ngục. Tất cả những hình phạt đó đều do sự chiêu cảm từ cái tâm ác hiểm mà ra, chứ không ai bày ra cho họ cả. Rõ ràng, thà rằng chém họ một nhát, bắn họ một phát chết liền còn nhân đạo hơn ngàn lần sự thọ lãnh những cực hình đó. Một người có tâm ác đến cực độ sắp sửa bị những cực hình trên mà họ không hay. Bồ-tát thấy được chuyện này, Ngài muốn cứu họ mà cứu không được, vì họ không nghe lời khuyên, không chịu ngừng tâm thù hận, thì làm sao đây? Đành rằng Bồ-tát cũng phải dữ như “Quỷ” thẳng tay trừng trị, may ra mới ngăn chận họ đừng phạm phải tội lỗi nữa. Rõ ràng Bồ-tát đang cứu người chứ đâu có hại người. Bồ-tát chấp nhận việc này là sự bất dắc dĩ để giúp họ thoát cái cực hình ghê rợn của thiết sàng đồng trụ mà họ đâu có hay!

Cách đây một tuần, chúng con có dự một bữa tiệc, Hòa-Thượng Tịnh-Không được mời lên khai thị, Ngài nói rằng, “khi quý vị phải giết một con vật để ăn thịt thì xin hãy làm ơn cho một dao giết chết nó liền đi, rồi sau đó làm gì thì làm, đừng nên hành hạ chúng tới chết”. Một Hòa-Thượng, thượng thủ Tịnh-độ Tông thế giới tại sao lại khuyên người ta sát sanh? Thưa không. Ngài nhìn chung quanh trong cái xã hội này đa phần đều là người sát sanh hại vật để ăn thịt, khuyên họ ăn chay làm lành không được, thì thôi đành rằng trong cái tội lỗi, hãy bày cho họ chọn cái tội nhẹ hơn một chút, để may ra tương lai còn có cơ hội sám hối chuộc tội, chứ Ngài nào có chủ trương giết hại sinh vật đâu. Ngài nói mà trong tâm Ngài đau thương đến rướm máu đó mà!…

Cho nên, con thành khẩn khuyên cha má, anh chị em, bà con, cô bác, nếu vạn bất đắc dĩ phải giết con vật để ăn, thì hãy gãy gọn làm một nhát cho nó chết trước đi, đỡ đau khổ cho nó hơn, đừng nên đánh vảy con cá trong lúc nó còn giãy đành đạch, đừng nên mổ bụng trong khi nó còn đang trào ra nước mắt. Biết được luật nhân quả, báo ứng thì hãy cố gắng tránh tự tay mình kéo ngửa cổ con gà ra lấy dao cắt đứt gân của nó để cho máu của nó chảy dần ra tới chết. Cái hận thù hành hình sát mạng này trở thành bất cộng đái thiên, là mối thù truyền kiếp chứ không phải thường đâu! Dù có Bồ-tát khuyên giải chúng nó cũng không nghe đâu. Nên nhớ, nợ sanh mạng nó thề sẽ đền trả bằng sanh mạng! Khi hiểu đạo rồi mới thấy cái nợ oan gia, trái chủ. Thật là khủng khiếp! Vì chúng nó vụng tu cho nên hiện tiền nó đang chịu thọ lãnh cực hình của địa ngục. Đối với con cá, con gà lúc đó, thì địa ngục là đây chứ còn đâu nữa! Quỷ sứ, chính là kẻ đang hành hình nó để ăn thịt chứ còn ai nữa! Nhân quả báo ứng tơ hào không sai, ta đang tạo cảnh địa ngục thì xin hỏi, ai thay ta đi xuống địa ngục để thọ hình trả nợ đây?

Trong pháp môn niệm Phật, với bốn mươi tám lời nguyện của Phật A-di-đà nói rằng, tất cả chúng sanh trong cửu pháp giới, nghĩa là có cả chúng sanh bị đọa trong địa ngục, nếu người nào phát tâm tin tưởng, phát lời nguyện cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới, chí thành niệm Nam-mô A-di-đà Phật thì được cứu độ vãng sanh về Tây-phương thành bậc bất thối Bồ-tát. Dễ dàng như vậy mà mấy ai nghe theo! Ngài thề rằng, nếu Ngài không thực hiện lời hứa này thì Ngài không thành Phật. Một lời thề vĩ đại, không thể tưởng tượng, và Ngài đã thực hiện được, vì Ngài đã thành Phật hiệu là A-di-đà cách đây đã mười kiếp rồi tại Tâyphương Cực-lạc Thế-giới. Thế mà con người vẫn không tin. Không hiểu tại sao?! Lời nguyện độ sanh này có điều kiện rõ ràng là phải TÍN-NGUYỆN-HẠNH trọn vẹn thì mới được cứu thoát. Ấy thế mà chúng sanh không chịu niệm, rất ít người chịu niệm, rất khó cho họ chấp trì. Tại sao vậy? Tại vì cái tâm căm thù, đố kỵ, ngạo mạn, nghi ngờ… đã ngăn cản họ, cấm họ, không cho phép họ mở lời phát nguyện để giải thoát. Thật không biết lời nào để phê bình nữa!

Trở lại với cảnh giới địa ngục, một người khi hết báo thân, thần thức bị chiêu cảm vào cảnh giới đó là xui xẻo nhất, tệ hại nhứt, khổ đau nhứt, bạc phước nhứt! Trong tội thập ác thì đây thuộc về thượng phẩm thập ác. Trung phẩm thập ác, bị đọa ngạ quỷ đỡ hơn một chút, hạ phẩm thập ác bị đọa súc sanh, có nghĩa là nhẹ nhất, súc sanh gần gũi với loài người. Nếu sơ ý sanh về hàng súc vật nhưng trước đó có làm phước nhiều thì vẫn được hưởng phước. Ví dụ, như có những con chó được ông chủ giàu có thương yêu chăm sóc, đây là có làm phước nhưng mà ngu si vậy.

Thượng phẩm thập ác thực sự không khác gì với những tội ác khác cả, nhưng cấp bực tội ác của nó thường là đã do lòng sân giận nâng cao mức tội lỗi lên đến chỗ tệ hại, vì khi nóng giận:

(1) Là nó đốt cháy tất cả công đức tu hành đã tích lũy được, làm cho người đó bỗng chốc bị mất sạch tất cả công phu tu hành;
(2) Là nó gia tăng cường độ tai hại của việc làm;
(3) Là nó làm cho tâm hồn mình điên loạn (tâm ma),
(4) và sau cùng là nó cấy cái nhân địa ngục, mình bị đọa địa ngục.
Trong giảng ký về kinh Vô-Lượng-Thọ, Ngài Tịnh-Không dạy rằng, người tu hành phải luôn luôn đề cao cảnh giác sự nóng giận, tuyệt đối đừng sơ ý mắc phải, nếu không khó có cơ hội để hy vọng vãng sanh. Vì sao? Vì rừng công đức tu tập suốt một đời bỗng chốc bị đốt cháy trở thành tro bụi bởi đóm lửa sân giận trong tâm. Có nhiều loại ma quái luôn luôn tìm cách phá hoại công đức tu tập của mình, khi nó thấy mình tích bồi được một số công đức, nó liền tới xúi giục bảo mình, đốt đi, đốt đi, hãy đốt đi. Mình nghe lời chúng đem công đức đốt cháy sạch trơn. Một tích tắc sơ ý, chỉ cần tâm lóe lên một ý giận thì bao nhiêu công đức không còn gì nữa cả. Sau đó mình lại lần mò tu lại, rồi lâu lâu nó xúi một lần nữa và lại phủi bàn tay trắng. Đọa lạc vẫn là đọa lạc là như vậy. Ngài còn nói tiếp, nóng giận không đốt được phước đức, nhưng nó đốt tan công đức. Phước đức là giàu có, tiền tài, danh vọng. Công đức là để vãng sanh đắc đạo thành Phật. Công đức quý hơn nhiều!

Thưa cha má, những lá thư này con nói sâu vào cách tu hành, thực ra đây không phải là con dạy đời cha má đâu, nhưng trong đời con có may mắn gặp được chân sư, hằng ngày con nghe thuyết kinh giảng đạo và vô tình đạo lý của Phật pháp nó thâm nhập vào tâm con hồi nào không hay. Bây giờ ngoài thư viết về Phật pháp con không viết được gì nữa cả. Người nào chấp nhận nghe thì con viết, người nào không chấp nhận thì thôi. Tâm nguyện của con là cứu thoát cha má trong đời này, cho nên càng viết con càng cảm thấy an lòng. Cha má tu hành là cái cơ may của cha má. Tu hành, phải tích công đức, phước báu. Chính vì lo cho cái thiện căn phước báu này cho nên những lá thư đầu tiên con chỉ mong cầu cho cha má phát tâm niệm Phật trước đã. Hễ phát tâm niệm Phật, nếu không có thiện căn thì thiện căn cũng sẽ có, không có phước báu thì phước báu cũng đến. “Nam-mô A-di-đà Phật” là một âm thanh tối vi diệu, nó có khả năng tạo ra thiện căn phước báu vô lượng cho người phát nguyện trì niệm. Có thiện căn, phước đức rồi thì nhân duyên vãng sanh sẽ đặt theo từng bước chân đi, ngay trong đời này không đâu xa cả. Thiện căn, thuộc về công đức. Phước báu, thuộc về phước đức là lương thực để đi đường.

Tu hành phải từ cái lỗi lầm lớn nhất của mình mà hạ thủ công phu. Cái sở cầu phải tìm đỉnh cao nhất mà cầu mới mong thành đạt, gọi là “tu tại hồ trọng, chí tại hồ thượng” là vậy. Nghĩa là tu sửa phải lo sửa cái sai lớn nhất trước, chí cầu đắc phải cầu thượng đỉnh thì sự tu hành của mình mới viên mãn. Sửa sai chỉ chăm chú sửa lỗi nhỏ quên cái lỗi lớn thì tội lớn nó giết chết cả huệ-mạng của mình, mình còn dịp nào nữa mà tu. Cầu đạo mà cầu chứng đắc nhỏ thì khi tử ma đến mình đắc được cái gì? Bá thiên vạn kiếp không thành gì cả. Ví dụ câu “Nhân đạo bất tu, Thiên đạo viễn hỷ” rất là đúng. Đây là căn bản của đạo làm người, nhưng không phải chỉ làm người mà không lo đạo giải thoát đâu. Ví dụ như nói “không học tiểu học thì làm sao học trung học”, là để khuyến khích người không chịu đi học chứ không phải để nói cho người đang học cao học, đại học đâu. Chẳng lẽ người học đại học không làm được bài toán tiểu học sao!?
Chí cầu ư thượng đỉnh thì quả đạt thượng đỉnh, chí cầu chỉ được làm người trở lại thì không bao giờ đạt tới hàng Thánh, thế thì còn mơ làm sao có ngày đạt đạo giải thoát? “Tu sửa từ tội nào tệ nhất trước mới là tu”. Tội nào tệ nhất? Đó chính là tội đọa địa ngục. Niệm Phật cầu về Tây-phương để một đời thành Phật là cái đỉnh tối thượng, mà hằng ngày tâm mình lại tạo dựng cảnh giới địa-ngục thì cái quả địa làm sao tương ứng với cảnh Tây-phương của Phật! Chắc chắn không thể nào được! Cha má nên nhớ rằng muốn được về với Phật A-diđà thì tâm phải là Phật, thân phải làm Phật, miệng nói lời Phật mới được. Nghĩa là, tất cả đều phải đi đến chỗ nhất tâm hướng về Phật.

Tâm niệm Phật thì tất cả vạn duyên đều phải buông xả, chỉ còn có Phật, gọi là “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật”. Chính cái Tâm mình sẽ biến mình thành Phật. Nhất thiết duy tâm tạo, nếu tâm mình muốn làm ông Tiên thì tâm Phật bị xao lãng. Tạp tu dễ thất bại là vì vậy đó cha má ạ! Muốn vãng sanh thành Phật tâm phải niệm Phật. Miệng niệm Phật mà tâm còn muốn cầu xin Bồ-tát cho chút phước báu thì tâm đó không chí thành, không nhứt tâm. Tu hành sai giới luật của pháp niệm Phật, nên tự mình bỏ mất lực gia trì vậy.
Tổng quát là vậy, bây giờ về sự tu trì, xin cha má phải đi vào căn bản, phải thực hiện cụ thể, có như vậy mới đạt được công phu. Niệm Phật giới luật nghiêm minh thì tâm mới được thanh tịnh, nhờ đó trí tuệ tự nhiên khai mở, cha má sẽ tự biết đường huân tu. Cụ thể, về chuyện sân-giận, cha má hãy tự xét coi mình có thường giận nóng hay không? Đó là cái nhân chủng địa ngục rất nguy hiểm! Nếu có, ngay lập tức phải biết hối cải, sám hối nghiệp chướng liền. Nếu không sám hối ngay chỗ này thì dù tu cách nào cũng không thể thành đạo.

Thưa cha, vì một lòng thẳng thắn cứu cha, con đành phải nói thật, nói ngay trong thời khoảng mà cha còn có thể hồi đầu chuyển lỗi thành công, chuyển tội thành phước, hơn là ém nhẹm để sau cùng cha bị nạn quá nặng, đến chừng đó không ai cứu cha được nữa. Xin cha chớ giận, con xin nói thẳng rằng cha thường sơ suất về chuyện này, vô tình bao nhiêu công đức tu hành sáu bảy chục năm đã bị tiêu hủy hết rồi. Đây là điều đau đớn con xin thưa thực, là sự đau lòng mà con rất muốn nói với cha, nay mới có dịp. Đây là lời Phật nói trong kinh chứ không phải con nói. Muốn có công đức cha phải tự tái tạo lại ngay từ đầu bằng cách niệm Nam-mô A-di-đà Phật, và nếu một lòng nhứt tâm xưng niệm, chuyên chí một đường thì chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn cha sẽ có một phước báu mới rất lớn, một thiện căn mới rất lớn. Nhờ thiện căn và phước báu mới này mới có hy vọng cứu thoát cha ra khỏi luân hồi. Nhưng, nếu cha sơ ý lại nổi sân giận nữa thì lại đốt tiêu tan lần nữa. Xin cha tin con. Xin cha trăm ngàn lần nghe lời con, con tuyệt đối vì lòng hiếu thảo, vì chí nguyện cứu độ cha nên con đành phải nói lời thành thật để cha trực giác hồi đầu, tuyệt đối con không có một chút vọng ngôn.

Phật dạy, bất cứ lúc nào hễ biết quay đầu thì thấy bến. Vậy thì “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, nghĩa là đừng sợ cái niệm sai lầm trước, chỉ sợ mình không chịu quay đầu giác ngộ mà thôi.
Giận dữ, nó đốt rừng công đức mà còn cấy nhân địa ngục vào tâm linh mình. Cấy nhân địa ngục còn đỡ, lỡ sân giận mà buông lời sai suất với Phật và Phật pháp thì sự việc trở thành rất lớn, tai họa nghiêm trọng. Cha tự nghĩ coi đã từng lỡ phạm phải chưa? Nếu có, con xin quỳ xuống năn nỉ cha má, cha má phải tức khắc sám hối, hàng ngày nên tìm giờ nào thuận tiên tự quỳ trước bàn thờ Phật mà kiệt thành sám hối, nhất định không thể hẹn, không thể tự ái được.

Người buông lời khinh thị Phật pháp đã kết thành tội cực trọng,
trong kinh nói rằng, chư Phật mười phương không cứu nổi, chỉ có Phật A-di-đà với bốn mươi tám đại nguyện mới cứu được, nhưng bắt buộc phải thành tâm sám hối tội lỗi. Người phạm lỗi này mà trong đời phạm thêm tội ngũ nghịch nữa thì vô phương thoát nạn.
Đây có thể làø tội vô tình mà nên. Nhưng vô tình hay cố ý vẫn là tội! Ngoài việc sám hối còn phải “lấy công chuộc tội”.

Một là ngày đêm nguyện với Phật kiệt thành sám hối chuyện này,
Hai làđể ý đề cao cảnh giác ngăn ngừa sự sân giận mới, Ba là lỗi tại đâu lấy đó mà trị.

Ví dụ, cái lưỡi lỡ nói lời khinh báng thì bây giờ ta phải phát nguyện dùng cái lưỡi này đi tuyên dương Phật pháp, đi khuyên người tu Phật, đi giúp người niệm Phật. Thành tâm làm thì ta sẽ hóa giải cái kiếp nạn kinh khủng này, không những thế mà cha má còn chuyển được nghiệp báo từ cực xấu trở thành cực tốt. Đây là diện “sám tội vãng sanh”, công đức nhiều khi vượt thắng hơn người thường chứ không phải đơn giản. Con thành tâm khuyên cha má nên tự quán xét để kịp thời tự cứu mình, đừng nên lơ là buông trôi mà phải nhận chịu thọ phạt cực trọng.

Xin cha má xem lại thư của con thêm một lần nữa. Địa-ngục, ngạ- quỷ, súc-sanh là những đường phải tránh xa. Khổ nỗi! Ai cũng muốn tránh mà không biết cách tránh cho nên mới phạm phải những lỗi nghiêm trọng mà không hay đó thôi! Hằng ngày, con đều nguyện cầu Phật lực gia trì cho cha má thấu đường tu, cố gắng nhẫn nhục để đạt giải thoát cho được. Tất cả xin hãy buông xả hết đi, tất cả hãy vì mục đích: về cho được Tây-phương Cực-lạc trong đời này.

Nam-mô A-di-đà Phật Con kính thư.
(Viết xong, Úc Châu ngày 25/3/2002).

TAMTHUC