Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
phat-day-nghiep-tot-do-minh-tao-khong-phai-suc-thieng-lieng-nao-ban Phật dạy: Nghiệp tốt do mình tạo, không phải sức thiêng liêng nào ban
Sunday, 10/07/2016 10:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Nhận xét chân chính là căn bản của trí tuệ. Người Phật tử nhận xét sự vật trong vũ trụ theo hai chiều nhân quả và nhân duyên, để đi đến thấu triệt lý lẽ nhân quả, nhân duyên…

Hòa thượng Thích Thanh Từ: “Người Phật tử phải vừa tự tu riêng mình, vừa cảm hóa những người chung quanh mình cùng tu”

Vạn vật thành bại, hư nên, tốt xấu… đều theo định luật nhân quả. Như muốn có lúa ta phải gieo hạt lúa, vun phân xới đất làm cỏ, mưa, nắng, sương và chăm sóc, ngăn ngừa sâu bọ là những điều kiện phụ trợ. Có đủ những điều kiện ấy, trải qua một thời gian, sẽ được những bông lúa. Từ nhân hạt lúa, đến quả nhiều bông lúa, bản thân cây lúa có đủ những yếu tố bổ trợ và phá hoại, chứ không đơn giản cứ có hạt lúa sẽ có bông lúa.

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Thuyết nhân quả gồm có chánh nhân, trợ nhân, nghịch nhân. Hạt lúa đem ra gieo là chánh nhân, phân, đất, nước… là trợ nhân; mưa, nắng, thuận mùa là thuận nhân; sâu bọ, nắng hạn, bão lụt là nghịch nhân. Nhân quả liên chuyền cả ba thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai.

Chung hợp nhân duyên

Không một vật nào tự nó hình thành, mà phải do nhiều nhân duyên chung hợp; muôn vật trong vũ trụ đều liên hệ nương nhờ nhau, “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Cái nhà không tự có, sở dĩ có là nhờ cây, gạch, ngói, xi-măng, sắt, cát… nếu một trong những điều kiện quan trọng ấy thiếu, cái nhà khó thành tựu.

Người hiểu rõ lý nhân quả áp dụng vào sự tu tập bản thân sẽ được những đức tính tốt: Can đảm không kêu than oán trách, khi gặp cảnh khổ đến với mình vì biết do nhân mình đã tạo trong hiện tại, hoặc quá khứ còn thừa.

Sẽ dũng tiến tu thiện, vì biết gieo nhân lành sẽ được hưởng quả lành. Sẽ cẩn thận khi sắp làm, sắp nói, vì sợ gây nhân xấu sau chịu quả xấu. Sẽ không ỷ lại, vì biết mọi việc do mình tạo nhân, mình hưởng quả không phải sức thiêng liêng nào ban. Và sẽ không kiêu căng trong cảnh giàu sang, vì biết nhờ nhân lành đời trước nếu khởi hành động xấu sau này sẽ chịu quả khổ.

Người đạt được lý nhân duyên đối với xã hội có nhiều ý niệm hay: Không ích kỷ, vì biết mình và người tương quan nhau, người khổ tức mình khổ; Không chán ghét xã hội muốn trốn tránh, vì biết mình không thể ly khai xã hội được; Tích cực lợi tha, vì biết người tốt là mình tốt; Không quá khổ đau khi thấy sự hoại diệt, vì biết có hợp phải có tan.

Biết nhận xét và áp dụng lý Nhân quả, Nhân duyên như vậy là người có trí tuệ tự tạo cho mình một cuộc sống linh hoạt hợp lý.

Tự giác, giác tha

Lý Nhân duyên cho thấy trong vũ trụ không có một vật nào đơn độc tự sống; đã có sống tức liên hệ nhau, giữa mình và mọi người, mình và vạn vật. Bởi thế, người Phật tử phải vừa tự tu riêng mình, vừa cảm hóa những người chung quanh mình cùng tu, tức là tự giác và giác tha.

Trước nhất là cảm hóa gia đình. Những người gần nhất với Phật tử tại gia là cha mẹ, anh em, vợ con. Tuy mỗi người có quyền tôn thờ một lý tưởng riêng, nhưng trong gia đình mà lý tưởng khác nhau là cái cớ khiến tình thương lợt lạt.

Phật tử cố gắng cảm hóa gia đình không phải là độc tài, cái gì mình theo bắt trong gia đình phải theo, mà vì muốn đem lại tình thương và hạnh phúc cho gia đình.

Phat day: Nghiep tot do minh tao, khong phai suc thieng lieng nao ban - Anh 2

Công đức cúng dường Tam Bảo thênh thang vô lượng

Cha mẹ là bậc bề trên, kẻ làm con thương cha mẹ không gì hơn khuyên cha mẹ hướng về đạo đức. Nếu cha mẹ đã quy y Tam Bảo, người con phải tạo những trợ duyên tốt cho cha mẹ tiến lên trong việc đạo đức. Nếu cha mẹ chưa biết Phật pháp, người con cố gắng khuyên giải và tự mình thể hiện những cái đẹp Phật giáo để cha mẹ trông thấy cái hay mà trở về đạo pháp.

Tình cốt nhục muốn được sâu đậm thiết tha là anh em phải chung thờ một lý tưởng. Nếu anh em chưa biết Phật giáo người Phật tử nên hướng dẫn đến với đạo. Nhưng trước tự bản thân mình phải theo, sống thực theo các hạnh Từ bi, Nhẫn nhục… để anh em nhìn vào ta thấy được cái gì cao đẹp. Những nét đẹp nơi ta sẽ chuyển hóa tâm hồn huynh đệ ta hướng về Phật giáo.

Đối với vợ hoặc chồng, người Phật tử sẽ áp dụng Phật giáo cư xử trong gia đình khiến vợ hoặc chồng cảm thấy Phật giáo đem đến cho gia đình một ân huệ quý báu. Không nên bắt buộc vợ hoặc chồng theo Phật giáo mà phải tự mình làm cao đẹp Phật giáo để bạn mình cùng chuyển hướng theo.

Con cháu trong nhà, người Phật tử phải khéo huấn luyện dạy dỗ chúng những gương hay hạnh tốt trong Phật giáo khiến chúng thấm nhuần Phật giáo từ thuở bé. Nhất là Pháp Lục Hòa hằng giảng dạy chúng ăn ở cư xử với nhau thành nếp hòa thuận, tin yêu, không nên hững hờ cho chúng còn bé không cần biết đạo đức, đến khi chúng khôn lớn chưa từng biết gì về đạo Phật nghe ai nói gì hay theo, chừng ấy kẻ làm cha mẹ hối hận đã muộn.

Thứ nữa là cảm hóa láng giềng. Hương vị đạo đức của từng gia đình các Phật tử sẽ nhiễm lây sang hàng xóm. Phật tử lấy đạo đức thực tự bản thân, gia đình cảm hóa người lân cận là điều căn bản chân chánh. Không cần khoe khoang Phật giáo hữu ích, cao siêu… chỉ cần các Phật tử biết sống thực theo Phật giáo.

Phật tử tại gia muốn cảm hóa những gia đình bên cạnh mình hướng về Phật giáo, trước phải đem Phật giáo làm lợi ích thiết thực trong gia đình mình thì sự cảm hóa mới có hiệu quả. Ngược lại, nếu người mà nhìn vào gia đình của các Phật tử dẫy đầy một màu thù hận, buồn khổ thì khó mong kết quả. Muốn lợi tha quyết định trước phải tự lợi.

Thứ ba là cư xử với bạn đạo. Chúng ta muốn cảm hóa người chưa biết đạo trở về với Phật giáo, nếu trong tình đạo hữu cùng nhau mà cư xử bất nhã, hoặc giận hờn thù nghịch nhau thì người ngoài làm sao dám bước chân vào đạo. Cho nên, người Phật tử biết thương đạo, thương quí thầy, là bạn đạo phải cư xử với nhau rất hòa mục, thương yêu nhau như con một cha.

Tuy rằng bạn đạo không phải tình cốt nhục, nhưng cùng thờ một lý tưởng, cùng tôn Đức Thích Ca là Từ Phụ thì đâu khác tình cốt nhục. Biết thương yêu nhau, đùm bọc nhau là Phật tử làm đẹp cho Phật giáo khiến những người ngoài thèm muốn đến với đạo. Phật sự quan trọng là Phật tử phải sống hòa thuận vui vẻ với nhau.

Đặc biệt, là tham gia việc từ thiện. Phật tử biết tu theo hạnh Từ Bi của Phật, thì tùy khả năng cứu giúp những người chung quanh mình khi họ gặp những hoàn cảnh khổ đau. Cứu trợ người là hành động đẹp khiến người ta cảm mến trở về với Phật giáo.

Ngoài ra, Phật tử tùy sức sẵn sàng góp công vào những việc từ thiện xã hội. Gặp người đau khổ, chúng ta nên đặt mình trong hoàn cảnh của họ để cùng thông cảm nỗi khổ đau với họ. Sự giúp đỡ nhiều ít không quan trọng, quan trọng ở chỗ thông cảm nỗi khổ của họ hay không. Tuy giúp của ít mà thông cảm nỗi khổ đau của họ, còn hơn giúp của nhiều mà lạnh lạt vô tình.

Người Phật tử đã làm bổn phận trong gia đình, ngoài xã hội, còn có trách nhiệm gần gũi liên lạc với ngôi Tam Bảo, nhưng tới lui lo lắng phải có chừng mực, giới hạn không nên đi quá trớn; cũng tránh ly khai chùa chiền, tăng ni. Công đức cúng dường Tam Bảo thênh thang vô lượng không nên hạn cuộc trên tấm bảng nhỏ hẹp, trong những lời khen dễ dàng.

Tư cách đúng đắn của Phật tử, khi ra làm việc đạo không nghĩ đến cái ngã của mình, không bao giờ thấy mình là người có công lớn. Không vì tiếng khen mà cố gắng, không do lời chê mà thối lùi. Vui vẻ phấn khởi làm Phật sự chỉ vì Tam Bảo mà thôi.

Khi lo việc đạo do sự đồng ý vui vẻ trong gia đình, không qua mặt khuất lấp người trong nhà, lúc nào cũng giữ thái độ đường đường chính chính, kính trọng Tam Bảo. Người biết quý kính Tam Bảo là phải thương yêu chúng sinh, vì chúng sinh là nhân duyên chính Tam Bảo xuất hiện. Chỉ biết Tam Bảo mà không biết chúng sinh là một sai lầm lớn của Phật tử, Phật tử cố gắng khêu sáng ngọn đèn Tam Bảo để chúng sinh thấy mà hướng về…

Thích Thanh Từ

TAMTHUC