Truyện xưa kể lại rằng, một buổi tối một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái quy định vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.
Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Khi đặt chân xuống, chú tiểu mới kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Sự khoan dung của vị thiền sư già đã khiến chú tiểu suốt đời không quên được bài học đó.
Nói về sự khoan dung, cổ nhân từng nói: “Sự khoan dung là món trang sức của đức hạnh”, nhất là đối với phụ nữ, khoan dung lại càng cần thiết để tạo nên nhân cách tốt và tạo phúc cho chính bản thân mình.
Điều đầu tiên, cũng là điều dễ nhận thấy ở một người có lòng khoan dung là họ dễ dàng dẹp đi những chướng ngại vật trong tâm hồn và trước mắt mình, để tìm đến một cuộc sống nội tâm êm đềm, thanh thản. Có lẽ chăng vì thế mà “người hạnh phúc nhất là người không bao giờ giận”? Bạn thấy đấy, một khi xoá bỏ hết những hận thù, những ganh tị không đáng kể trong lòng, người ta thấy thật nhẹ nhõm, thoải mái, bỗng dưng lạc quan, yêu đời hơn bao giờ hết. Cuộc sống còn nhiều điều bí ẩn cần khám phá, tại sao ta không tìm niềm vui từ đó, thay vì ôm mối hận thù vô nghĩa trong lòng? Một cánh cửa khép vào lại có cánh cửa khác mở ra. Khi ta đóng kín những ý nghĩ tầm thường ở tận đáy lòng, ta sẽ hé mở những cảm xúc thi vị, mới mẻ, thánh thiện trong tâm hồn.
Thì ra, khoan dung cho kẻ khác còn là khoan dung cho chính mình, là sự cảm thông sâu sắc cho bản thân và cho những người xung quanh.
Ngoài ra, khoan dung còn biểu hiện cho một tâm hồn vị tha, là đức tính cao thượng, không cố chấp, sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi. Phải chăng vì thế mà khoan dung trở nên cần thiết trong cuộc sống? Có người nói “Tha thứ là sự trả thù vinh quang nhất” quả không sai. Bởi vì lòng nhân ái, bao dung vẫn luôn là món quà cứu độ cho kẻ tội lỗi, giúp con người vượt qua mọi thử thách.
Người xưa dạy: Rộng lớn nhất thế giới là đại dương, rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn cả bầu trời chính là lòng người. Sự khoan dung, nếu được dùng đúng chỗ và đúng lúc thì còn có tác dụng mạnh mẽ hơn sự trừng phạt, bởi nó tác động rất mạnh đến nhận thức mỗi con người. Nhất là đối với cuộc sống, công việc và học tập của con trẻ, việc khoan dung đem lại hiệu quả vượt trội hẳn so với việc áp dụng bất kỳ hình phạt nào. Thậm chí, khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình, giải thoát mình khỏi những sự giận dữ, căm tức, hận thù, tranh chấp…, nhờ đó mà cân bằng được cuộc sống của mình.
PHƯỚC THIỆN
Tác giả: Ngạo Thiên
Đời người ngắn ngũi không dài
Sống sao có ích, đêm ngày không lo.
Áo cơm vật chất dày vò
Một vòng lẩn quẫn, khổ cho kiếp người.
Tham lam keo kiệt sinh thời
Làm sao đến được, cõi trời mai sau.
Đam mê danh lợi sang giàu
Tạo thêm duyên nghiệp, dấy vào tấm thân.
Mai này nhắm mắt lìa trần
Hồn đến địa ngục, mắt dần sáng ra.
Thấy rồi lòng mới xót xa
Nhận ra đã muộn, án tra ngục hình.
Làm thiện được phước theo mình
Kiếp sau sẽ được, tái sinh sang giàu.
Hồng Ân Tam Bảo bao la
Pháp quang soi chiếu, thân ta an lành.
Nhân lành quả ngọt đầu cành
Làm thiện được phước, trời xanh thương tình.
Phong Linh (TH)/Theo Khỏe & Đẹp
TAMTHUC