Đời Tống có một chàng trai tên gọi Mãn Sinh, là con của một gia đình nhiều đời làm quan, từ nhỏ không được ai dạy dỗ nên tính khí ngông cuồng tự phụ, mặc dù vẻ ngoài tuấn tú, đầy bụng văn chương, song cứ mãi mà không lập nghiệp được. Người trong họ dần dần xa lánh. Mãn Sinh cũng chẳng kể gì chuyện ấy, cứ sống kiểu phiêu lãng giang hồ ngâm phong vịnh nguyệt vui chơi.
Người chú là Mãn Quý thấy cháu không chịu cầu tiến thủ như vậy thì suốt ngày làm mặt giận. Mãn Sinh bèn rời Hoài An đi đến Trường An, định tìm một người bạn cũ của cha nhờ lo cho một chức quan gì đó. Không ngờ, người này mới bị biếm chức, đã đi khỏi Trường An rồi. Mãn Sinh mang theo tiền cũng không nhiều, lại tiêu pha thoải mái trong mấy ngày, nên hết cả tiền lộ phí để quay về nhà.
Ngày tháng chạp lãnh lẽo, suốt mấy ngày gió tuyết liên miên, Mãn Sinh ở trong một quán trọ nhỏ, trong người không có lấy một xu. Chủ quán không đòi được tiền, đuổi đi cũng không đi, đành chỉ không cho anh ta ăn cơm nữa. Mãn Sinh nằm co trong phòng quán trọ, vừa đói vừa rét, bụng nghĩ mình là con quan, học vấn đầy bụng, thế mà nhất thời lỡ vận, phải chịu cảnh lạnh lẽo nhục nhã thế này, rồi còn những ngày sau nữa sẽ sống làm sao đây? Nghĩ đi nghĩ lại mãi, chàng ta không nén nổi, òa khóc rống lên.
Ở cạnh đó có một ông già họ Tiêu, mọi người gọi ông là Tiêu Đại Lang. Ông này vợ mất sớm, sống cùng với cô con gái là Tiêu Văn Cơ. Tiêu Đại Lang làm nghề buôn bán, tuy không có tài sản muôn quan ngàn quan gì, song sống cũng đầy đủ. Là người hay giúp đỡ kẻ nghèo khó, Tiêu Đại Lang thấy người có học lại càng vì nghĩa quan tâm. Hôm đó, hai cha con đang ở nhà uống rượu cho ấm, bỗng nghe bên cạnh có tiếng khóc bèn hỏi quán trọ, biết đấy là một học trò nghèo gặp nạn. Ông Tiêu bèn gọi đem rượu và thức ăn tới, rồi lại bảo chủ quán rằng mọi chi phí của Mãn Sinh cứ ghi cả vào sổ của mình.
Trong lúc khốn đốn mà gặp được người tốt bụng như thế, Mãn Sinh vô cùng cảm kích. Ngày hôm sau, tuyết ngừng rơi, Mãn Sinh bèn sang nhà bái tạ Tiêu Đại Lang, thầm tính nếu tiện sẽ mượn ông ít tiền lộ phí. Tiêu Đại Lang nhiệt tình khoản đãi Mãn Sinh. Hai người vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ. Lúc này, Tiêu Đại Lang thấy tiếc là đã gặp nhau muộn quá. Xong bữa, ông giữ Mãn Sinh ở lại ăn tết với nhà mình.
Tiêu Văn Cơ nghe nói cha vừa đem ở quán trọ về một chàng học trò, bèn tò mò đứng ngoài nhìn trộm. Văn Cơ đã đến tuổi dậy thì, vừa xinh đẹp vừa thông minh, nhìn thấy Mãn Sinh tuấn tú, nói năng lưu loát, tự nhiên cảm thấy rung động trong lòng.
Mãn Sinh ở lại trong nhà Tiêu Đại Lang, thường xuyên gặp mặt Văn Cơ, thấy Văn Cơ xinh đẹp, lại thông hiểu sách vở, cũng rất thích. Hai người đầu mày cuối mắt tỏ mối tương thân. Tục ngữ có câu “Tai vách mạch rừng”, mối tư tình giữa Mãn Sinh và Văn Cơ không giấu nổi Tiêu Đại Lang. Ông rất tức giận cho rằng Mãn Sinh như vậy thật không phải là người quân tử, song cuối cùng, ông cũng đồng ý cho cuộc hôn nhân này. Thế là Mãn Sinh ở rể nhà họ Tiêu. Anh chàng cùng khốn lao đao khắp nơi phiêu bạt, nay xem như đã có một gia đình.
Để đền đáp ơn nghĩa của Văn Cơ và bố vợ, Mãn Sinh ngày đêm chịu khó, chịu khổ ra sức học tập, chuẩn bị lên kinh ứng thí. Hai năm sau, Tiêu Đại Lang chuẩn bị đầy đủ lộ phí cho Mãn Sinh rồi hai cha con tiễn chàng lên đường. Không phụ lòng mong mỏi của mọi người, Mãn Sinh đi thi được đỗ ngay. Bảng vàng nêu tên rõ ràng khiến cha con Văn Cơ như cởi mối lo. Thế là tuổi già của cha và cuộc đời của con nay đã có chỗ dựa rồi. Tiêu Đại Lang không tiếc của, không lo tốn kém, mời các thân bằng cố hữu tới ăn mừng suốt trong nửa tháng.
Mãn Sinh ở kinh đô, được lệnh đi Lâm Hải nhậm chức Huyện úy. Đang lúc thu xếp hành lý chuẩn bị đi đón vợ và ông nhạc cùng tới nhiệm sở, thì gặp một người anh họ. Vốn là những người tộc họ ở Hoài An thấy Mãn Sinh được ghi tên bàng vàng thì vui mừng khôn xiết bèn phái người anh này đi khắp nơi tìm Mãn Sinh, mãi mới gặp được Mãn Sinh ở kinh thành bèn kéo chàng ta đi. Mãn Sinh ấp úng thoái thác, lại không nói rằng mình đã lấy vợ rồi. Người anh kia cho rằng Mãn Sinh thi đỗ rồi làm bộ lên mặt nên chửi cho một trận. Mãn Sinh nghĩ: “Mới đầu mình khốn khổ ra đi, bây giờ mình áo gấm về quê, thế cũng hay!”. Thế là đi theo anh ta về Hoài An.
Lại một cuộc vui náo nhiệt. Chúc mừng xong, ông chú là Mãn Quý nói với Mãn Sinh rằng ông ta đã nhắm cho chàng một đám, cô gái họ Chu, tài sắc song toàn, cũng là con gái nhà quan, môn đăng hộ đối. Mãn Sinh cứ ấp a ấp úng, mãi mà không nói lên lời, vừa không nói rõ mình đã có vợ, vừa không dám trái lời ông chú. Mấy hôm sau, Mãn Sinh mới nghĩ rằng bây giờ mình đã gặp bước thanh vận, nên làm cho đáng danh gia vọng tộc. Sau này nếu Văn Cơ không được tin tức của mình chắc nàng sẽ đi lấy người khác thôi. Nghĩ vậy xong, chàng ta bằng lòng, chọn một ngày lành kết hôn với cô gái họ Chu.
Thật không hổ là con nhà danh giá, nàng họ Chu chẳng những dung mạo xinh đẹp, mà còn giỏi mọi thứ cầm, kỳ, thi, họa, Mãn Sinh càng nhìn càng ưa. Hai người thương yêu quấn quýt nhau như keo như sơn. Cũng có lúc nhớ tới Văn Cơ, Mãn Sinh cũng thấy trong lòng có chỗ không vui. Nàng họ Chu vốn là cô gái hiền thục và hiểu biết, khi được biết chuyện của Mãn Sinh và Văn Cơ, nàng khuyên chồng nên đón Văn Cơ đến cùng sống, nhưng Mãn Sinh không nghe. Rồi còn đem cái áo và hộp hương thơm mà Văn Cơ tặng ra đốt hết để chứng tỏ là thật sự tuyệt tình.
Được hanh thông trên đường hoạn lộ, Mãn Sinh dần dần được thăng chức quan to. Nàng họ Chu được cùng chồng hưởng mọi vinh hoa phú quý. Cứ như vậy qua mười mấy năm, chuyện cha con họ Tiêu thế nào, Mãn Sinh từ lâu đã quên sạch.
Một hôm, Mãn Sinh đi tản bộ trong cái sân rộng thênh thang nhà mình, bỗng nhìn thấy một a hoàn mặc áo màu xanh, thấy chàng ta, a hoàn đó chạy vụt đi. Mãn Sinh đuổi theo, thấy a hoàn chạy vào một gian nhà nhỏ treo cái rèm rách. Chàng ta chạy đến đó, bỗng thấy từ trong nhà một người đàn bà bước ra, nhìn kỹ té ra là Tiêu Văn Cơ. Mãn Sinh kinh hoàng bỏ chạy. Văn Cơ chạy theo níu lấy rồi òa khóc, vừa khóc vừa kể lể chuyện mười mấy năm nay, rằng phụ thân Tiêu Đại Lang thấy Mãn Sinh vong ơn bội nghĩa như vậy đã tức quá, khí uất lên mà vong mạng, Tiền bạc trong nhà đã hết sạch bây giờ nàng một mình cô đơn cô độc không nhà không cửa.
Nàng Chu đã nghe nói Văn Cơ từ ngàn dặm tới đây tìm chồng, bèn tới gặp Văn Cơ. Nàng giữ Văn Cơ ở lại với mình, Mãn Sinh trong lòng hổ thẹn, không dám đến gặp Văn Cơ. Một hôm, Mãn Sinh vừa uống rượu ở đâu về, thấy phòng Văn Cơ vẫn sáng đèn bèn lảo đảo bước vào. Sáng hôm sau, mặt trời đã lên cao, cả nhà đều đã dậy mà Mãn Sinh vẫn ở trong phòng Văn Cơ chưa ra.
Mọi người đùa nói: Mười năm rồi không gặp nhau mà, bây giờ phải đem bao chuyện trong mười năm ra nói trong một đêm thì sao cho hết được? Và cứ để mặc kệ họ. Đến trưa, phòng Văn Cơ vẫn im lìm, nàng Chu hơi khó chịu bèn sai người tới gõ cửa. Nhưng cửa vẫn đóng chặt, gõ thế nào cũng không mở, mọi người thấy lạ. Cuối cùng đành phá cửa vào thì thấy trong phòng trống không chẳng có người nào, không có Văn Cơ trong đó.
Nàng Chu nhìn khắp nơi thấy dưới gầm giường có một người nằm thẳng cẳng, mồm mũi đổ máu, đã tắt thở từ lâu. Nàng ta nhìn kỹ thấy đúng là Mãn Sinh chồng mình, bèn òa khóc. Lúc đó phía sau có tiếng Văn Cơ nói: “Xin phu nhân tha lỗi, chính tôi đã giết Mãn Sinh để báo thù cho tôi và cha tôi. Phu nhân cũng chẳng cần phải đi báo quan làm gì vì tôi đã là người âm phủ từ lâu rồi. Xin phu nhân hãy chú ý bảo trọng”.
Nàng Chu quay đầu nhìn lại thì chẳng thấy Văn Cơ đâu, nàng ta hoảng kinh, hồn bay phách lạc, rồi ngẫm nghĩ mãi, thấy Mãn Sinh là kẻ vong ân phụ nghĩa nên mới ra nông nỗi như vậy, bèn cùng người nhà lo liệu việc chôn cất cho Mãn Sinh.
Sưu tầm
TAMTHUC