BẢN KINH PHẬT GIÁO CỔ NHẤT HIỆN NAY (.PDF)
Khi nói đến bản kinh Phật giáo cổ nhất, thông thường chúng ta nghĩ ngay đó phải là bản kinh tiếng Pāli hoặc Sanskrit. Tuy nhiên, sự thật thì không phải như vậy. Theo các khám phá khảo cổ học, cho đến thời điểm hiện tại, thủ bản (bản chép tay) thánh điển Phật giáo tiếng Pāli cổ nhất được tìm thấy tại Nepal có niên đại vào thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 9, bao gồm các phân mảnh của bốn phiến kinh có nội dung là một phần trong Tạng Luật (1). Thủ bản tiếng Sanskrit cổ nhất có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 4 được tìm thấy tại Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ (2). Những phát hiện gần đây cho thấy bản kinh Phật giáo cổ nhất hiện nay lại thuộc ngôn ngữ Gāndhārī được viết bằng loại chữ Kharoṣṭhī có niên đại từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 3. Bài trả lời phỏng vấn sau đây của Giáo sư Tiến sỹ Richard Salomon (3) sẽ làm rõ chi tiết về các thủ bản cổ này.
Prof . Dr. Richard Salomon answers your questions
Việt dịch: Tống Phước Khải
Câu hỏi 1:
Làm thế nào mà chúng ta có thể chứng minh rằng các thủ bản mới phát hiện có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm? Có bao nhiêu phương pháp để kiểm tra niên đại của thủ bản và có phương pháp đặc thù nào ưu việt hơn các phương pháp khác không?
Trả lời:
Niên đại được công bố (từ thế kỷ thứ 1 trước CN đến thế kỷ thứ 3) được xác định bằng các cách sau:
a) Bằng cách so sánh đối chiếu ngôn ngữ và chữ viết với các ngôn ngữ và chữ viết đã biết trước đó, các bản khắc và các tài liệu khác đã xác định niên đại.
b) Bằng các tham chiếu trong thủ bản với dữ kiện lịch sử (chẳng hạn như đời vua) của thời đại liên quan (khoảng thế kỷ thứ 1).
c) Bằng kiểm tra phóng xạ carbon (C-14) một số thủ bản, cho thấy niên đại từ thế kỷ thứ 1 trước CN đến thế kỷ thứ 3.
Câu hỏi 2:
Chứng cứ nào để quả quyết rằng các thủ bản Gāndhārī có niên đại cổ nhất?
Trả lời:
Với 3 phương pháp cho ra những kết quả tương đồng với nhau, cho thấy rõ ràng về niên đại tổng thể, cho dù chúng không tuyệt đối chính xác. Thủ bản kinh Phật cổ nhất được biết trước đây có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 (thủ bản tiếng Sanskrit tìm thấy ở Trung Á / Tân Cương).
Câu hỏi 3:
Có phải các thủ bản Phật giáo cổ của kinh Đại Bát Niết Bàn được tìm thấy là một bản kinh đầy đủ? Bản kinh đó đã được dịch ra ngôn ngữ nào và có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về thủ bản này ở đâu?
Trả lời:
Điều không may là phiên bản Gāndhārī chỉ là những mảnh rời nhỏ. Các mảnh rời này đã được biên dịch và thảo luận trong các tài liệu sau:
– “Kharosthi Fragments of a Gandhari Version of the of the Mahāparinirvānasūtra” của Mark Allon and Richard Salomon. Xuất bản năm 2000
– “Buddhist Manuscripts” do Jens Braarvig chủ biên, Quyển I. “Manuscripts in the Schøyen Collection”, I, trang 243-273.
Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng có trong thủ bản tiếng Sanskrit phát hiện ở Trung Á (cũng là các mảnh rời nhưng đầy đủ hơn phiên bản Gāndhārī), và trong bản dịch Hán ngữ. Tất cả các phiên bản này có sự tương đồng cao, nhưng có những điểm khác biệt về chi tiết.
Một điểm khác biệt quan trọng liên quan tới kinh Đại Thiện Kiến vương (Mahāsudassanasutta) tiếng Pāli, kinh này trong phiên bản tiếng Sanskrit không phải là một kinh riêng lẻ, mà nó được gộp vào kinh Đại Bát Niết Bàn (tình trạng này thì không được rõ trong phiên bản tiếng Gāndhārī). Phiên bản tiếng Sanskrit đã được biên tập bởi Ernst Waldschimidt (tiếng Đức). Tôi được biết có một phiên bản mới, đang được biên soạn bởi Klaus Vogel.
Câu hỏi 4:
Có phải tất cả những Kharoṣṭhī Akṣaras được tập hợp lại với nhau? Tôi có thể có cơ hội để xem và học chúng không? Các câu hỏi này định dùng cho mục đích chuẩn bị viết luận văn Thạc sỹ.
Trả lời:
Tài liệu tốt nhất để nghiên cứu cổ ngữ học Kharoṣṭhī là luận văn Thạc sỹ “A Prliminary Study of Kharoṣṭhī Manuscript Paleography” của Andrew Glass. Đại học Washington, năm 2000.
Các tư liệu khác gồm:
Dani, Ahmad Hasan. 1963. Indian Palaeography. Oxford: Clarendon Press.
Das Gupta, Charu Chandra. 1958. The Development of the KharosthT Script. Calcutta: Firma K. L. Mukhopadhyay.
Salomon, Richard. 1998. Indian Epigraphy: A Guide to the Study of Inscriptions in Sanskrit, Prakrit, and the Other Indo‐Aryan Languages. South Asia Research Series. New York: Oxford University Press.
Câu hỏi 5:
Có phải các thủ bản cổ được viết bằng ngôn ngữ Kharoṣṭhī không được dùng trong văn đàm thoại? Làm sao mà chúng ta có thể chắc rằng việc đọc và dịch là chính xác và không sai sót?
Trả lời:
Chữ viết Kharoṣṭhī trong giai đoạn được đề cập là dạng thức tiêu chuẩn của hệ thống chữ viết ở Tây Bắc Ấn Độ và một số vùng ở Trung Á. Chữ viết Kharoṣṭhī và ngôn ngữ Gāndhārī sự thật là phương tiện tiêu chuẩn dùng trong giao tiếp vào giai đoạn và tại địa phương nói trên. Các trường phái Phật giáo công nhận đó là ngôn ngữ nghi lễ của họ, thể theo nguyên tắc “sakaaya niruttiyaa”.
Việc phiên dịch các thủ bản Gāndhārī nhìn chung là đảm bảo, mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều nghi vấn và trở ngại. Ngôn ngữ Gāndhārī hiện nay được biết đến nhiều nhưng không được thông hiểu hoàn toàn. Phần lớn được dựa trên cơ sở của những nghiên cứu các bản khắc trước đây và dựa trên mối quan hệ ngữ cảnh và ngôn ngữ học với các ngôn ngữ Pāli và Sanskrit.
Câu hỏi 6:
Các khám phá về di sản Phật giáo cổ đại và các thủ bản Phật giáo ảnh hưởng đến sự thay đổi lịch sử Phật giáo thế giới về phương diện và định hướng nào?
Trả lời:
Theo tôi, tác dụng quan trọng nhất của những khám phá các thủ bản cổ đại là cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rộng hơn về sự đa dạng của các truyền thống Phật giáo địa phương trong thời cổ đại, đồng thời cho thấy rằng họ có sự thống nhất cơ bản về giáo lý và thực hành. Nói cách khác, đây là một trong sự “thống nhất trong đa dạng.” Truyền thống văn bản Gāndhārī hiện được khám phá cho thấy rõ ràng đây là một trong nhiều truyền thống địa phương giống như vậy, phần lớn đều đã bị biến mất không thể truy tầm được, nhưng ít nhất các thủ bản mới tìm ra này, về một phương diện, cung cấp cho chúng ta một số ý tưởng về mức độ của sự khác biệt trong chi tiết và thống nhất nhất trong tổng thể trên phương diện khác.
Câu hỏi 7:
Ông có thể vui lòng giải thích mối liên hệ giữ tiếng Pāli và các ngôn ngữ cổ đại khác được sử dụng vào thời Đức Phật còn tại thế không?
Nguồn gốc nguyên thủy và lịch sử của ngôn ngữ Pāli như thế nào và tại sao nó quan trọng để được sử dụng ghi chép Tam Tạng Theravāda?
Trả lời:
Nguồn gốc nguyên thủy của tiếng Pāli là một vấn đề gây bàn cãi. Truyền thống Theravāda giữ quan điểm rằng tiếng Pāli là tiếng Ma Kiệt Đà (Magadhi), điều này được đề cập đến trong văn bản tiếng Pāli tiếng này là ngôn ngữ nguyên thủy của Đức Phật. Tuy nhiên, các nhà ngôn ngữ hiện đại tranh cãi về vấn đề này, bởi vì tiếng Ma Kiệt Đà là phương ngữ miền Đông, trong khi đó tiếng Pāli rõ ràng không phải là phương ngữ miền Đông mà là phương ngữ Trung hoặc Tây Ấn. Lấy ví dụ, như chúng ta biết các tư liệu khác như chữ khắc trên trụ đá của vua Aśoka, âm tiết được phát âm là “R” trong tiếng Pāli thì được phát âm là “L” trong phương ngữ miền Đông. Lấy một ví dụ, Aśoka tự nói mình là “LAJA” tức Đế Vương, khác với “RAJA” trong tiếng Sanskrit và Pāli.
Bởi vì lý do này và các lý do tương tự khác, phần lớn các nhà ngôn ngữ học cho rằng ngôn ngữ nguyên thủy thật sự mà Đức Phật đã dùng để nói đã mất từ khi Phật ngôn (Buddha-vacana), vào thời sơ kỳ lịch sử Phật giáo, được biên dịch thành những ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Pāli và các phương ngữ “trung phần” giống vậy.
Theo tôi, tiếng Pāli (hoặc một dạng ngôn ngữ xưa hơn nữa chuyển dạng để cuối cùng trở thành tiếng Pāli mà chúng ta được biết) có khả năng là một ngôn ngữ được qui ước thống nhất (lingua franca) giữa các tín đồ Phật giáo Ấn Độ vào thời xưa, đóng vai trò tương tự như việc hình thành tiếng Hindi của Ấn Độ hiện đại. Sau đó, ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ kinh điển của tín đồ Phật giáo tại Trung Ấn và truyền tới miền nam và Sri Lanka. Tại đây tiếng Pāli đóng vai trò là ngôn ngữ của trường phái Theravāda.
Câu hỏi 8:
Có thông tin cho rằng sau khi tượng Phật khổng lồ (ở Afganistan) bị phá hoại, người ta đã phát hiện ra thủ bản Phật giáo. Tôi tò mò muốn biết rằng nội dung của những thủ bản mới phát hiện này giống hay khác so với trong Tam Tạng tiếng Pāli? Xin ông cho biết mức độ và những điểm giống và khác nhau so với phiên bản hiện hành của Tam Tạng của chúng ta.
Trả lời:
Các mảnh thủ bản tại Bamiyan chứa các văn bản rất đa dạng, gồm cả hai thể loại văn học Đại Thừa và văn học “chính thống” A Hàm. Phần lớn các thủ bản ở Bamiyan được viết bằng tiếng Sanskrit, có niên đại khoảng vào thế kỷ thứ 3 đến thứ 7. Nhưng cũng có nhóm có niên đại sớm hơn được viết bằng tiếng Gāndhārī (chữ Kharoṣṭhī ), vào khoảng thế kỷ thứ 2 và thứ 3. Các mảnh thủ bản viết bằng chữ Kharoṣṭhī bao gồm những tàn tích của một phiên bản kinh Đại Bát Niết Bàn bằng ngôn ngữ Gāndhārī, và một thủ bản của kinh Tăng Chi Bộ (Tăng Nhất A Hàm) phiên bản tiếng Gāndhārī. Các mảnh thủ bản cũng bao gồm một số văn bản tương đồng với văn bản trong kinh tiếng Pāli, chẳng hạn như kinh Canki trong Kinh Trung Bộ.
Nói chung, các văn bản tiếng Gāndhārī ở Bamiyan tương đồng đối ứng với các văn bản tiếng Pāli, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Trường hợp này cũng giống vậy ở các văn bản đối chiếu tiếng Sanskirt, chẳng hạn kinh Đại Bát Niết Bàn; trong trường hợp như vậy, chúng tôi có 3 phiên bản (Pāli, Sanskrit, Gāndhārī) trên cơ bản của cùng một bài kinh, nhưng mỗi bản thì mang tính độc lập và khác biệt đáng kể so với các bản kia. Có nhiều thủ bản khác thu thập từ Bamiyan, bao gồm một số kinh bản Đại Thừa, một số văn bản Vi Diệu Pháp và Giới Luật, và một vài tác phẩm văn học chẳng hạn như Avadanasataka. Nhìn chung, các mảnh thủ bản ở Bamiyan phản ánh truyền thống văn bản của Đại Chúng Bộ – Thuyết Xuất Thế Bộ (Mahāsāṅghika – Lokottaravādin). Tóm lại, tôi muốn nói rằng các tư liệu ở Bamiyan tương đồng với Tam Tạng tiếng Pāli ở phạm vi một số tư liệu căn bản của bộ kinh Nikāya, nhưng cũng chứa số lượng lớn các tư liệu đại diện cho những truyền thống Phật giáo sau này mà không được chấp nhận trong hệ thống kinh điển Theravāda.
____________________________
(1) The Oldest Pāli Manuscript. Four Folios of the Vinaya-Piṭaka from the National Archives, Kathmandu. (Untersuchungen zur Sprachgeschichte und Handschriftenkunde des Pāli II) của Oskar von Hinüber.
(2) Two New Fragments of Buddhist Sanskrit Manuscripts from Central Asia của By Richard Salomon and Collett Cox
(3) GS. TS. Richard Salomon là một học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu cổ ngữ Phật giáo. Thông tin về ông: http://asian.washington.edu/people/richard-g-salomon