Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
ngu-van-luc-khi-nam-canh-ty-va-dung-sinh-du-phong-benh-tat Ngũ Vận Lục Khí năm Canh Tý 2020 và "Dưỡng sinh, dự phòng bệnh tật"
Wednesday, 03/02/2021 22:50 pm
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Muốn khỏe mạnh, cần biết cách sống hài hòa với thiên nhiên. Vận khí học, chính là một loại "Kim chỉ nam", chỉ cho ta biết, cần làm gì, để có thể thực hiện điều đó.

Theo thông lệ, mỗi dịp Xuân về, "Thuốc vườn nhà" lại trình bày một số dự đoán về tình hình thời tiết khí hậu và bệnh tật, theo phương pháp của "Vận Khí học" trong Đông y cổ truyền, để tham khảo, cùng nhau chiêm nghiệm, chuẩn bị các biện pháp dự phòng, dự trữ thuốc men, để có thể phòng trị bệnh tật hữu hiệu.

DỰ BÁO TỔNG QUÁT

Năm Vận Khí Canh Tý 2020 khởi đầu từ ngày Đại hàn 20/01/2020 và kết thúc vào trước ngày Đại hàn 20/01/2021.

"Vận Khí" là tên gọi tắt của "Ngũ vận Lục khí".

"Ngũ Vận" là sự vận hành và biến hóa của 5 loại khí: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy - đó là những nhân tố chủ yếu tác động tới khí hậu trên mặt đất.

"Lục Khí" là sự vận động biến hóa của 6 loại khí: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa - là những nhân tố chủ yếu, ảnh hưởng tới sự biến động của khí hậu trên không trung.

"Vận Khí học" là khoa dự báo, dựa trên sự kết hợp giữa "Ngũ Vận" và "Lục Khí".

Ngũ vận và Lục khí luôn biến đổi, luân chuyển hàng năm. Mỗi năm có một Vận chủ quản - gọi là "Tuế vận" và một Khí chủ sự - gọi là "Tuế khí".

Cụ thể, đối với năm Canh Tý 2020:

- Tuế Vận: Tính theo Thiên can của năm, theo quy tắc "Thiên can thống vận". Năm Canh Tý thiên can là "Canh". "Canh" là can "Dương”, ứng với hành "Kim", đại diện cho "táo khí" (khô). "Dương hữu dư, Âm bất túc", nên Tuế vận năm Canh Tý là "Kim vận hữu dư" - nghĩa là mức độ ảnh hưởng của hành Kim có phần thái quá.

- Tuế Khí: Tính theo Địa chi, theo nguyên tắc "Địa chi thống khí". Năm Canh Tý địa chi là "Tý", có Thiếu âm tướng hỏa tư thiên và Dương minh táo kim tại tuyền. Nửa năm đầu Hỏa khí của Thiếu âm chủ sự - 6 tháng đầu năm nhiệt độ không khí tương đối cao. Nửa năm cuối Kim khí của Táo kim chủ sự - khí hậu trong 6 tháng cuối năm khô hơn bình thường.

Kết hợp Vận và Khí: Năm Canh Tý 2020, "Canh" là can dương, ứng với khí Táo Kim. Dương thì thái quá. Lẽ ra táo khí sẽ thái quá, nhưng có Thiếu âm Quân hỏa tư thiên, Hỏa khắc Kim, Táo Kim bị Quân Hỏa khắc chế, biến thành bình khí, nên toàn năm Táo khí (khô hanh) không còn thái quá và khí hậu tương đối bình hòa. Canh Tý cũng là năm "vận khí đồng hóa", Tuế vận và khí tại tuyền đều là Táo kim, người xưa gọi như vậy là "đồng thiên phù".

Khí hậu hàng năm biến đổi một cách bình hòa hay đột ngột, còn tùy thuộc vào quan hệ Ngũ hành sinh khắc giữa Vận và Khí theo quy luật: Vận sinh khí gọi là "Tiểu nghịch" (小逆); Vận khắc khí gọi là "Bất hòa" (不和); Khí sinh vận gọi là "Thuận hóa" (顺化); Khí khắc vận gọi là "Thiên hình" (天刑).

Năm Canh Tý có Tuế vận = Kim vận. Khí Tư thiên = Thiếu âm quân hỏa. Hỏa khắc Kim = Khí khắc Vận do đó Canh Tý còn là một năm mà người xưa gọi là "Thiên hình". Đặc điểm của năm thiên hình là khí hậu thường đột biến, tật bệnh phát sinh tương đối nhiều.

Năm Canh Tý tuế vận là Kim, tuế khí là Hỏa. Hỏa khắc Kim - Tuế khí khắc Tuế vận. Vận Khí học gọi đó là "Khí  thịnh Vận suy" - Khi phân tích, dự báo về tình hình khí hậu và tật bệnh chủ yếu căn cứ vào Lục Khí, còn Ngũ vận chỉ đóng một vai trò bổ trợ.

DỰ BÁO CHI TIẾT TỪNG GIAI ĐOẠN

Lục khí chia mỗi năm thành 6 giai đoạn (6 khí). Thời tiết khí hậu trong mỗi giai đoạn, đều chịu sự chi phối của một Chủ khí và một Khách khí. Tùy theo quan hệ sinh - khắc giữa Chủ khí và Khách khí, mà hình thành các mối tương quan:

- Chủ khí và Khách khí "tương sinh" gọi là "tương đắc". Chủ khí và Khách khí "tương khắc: là "bất tương đắc". Tương đắc thì khí hậu tương đối ổn định, ít bệnh tật. Bất tương đắc thì khí hậu biến hóa dị thường, phát sinh nhiều bệnh tật.

- Trong một số trường hợp, còn tính đến quan hệ Thuận - Nghịch: Khách khí sinh hoặc khắc chủ khí là "thuận". Chủ khí sinh hoặc khắc khách là "nghịch". Thuận thì khí hậu tương đối ổn định và ít bệnh tật. Nghịch thì khí hậu biến hóa dị thường và nhiều tật bệnh.

1. Khí thứ nhất (Sơ khí): 20/01/2020 - 20/03/2020

Chủ khí = Quyết âm phong mộc. Khách khí = Thái dương hàn thủy.

Thủy sinh Mộc - Khách khí sinh chủ khí => tương đắc. Chủ khí và Khách khí tương sinh => thuận. Chủ khách tương đắc, thuận, nên khí hậu nói chung bình thường và tương đối ổn định.

Phòng trị bệnh tật: Giai đoạn này dư hàn của mùa đông vẫn còn. Mặt khác do tác động của Thái dương hàn thủy, nên khí hậu nói chung lạnh hơn các năm bình thường. Người cơ thể suy nhược thể "dương hư", hoặc làm việc trí óc hay thể lực quá độ, khiến sức chống bệnh bị giảm xuống, sẽ dễ cảm mạo phong hàn hoặc thương phong cảm mạo. Để phòng trị cần tăng cường những thức ăn, vị thuốc ấm nóng, có tính năng ôn dương tán hàn, như "quế chi", "nhục quế", "can khương", "tô diệp", "thông bạch", …

2. Khí thứ hai (Nhị khí): 20/03/2020 - 20/05/2020

Chủ khí = Thiếu âm quân hỏa. Khách khí = Quyết âm Phong Mộc.

Mộc sinh Hỏa, khách sinh chủ. Khách chủ tương đắc, thuận. Khí hậu đã tương đối ổn định. Gió xuân ấm áp bắt đầu xuất hiện.

Phòng trị bệnh tật: Giai đoạn này khí xuân ấm áp đã xuất hiện, khí hậu không còn lạnh như giai đoạn trước. Người cơ thể suy nhược, chân âm bất túc, cần chú ý phòng các bệnh nhiệt. Ăn uống cần thanh đạm, tránh lạm dụng những thức ăn cay nóng kích thích để phòng "thượng hỏa".

3. Khí thứ ba (Tam khí): 20/05/2020 - 22/07/2020

Chủ khí = Thiếu dương tướng hỏa. Khách khí = Thiếu âm Quân Hỏa.

Khách chủ đồng khí. Quân hỏa ở trên tướng hỏa (quân vị thần thượng - 君位臣上) là thuận. Khí hậu ổn định, nhưng nóng hơn bình thường do có hai thứ Hỏa (tướng hỏa và quân hỏa) chi phối.

Phòng trị bệnh tật: Nắng nóng là đặc điểm chủ yếu của khí hậu trong giai đoạn này. Con người dễ mắc các loại bệnh ngoại cảm như cảm mạo phong nhiệt, cảm nắng, các bệnh nội thương như "tâm nhiệt", "tâm phế nhiệt", "can hỏa cang thịnh", "can đảm thấp nhiệt", … Để phòng bệnh, cần tăng cường luyện tập thân thể, để tăng cường khả năng miễn dịch. Cần chú ý điều hòa tình chí, tránh cáu giận để phòng ngừa tình trạng "can mộc hoành khắc tỳ thổ" - gây rối loạn chức năng tiêu hóa. Ăn uống nên bổ sung những thứ có tác dụng thanh nhiệt giáng hỏa, nhưng chớ nên lạm dụng thức ăn sống lạnh, để phòng ngừa tổn thương tỳ vị. Đồng thời có thể sử dụng thêm các loại trà tân lương thanh nhiệt, như trà xanh, trà kim ngân cúc hoa, trà kim ngân bạc hà, …

4. Khí thứ tư (Tứ khí): 22/07/2020 - 23/09/2020

Chủ khí = Thái âm thấp thổ. Khách khí = Thái âm thấp thổ.

Chủ khách đồng khí, thuận, khí hậu ổn định.

Phòng trị bệnh tật: Chủ khí khách khí đều là thấp thổ, nên thấp khí lan tràn, mưa liên miên, kết hợp với khí nóng mùa hè, mà biến thành thấp nhiệt gây nên bệnh. Người chức năng tỳ vị hư nhược, dễ bị nhiễm tà khí thấp nhiệt mà sinh ra bệnh tật. Triệu chứng thường gặp là ngực bụng đầy trướng, đầy bụng kém ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện bất lợi, … Chữa trị cần sử dụng những vị thuốc phương hương thấu biểu, hóa thấp thanh nhiệt, như "hoắc hương", "hương nhu", "bội lan", "cát căn", "bạc hà", "tử tô", "trúc diệp" (lá tre), "hà diệp" (lá sen), …

5. Khí thứ năm (Ngũ khí): 23/09/2020 - 22/11/2020

Chủ khí = Dương minh táo kim. Khách khí = Thiếu dương tướng hỏa.

Hỏa khắc Kim - khách khắc chủ. Chủ khí (kim) bị khách khí khắc chế, nhưng được khí tại tuyền chủ quản 6 tháng cuối năm cũng là kim hỗ trợ, có đủ sức cân bằng với sự khắc chế của hỏa khí, nên khí hậu tương đối ổn định.

Phòng trị bệnh tật: Đặc điểm của khí hậu trong giai đoạn này là "táo nhiệt", tức khô (táo) và nóng (hỏa). Người cơ thể suy nhược thể "âm hư đa nhiệt" dễ bị nhiễm tà khí táo nhiệt, dễ bị cảm mạo, nhiễm các chứng "thu táo" hay "ôn táo". Triệu chứng thường gặp như phát sốt, hơi sợ lạnh và sợ gió, mũi tắc, chảy nước mũi, ho khan, đau đầu, môi khô, đại tiện táo kết, miệng khát … Chữa trị cần dùng phép "thanh nhiệt nhuận táo". Có thể sử dụng những vị thuốc như "tang diệp" (lá dâu tằm), "cúc hoa", "bạc hà", "mạch môn", "thiên môn", "sinh địa", "huyền sâm", "vừng đen", "trúc diệp", "kim ngân hoa" …

6. Khí thứ 6 (Chung khí): 22/11/2020 -20/01/2021

Chủ khí = Thái dương hàn thủy. Khách khí = Dương minh táo kim.

Kim sinh Thủy, khách sinh chủ - Chủ khách tương đắc, thuận. Khí hậu ổn định.

Phòng trị bệnh tật: Chủ khí giai đoạn này là lạnh (hàn thủy), lại được sự hỗ trợ của khách khí táo Kim (Kim sinh Thủy), nên đặc trưng khí hậu giai đoạn này là lạnh và khô hơn các năm bình thường. Người cơ thể suy yếu thuộc thể "dương hư", không chịu nổi khí hậu lạnh khô, dễ bị sinh bệnh. Để dự phòng cần tránh lạnh, giữ ấm. Tối nên đi ngủ sớm, sáng đến khi mặt trời đã mọc mới dậy hoạt động. Cần bổ sung những thức ăn tính ấm như thịt dê, thịt gà, gừng, riềng, … Chữa bệnh cần dùng phép "ôn kinh tán hàn, phù dương ích khí"; sử dụng các vị thuốc như "can khương", "phụ tử", "nhân sâm", "nhục quế", "bổ cốt chi", "ba kích thiên", "dâm dương hoắc", "cẩu tích", "hoàng kì", …

Trên đây là đặc điểm khí hậu, khả năng phát bệnh và phép chữa trong từng giai đoạn của Lục khí.

Khí hậu từng giai đoạn tuy tương đối ổn định, nhưng Canh Tý là năm "thiên hình" nên cũng hay xuất hiện những thời điểm khí hậu đột biến, mưa gió nóng lạnh thất thường. Nhình chung, đặc trưng khí tượng năm Vận khí Canh Tý 2020 là chịu sự tác động mạnh nhất của "táo khí" (khô) và "hỏa khí" (nóng). Cho nên khi tiến hành chữa trị cần đặc biệt chú trọng vận dụng các phương pháp "nhận táo" và "thanh nhiệt tả hỏa".

Lương y THÁI HƯ