Chỉ với chiếc gậy sắt, ông lặn lội khắp nơi để khai lộ những hài cốt liệt sĩ đã nằm sâu dưới lòng đất, cho dù vùng đất ấy chẳng còn để lại dấu tích gì ngoài đất đá cằn cỗi hay cỏ mọc um tùm. Ông là Trần Công Ngọc, ở làng Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
3 năm qua, ông đã phát hiện và cất bốc gần 100 bộ hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Thừa Thiên – Huế, trong đó có hơn 50 bộ hài cốt được đưa về quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ xã.
Gặp ông vào một ngày cuối tuần tháng bảy, người đàn ông có nước da sạm đen, mái tóc đã bạc này cười bảo: “Các chú hên lắm mới gặp được tui đó, tui vừa có chuyến đi rừng tìm mộ liệt sĩ gần nửa tháng qua ở bản Khe Trăn”. Rồi ông khoe đã tìm kiếm được 4 bộ hài cốt liệt sĩ và cơ số mật ong rừng. Các hài cốt vẫn còn nguyên tên tuổi, địa chỉ, rất dễ dàng báo cho thân nhân đưa về an táng.
Ông Ngọc bảo, để tìm được một bộ hài cốt liệt sĩ giữa rừng sâu nước độc không lấy gì dễ dàng. Bỏ qua những ngày trèo đèo lội suối với chiếc balô trên vai, những đêm dài ăn dầm ở dề trong rừng, điều khó khăn nhất của việc đi tìm mộ là làm sao phát hiện được có hài cốt liệt sĩ nằm dưới đất sâu, có khi sâu đến 2-3 m. Thường thì đất ở những nơi có hài cốt liệt sĩ rất mềm, nắm được nguyên tắc trên, ông Ngọc đã phát minh ra “chiếc gậy thần” để phát hiện hài cốt.
“Chiếc gậy thần” theo cách gọi của người dân là một cây gậy sắt dài cỡ 2 m, to cỡ đốt tay cái. Lúc đầu ông vót nhọn một đầu gậy để dễ bề thọc xuống đất sâu. Nhưng đầu nhọn của gậy khi thọc trúng hài cốt thì cũng đâm xuyên qua và không nghe thấy gì. Vì thế, ông đã cải tiến mài bằng đầu gậy để việc phát hiện có hài cốt dưới đất sâu được chính xác hơn. “Mỗi lần thọc, nếu đụng hài cốt, áp tai vào đầu gậy còn lại sẽ nghe tiếng tách rất rõ”, ông Ngọc giải thích.
Nói là nói vậy, nhưng tiếng “tách” của hài cốt và tiếng “tách” của đá cứng, của rễ cây thì chỉ ông Ngọc mới nhận biết, mà đó cũng là biệt tài của ông sau bao nhiêu năm tình nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. “Ngày xưa, tui tham gia trong quân đội, chứng kiến biết bao nhiêu hy sinh mất mát của đồng đội. Tui cũng có bác ruột và con của bác ruột hy sinh. Giờ đất nước thanh bình mà họ vẫn phải nằm lại ở chốn rừng sâu thì tội lắm. Tìm kiếm, đưa họ về an táng nghĩa trang là chút gì tui muốn báo ơn, trả tình đồng đội mà”, vừa nói ông Ngọc vừa đưa ra cho xem một cuốn sổ đã nhàu. Ở đó ghi đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của những liệt sĩ đã được ông tìm thấy và số chưa tìm được.
Bao năm qua, những lúc nào rảnh rỗi, đặc biệt là trước ngày kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, ông Ngọc không quản khó khăn, gian khổ đi rừng, lội suối để tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ. Mỗi chuyến đi của ông là một niềm hân hoan, kỳ vọng của rất nhiều gia đình vẫn chưa tìm được thân nhân đã hy sinh trong chiến tranh. Không ít gia đình có liệt sĩ được ông tìm thấy hài cốt cho con em họ đã bật khóc, mang ơn ông suốt đời. Nhưng ông chưa bao giờ nhận của ai cái gì, bởi với ông tìm hài cốt liệt sĩ là tình nghĩa của người còn sống với người đã mất, vì niềm vui thanh bình cho thế hệ sau.
Ngay giữa căn nhà ông Ngọc là tấm bằng khen của Quân khu IV về thành tích cất bốc mộ liệt sĩ và đó là chút gì ông “nhận” riêng cho mình. Ông bảo việc tìm kiếm mộ liệt sĩ vẫn còn dài, bởi bao giờ còn đồng đội nằm lạnh lẽo chốn rừng sâu, ông sẽ còn đi tìm…