Phương pháp dựng trứng trên đầu đũa cũng được người Trung Hoa sử dụng để xác định mộ phần giống như cách mà các nhà ngoại cảm ở nước ta đang dùng. Do đó, có thể coi đây là một phương pháp dân gian và có cơ sở về mặt lịch sử dân gian.
Sau những những quan điểm trái chiều liên tiếp từ phía ông Đỗ Sơn Hà và ông Nguyễn Phúc Giác Hải (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người) về hiện tượng “trứng đũa”, tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp UIA cũng đưa ra quan điểm của mình.
Là người đã chứng kiến tận mắt cuộc khảo nghiệm thực hiện dựng trứng trên đầu đũa, đầu bút bi của ông Đỗ Sơn Hà cách đây không lâu, ông Khanh khẳng định lại: Việc quả trứng đứng được trên đầu đũa, bút bi, … là bình thường, chỉ cần người dựng nắm được quy luật vật lý và toán học liên quan.
Thậm chí, những việc khó như diễn viên xiếc chạm 2 mũi kiếm vào nhau để biểu diễn, chỉ cần sơ sảy một li, kiếm có thể đâm vào mặt…mà họ còn luyện tập được thì việc dựng trứng không phải việc khó khăn gì, ông Khanh nói thêm.
Ông Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng UIA.
Tuy nhiên, việc dựng trứng của ông Hà trong phòng, dù có tác động chút gió thì cũng chưa thể so sánh với những tác động thời tiết ngoài hiện trường mà các nhà ngoại cảm và thân nhân liệt sĩ gặp phải khi đi tìm hài cốt. Đồng thời, người thực hiện dựng trứng không phải nhà ngoại cảm, mà chính là thân nhân liệt sĩ.
Tâm trạng xúc động, hồi hộp thường thấy của thân nhân người đã mất thường khiến họ không thể bình tĩnh để dựng trứng theo quy luật vật lý thông thường được. Cũng giống như một cầu thủ bóng đá, dù tài giỏi tới đâu, đã đứng trước cầu gôn mà gặp cản trở bởi yếu tố tâm lý, có thể họ vẫn sút bóng trượt cầu gôn.
Do đó, chuyện dựng trứng của ông Hà trong phòng với việc dựng trứng trong tìm hài cốt có phần không giống nhau, ông Khanh nói.
Thêm vào đó, trả lời cho câu hỏi mà ông Hà đặt ra trước đó: “Dựa vào cơ sở nào, các nhà ngoại cảm dùng hiện tượng trứng đũa để xác định hài cốt liệt sĩ?”, ông Khanh nói: Từ xa xưa, khi khoa học- kỹ thuật chưa phát triển, người Trung Hoa đã có rất nhiều phương pháp mang tính huyền bí, khó lý giải trong việc xác định huyết thống, mộ phần. Ví dụ như xác định huyết thống, người ta còn có thể nhỏ máu vào mẩu xương được tìm thấy. Theo quan niệm, nếu máu ngấm vào xương thì người sống với người chết có quan hệ huyết thống.
Ông Đỗ Sơn Hà, người dựng thành công trứng trên đầu đũa, đầu bít bi, đầu đinh,…khẳng định rằng, việc các nhà ngoại cảm sử dụng hiện tượng trứng đũa trong tìm hài cốt liệt sĩ là lừa đảo tâm linh một cách trắng trợn.
Bên cạnh đó, phương pháp dựng trứng trên đầu đũa cũng được người Trung Hoa sử dụng để xác định mộ phần giống như cách mà các nhà ngoại cảm ở nước ta đang dùng. Do đó, có thể coi đây là một phương pháp dân gian và có cơ sở về mặt lịch sử dân gian.
Tuy nhiên, với các nhà ngoại cảm thuộc Liên hiệp UIA, trong quá trình tìm mộ, thường được yêu cầu sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, phương pháp dựng trứng chỉ được dùng khi đã thành công các phương pháp khác. Đồng thời, dựng trứng chỉ được coi là một dấu hiệu chỉ thị, không mang tính quyết định. Để có kết quả chính xác, Liên hiệp vẫn phải có kết quả xác định ADN.
Khi đánh giá hiệu quả, tính chính xác của phương pháp dựng trứng, ông Khanh chia sẻ, các gia đình thân nhân liệt sĩ không nên tin tuyệt đối vào phương pháp trứng đũa. Bởi vì, đó chỉ là một chỉ thị tăng tính chính xác mà các nhà ngoại cảm sử dụng. Để phương pháp này đứng độc lập, thì không có giá trị.
Theo ông Khanh, điều ông Hà chứng minh về chuyện quả trứng có thể đứng trên đầu đũa là chuẩn xác. Tuy nhiên, đó là xét ở khía cạnh vật lý, nên có lẽ ông chỉ nên nói ở khía cạnh vật lý, mà không nên phủ nhận sạch trơn hiện tượng này dưới góc độ tâm linh.
Ông Khanh nói: “Là người đã từng chứng kiến hàng nghìn lần thân nhân liệt sĩ dựng trứng ngoài hiện trường, nên tôi tin rằng, hiện tượng trứng đũa không phải hiện tượng vật lý đơn thuần”.