Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
mot-so-su-that-ve-cai-goi-la-nha-ngoai-cam Một số sự thật về cái gọi là “Nhà Ngoại cảm”
Friday, 01/02/2013 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Được cho là xuất hiện năng lực sau một lần “thập tử nhất sinh”, Phan Thị Bích Hằng đã trở thành một trong những nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất Việt Nam. Bên cạnh những thành công được báo chí nhắc đến, cũng có không ít những tin đồn không hay về người phụ nữ đặc biệt này.

Một hiện tượng của khoa học tâm linh

Theo từ điển Wikipedia, Phan Thị Bích Hằng sinh ngày 15/2/1972, ở Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình. Bích Hằng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Từ năm 1999 đến nay Bích Hằng công tác tại Trường ĐH Quản trị Kinh doanh Hà Nội. Phan Thị Bích Hằng cũng là một trong những cán bộ của bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Có nền tảng là một gia đình gia giáo, cuộc đời của cô thiếu nữ Phan Thị Bích Hằng sẽ êm ả trôi đi nếu như không có một biến cố lớn khiến người phụ nữ này đã trở nên nổi tiếng nhất Việt Nam.


Thành nhà ngoại cảm sau lần bị chó dại cắn

Hầu hết các nhà ngoại cảm đều nói rằng họ phát hiện khả năng của mình sau một biến cố rất lớn nào đó trong cuộc đời. Có người bị ốm gần chết, có người bị tai nạn suýt chết, thậm chí đã bị “chết lâm sàng” và riêng Bích Hằng thì bị chó dại cắn và rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Theo báo Công an nhân dân, vào mùa hè năm 1990, Bích Hằng và một người bạn cùng bị một con chó dại cắn, bạn gái của cô sau đó đã chết. Hằng được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, song tất cả đều bất lực. Một thầy lang đã chữa cho cô bằng bài thuốc của ông, sau một đợt lên cơn dại Hằng tỉnh lại và khỏi bệnh.

Sau đó, khi đã khỏe mạnh hẳn, Phan Thị Bích Hằng đã dần dần phát hiện năng lực được cho là kỳ lạ của mình.

Những trường hợp tìm mộ bí ẩn

Trang kynguyentamlinh.com đánh giá, theo thời gian, Phan Thị Bích Hằng đã và đang có những khả năng ngoại cảm sau đây: Khi nhìn vào mặt một số người quen có thể biết họ còn sống được mấy tháng nữa (khả năng này hiện nay đã mất); Nhìn xuyên mặt đất; Nhìn thấy và nói chuyện được với vong linh người đã mất.

Một trong những trường hợp được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất là việc Bích Hằng đã tìm mộ cô em gái của giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Loạt bài dài kỳ này được giới thiệu trên báo Công an nhân dân vào năm 2007. Em gái của giáo sư Phương tên là Vũ Thị Kính (SN 1929), chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng một thời. Tháng 6/1950, trong trận càn quét, địch đã bắt được bà. Sau khi tra tấn dã man, chúng đã ra tay giết hại nữ du kích quả cảm này.

Phan Thị Bích Hằng (Nguồn: Thanh niên)

 

Nhờ năng lực ngoại cảm của mình, Phan Thị Bích Hằng đã thông qua một tấm ảnh của bà Kính để “trò chuyện” từ đó hỏi thông tin về phần mộ của bà. Phan Thị Bích Hằng đã giúp gia đình giáo sư Phương tìm lại phần mộ của cô em gái sau hàng chục năm trời gia đình đi tìm mà không có kết quả.

Ngoài ra, Phan Thị Bích Hằng cũng được biết đến qua việc tìm mộ tướng công Hoàng Công Chất. Tháng 3/2007, trên tờ An ninh thế giới đăng bài “Tìm những linh hồn ở K’Nác” nhắc đến thành công của Bích Hằng trong việc ngoại cảm tìm thấy 400 thi thể liệt sĩ ở cánh rừng K’Nác, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai.

Những chuyện thị phi…

Đã có một thời gian, tên tuổi của người phụ nữ đặc biệt này liên quan đến hàng loạt tin đồn về “số phận” của cầu Bãi Cháy, cầu Thăng Long rồi Long Biên… Tin đồn còn khẳng định Phan Thị Bích Hằng đã bị bắt giữ ngay sau khi có những phát ngôn gây sốc. Câu chuyện này càng khiến dư luận tò mò khi cho rằng, chính nhà ngoại cảm Bích Hằng tuyên bố sẽ chịu ngồi tù đến hết đời nếu chị dự báo sai. Những tin đồn lan truyền với tốc độ chóng mặt, qua mỗi làng quê câu chuyện càng được thêu dệt, trở nên ly kỳ hơn.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã không giấu nổi bức xúc với những tin đồn trên. Chị khẳng định chưa bao giờ đưa ra phán đoán nào như thế và cho biết từ trước đến nay, chị chỉ có một công việc duy nhất là đi tìm mộ.

Sau tin đồn về số phận những cây cầu, Bích Hằng lại dính vào một vụ lùm xùm khác là dự đoán sai vị trí của chiếc xe khách bị cuốn trôi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong đợt lũ lụt lịch sử năm ngoái. Trước đó, để hỗ trợ thêm cho công cuộc tìm kiếm, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã liên lạc nhờ sự giúp đỡ của hai nhà ngoại cảm là Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Liên. Trên tờ Tiền phong ngày 20/10/2010 có trích dẫn lời ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh rằng, các nhà ngoại cảm (Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Liên) cho biết: Vị trí xe bị nạn cách cầu Bến Thuỷ trong vòng bán kính 1,2 km về phía hạ lưu (thuộc vị trí xã Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, vị trí chiếc xe khi được vớt lên hoàn toàn khác, cách cầu Bến Thủy khoảng 3km chứ không phải 1,2km về phía hạ lưu cầu Bến Thủy như các nhà ngoại cảm đoán.

 

Từ vụ việc này, dư luận lại dấy lên nghi ngờ: Phải chăng Phan Thị Bích Hằng đã mất khả năng? Thậm chí trên nhiều diễn đàn mạng còn cho rằng, Bích Hằng đã mất khả năng từ khi sinh con thứ hai!

Gần đây nhất trên tờ Pháp luật Việt Nam cũng đăng tải những ý kiến nghi ngờ năng lực của một số nhà ngoại cảm nổi tiếng trong đó có Phan Thị Bích Hằng. Bà Ngô Thị Thúy Hằng – Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sĩ và người có công đã dẫn chứng về trường hợp liệt sĩ Lê Tiến Hệ, gia đình sinh sống tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Gia đình liệt sĩ Hệ đã cậy nhờ nhà ngoại cảm Bích Hằng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm. Qua áp vong, nhà ngoại cảm Bích Hằng cho gia đình biết mộ liệt sĩ Hệ đang ở Kon Tum.

Tuy nhiên, giấy báo tử của liệt sĩ này lại cho biết anh không hy sinh ở Kon Tum! Sau đó, gia đình liệt sĩ Hệ đã đưa mẫu hài cốt thu được ở Kon Tum tìm thấy bằng phương pháp ngoại cảm đi xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy nhà ngoại cảm đã đoán sai.
Giải nghệ

Giữa lúc những lời thị phi về khả năng tìm mộ của chị lên cao và hồ sơ nhờ tìm mộ còn xếp đầy ở nhà, Phan Thị Bích Hằng lại đột ngột tuyên bố giải nghệ và chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác là kinh doanh bất động sản. Trên tờ VTC News, Phan Thị Bích Hằng đưa ra rất nhiều lý do cho việc giải nghệ này như: sức khỏe không đảm bảo, muốn dành thời gian cho việc học hành và gia đình… tuy nhiên, độc giả thì không thể không đặt dấu hỏi.

 

Phan Thị Bích Hằng và gia đình (Nguồn: Pháp luật TPHCM)

 

Báo Lao động online ngày 30/10/2010 dẫn ý kiến của bạn đọc Trần Hoàng Châu Phố (TP.HCM) cho rằng: “Đây là việc riêng của cá nhân nhà ngoại cảm. Báo chí đăng thông tin này sẽ “vô tình” tạo tâm lý đối với những người có nhu cầu tìm mộ và tìm đến nhà ngoại cảm ngày một đông hơn. Đại loại lời tuyên bố “tạm ngừng” này cũng giống như một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay có những lời “tuyên bố” gây sốc trong dư luận hoặc tạo những scandal để đánh bóng tên tuổi của mình”.

Tuyên bố giải nghệ của Phan Thị Bích Hằng còn khiến dư luận “đoán già đoán non” liệu có phải Bích Hằng đã thực sự bị mất năng lực nên mới tuyên bố giải nghệ? Thực hư của tin đồn này khó ai có thể kiểm chứng nhưng điều chắc chắn rằng, sau những sự cố trên, niềm tin của dư luận đối với nhà ngoại cảm đã có phần bị lung lay.

Bởi vậy, thiết nghĩ, thân nhân liệt sĩ cũng cần lưu ý lời khuyến cáo của bà Ngô Thị Thúy Hằng: “Không nên bỏ qua khâu giám định ADN đối với hài cốt liệt sĩ tìm thấy theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm”.

Ầm ĩ các vụ tìm mộ sai vì tin ngoại cảm

Bốc nhầm mộ… mới chôn

Câu chuyện mất mộ của gia đình ông Lê Văn Thới (Trung Sơn, Gio Linh, Quảng Trị) mới đây nghe cứ như chuyện đùa. Bởi lẽ xưa nay người ta mất nhiều thứ, chứ chưa thấy ai nói mất… mộ. Thế nhưng, đây là câu chuyện có thật. Đích thân ông Thới đã phải lên trình báo với công an huyện Gio Linh, cậy nhờ các ngành chức năng tìm lại hài cốt của anh trai bị mất.

             
Ngôi mộ của nhà ông Thới bỗng nhiên không cánh mà bay (Ảnh: Dân Việt)

Ông Thới kể lại, ngày 8/6 gia đình ông trong lúc đi gặt lúa ngang qua nghĩa địa Cồn Nậy thuộc thôn Võ Xá trên địa bàn xã thì phát hiện phần mộ của anh trai ông là Lê Văn Thảnh (mất năm 1999) đột nhiên biến mất. Tại hiện trường chỉ còn lại chiếc hố sâu vừa bị đào bới.

Theo thông tin trên Dân Việt, trước đó 2 ngày, một số người dân sống gần khu nghĩa địa nhìn thấy một chiếc xe ô tô 7 chỗ dán băng rôn “Tìm kiếm mộ liệt sĩ”, mang BKS 37F. Tuy nhiên, không mấy ai để ý vì nghĩ rằng họ đã trình báo với chính quyền sở tại để đến đây tìm mộ.

Ngày 9/6, qua xác minh thông tin, công an huyện Gio Linh thông báo phần mộ của ông Thảnh đã được gia đình anh Hoàng Văn Tùng (27 tuổi, Tân An, Tân Kỳ, Nghệ An) an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tân An. Điều xót xa là gia đình anh Tùng đã thực hiện an táng cho bộ hài cốt trên mà vẫn tuyệt nhiên tin tưởng rằng đó là hài cốt của người thân – liệt sĩ Hoàng Văn Vĩnh, sinh năm 1945, hy sinh tại mặt trận phía Nam năm 1967.

Tại cơ quan điều tra, anh Tùng (cháu ruột của liệt sĩ Vĩnh) cho biết, căn nguyên của việc làm trái đạo lý này là vì gia đình anh nghe theo lời của một nhà ngoại cảm ở Nam Đàn (Nghệ An).

Vì quá tin vào chuyện nhập hồn nên ngay cả khi phát hiện ngôi mộ có nhiều điểm bất thường như lật lên vẫn còn áo quan chưa phân hủy, bên trong có bộ áo vest, gói thuốc và bật lửa… nhưng gia đình anh Tùng vẫn đưa hài cốt về quê an táng.

Sau vụ việc, phía gia đình anh Tùng đã trả lại hài cốt và tiến hành xây lại mộ như cũ cho gia đình ông Thới.

Trên thực tế, có không ít gia đình cậy nhờ nhà “ngoại cảm” để tìm mộ nhưng không mấy ai dám chắc đó là hài cốt của người thân mình.

Báo Nghệ An đã từng dẫn chứng ra nhiều câu chuyện, trong đó thân nhân liệt sĩ tìm được hài cốt mang về nhà, nhưng khi tra cứu và dò hỏi lại các thông tin thì nhiều gia đình ngã ngửa vì không trùng khớp. Điển hình như trường hợp của liệt sĩ Đ.X.C ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn, Nghệ An) hy sinh tại Lào nhưng lại bốc mộ ở Bình Dương. Liệt sĩ T.Q.T (Vân Diên, Nam Đàn) hy sinh ở Long An nhưng người nhà lại tìm thấy mộ ở Bình Phước…

Lật nhà, phá đường để tìm mộ

Khi niềm tin hóa thành cuồng tín, nhiều người không ngần ngại nhất mực tin theo lời chỉ dẫn của nhà “ngoại cảm”. Họ sẵn sàng phá nhà, phá đường để tìm cho bằng được hài cốt của người thân bất chấp hậu quả.

Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 16/2, ông Nguyễn Đình Long (Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Định) huy động hàng chục công nhân cùng máy móc đào bới, xới tung trục đường chính dẫn vào cụm công nghiệp Gò Đá Trắng ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn) để tìm mộ cha theo như lời chỉ dẫn của nhà “ngoại cảm” P.T.N đến từ Hà Nội.

         
Cả một đoạn đường rộng trên 26m2 bị xới tung nhưng vẫn không phát hiện             thấy ngôi mộ nào (Ảnh: Bee.net.vn)

Sau khi đào bới điểm thứ nhất không thấy, nhà ngoại cảm lại chỉ ông Long đào điểm thứ hai (cách đó khoảng 4m). Nhưng đào điểm thứ hai, gia đình ông Long cũng không phát hiện có dấu tích của ngôi mộ nào.

Đến khoảng 15h cùng ngày, khi ngành chức năng phát hiện và đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu ông Long phải dừng ngay công việc đào bới thì nhà “ngoại cảm” đã lẩn mất.

Vụ việc khiến lòng đường bị đào bới một đoạn dài hơn 10m, rộng 4m, sâu 2,5m. Hố ga cáp quang bên cạnh cũng bị lật tung, dây tiếp địa của trạm hạ áp nằm lẫn lộn với đất cát.

Ông Long sau đó đã thừa nhận hành vi phá hoại công trình công cộng, chấp nhận xử phạt hành chính và xin khắc phục toàn bộ hậu quả.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự là câu chuyện của gia đình ông Trần Văn Tiến (Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) được báo Công an Đà Nẵng đăng tải vào đầu tháng 2 năm nay.

Ông Tiến cho biết, gia đình ông sau khi xem xét, có đến nhờ nhà “ngoại cảm” Đoàn Thị Ánh Tuyết (43 tuổi, Duy Trinh, Duy Xuyên) chỉ dẫn tìm mộ người thân.

Theo chỉ dẫn của bà Tuyết, ngôi mộ cần tìm đang nằm dưới nền nhà của ông Lê Bân (khu Mỹ Hạt, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Thấy thầy phán vậy, ông Tiến vội vã cùng người nhà đem theo cuốc xẻng đến đào nền nhà ông Bân để tìm mộ. Tuy nhiên, khi đào sâu đến 1,5m, rộng chừng 2m vẫn chưa thấy mộ đâu.

             
Nền nhà ông Bân bị đào sâu 1,5m để tìm mộ (Ảnh: Công an Đà Nẵng)

Khi lực lượng công an có mặt thì nền nhà ông Bân đã đổ đầy đất, bên cạnh có đặt một cỗ quan tài mới mua để đựng hài cốt. Bà Tuyết khai nhận bên trong quan tài có hài cốt mới đào được, tuy nhiên khi lực lượng chức năng kiểm tra thì chỉ có đất bên trong.

Với những bằng chứng không thể chối cãi, bà Tuyết đã thừa nhận hành vi lừa đảo của mình. Nhà “ngoại cảm” này khai nhận bà vốn làm nghề nông, nhưng để có thêm thu nhập nên… kiêm thêm nghề tìm mộ. Bà cũng cho biết, không nhớ nổi đã có bao nhiêu người nhờ tìm và đào mộ… nhưng trong vô vàn những chỉ dẫn có hài cốt dưới nền nhà thì khi đào lên chẳng có gì. Nhiều gia đình thắc mắc thì được phán rằng “vì gia chủ nặng vong nên người âm không chỉ bảo chính xác”.

Điều lạ lùng là không chỉ có người dân thường đến nhờ bà tìm mộ mà ngay những người làm công chức, nhà nước, giáo viên cũng tìm đến cầu cạnh… mặc cho bị hét giá mỗi lần lên đến cả bạc triệu.

Vẫn biết ai cũng khao khát tìm lại mộ phần của người thân sau nhiều năm thất lạc. Nhưng nếu cứ cố tìm kiếm bằng nhiều cách và bấu víu vào niềm tin ngoại cảm thì ai dám chắc những ngôi mộ tìm được là người thân của mình. Chính vì vậy, người dân chỉ nên coi đây là một biện pháp bổ trợ và cần phải kết hợp cùng với các phương pháp khoa học và vật chứng khác.

Theo phân loại của Wikipedia Tiếng Việt, nguyên nhân, nguồn cơn của ngoại cảm chia thành 3 dạng: Ngoại cảm bẩm sinh (tức là sinh ra đã có khả năng ngoại cảm); Ngoại cảm hình thành sau khi phải trải qua một biến cố ngoại cảnh: chấn thương, bệnh tật…; Ngoại cảm có do rèn luyện theo những phương pháp đặc biệt.

Báo chí rất ít khi nhắc đến nguồn cơn bà Nguyễn Thị Nguyện (Nhà 12, ngách 45, ngõ 6, đường Phương Mai, Đống Đa – Hà Nội) trở thành nhà ngoại cảm như thế nào. Tuy nhiên, bà Nguyện được ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA (Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng) “dán tem” đảm bảo về chất lượng với khả năng tìm mộ chính xác đến 70%.

Từ Hà Nội, tìm thấy cả mộ ở Trung Quốc

Báo điện tử Ngoisao ngày 28/3/2007 có đăng tải một bài viết về quá trình tìm mộ tận bên kia biên giới của bà Nguyễn Thị Nguyện. Theo đó, gia đình ông Tập là người Việt Nam, nhưng họ đã có thời gian sống ở Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc. Lúc bà Tập mất, ông Tập chôn cất vợ nơi đất khách quê người và đưa các con trở về cố hương làm ăn sinh sống. Đến năm 1945, ông Tập mất.

Tháng 7/2000, các con ông Tập là bà Khánh và ông Niên đến nhờ bà Nguyện tìm mộ giúp. Sau khi nghe kể lại một vài chi tiết về nơi chôn cất của bà Tập ở Mông Tự, Vân Nam, bà Nguyện bắt đầu vẽ sơ đồ.

Sau nhiều ngày ở Vân Nam, cầm cuốn băng ghi âm có những lời hướng dẫn tỉ mỉ của bà Nguyện, gia đình bà gia đình bà Khánh đã tìm được mộ của mẹ và xây mới khang trang. Như vậy, sau nhiều năm day dứt, các con của ông Tập cũng đã tìm lại được ngôi mộ của mẹ mình nhờ vào khả năng ngoại cảm của bà Nguyện.

Bà Nguyễn Thị Nguyện (Ảnh: langngoaicam.wordpress)

Câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyện nhờ khả năng ngoại cảm đã tìm được chính xác cả người sống thất lạc gia đình gần 60 năm do báo của Liên hiệp khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) đăng tải đã khiến dư luận cả nước xôn xao trong suốt một thời gian dài.

Theo đó, ông Vũ Đức Thật, 65 tuổi (Trú tại, Trung Thịnh – Trường Thịnh – Ứng Hoà – Hà Tây) đã bày tỏ nỗi xúc động của mình khi tìm lại được người em trai mất tích từ năm 1945 mà gia đình ông tưởng không bao giờ còn được gặp lại trên trang uia.edu.vn.

Ông Thật kể, năm Ất Dậu (1945), nạn đói đã cướp đi cha và hai người trong số năm anh chị em nhà ông. Ông Thật và người chị gái phải đi làm thuê, ở đợ mỗi người một phương. Ba tháng sau khi cha mất, trên đường đưa người em út đi tha phương cầu thực kiếm miếng ăn, mẹ ông qua đời và người em út khi đó khoảng bốn tuổi cũng mất tích luôn. Sau chiến tranh, qua nhiều năm tìm kiếm gia đình hầu như đã hết hy vọng.

Gặp được bà Nguyễn Thị Nguyện, ông Thật đã tỏ ý mong muốn bà tìm mộ người em út và mẹ mình để người sống được yên lòng. Tuy nhiên, bà Nguyện cho biết, người em trai của ông chưa chết: “Em trai ông hiện nay vẫn còn sống – cô Nguyện nhắc lại từng lời rất rõ ràng – Năm 1945 đi cùng bà mẹ, khi bà chết có người đã bế đi theo hướng Cao Bằng – Lạng Sơn”– ông Thật tâm sự trên uia.edu.vn.

Bằng khả năng ngoại cảm của bà Nguyện, sau nhiều ngày dẫn lối chỉ đường ông Thật đã tìm được người em trai sau nhiều năm xa cách.

Linh hồn giả vẫn tìm thấy mộ thật

Vào năm 2007, phóng viên Bạch Ngân của báo điện tử Vietimes đã từng có một cuộc gặp gỡ vô cùng thú vị với bà Nguyễn Thị Nguyện để “tận mục sở thị” khả năng ngoại cảm của bà.

Ngoại cảm về bản chất một lĩnh vực nghiên cứu còn chưa nhận được đồng thuận             trong giới khoa học. Chính vì thế, công chúng càng cần một thái độ thận trọng,             tỉnh táo và cầu thị khi tiếp cận những thông tin “ngoại cảm”.

Với vai trò là người thân đi tìm “mộ” của “chú” mình là Nguyễn Văn Bùi sinh năm 1948 sau 40 năm “thất lạc”. Sau nhiều ngày chờ đợi, chầu chực tại nhà bà Nguyện, cuối cùng PV cũng gặp được bà.

Với cách xưng hô mày tao kiểu chợ búa, bà Nguyện chỉ hỏi mỗi tên tuổi năm mất của người đã khuất, thế rồi bà tuôn ra một tràng dài mô tả hình dáng người chú mà phóng viên muốn tìm.

“Chú mày nếu như tả ngày xưa thì về dáng, chú mày là người cao, gầy, chứ không phải là mập mạp, mặt hơi quắt, nét đi hơi vội vã. Đấy là tả về chú. Chú mày thì nói là tài, một là biết ngâm thơ, hai là biết thổi sáo. Đấy là nói về chú. Nếu như nói thời kỳ trước kia của chú mày mất, là có một người bạn chôn cho, và sau này có một người bạn báo lại là chú mày đã mất. Chú mày bấy giờ thì là người biết mọi việc về kinh tế chứ không phải là chú mày không biết. Nhưng chú mày có mắc một cái sai. Cho nên nói về ốm chết thì không đúng, chú mày hoàn toàn không bị ốm chết. Nhưng sau này, người ta nói là ốm chết vì không ai biết được tung tích của chú” – bà Nguyện nói với phóng viên Bạch Ngân như thế.

Sau đó, với một loạt hướng dẫn, bà Nguyện đã chỉ cho phóng viên tới một ngôi mộ ở thật ở nghĩ trang Yên Kỳ (Ba Vì – Hà Tây cũ).

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là phóng viên Bạch Ngân không có ông chú nào thất lạc tên Bùi cả. Cái tên đó là do phóng viên tự nghĩ ra.

Phải chăng, nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện đã có một khả năng “siêu phàm”, không chỉ “nói chuyện” được với người chết trong “cõi âm” để tìm mộ, mà còn nói chuyện được với cả linh hồn chưa từng có trên đời và vẫn mang lại được cho những linh hồn “giả” đấy một bộ hài cốt “thật”.

TAMTHUC